Hội thảo “Chính sách pháp luật thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam – Kinh nghiệm và thực tiễn”

Ngày 30/11/2024, tại Trường Đại học Luật TP.HCM đã diễn ra Hội thảo “Chính sách pháp luật thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam – Kinh nghiệm và thực tiễn” do nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức nhằm tạo diễn đàn học thuật trao đổi chính sách, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đánh giá cơ hội, thách thức trong áp dụng pháp luật tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM đã đánh giá tổng quan về sự phát triển của thực hành kinh doanh có trách nhiệm trên thế giới. PGS.TS. Trần Việt Dũng nhấn mạnh rằng các quốc gia hiện nay đặc biệt chú trọng đến việc đẩy mạnh vấn đề này, thể hiện mong muốn hướng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong xã hội. Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc được xem là kim chỉ nam toàn cầu, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với xã hội. Đồng thời, để bắt kịp xu hướng này, Việt Nam đã cam kết triển khai các chính sách để ủng hộ thực hành kinh doanh có trách nhiệm, bao gồm: trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội và trách nhiệm của xã hội đối với doanh nghiệp.Tuy nhiên, PGS.TS. Trần Việt Dũng cũng cho biết việc nghiên cứu về thực hành kinh doanh có trách nhiệm đối với Việt Nam là lĩnh vực vô cùng mới mẻ. PGS.TS. Trần Việt Dũng hy vọng hội thảo sẽ là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học và giảng viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần xây dựng cái nhìn tổng quan cho lĩnh vực này.


PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc tại hội thảo


PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường đại diện ban tổ chức trao tặng thư cảm ơn cho các đơn vị tài trợ


Tại hội thảo, Liên Hiệp Hợp Tác Xã Thương Mại Thành Phố Hồ Chí Minh đã trao tặng 20 triệu đồng vào Quỹ hỗ trợ sinh viên của Trường Đại học Luật TP.HCM

Hội thảo được chia làm 2 phiên. Phiên thứ nhất tập trung thảo luận về chủ đề “Pháp luật và thực tiễn thực thi pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm về môi trường” với 4 bài tham luận được trình bày, bao gồm:

- Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách, pháp luật về kinh doanh có trách nhiệm đối với bảo vệ môi trường - bài học cho Việt Nam - PGS.TS. Trần Thăng Long, TS. Trần Huỳnh Thanh Nghị, ThS. Dương Quốc Thịnh;

- Thực thi cam kết về môi trường trong các FTA thế hệ mới tại Việt Nam: tạo điều kiện thực hành kinh doanh có trách nhiệm hướng tới phát triển bền vững - TS. Đỗ Việt Cường, Nguyễn Thị Lan Anh, Nguyễn Quảng Hà;

- Xu hướng ban hành các quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại một số quốc gia trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam - TS. Đào Gia Phúc;

- Trách nhiệm minh bạch và giải trình của doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường và quy định của pháp luật Việt Nam - TS. Phạm Hồng Hạnh.


PGS.TS. Trần Thăng Long - Trưởng khoa Ngoại ngữ Pháp lý Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận đầu tiên


TS. Đỗ Việt Cường - Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận tại hội thảo


Đại diện của TS. Đào Gia Phúc trình bày tham luận tại hội thảo


TS. Phạm Hồng Hạnh - Trưởng Bộ môn Công pháp quốc tế, Khoa Pháp luật quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày tham luận tại hội thảo

Tại phiên thảo luận thứ hai, các học giả sẽ làm rõ vấn đề về “Pháp luật và thực tiễn thực thi pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm về lao động” với 3 bài tham luận được trình bày gồm:

- Tổng quan về xu hướng thực hành kinh doanh có trách nhiệm trên thế giới và kinh nghiệm các nước Châu Á - TS. Đỗ Quỳnh Chi;

- Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm trên thế giới và kinh nghiệm các nước Châu Á - TS. Hồ Xuân Dũng;

- Thực hành Trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp về tiền lương và mức lương đủ sống - Thúc đẩy việc làm thỏa đáng cho lao động, Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026 - ThS. Nguyễn Thị Minh Châu.


TS. Đỗ Quỳnh Chi - Giám đốc Chính sách Công khi vực Châu Á, Tập đoàn RBA (Responsible Business Alliance) trình bày tham luận tại hội thảo


TS. Hồ Xuân Dũng - Giảng viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại hội thảo

Dựa trên các bài tham luận, các học giả, chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận thẳng thắn, cởi mở nhằm hoàn thiện và bổ sung các quy định quan trọng trong chính sách pháp luật thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm. Các nội dung trao đổi bao gồm khung pháp lý với các chuẩn mực do tổ chức quốc tế đề ra (như ESG); kinh nghiệm, thực tiễn và vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ; nghĩa vụ của doanh nghiệp trong phát triển thực hành kinh doanh có trách nhiệm; vai trò và ý nghĩa của luật mềm trong các điều ước và hiệp định quốc tế; sự khác biệt giữa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và thực hành kinh doanh có trách nhiệm; tính khả thi của việc áp dụng đánh giá ESG cho mọi loại hình doanh nghiệp…

Các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên tham dự hội thảo đặt câu hỏi cho nhóm tác giả và cùng nhau thảo luận về các đề tài tham luận

Sau nhiều giờ làm việc hiệu quả, hội thảo đã thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực và mang tính xây dựng nhằm hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam. Qua buổi thảo luận, các học giả đã trình bày quan điểm về các vấn đề trong tham luận, đồng thời giải đáp những khúc mắc liên quan đến thực tiễn áp dụng, xu hướng quốc tế và cách thức triển khai pháp luật về kinh doanh có trách nhiệm trong các lĩnh vực môi trường và lao động.

Phát biểu kết luận hội thảo, TS. Đinh Thị Chiến - Giảng viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, thành viên đề tài cấp Bộ "Hoàn thiện pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam”, khẳng định rằng hội thảo đã đặt ra nhiều vấn đề thách thức, yêu cầu các nhà khoa học phải hoàn thiện khung pháp lý một cách phù hợp với thực tiễn, TS. Đinh Thị Chiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về ý nghĩa cốt lõi của thực hành kinh doanh có trách nhiệm, không chỉ để đáp ứng các yêu cầu pháp luật mà còn để phát triển bền vững và tham gia sâu hơn vào thị trường quốc tế.Bên cạnh đó, TS. Đinh Thị Chiến cho biết nhóm tác giả sẽ ghi nhận các đóng góp, ý kiến của các chuyên gia trong buổi hội thảo để tiếp tục hoàn thiện đề tài nghiên cứu trong thời gian sắp tới.

Các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm

Nội dung: Thảo Nguyên

Hình ảnh: Mai Khánh

Ban Truyền thông Ulaw