Diễn đàn Khoa học về Trọng tài - Hoà giải 2025 với chủ đề “Quản trị thời gian trong Tố tụng trọng tài: Yêu cầu từ thực tiễn và các công cụ thực hiện”

Sáng ngày 4/4/2025, Trường Đại học Luật TP. HCM đã phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt nam (VIAC) và Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Khoa học về Trọng tài - Hoà giải 2025 với chủ đề “Quản trị thời gian trong Tố tụng trọng tài: Yêu cầu từ thực tiễn và các công cụ thực hiện”. 

Toàn cảnh diễn đàn Khoa học về Trọng tài - Hoà giải 2025 tại Hội trường A.1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

Diễn đàn khoa học có sự hiện hiện của PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa - Thành viên Hội đồng Trung tâm, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART); LS. Nguyễn Văn Hậu - Uỷ viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM; LS. Châu Việt Bắc - Phó Giám đốc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh; LS. Nguyễn Mạnh Dũng – giám đốc ADR Chambers, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên Trung tâm hòa giải Việt Nam (VMC); LS. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên VMC; LS. Nguyễn Chính - Luật sư thành viên Công ty Luật Hợp danh Nghiêm & Chính, Trọng tài viên VIAC, Hoà giải viên VMC; LS. Lars Market - Luật sư Thành viên Nishimura & Asahi Tokyo; LS. Lê Nết - Luật sư Thành viên Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên, Trọng tài viên VIAC; LS. Ng Kim Beng - Luật sư Điều hành Rajah & Tann Singapore LLP; Trọng tài viên VIAC; LS. Lars Market - Luật sư Thành viên Nishimura & Asahi Tokyo ; LS. Đặng Việt Anh - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH ANHSIA, Trọng tài viên VIAC, Hoà giải viên VMC; LS. Nicky Balani - Giám đốc Bộ phận Trọng tài và Hoà giải Quốc tế, Trung tâm Trọng tài Thái Lan (THAC).

Về phía Trường Đại học Luật TP. HCM có: PGS. TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng các giảng viên và sinh viên Nhà trường có quan tâm. 

Phát biểu khai mạc diễn đàn PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa - Thành viên Hội đồng Trung tâm, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng hoạt động hoà giải và trọng tài đang trở nên quen thuộc trong thực tiễn pháp luật Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất mà các bên liên quan phải đối mặt là vấn đề quản lý thời gian - yếu tố then chốt quyết định hiệu quả của Trọng tài. “Công lý bị trì hoãn là công lý bị chối từ”, nếu một tranh chấp kéo dài quá lâu, giá trị công lý có thể bị suy giảm đáng kể. Quản trị thời gian trong tố tụng trọng tài không chỉ là trách nhiệm của Hội đồng trọng tài mà còn đòi hỏi sự tham gia của các luật sư, chuyên gia và tổ chức liên quan. Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam có thể học hỏi từ các hệ thống trọng tài tiên tiến để hoàn thiện quy trình giải quyết tranh chấp, nâng cao tính minh bạch và niềm tin của doanh nghiệp. Diễn đàn Khoa học về Trọng tài – Hòa giải 2025 sẽ là cơ hội để các chuyên gia, luật sư và doanh nghiệp cùng thảo luận, đề xuất giải pháp tối ưu hóa hiệu quả tố tụng trọng tài.

PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa - Thành viên Hội đồng Trung tâm, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ chìa khoá nâng cao hiệu quả trọng tài và hoà giải trong giải quyết tranh chấp - Quản trị thời gian

PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM khẳng định, Tố tụng trọng tài ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại và kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Sự phát triển trong quan hệ giao dịch quốc tế đã tạo ra những tranh chấp, mâu thuẫn ngày càng phức tạp. Học hỏi từ các hệ thống trọng tài phát triển tạo cơ sở nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các chuyên gia, nhà lập pháp trao đổi, góp phần hoàn thiện khung pháp lý, tạo nền tảng vững chắc cho trọng tài tại Việt Nam.

PGS.TS. Trần Việt Dũng khẳng định Tố tụng trọng tài đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại và kinh doanh

LS. Nguyễn Văn Hậu, Uỷ viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM, chia sẻ: Trước khi Luật Trọng tài Thương mại 2010 ra đời, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn e ngại khi lựa chọn trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tố tụng trọng tài đã dần khẳng định được vị thế nhờ vào ưu điểm vượt trội về thời gian giải quyết nhanh chóng và khả năng chủ động trong việc điều phối quy trình tố tụng. Theo nguyên tắc “Phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm, không bị kháng cáo, kháng nghị”, phương thức này giúp tránh được sự kéo dài không cần thiết của tranh chấp. Tuy nhiên, nếu tòa án hủy phán quyết một cách không hợp lý, điều này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các bên. Với nguyên tắc “phán quyết trọng tài có hiệu lực thi hành ngay”, việc quản trị thời gian trong tố tụng trọng tài trở nên vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với các luật sư tham gia. Luật sư trong tố tụng trọng tài không chỉ có vai trò tư vấn pháp lý, mà còn phải hợp tác chặt chẽ với các bên để đảm bảo phán quyết công bằng, khách quan, đồng thời luôn tuân thủ các nguyên tắc độc lập, trung thực và tôn trọng sự thật khách quan.

LS. Nguyễn Văn Hậu, Uỷ viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng Luật sư trong Tố tụng trọng tài có vai trò khác biệt với Luật sư trong Tố tụng tòa án 

PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa - Thành viên Hội đồng Trung tâm, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và LS. Nguyễn Văn Hậu - Uỷ viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM trao tặng quà tri ân đến các chuyên gia và diễn giả 

Phiên thảo luận 1 với chủ đề “Quản trị thời gian trong tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp tại trọng tài”  với sự điều phối của LS. Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc ADR Chambers, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) cùng với sự tham gia của các chuyên gia: LS. Lương Văn Lý - Cố vấn Cao cấp Công ty Luật TNHH Global Vietnam Lawyers, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); LS. Nguyễn Quốc Vinh - Luật sư Sáng lập Công ty Luật TNHH Scientia, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC); LS. Vũ Lê Bằng - Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH Nishimura & Asahi Việt Nam. Chủ đề này đặc biệt nổi bật trong bối cảnh trọng tài đang ngày càng trở thành lựa chọn ưu tiên của doanh nghiệp trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, nhất là khi quy trình giải quyết tranh chấp tại tòa án có thể kéo dài và tốn kém.

Một trong những vấn đề quan trọng được các diễn giả nhấn mạnh là việc “Hoãn phiên họp giải quyết tranh chấp: ảnh hưởng và các cân nhắc”. TS. LS. Nguyễn Quốc Vinh - Luật sư sáng lập Công ty Luật TNHH Scientia, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Hoà giải viên Trung tâm Hoà giải Việt Nam (VMC) khẳng định rằng việc hoãn phiên họp không chỉ có thể vi phạm nguyên tắc trọng tài mà còn gây thiệt hại cho các bên liên quan nếu không được xử lý một cách hợp lý và minh bạch. Việc trì hoãn có thể làm mất đi tính hiệu quả của quy trình trọng tài, giảm sự tin tưởng của các bên vào cơ chế này. Do đó, theo TS. Nguyễn Quốc Vinh, các bên cần phải có lý do hợp lý và minh bạch khi đề xuất hoãn phiên họp, đồng thời cần có sự thống nhất cao trong việc xác định thời gian cụ thể cho từng bước trong quy trình tố tụng.

TS. LS. Nguyễn Quốc Vinh trình bày tham luận với chủ đề: “Vấn đề hoãn phiên họp: Ảnh hưởng và cân nhắc” trong Tố tụng trọng tài

Trong khi đó, LS. Vũ Lê Bằng - Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH Nishimura & Asahi đã trình bày chủ đề: “Giới hạn thời lượng, số lượng phiên họp và phân chia thời gian tổ chức phiên họp hiệu quả” và đưa ra quan điểm rằng mặc dù không thể và không nên đặt ra giới hạn cứng nhắc về số lượng phiên họp, nhưng việc quản lý thời gian một cách hiệu quả và hợp lý là vô cùng cần thiết. Theo LS. Vũ Lê Bằng, việc đảm bảo các phiên họp được tổ chức đúng lịch và không bị kéo dài vô lý là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính công bằng và sự tối ưu trong việc giải quyết tranh chấp. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, trong đó luật sư đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến trình tố tụng mà vẫn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên.

LS. Lê Vũ Bằng triển khai một số kinh nghiệm thức tế trong vấn đề quản trị thời gian trong hoạt động Tố tụng trọng tài

LS. Lương Văn Lý - Cố vấn cao cấp Công ty Luật TNHH Global Vietnam Lawyers, Trọng tài viên VIAC cũng chia sẻ rằng việc hoãn phiên họp chỉ nên được thực hiện khi có căn cứ hợp lý và chỉ được hoãn một lần, tránh việc kéo dài quá trình giải quyết tranh chấp mà không có lý do chính đáng. LS. Lương Văn Lý nhấn mạnh việc hoãn phiên họp phải được xem xét một cách thận trọng để không làm ảnh hưởng đến sự công bằng của quá trình tố tụng trọng tài, đồng thời đảm bảo tính kịp thời của phán quyết trọng tài.

LS. Lương Văn Lý nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc công bằng trong hoạt động Tố tụng

Phiên thảo luận 1 xoay quanh chủ đề: “Quản trị thời gian trong tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp tại trọng tài

Tại Phiên 2 với chủ đề “Kiểm soát các vấn đề phát sinh sau phiên họp giải quyết tranh chấp và hạn chế kéo dài vụ tranh chấp” điều phối viên LS. Châu Việt Bắc - Phó Giám đốc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Chi nhánh TP. HCM kiêm Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng các diễn giả: LS. Nguyễn Chính - Luật sư thành viên Công ty Luật Hợp danh Nghiêm & Chính, Trọng tài viên VIAC, Hoà giải viên VMC; LS. Nguyễn Công Phú - Nguyên Phó Chánh Án tòa Kinh tế TAND TP. HCM, Luật sư thành viên LNT & Partners, Trọng tài viên VIAC; LS. Phạm Quốc Tuấn - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH DIMAC, Trọng tài viên VIAC, Hoà giải viên VMC đã có những tham luận sôi nổi xoay quanh chủ đề này. 

Các vấn đề phát sinh sau phiên họp có thể làm kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp. Các tình huống liên quan đến việc cung cấp chứng cứ, các vấn đề phát sinh trong quá trình thương lượng và hòa giải, cũng như việc thực thi phán quyết trọng tài sẽ là trọng tâm của phiên thảo luận tiếp theo. Các đề xuất về cải cách pháp lý cũng được đưa ra trong phiên thảo luận này, trong đó có việc sửa đổi Điều 61 của Luật Trọng tài Thương mại, quy định rõ hơn về thời gian ban hành phán quyết trọng tài. Việc này nhằm đảm bảo tính kịp thời và minh bạch trong quá trình giải quyết tranh chấp, đồng thời giúp giảm thiểu các tình huống kéo dài vụ án do các vấn đề phát sinh sau phiên họp giải quyết tranh chấp. Những cải cách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp thương mại tại Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả và niềm tin vào cơ chế trọng tài.

Tiếp nối phiên toàn thể với các phân tích về những vấn đề thực tiễn trong giải quyết tranh chấp, phiên chuyên môn tập trung thảo luận về các công cụ quản lý tranh chấp đang được áp dụng phổ biến trên thế giới. Trong đó, hai công cụ chính được nhấn mạnh là (i) kỹ thuật phân nhánh vụ tranh chấp và (ii) quy trình giải quyết rút gọn được phân tích lần lượt tại hai phiên thảo luận.

Phiên thảo luận 2 xoay quanh vấn đề “Kiểm soát vấn đề phát sinh sau phiên họp giải quyết tranh chấp, hạn chế kéo dài vụ tranh chấp” (từ trái qua phải LS. Châu Việt Bắc; LS. Nguyễn Chính; LS. Phạm Quốc Tuấn; LS. Nguyễn Công Phú)

Phiên A với chủ đề - Phân nhánh thủ tục nhằm rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp phức tạp dưới sự điều phối của LS. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên, Trọng tài viên VIAC, Hoà giải viên VMC và sự trao đổi sôi nổi đến từ các chuyên gia: LS. Lê Nết - Luật sư Thành viên Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên, Trọng tài viên VIAC; LS. Lars Market - Luật sư Thành viên Nishimura & Asahi Tokyo ; LS. Đặng Việt Anh - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH ANHSIA, Trọng tài viên VIAC, Hoà giải viên VMC.

Trong khuôn khổ Phiên A của Diễn đàn Khoa học về Trọng tài và Hòa giải 2025, các chuyên gia đã bàn luận sâu sắc về việc áp dụng phương pháp phân nhánh thủ tục như một giải pháp tối ưu nhằm rút ngắn thời gian giải quyết những tranh chấp phức tạp. Phân nhánh thủ tục giúp phân tách các vấn đề tranh chấp riêng biệt, từ đó giải quyết từng vấn đề một cách độc lập và hiệu quả, đồng thời giảm thiểu sự trì hoãn không cần thiết trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên, để áp dụng phương án này thành công, các yếu tố như tính chất vụ việc, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, và các chiến thuật có thể làm kéo dài quá trình tố tụng cần được xem xét kỹ lưỡng.

Một ví dụ rõ ràng là trong các tranh chấp đầu tư quốc tế, đặc biệt là khi một bên kiện chính phủ quốc gia, việc phân nhánh có thể tách các vấn đề về thẩm quyền ra khỏi các vấn đề nội dung tranh chấp. Cách tiếp cận này không chỉ giúp xử lý nhanh chóng những vấn đề pháp lý phức tạp mà còn giảm thiểu nguy cơ tạm hoãn vụ kiện do tranh chấp về thẩm quyền. Tuy nhiên, việc áp dụng phân nhánh phải đảm bảo sự công bằng cho tất cả các bên liên quan, tránh để phương thức này trở thành công cụ chiến thuật nhằm kéo dài thời gian tố tụng. Các khuyến nghị từ diễn đàn nhấn mạnh việc áp dụng quy trình phân nhánh một cách linh hoạt và hợp lý, nhằm tạo ra môi trường tố tụng vừa hiệu quả, vừa công bằng, đáp ứng nhu cầu phát triển của hệ thống trọng tài.

Phiên A với chủ đề - Phân nhánh thủ tục nhằm rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp phức tạp đã đón nhận sự đóng góp sôi nổi từ các diễn giả và các thành viên tham gia (từ trái qua phải LS. Hoàng Nguyễn Hạ Quyên; LS. Đặng Việt Anh; TS. LS. Lê Nết và TS. LS. Lars Market tham gia qua hình thức trực tuyến)

Phiên B với chủ đề - Áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp không phức tạp dưới sự điều phối của PGS. TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM và sự trao đổi sôi nổi đến từ các chuyên gia: LS. Nguyễn Thị Thanh Minh - Cố vấn cấp cao và Trưởng bộ phận Giải quyết tranh chấp của ACSV Legal; LS. Ng Kim Beng - Luật sư Điều hành Rajah & Tann Singapore LLP; LS. Nicky Balani - Giám đốc Bộ phận Trọng tài và Hoà giải Quốc tế, Trung tâm Trọng tài Thái Lan (THAC).

Các chuyên gia đã phân tích điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn tại Việt Nam, đồng thời so sánh với các cập nhật mới từ thực tiễn trọng tài quốc tế. Trong thủ tục này, thời gian giải quyết tranh chấp được rút ngắn đáng kể, giúp các bên đạt được phán quyết nhanh chóng mà vẫn đảm bảo tính công bằng và minh bạch. Tuy nhiên, mức giá ngạch áp dụng thủ tục rút gọn không cố định và có thể thay đổi theo từng trung tâm trọng tài, dẫn đến tình huống tranh chấp ban đầu được xác định dưới mức ngạch nhưng sau đó lại vượt quá giới hạn do sự điều chỉnh yêu cầu khởi kiện. Điều này đặt ra thách thức về tính linh hoạt và sự điều chỉnh của cơ quan trọng tài trong từng vụ việc.

Một điểm quan trọng khác là vai trò của trọng tài viên trong quy trình rút gọn. Họ không chỉ chịu trách nhiệm đảm bảo tiến trình tố tụng diễn ra nhanh chóng, mà còn phải cân đối giữa hiệu quả xử lý và sự tuân thủ các nguyên tắc tố tụng chặt chẽ. Một số khuyến nghị được đưa ra nhằm tối ưu hóa quy trình, trong đó có việc Tổng Thư ký hoặc Chủ tịch Hội đồng trọng tài có quyền gia hạn thời gian ra phán quyết nếu phát sinh các yếu tố bất ngờ. Ngoài ra, diễn đàn cũng thảo luận về khả năng áp dụng thủ tục rút gọn cho các tranh chấp liên quan đến bất động sản, hợp đồng có giá trị xác định nhưng không có yếu tố tài chính đi kèm, và cách xử lý những vụ việc có yếu tố phức tạp nhưng vẫn có thể hưởng lợi từ quy trình này. Những đề xuất này góp phần hoàn thiện cơ chế áp dụng thủ tục rút gọn, giúp nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Phiên B với chủ đề - Áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp không phức tạp đã đón nhận sự đóng góp sôi nổi từ các diễn giả và các thành viên tham gia (từ trái qua phải LS. Nguyễn Thị Thanh Minh, PGS. TS. Trần Việt Dũng; LS. Nicky Balani và LS. Ng Kim Beng tham gia qua hình thức trực tuyến) 

Diễn đàn Khoa học về Trọng tài - Hòa giải 2025 đã mang đến những góc nhìn đa chiều và các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả quản trị thời gian trong tố tụng trọng tài. Thông qua các phiên thảo luận chuyên sâu, các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát thời gian tố tụng, hạn chế sự trì hoãn không cần thiết và tối ưu hóa quy trình giải quyết tranh chấp.

Với sự phát triển nhanh chóng của thương mại và đầu tư, trọng tài ngày càng khẳng định vai trò là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, nhanh chóng và minh bạch. Việc nâng cao năng lực quản trị thời gian trong tố tụng trọng tài sẽ củng cố niềm tin của doanh nghiệp, thu hút đầu tư và góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý Việt Nam. Những nội dung được chia sẻ tại diễn đàn không chỉ có giá trị học thuật mà còn mang tính ứng dụng cao, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của trọng tài thương mại trong thời gian tới.

Diễn đàn là cơ hội để trao đổi và học hỏi kinh nghiệm

Diễn đàn là cơ hội để trao đổi và học hỏi kinh nghiệm

Diễn đàn là cơ hội để trao đổi và học hỏi kinh nghiệm

Diễn đàn là cơ hội để trao đổi và học hỏi kinh nghiệm

Diễn đàn là cơ hội để trao đổi và học hỏi kinh nghiệm

Nội dung: Thục Quyên

Hình ảnh: Thanh Hoàng, Quỳnh Trâm

Ban Truyền thông Ulaw