Tọa đàm “cơ chế giám sát của tòa án với hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài”

Vào chiều ngày 24/4/2025, Trường Đại học Luật TP. HCM phối hợp Trung Tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm “Cơ chế giám sát của Tòa án với hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài” tại phòng họp A. 905, cơ sở Nguyễn Tất Thành.

Tọa đàm “Cơ chế giám sát của Tòa án với hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài”

GSTS. Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng ĐHL HCM, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó Chủ tịch HĐKH VIA (trái) và PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa - Thành viên Hội đồng Trung tâm, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (phải) tại buổi tọa đàm

Tham dự buổi tọa đàm có các chuyên gia, khách mời:

- TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC);

- Bà Nguyễn Thị Thùy Dung – Phó Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh;

- PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa - Thành viên Hội đồng Trung tâm VIAC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART);

- GSTS. Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng ĐHL HCM, Trọng tài viên VIAC, Phó Chủ tịch HĐKH VIA;

- LS. Nguyễn Văn Hậu - Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh;

- LS. Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc ADR Vietnam Chambers LLC, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC);

- TTV Lê Xuân Thân, Đại biểu QH, Trưởng Chi nhánh VIAC tại Khánh Hòa;

- LS. Trần Duy Cảnh - Luật sư Thành viên Công ty Luật TNHH Dentons Luật Việt, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên VMC;

- LS Đặng Việt Anh, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANHISA, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên VMC;

- Bà Ủ Thị Bạch Yến, Nguyên Phó Chánh Toà Kinh tế Tòa án nhân dân TP. HCM, Trọng tài viên VIAC;

- LS Hoàng Nguyễn Hạ Quyên, Luật sư điều hành Công ty Luật LNT và Thành viên, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên VMC;

- TTV Phan Gia Quí, Nguyên Chánh toà Kinh tế Tòa án nhân dân TP. HCM, Trọng tài viên VIAC;

- LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký VIAC.

Buổi tọa đàm được tổ chức với 03 nội dung chính phản ánh sự quan tâm sâu sắc đối với vai trò của trọng tài thương mại trong bối cảnh phát triển kinh tế và cải cách tư pháp hiện nay, đồng thời thảo luận về cơ chế giám sát của Tòa án trong hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài:

(i) Chủ đề “Trọng tài thương mại trong Chiến lược Cải cách Tư pháp thương mại, phát triển Kinh tế tư nhân” do PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa - Thành viên Hội đồng Trung tâm VIAC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART) trình bày;

(ii) Chủ đề “Vai trò của trọng tài thương mại đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam và sự cần thiết nâng tầm vị thế của trọng tài” do TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trọng tài viên VIAC trình bày

(iii) Chủ đề “Vai trò và thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động của Trọng tài tại Việt Nam trong bối cảnh thay đổi của Dự thảo Luật Tổ chức TAND, Nghị quyết thành lập Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan - Góc nhìn và kinh nghiệm từ quốc tế” do GS.TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Trọng tài viên VIAC trình bày

Tại phần trình bày thứ nhất và thứ hai, các diễn giả nhấn mạnh vai trò quan trọng của trọng tài thương mại trong việc giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các tranh chấp thương mại, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, để trọng tài thương mại thực sự trở thành công cụ hiệu quả trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần thiết phải hoàn thiện thể chế pháp lý, trong đó có quá trình hài hoá và quốc tế hoá pháp luật trọng tài, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các quy định tại Luật mẫu UNCITRAL, sự phối hợp và hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, mà trực tiếp là hệ thống toà án.

Ở chủ đề thứ ba, theo Dự thảo Luật Tổ chức TAND, TAND cấp tỉnh chỉ “sơ thẩm vụ án hình sự theo quy định pháp luật, tức giao thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài về TAND cấp khu vực. Quy định này có nhiều bất cập và tác giả cho rằng không phù hợp vì các nguyên nhân: (i) Các tranh chấp trọng tài là tranh chấp có tính đặc thù, giá trị lớn, phức tạp nên đòi hỏi thẩm phán phải có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết nhất định về lĩnh vực này; (ii) Việc Dự thảo quy định giao thẩm quyền xét xử cho Tòa án nhân dân cấp khu vực hiện không tương thích với xu hướng quốc tế; (iii) Việc Dự thảo chuyển thẩm quyền cho Tòa án cấp khu vực đối với hoạt động trọng tài có thể ảnh hưởng đến thành phần giải quyết của Hội đồng xét đơn chỉ gồm một thẩm phán tương thích với thành phần của các vụ việc dân sự khác thay vì ba thẩm phẩn, dẫn đến khả năng sai sót khi xét đơn yêu cầu.

Thảo luận về vấn đề nêu trên, TS. Phan Đức Hiếu cho biết cần cân nhắc việc trao quyền cho Tòa án cấp khu vực vì không nên xem xét Tòa án cấp nào ít việc hơn thì giao cho cấp đó mà phải xem xét dựa trên tính chuyên môn của cấp đó rồi phân chia, đảm bảo tính hiệu quả, công bằng và thuyết phục.

TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Uỷ ban kinh tế Tài chính của Quốc hội phát biểu

Tại toạ đàm, Trọng tài viên Lê Xuân Thân - Đại biểu Quốc Hội, Trưởng Chi nhánh VIAC tại Khánh Hòa nhấn mạnh sự cần thiết của việc tổng hợp các ý kiếnđể gửi về Uỷ ban tư pháp và cần dựa trên cơ sở lợi ích doanh nghiệp để yêu cầu chỉnh sửa những quy định này. Theo đó, trọng tài viên cho rằng quá trình giải quyết tranh chấp trọng tài là các tranh chấp mang giá trị rất lớn và mang tính đặc thù nên đòi hỏi tính chuyên môn hóa cao và chỉ có Tòa án cấp tỉnh mới có kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề; không đưa những quy định về trung tâm trọng tài của trung tâm tài chính một cách riêng biệt trong Nghị quyết; cần mở ra quyền thỏa thuận hủy trong khung pháp lý trọng tài, phán quyết đương nhiên chấp hành, không có khiếu nại.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung – Phó Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh đóng góp ý kiến

TTV Phan Gia Quí, Nguyên Chánh toà Kinh tế Tòa án nhân dân TP. HCM, Trọng tài viên VIAC chia sẻ ý kiến, đóng góp

Xuyên suốt toạ đàm, các đại biểu, khách mời đã cùng thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về vấn đề giám sát của Tòa án đối với hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài hiện nay. Các ý kiến xoay quanh vấn đề mang tính chuyên môn hóa như thẩm quyền của trọng tài, quy định về phán quyết trọng tài được ghi nhận trong luật,..

Các vị đại biểu, quý khách mời chụp ảnh lưu niệm

Nội dung: Phan Thy

Hình ảnh: Minh Tú

Ban truyền thông Ulaw