Hội thảo khoa học góp ý dự thảo “Nghị quyết hướng dẫn một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình”

Sáng ngày 13/12/2023, nhằm tạo ra diễn đàn thảo luận về các vấn đề liên quan đến giải quyết vụ việc trong hôn nhân và gia đình, Trường Đại học Luật TP. HCM, Khoa Luật Dân sự đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo “Nghị quyết hướng dẫn một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình”tại Hội trường A.1002.

Hội thảo khoa học Góp ý dự thảo “Nghị quyết hướng dẫn một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình” do Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức

Tham dự hội thảo, có sự hiện diện của PGS.TS. Vũ Thị Hồng Yến – Trưởng Khoa Luật - ĐH Sài Gòn; LS. Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội bảo vệ trẻ em TP. HCM; Ông Nguyễn Đức Phước - Chánh án TAND quận Bình Tân; Ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Chánh án TAND Quận Gò Vấp; Bà Võ Thị Hồng Mai - Phó Chánh Toà Dân sự TAND tỉnh Tây Ninh; Bà Đỗ Thị Hương - Phó Chánh Toà Dân sự, TAND huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh; Bà Đinh Thị Thanh Hoa - Thẩm phán TAND TP. Tây Ninh; Bà Đặng Thị Tám - Thẩm phán TAND quận Gò Vấp; Bà Lê Duy Bảo Chinh - Kiểm sát viên, VKSND quận Gò Vấp; ThS.LS.TTV. Nguyễn Đức Thắng Ý - Hãng Luật YLaw & Partners; LS. Huỳnh Minh Vũ - Văn phòng LS Huỳnh Minh Vũ; ThS. LS Hàm ZiCo - Công ty Luật QHN; Nhà báo Châu Thị Yến - Báo Pháp luật TP. HCM. Tham dự trực tuyến qua nền tảng Zoom có sự hiện của TS. Phan Thị Thu Hà - Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TAND Tối cao.

Về phía nhà trường, có sự tham dự của TS. Nguyễn Xuân Quang - Trưởng Khoa Luật Dân sự; TS. Nguyễn Văn Tiến - Phó Trưởng Khoa Luật Dân sự; TS. Lê Vĩnh Châu - Phó Trưởng Khoa Luật Dân sự; TS. Nguyễn Thị Bích - Trưởng Bộ môn Luật lao động; TS. Nguyễn Phương Thảo - Trưởng Bộ môn Luật Dân sự, cùng các giảng viên của Khoa Luật Dân sự, sinh viên của Trường Đại học Luật TP.HCM.

Đồng chủ trì Hội thảo (từ trái sang phải) TS. Nguyễn Xuân Quang - Trưởng Khoa Luật Dân sự và TS. Nguyễn Văn Tiến - Phó Trưởng Khoa Luật Dân sự

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Quang - Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo cho biết Luật HNGĐ năm 2014 đã cơ bản giải quyết các mối quan hệ phát sinh trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập quốc tế, nền kinh tế nước ta đang có sự chuyển biến mạnh mẽ, dẫn đến các quan hệ xã hội nói chung và các quan hệ hôn nhân gia đình nói riêng phát sinh nhiều điểm mới, trong khi đó pháp luật chưa có sự điều chỉnh phù hợp. Chính vì thế, TAND Tối cao đã có dự thảo hướng dẫn xét xử bao gồm những vấn đề liên quan đến quyền lợi của con chưa thành niên, căn cứ giải quyết tranh chấp, việc nuôi con chưa thành niên và trình tự thủ tục giải quyết. Từ những vấn đề đó, TS. Nguyễn Xuân Quang mong muốn nhận được sự đóng góp tích cực để xây dựng dự thảo hoàn thiện và phù hợp.

TS. Nguyễn Xuân Quang - Trưởng Khoa Luật Dân sự phát biểu khai mạc Hội thảo

Mở đầu Hội thảo, ThS. Lê Thị Mận - Giảng viên Khoa Luật Dân sự cho rằng trong bối cảnh nhiều quy định của Luật HNGĐ năm 2014 cùng các văn bản là nguồn của Luật còn dừng lại ở góc độ nguyên tắc, định hướng chung cho việc xác lập quan hệ hôn nhân và gia đình. Dự thảo Nghị quyết của HĐTPTANDTC được dự liệu là cần thiết đối với nhận thức và áp dụng pháp luật thống nhất trong giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình. Nhưng với 10 nội dung được dự liệu còn bó hẹp so với yêu cầu của thực tiễn, Dự thảo Nghị quyết chưa đáp ứng được kỳ vọng khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật. Điều này đặt ra yêu cầu cho Cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc tiếp tục nghiên cứu, mở rộng phạm vi nội dung điều chỉnh của Dự thảo Nghị quyết.

ThS. Lê Thị Mận - Giảng viên Khoa Luật Dân sự trình bày về sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết và gợi ý mở rộng phạm vi điều chỉnh

ThS.NCS. Nguyễn Đức Phước trình bày đề tài với chủ đề “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong pháp luật về hôn nhân và gia đình”. Việc ban hành Nghị quyết về hướng dẫn chi tiết thi hành Luật HNGĐ năm 2014 nói chung và vấn đề thuận tình ly hôn là cần thiết. Tuy nhiên, đối với “thuận tình ly hôn”, Dự thảo Nghị quyết hiện nay chưa đáp ứng được. Chính vì thế, ThS.NCS. Nguyễn Đức Phước cho rằng Nghị quyết cần xây dựng, quy định chi tiết kết hợp với việc vận dụng thực tiễn nước ngoài để giải quyết các vấn đề thuận tình ly hôn để việc áp dụng được thống nhất, bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho các bên và nhất là cho quyền lợi của trẻ em và phụ nữ vì họ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi một cuộc hôn nhân đổ vỡ.

ThS.NCS. Nguyễn Đức Phước - Chánh án TAND Quận Bình Tân, TP. HCM trình bày về “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong pháp luật về hôn nhân và gia đình”

Luật sư Huỳnh Minh Vũ trình bày tham luận về vấn đề cần có hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn theo “nơi làm việc” của bị đơn. Việc xác định chính xác địa chỉ của bị đơn có vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc xác định này cũng dễ dàng. Trên thực tế có nhiều trường hợp vợ/chồng không đồng ý ly hôn nên trốn tránh, cố tình che giấu địa chỉ dẫn đến sự khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án. Để khắc phục tình trạng này trong Dự thảo Nghị quyết của HĐTPTANDTC đã có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp không rõ địa chỉ bị đơn trong giải quyết vụ án ly hôn tại Điều 10. Với cơ sở đó, LS. Huỳnh Minh Vũ đã đề xuất bổ sung thêm khoảng thời gian cụ thể trong bao lâu sau khi có thông báo lần thứ hai thì Tòa án sẽ đưa ra vụ án xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung.

Luật sư Huỳnh Minh Vũ trình bày tham luận về vấn đề cần có hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn theo “nơi làm việc” của bị đơn

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội bảo vệ trẻ em TP. HCM trình bày về vấn đề giải quyết tranh chấp quyền nuôi con

Hội thảo Khoa học nhận được sự quan tâm từ đông đảo các bạn sinh viên

Buổi Hội thảo kết thúc thành công nhờ vào sự đóng góp tích cực, chuyên nghiệp của các thành viên tham dự

Sau nhiều giờ làm việc,Hội thảo đã gợi mở và phân tích đa chiều về các vấn đề giải quyết các vụ việc trong hôn nhân và gia đình; từ đó đưa ra những ý kiến, quan điểm lý luận và các hướng khắc phục nhằm xây dựng và hoàn thiện nền tảng pháp lý nước ta thông qua “Nghị quyết hướng dẫn một số vấn đề trong giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình”. Đồng thời, Ban tổ chức bày tỏ sự cảm kích trước sự quan tâm, tham gia và thảo luận sôi nổi của các vị đại biểu trong suốt thời gian diễn ra Hội thảo.

Nội dung: Thanh Vi

Hình ảnh: Mai Hương

Ban Truyền thông Ulaw

 

 

 

 

 

--%>
Top