Đa dạng các giải pháp tăng cường mối liên kết giữa nhà trường và các đơn vị sử dụng lao động

Với mục đích đánh giá thực trạng công tác kết nối giữa Nhà trường và đơn vị sử dụng lao động trong quá trình đào tạo và giới thiệu việc làm, từ đó đề xuất các phương hướng, chính sách để hỗ trợ sinh viên, sáng ngày 08/01/2020 Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức “Hội thảo gắn kết Nhà trường và đơn vị sử dụng lao động trong quá trình đào tạo, tuyển dụng nhân sự”.


Hội thảo thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia trong và ngoài Nhà trường

Ban chủ trì Hội thảo lần này gồm có PGS.TS Trần Hoàng Hải - Bí thư Đảng Ủy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường; PGS.TS Bùi Xuân Hải - Phó Bí thư Đảng Ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Lê Trường Sơn - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Trưởng Ban liên lạc Hội cựu Sinh viên; TS. Võ Thị Kim Oanh - Chủ tịch Hội đồng Trường. Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự tham dự và đóng góp tham luận của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.


PGS.TS Trần Hoàng Hải - Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo được chia làm 02 phiên, với các tham luận xoay quanh chủ đề gắn kết Nhà trường với các đơn vị sử dụng lao động, cũng như về câu chuyện nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Phiên thứ nhất của Hội thảo được diễn ra với 03 bài tham luận:

- Tham luận “Nâng cao chất lượng đào tạo và mối quan hệ với các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” do ông Nguyễn Hoàng Dũng trình bày;

- Tham luận “Chính sách gắn kết Trường Đại học Luật TP.HCM với các đơn vị sử dụng lao động – Một định hướng lớn phát triển Nhà trường trong giai đoạn hiện nay” do TS. Phan Anh Tuấn trình bày;

- Tham luận “Một số ý kiến về việc gắn kết Nhà trường với đơn vị sử dụng lao động” do Luật sư Trương Nhật Quang trình bày.

Hội thảo được chủ trì bởi TS. Lê Trường Sơn, PGS.TS. Trần Hoàng Hải, PGS.TS. Bùi Xuân Hải, TS. Võ Thị Kim Oanh (từ trái sang)

Trong phiên thảo luận này, ngoài việc nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và việc ký kết các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới đối với việc tuyển dụng sinh viên, ông Nguyễn Hoàng Dũng cũng cho biết điều mà các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm nhất hiện nay là chất lượng đào tạo của sinh viên cả về chuyên môn, kỹ năng mềm lẫn thái độ trong công việc. Việc xác định và giải quyết bài toán khó về đào tạo nhân sự cho doanh nghiệp sẽ giúp người trẻ - thế hệ tương lai của đất nước - định vị được vị trí của họ trong môi trường doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy vấn đề nâng cao chất lượng sinh viên có một số khó khăn nhất định như cơ sở hạ tầng, sự hấp dẫn trong chương trình đào tạo, tài năng giảng viên,...

Hội thảo cũng tiến hành thảo luận về cơ sở chính sách gắn kết Trường Đại học Luật TP.HCM với các đơn vị sử dụng lao động ở nhiều cấp độ: xã hội (ngoài Nhà trường), Nhà trường, các khoa – phòng ban và cấp độ giảng viên. Trong đó, đối với cấp độ xã hội, sứ mệnh đào tạo của Nhà trường là tạo ra những người phù hợp với nhu cầu và sự kỳ vọng của xã hội, vì chỉ khi gắn liền với xã hội, các “sản phẩm đào tạo” của Nhà trường mới có giá trị, uy tín của Nhà trường mới được nâng cao.


Ông Nguyễn Hoàng Dũng trình bày bài tham luận của mình

Ngoài ra, Luật sư Trương Nhật Quang đã đưa ra một số ý kiến về việc gắn kết Nhà trường với các đơn vị sử dụng lao động trong nhiều tiêu chí khác nhau. Đối với hình thức gắn kết, mặc dù hiện nay được đánh giá là đa dạng, nhưng vấn đề cốt lõi nằm ở việc “sản phẩm đào tạo” từ Nhà trường phải được các đơn vị sử dụng lao động chấp nhận cho dù áp dụng bất kỳ hình thức nào. Điều này đòi hỏi Nhà trường cần chủ động nắm bắt được xu hướng mới nhất trong thị trường lao động tại Việt Nam. Hơn nữa, hầu hết các đơn vị sử dụng lao động hiện nay đều có xu hướng chú trọng kiến thức thực tiễn hơn là kiến thức hàn lâm thu được trong sách vở. Đây cũng được xem là thách thức đối với cả người học và người dạy trong việc đào tạo nguồn nhân lực khi trong Nhà trường vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu sự kết nối kiến thức giữa các ngành Luật, kỹ năng xử lý tình huống của sinh viên vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Buổi Hội thảo tiếp tục đến với phiên thứ hai với 03 bài tham luận:

- Tham luận “Nâng cao chất lượng giảng dạy chương trình đào tạo đặc biệt với sự tham gia của các chuyên gia và tổ chức tại Trường Đại học Luật TP.HCM” do ThS. Nguyễn Thị Ngọc Duyên trình bày;

- Tham luận “Phương pháp huấn luyện năng lực thực hành nghề luật của LAW AT WORK” do Luật sư Nguyễn Văn Doanh trình bày;

- Tham luận “Định hướng liên kết giữa Sacombank và các định chế giáo dục” do bà Nguyễn Thị Tố Uyên trình bày.


Luật sư Trương Thị Hòa bày tỏ ý kiến của mình

Phiên thảo luận thứ hai đã tiến hành đánh giá sự tham gia của các chuyên gia và tổ chức trong việc giảng dạy chương trình đào tạo đặc biệt tại trường Đại học Luật TP.HCM: Một mặt, việc để các chuyên gia cùng tham gia vào các hoạt động giảng dạy là một cách để đánh giá khả năng của sinh viên cũng như giảm áp lực trau dồi kiến thức thực tiễn cho giảng viên. Tuy nhiên, ở mặt khác, các chuyên gia cũng gặp nhiều hạn chế liên quan đến khả năng sư phạm, vấn đề lệ phí,...

Bên cạnh đó, khi đứng dưới góc nhìn của các đơn vị sử dụng lao động như chương trình LAW AT WORK của Luật sư Nguyễn Văn Doanh hay Ngân hàng Sacombank với sự tham dự của bà Nguyễn Thị Tố Uyên, các chuyên gia đã chia sẻ, bàn luận về những chiến lược tuyển dụng sinh viên hiện nay, định hướng hoạt động liên kết, phương pháp huấn luyện các kỹ năng cần thiết cho sinh viên ngành Luật,...


Hội thảo kết thúc tốt đẹp với những chia sẻ đầy chân thành của chuyên gia trong và ngoài Nhà trường

Cuối buổi Hội thảo, PGS.TS Trần Hoàng Hải gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các vị khách quý, các giảng viên trong Nhà trường vì những đóng góp tích cực về câu chuyện gắn kết Nhà trường với các đơn vị sử dụng lao động trong thời đại mới, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục triển khai các buổi Hội thảo, diễn đàn tương tự nhằm trao đổi thêm về vấn đề này trong tương lai không xa.

Nội dung: Thu Hương

Truyền thông: Nhật Vy

Ban Truyền thông ULAW


--%>
Top