Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Văn Lang ký kết hợp tác đào tạo, bồi dưỡng về pháp luật, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo

Nhằm tăng cường hợp tác, nâng cao chất lượng đào tạo và thúc đẩy phát triển toàn diện, sáng ngày 30/6, Trường Đại học Luật TP.HCM và Trường Đại học Văn Lang đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn về Pháp luật và kỹ năng ứng dụng Công nghệ Thông tin (CNTT) nói chung và Trí tuệ Nhân tạo (AI) nói riêng cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.

Buổi lễ ký kết diễn ra trang trọng với sự tham dự của lãnh đạo hai trường. Về phía Trường Đại học Luật TP.HCM có TS. Lê Trường Sơn – Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; TS. Lê Thị Thúy Hương – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác phát triển; ThS. Trịnh Anh Nguyên – Viện trưởng Viện Đào tạo và Bồi dưỡng; Ông Nguyễn Thành An – Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp; PGS.TS. Lê Thị Nam Giang – Viện trưởng Viện Sở hữu trí tuệ, Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo; ThS. Nguyễn Lâm Bình – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Bồi dưỡng.

Về phía Trường Đại học Văn Lang có PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng; GS.TS Võ Nguyễn Quốc Bảo – Phó Hiệu trưởng; TS. Hoàng Lê Minh – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ và Trí tuệ Nhân tạo; TS. Nguyễn Cửu Đình – Trưởng phòng Đào tạo; ThS. Trần Lưu Phương Nam – Phó Trưởng phòng Đối ngoại; PGS.TS Lê Thị Kim Oanh – Trưởng phòng Phát triển Nghiên cứu Khoa học

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác này trong việc ứng dụng khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) vào nghiên cứu và giảng dạy. Bà khẳng định đây là nền tảng vững chắc để phát triển các mô hình đào tạo tiên phong, đột phá trong lĩnh vực Luật, đồng thời thúc đẩy đổi mới phương pháp giảng dạy, đáp ứng nhanh chóng những thay đổi của thời đại.

Tiếp lời, TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, bày tỏ sự ấn tượng với cơ sở vật chất và định hướng phát triển của Trường Đại học Văn Lang. Ông chia sẻ rằng Trường Đại học Luật TP.HCM với truyền thống 50 năm hình thành và phát triển, nhà trường đang xây dựng thành cơ sở trọng điểm về đào tạo pháp luật của đất nước, trong chiến lược phát triển của ULaw đang hướng đến đào tạo nguồn nhân lực pháp lý liên ngành, đặc biệt là sự kết hợp giữa Luật và AI. Thỏa thuận hợp tác này sẽ là động lực để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển "bình dân học vụ số" giúp viên chức, người lao động, sinh viên nắm vững các chuẩn mực và đạo đức nghề nghiệp khi ứng dụng AI. Bên cạnh đó, hai trường sẽ cùng chia sẻ học liệu, xây dựng thư viện số, phát triển mạng lưới khởi nghiệp, tổ chức các hội thảo chuyên đề, công bố bài báo quốc tế và thành lập các nhóm nghiên cứu chung.

“Định hướng phát triển chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của ULAW sẽ tập trung vào ba định hướng chiến lược là trở thành “Đại học số” toàn diện, tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt hoạt động. Điều này bao gồm việc số hóa quy trình quản lý, vận hành, tài chính, kiểm định, và đặc biệt là trong giảng dạy và nghiên cứu; “Đa ngành, liên lĩnh vực”, bên cạnh các ngành luật truyền thống, nhà trường sẽ mở rộng đào tạo sang các ngành, chuyên ngành mới có tính liên ngành cao, đặc biệt là các lĩnh vực giao thoa giữa luật pháp, kinh tế, công nghệ và xã hội để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường lao động và xã hội; ULAW sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực đào tạo“Pháp luật trọng điểm” mang tính mũi nhọn, có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế” – TS. Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ thêm tại sự kiện.

Trên tinh thần thống nhất cao, lãnh đạo hai trường đã cùng nhau ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác tập trung vào các nhóm nội dung chính như: Xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về Pháp luật và ứng dụng AI dành cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có nhu cầu; Phối hợp cử giảng viên, chuyên gia tham gia các hoạt động giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, chuyên đề phù hợp với chuyên môn về Pháp luật và ứng dụng AI cho cán bộ, giảng viên của mỗi bên.

Lễ ký kết MOU không chỉ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai trường mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong bối cảnh hội nhập và phát triển công nghệ.

-----

Nội dung: Vũ Minh

Hình ảnh: Bảo Trâm

Ban Truyền thông Ulaw