Ngôn ngữ học và Luật học là hai lĩnh vực có mối liên hệ chặt chẽ trong thực tiễn hành nghề báo chí, giám định tư pháp nói riêng và hoạt động pháp lý nói chung. Nhằm giúp giảng viên, sinh viên hiểu rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa ngôn ngữ học và luật học trong thực tiễn nghề nghiệp, đồng thời nắm bắt được các kỹ năng cần thiết để xử lý nội dung pháp luật một cách chính xác, dễ hiểu, gần gũi với công chúng, vào chiều ngày 30/06/2025, Khoa Ngoại ngữ pháp lý Trường Đại học Luật TP. HCM đã tổ chức Tọa đàm “Ngôn ngữ học và Luật học trong hành nghề: báo chí và giám định tư pháp” tại phòng họp A. 803, cơ sở Nguyễn Tất Thành.
Về phía khách mời có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Trang - Giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM; Ths. Trung tá Nguyễn Tuấn Hưng, Kiểm định viên, Phân viện Khoa học kỹ thuật hình sự tại TP.HCM, Bộ Công An.
Về phía Nhà trường có sự tham dự của PGS.TS. Trần Thăng Long - Trưởng Khoa Ngoại ngữ pháp lý Trường Đại học Luật TP.HCM; TS. Phan Tuấn Ly - Phó Trưởng Bộ môn phụ trách, Bộ môn tiếng Nhật, Khoa Ngoại ngữ pháp lý, Trường Đại học Luật TP.HCM cùng các giảng viên bộ môn thuộc Khoa Ngoại ngữ pháp lý và các bạn sinh viên có quan tâm.

Toàn cảnh tọa đàm “Ngôn ngữ học và Luật học trong hành nghề: báo chí và giám định tư pháp” tại phòng họp A.802 cơ sở Nguyễn Tất Thành
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS. Trần Thăng Long - Trưởng Khoa Ngoại ngữ pháp lý Trường Đại học Luật TP.HCM nhấn mạnh tầm quan trọng và mối liên hệ giữa Ngôn ngữ và Luật học. Trong lĩnh vực pháp lý, ngôn ngữ chính là công cụ gốc rễ để kiến tạo, truyền đạt và thực thi pháp luật. Người đọc hiểu rõ được bản chất của vấn đề thông qua việc hệ thống các quy phạm pháp luật được diễn đạt bằng ngôn từ, nhằm điều chỉnh hành vi con người trong xã hội. Do đó, việc hiểu, phân tích và diễn giải ngôn ngữ đóng quan trọng đối với nhà làm luật và người học luật. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ đang dần có sự tác động sâu rộng đến tất cả các khía cạnh của xã hội, bao gồm cả pháp luật và ngôn ngữ, việc việc sử dụng ngôn ngữ không chỉ phục vụ mục đích giao tiếp thông thường mà còn phải đảm bảo tính chính xác, rõ ràng và không mơ hồ để tránh hiểu lầm cũng như xác lập cơ sở cho việc thực thi đúng pháp luật.

PGS.TS. Trần Thăng Long - Trưởng Khoa Ngoại ngữ pháp lý Trường Đại học Luật TP.HCM nhấn mạnh tầm quan trọng và mối liên hệ giữa Ngôn ngữ và Luật học
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Trang - Giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM đã cung cấp những góc nhìn thực tế trong hoạt động nghề nghiệp báo chí thông qua kết quả báo cáo về những khó khăn, trở ngại mà sinh viên khoa Báo chí gặp phải trong quá trình đọc hiểu và viết về pháp luật - quá trình đòi hỏi tính chuyên môn và chính xác cao. Từ đó, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Trang nhấn mạnh rằng: việc học pháp luật là cần thiết đối với người làm báo, không chỉ để truyền đạt đúng mà còn để tránh sai sót, rủi ro pháp lý trong quá trình tác nghiệp.
Đặc biệt, Cô đề cập đến mối liên hệ mật thiết giữa Ngôn ngữ và Luật học, khi chính những văn bản pháp luật – vốn được xây dựng bằng ngôn ngữ – có thể sẽ trở thành rào cản lớn nếu không được sử dụng, hiểu và diễn đạt một cách rõ ràng. Do đó, người làm việc trong chuyên ngành báo chí cần nhận thức việc sử dụng ngôn ngữ một cách gần gũi, dễ hiểu, để đưa pháp luật đến gần hơn với công chúng. Người làm báo cũng cần chủ động trang bị thêm kiến thức pháp lý cũng như các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực tác nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Trang chia sẻ góc nhìn thực tế trong hoạt động nghề nghiệp báo chí và lời khuyên trong việc thúc đẩy khả năng tư duy pháp lý – ngôn ngữ – truyền thông
Tiếp nối phần chia sẻ, Trung tá Nguyễn Tuấn Hưng đã nêu báo cáo về ứng dụng ngữ âm học thực nghiệm vào giám định âm thanh, tiếng nói với mục đích xác định đối tượng nghi vấn. Tại tọa đàm, Trung tá Nguyễn Tuấn Hưng không chỉ làm rõ vấn đề “giám định” nói chung, mà còn đi sâu phân tích sự khác biệt giữa giám định công lập và giám định tư pháp, đặc biệt là trong lĩnh vực công an – nơi giám định đóng vai trò quyết định trong việc xác minh sự thật. Thông qua những ví dụ cụ thể liên quan đến việc giám định như giám định tài liệu, âm thanh, hình ảnh, dữ liệu điện tử, hóa chất, pháp y, Trung tá đã đưa đến cho mọi người tại buổi tọa đàm góc nhìn đa chiều về phạm vi và tính ứng dụng của công tác giám định. Đặc biệt, diễn giả nhấn mạnh đến mối quan hệ chặt chẽ giữa giám định và ngôn ngữ, nhất là trong những trường hợp liên quan đến văn bản (chữ viết tay, chữ ký, dấu vết tẩy xóa) và giọng nói – những yếu tố có thể làm thay đổi toàn bộ hướng đi của một vụ án.

Trung tá Nguyễn Tuấn Hưng trình bày báo cáo về ứng dụng ngữ âm học thực nghiệm vào giám định âm thanh, tiếng nói cũng như đề cập đến góc nhìn đa chiều về phạm vi và tính ứng dụng của công tác giám định
Đến với Tọa đàm chủ đề “Ngôn ngữ học và Luật học trong hành nghề: báo chí và giám định tư pháp”, PGS.TS Trần Thị Phương Trang tiếp tục trình bày về “Ứng dụng ngữ âm học thực nghiệm vào giám định âm thanh, tiếng nói nhằm xác định đối tượng nghi vấn” qua việc làm nổi bật vai trò then chốt của ngữ âm học trong công tác giám định giọng nói – một kỹ thuật quan trọng trong việc nhận diện nghi phạm, đặc biệt là trong các vụ án có yếu tố lời thoại, cuộc gọi, hay đoạn ghi âm. Qua phân tích thông số của giọng nói và công cụ phân tích âm thanh, PGS.TS Trần Thị Phương Trang đề cập đến một số nền tảng liên quan đến ngữ âm học như cơ quan cấu âm, phương thức cấu âm, âm sắc giọng nói (như phương ngữ), phần mềm phân tích ngữ âm học thực nghiệm, từ đó khẳng định mối liên hệ mật thiết giữa ngôn ngữ học và điều tra tư pháp, góp phần nâng cao hiệu quả xác minh trong các vụ việc pháp lý.

PGS.TS Trần Thị Phương Trang tiếp tục trình bày về “Ứng dụng ngữ âm học thực nghiệm vào giám định âm thanh, tiếng nói nhằm xác định đối tượng nghi vấn"

Ths. Nguyễn Thái Sơn, giảng viên Khoa Ngoại ngữ pháp lý chia sẻ, góp ý cho chủ đề tại buổi tọa đàm

Tọa đàm thu hút được sự quan tâm, đặt câu hỏi từ các bạn sinh viên

Ths. Phạm Thị Thùy Dung, giảng viên Khoa Ngoại ngữ pháp lý chia sẻ, góp ý cho chủ đề tại buổi tọa đàm

TS. Phan Tuấn Ly - Phó Trưởng Bộ môn phụ trách, Bộ môn tiếng Nhật, Khoa Ngoại ngữ pháp lý, Trường Đại học Luật TP.HCM thay mặt BTC tặng hoa đến các diễn giả

Các diễn giả cùng các sinh viên tham gia tọa đàm chụp hình lưu niệm
Tọa đàm “Ngôn ngữ học và Luật học trong hành nghề: báo chí và giám định tư pháp” không chỉ dừng lại ở việc trao đổi học thuật, mà còn là bước tiến thể hiện Trường Đại học Luật TP.HCM vừa là nơi giảng dạy và nghiên cứu pháp luật, vừa là một cơ sở giáo dục đẩy mạnh hoạt động giảng dạy ngoại ngữ pháp lý cũng như ngôn ngữ học pháp lý. Những chia sẻ gợi mở tại Tọa đàm đã phần nào khẳng định được tầm quan trọng của việc nhìn nhận mối quan hệ giữa ngôn ngữ và pháp luật một cách toàn diện, mở ra những hướng đi thiết thực để nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, báo chí pháp lý, đồng thời xây dựng được một nền tảng truyền thông – tư pháp dựa trên niềm tin, sự chính xác và ngôn từ có trách nhiệm.
Nội dung: Thùy Linh
Hình ảnh: Minh Tú
Ban Truyền Thông Ulaw