Học phí của ULAW như thế nào theo Nghị định 97/2023?

Từ năm học 2020-2021 đến hết năm học 2022-2023 Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giáo dục Đào tạo, nhà trường không thực hiện tăng học phí và vẫn giữ nguyên 1 mức học phí. Bắt đầu từ năm học 2023-2024 theo Nghị định 97/2023, Nhà trường bắt đầu thực hiện lộ trình học phí mới.

Ulaw là đơn vị tự chủ mức độ nào?

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (Ulaw) là trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật theo Quyết định 1156/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời theo Quyết định số 521/QĐ-TTg ngày 18/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu chung: "Phát triển Trường thành đại học định hướng nghiên cứu với các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; hoạt động tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập, nghiên cứu tại Trường".  Đến 31/01/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Quyết định số 465/QĐ-BGDĐT giao quyền tự chủ tài chính giai đoạn 2023-2025 cho Ulaw. Theo đó, Ulaw hiện là trường đại học công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.

Hiện nay, Ulaw đã có cácchương trình đào tạo trình độ đại học hệ chính quy của trường đạt mức điểm định chất lượng theo tiêu chuẩn do Bộ GD-ĐT như: (1) ngành Luật hệ đại trà, (2) ngành Luật chất lượng cao, (3) ngành Quản trị kinh doanh đại trà, (4) ngành Quản trị kinh doanh chất lượng cao, (5) ngành Quản trị - Luật đại trà, (6) ngành Quản trị - Luật chất lượng cao, (7) ngành Luật Thương mại quốc tế và (8) ngành Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn pháp lý;

Các chương trình đào tạo của Ulaw đã đạt mức điểm định chất lượng theo tiêu chuẩn do Bộ GD-ĐT quy định

Nhà trường cũng đã đạt và được cấp giấy chứng nhận đạt kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục (chu kỳ 2) tuân thủ nghiêm ngặt theoQuy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học của Bộ GD-ĐT.

Như vậy, theo Nghị định 97/2023 về việc xác định mức học phí, Nhà trường được tự xác định mức thu học phí của các chương trình đào tạo trên cơ sở định mức kinh tế-kỹ thuật do trường ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học và xã hội.

Tạm thu học phí trong học kỳ I năm học 2023-2024

Năm 2021 Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, tuy nhiên do tác động của dịch COVID-19, nên theo chỉ đạo chung của Chính phủ và Bộ Giáo dục Đào tạo để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh và sinh viên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid (văn bản 1505/BGDĐT-KHTC ngày 16/4/2021Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20/12/2022),  các trường đại học không tăng học phí, mà chỉ lấy khung học phí của năm học 2020-2021 áp dụng cho đến năm học 2022-2023.

Để chuẩn bị cho năm học 2023 – 2024, Nhà trường đã tiến hành xây dựng các định mức kinh tế-kỹ thuật và thông qua mức thu học phí từ năm học 2023-2024 đến năm học 2026-2027(ban hành theo Nghị quyết số 81/NQ-HĐT ngày 20/3/2023 của Hội đồng trường Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) và quyết định dời lộ trình tăng học phí từ năm 2022-2023 sang năm 2023-2024).Tuy nhiên, thực hiện theo Thông báo số 300/TB-VPCP ngày 31/7/2023 của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về việc thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, trong lúc chờ Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 81/2021/NĐ-CP, Ulaw đã thực hiện mức tạm thu học phí đối với học kỳ 1 năm học 2023-2024.

Như vậy, trong 3 năm vừa qua, nhằm chia sẻ khó khăn với người học sau dịch bệnh, Ulaw không tăng học phí theo quy định của Chính phủ, trong khi đó mọi chi phí phục vụ cho công tác đào tạo đều tăng trong điều kiện vật giá leo thang. Chia sẻ về khó khăn khi không tăng học phí, đại diện nhà trường thông tin, việc không tăng học phí, buộc nhà trường phải thay đổi các kế hoạch hoạt động cho phù hợp với tình hình tài chính của đơn vị.

 Nhà trường không có nguồn thu để tăng thu nhập của giảng viên, viên chức, người lao động, đặc biệt là những người có học vị, học hàm cao dễ dẫn đến không giữ được giảng viên, mặc dù nhà trường đã phải sử dụng đến Quỹ ổn định thu nhập để tăng thu nhập tăng thêm.

Bên cạnh đó, khi lương cơ sở tăng, chi phí hoạt động thường xuyên tăng; vật giá tăng theo tình hình chung của xã hội cũng gây khó khăn trong việc duy trì chất lượng đào tạo của nhà trường.

Mức học phí từ năm học 2023 – 2024 của Ulaw như thế nào?

Căn cứ Nghị định 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023“sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo”, mức học phí áp dụng đối với các trình độ đào tạo của Trường từ năm học 2023-2024 sẽ được điều chỉnh tương ứng với mức độ tự chủ tài chính mà Trường đã được phê duyệt trước đó. Đồng thời, căn cứ Nghị quyết số 81/NQ-HĐT ngày 20/3/2023 của Hội đồng trường Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (về việc thông qua mức thu học phí từ năm học 2024-2025 đến năm học 2026-2027 sắp tới học phí của Ulaw đối với các bậc, hệ đào tạo), theo đó kể từ năm học 2024-2025 đến năm học 2026-2027, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tăng mỗi năm học không quá 12,8%, theo đó:

Đối với học phí hệ chính quy văn bằng 1:

Học phí hệ chính quy văn bằng 1 của Ulaw kể từ năm học 2024-2025 đến năm học 2026-2027 được nhà trường dự kiến tăng mỗi năm không quá 12,8%.

Đối với học phí hệ chính quy văn bằng 2: sẽ bằng 1.17 lần của học phí hệ chính quy văn bằng 1.

Đối với học phí các lớp vừa học vừa làm: bằng mức thu học phí các lớp hệ chính quy (văn bằng 1 và văn bằng 2).

Đối với học phí chương trình thạc sĩ: bằng 1.2 lần của học phí hệ chính quy.

Đối với học phí chương trình tiến sĩ: bằng 1.5 lần của học phí hệ chính quy.

Tăng cường chăm sóc người học, đầu tư cho phát triển đội ngũ và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo

Đi đôi với việc thực hiện lộ trình học phí mới, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng nhiều kế hoạch để đầu tư phát triển về đội ngũ chất lượng giảng viên, đa dạng các hoạt động chăm lo cho người học và tăng cường cơ sở vật chất. Cụ thể:

- Đối với người học: Nhà trường thực hiện đồng bộ các chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục cấp bù kinh phí để thực hiện chính sách miễn giảm học phí dành cho các đối tượng chính sách, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Duy trì đa dạng các loại hình học bổng với các mức học bổng cao như bằng 150% mức học phí dành cho sinh viên xuất sắc, 100% mức học phí dành cho sinh viên giỏi và 50% dành cho sinh viên khá với tổng mức trích lập dành cho Quỹ học bổng của Nhà trường lên tới gần 28 tỷ đồng hàng năm (tương đương với 8% nguồn thu học phí để lập các quỹ học bổng, hỗ trợ sinh viên).

Tổng mức học bổng được trích lập để hỗ trợ sinh viên gần 20 tỷ đồng hàng năm.

Ngoài các loại học bổng, Nhà trường cũng có chính sách hỗ trợ cho sinh viên có chứng chỉ tin học quốc tế MOS, duy trì tổ chức chương trình Asean Tour để sinh viên tăng cường hoạt động trao đổi học thuật, cũng như tiếp tục liên kết các doanh nghiệp để trao học bổng, cũng như phối hợp các ngân hàng, tổ chức tín dụng để hình thành các quỹ học bổng cho sinh viên vay, bên cạnh việc sinh viên vay ngân hàng chính sách như hiện nay.

Nhà trường cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động chăm lo về đời sống, thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, liên kết doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, ngày hội việc làm tạo cơ hội cho sinh viên tìm kiếm được việc làm tốt sau khi tốt nghiệp, cũng như có các chính sách ưu đãi về học phí cho các cựu sinh viên khi học tiếp lên cao học hoặc học các văn bằng 2 của Nhà trường.

- Đối với đội ngũ giảng viên:Nhà trường đẩy mạnh tạo nguồn giảng viên, phát triển thêm đội ngũ chuyên gia và mời thêm đội ngũ giảng viên nước ngoài về để sinh viên sẽ tiếp cận với nhiều kiến thức mới. Song song với đó, nhà trường xây dựng chính sách thu hút tạo nguồn cán bộ giảng viên từ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi để tạo nguồn giảng viên; Xây dựng chính sách thu hút đối với người có trình độ cao, tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho Nhà trường; Khuyến khích giảng viên học tiến sĩ bằng các chính sách hỗ trợ học phí, khen thưởng khi tốt nghiệp...

Quỹ phát triển hoạt động khoa học công nghệ của giảng viên và sinh viên cũng sẽ được trích lập tối thiểu 5% trên nguồn thu học phí (trên 20 tỷ đồng hàng năm) để đầu tư phát triển các công trình nghiên cứu và các loại hình học thuật của giảng viên và sinh viên.

Bên cạnh các chính sách trên, Nhà trường sẽ tăng cường cơ sở vật chất, tiếp tục cải tạo và đầu tư các trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo tại cơ sở Nguyễn Tất Thành, cơ sở Bình Triệu và hoàn tất đầu tư xây dựng cơ sở 3 tại Phường Long Phước (Thành phố Thủ Đức) đưa vào khai thác sử dụng; Đầu tư vào Phân hiệu tại Nha Trang, Khánh Hòa.

Nhà trường đầu tư cải tạo các khu tự học của sinh viên

Ngoài ra, Nhà trường sẽ đa dạng các hình thức đào tạo, mở rộng liên doanh liên kết với các trường nước ngoài; thúc đẩy hoạt động của các trung tâm có thu... để có thể tạo thêm nguồn thu để tái đầu tư vào các hoạt động, giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn thu từ học phí.

Nội dung: Hải Đăng

Ảnh: Tư liệu Ulaw

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top