Hội thảo "Hệ thống pháp luật các quốc gia thành viên ASEAN" (The Legal Systems of Asean Member States)

Với mục đích tạo cơ hội cho các giảng viên trao đổi về hệ thống pháp luật của các quốc gia ASEAN và tìm ra những phương hướng để hoà hợp giữa những hệ thống này, Khoa Luật Quốc tế đã tổ chức Hội thảo “Hệ thống pháp luật các quốc gia thành viên ASEAN” (The legal systems of ASEAN Member States) vào lúc 8 giờ sáng ngày 08/7 tại hội trường A905.

Hội thảo có sự hiện diện của ThS. Lê Thị Thuý Huỳnh - Trưởng Bộ môn Pháp luật Quốc Tế Trường Đại học Tôn Đức Thắng, ThS. Nguyễn Thị Yên - Trưởng Bộ môn Luật Quốc tế Trường Đại học Văn Lang cùng các giảng viên từ khoa Luật Đại học Văn Lang. Hội thảo cũng hân hạnh có sự góp mặt của các chuyên gia đến từ các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Singapore.

Về phía Trường Đại học Luật TP. HCM, hội thảo có sự tham dự của PGS.TS. Trần Việt Dũng - Trưởng khoa Luật Quốc tế, TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc  - Trưởng phòng Đào tạo sau Đại học, cùng các giảng viên khoa Luật Quốc tế và khoa Luật Hành chính.

Để trao đổi cùng các khách mời nước ngoài, hội thảo đã sử dụng phần mềm họp trực tuyến Zoom

Ở phần mở đầu, PGS.TS. Trần Việt Dũng và chủ tọa là TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, đã có bài phát biểu để trình bày về mục đích và những mong đợi về hội thảo quốc tế này. Chủ toạ hy vọng các bạn sinh viên đã và đang học môn Luật So sánh sẽ khai thác được nhiều thông tin hữu ích, đồng thời khuyến khích các bạn đặt những câu hỏi về ảnh hưởng của nền văn hoá, tôn giáo, đặc biệt là Hồi giáo ở các nước Malaysia, Indonesia đến pháp luật quốc gia cũng như tập quán thương mại ở những quốc gia nói trên.

PGS.TS. Trần Việt Dũng phát biểu mở đầu tại hội thảo

Hội thảo được diễn ra dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc

Hội thảo gồm hai phiên với năm bài trình bày của các chuyên gia. Sau mỗi phiên, các chuyên gia cũng như người tham dự có phần hỏi đáp và thảo luận về vấn đề vừa trình bày.

Phiên 1 xoay quanh hệ thống pháp luật của các nước Common Law, bao gồm phần trình bày về hệ thống pháp luật Myanmar (An introduction to Myanmar Legal System) - của ThS. Ngô Kim Hoàng Nguyên (Giảng viên Khoa Luật Quốc tế), hệ thống pháp luật Singapore (An introduction to the Legal System of Singapore) của TS. Jack Lee (nghiên cứu viên cao cấp ở Đại học quốc gia Singapore) và hệ thống pháp luật Malaysia (“Legal order”: The legal system of Malaysia in the difficult times ahead) của PGS.TS. Haniff Ahamat (giảng viên Trường Đại học Quốc gia Malaysia). Theo đó, các chuyên gia đã giải thích cụ thể về lịch sử hình thành và sự hài hoà văn hoá bản địa với việc áp dụng hệ thống pháp luật Common Law, cũng như cách thức đào tạo và hành nghề luật ở quốc gia của họ. Trong phần thảo luận, TS. Trần Thị Thuỳ Dương (giảng viên khoa Luật Quốc tế) cũng đã đặt câu hỏi cho đại diện đến từ Malaysia về những khó khăn mà Malaysia phải đối mặt trên phương diện pháp lý là gì và PGS.TS. Haniff Ahamat đã nói về việc Malaysia là quốc gia đa quốc tịch, đa chủng tộc, với khu vực Sabah and Sarawak muốn được độc lập. Chính vì vậy, theo PGS.TS., chính quyền trung ương cần ổn định được vấn đề này bằng cách tập trung bảo lưu trật tự pháp lý.

PGS.TS. Trần Thị Thuỳ Dương đặt câu hỏi cho khách mời tại phiên thảo luận 1

Các bạn sinh viên cũng tham gia đặt câu hỏi và thảo luận cùng các chuyên gia

Đến với phiên 2, các khách mời trao đổi về hệ thống pháp luật của các nước Civil Law, bao gồm bài diễn thuyết về hệ thống pháp luật và toà án ở Thái Lan (Law and Court system in Thailand) của TS. Pornchai Wisutisak (Trưởng khoa Luật Đại học học Chiang Mai, Thái Lan) và hệ thống pháp luật và quản lý của Indonesia (Introduction to Indonesian Legal System and Governance) của ông Mohammad Novrizal (Chủ tịch Trung tâm pháp luật ASEAN, giảng viên Trường Đại học Quốc gia Indonesia). Qua đó, các khách mời đã cho thấy sự khác biệt của những quốc gia này so với những quốc gia theo hệ thống Common Law ở phiên 1, đồng thời có một số nét tương đồng với hệ thống pháp luật Việt Nam. Trong phần thảo luận, chủ toạ - TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc đã đặt ra câu hỏi: “Một người là doanh nhân và cũng là người Hồi giáo thì hành vi của họ sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật Hồi giáo (Luật Shariah) lẫn pháp luật thương mại. Vậy khi quy định của hai ngành luật này có sự mâu thuẫn thì ưu tiên áp dụng pháp luật nào?” Đại diện đến từ Indonesia, ông Mohammad Novrizal đã khẳng định ở nước ông, pháp luật Hồi giáo chỉ áp dụng cho các vấn đề dân sự như hôn nhân gia đình và thừa kế nên sẽ không có sự xung đột với pháp luật thương mại trong trường hợp này. Tương tự, PGS.TS. Haniff Ahamat từ Trường Đại học Quốc gia Malaysia cũng phát biểu rằng ở Malaysia, pháp luật Hồi giáo cũng thường áp dụng cho các vấn đề nêu trên, tuy có áp dụng cho cả lĩnh vực hình sự nhưng quy trình khá phức tạp và PGS.TS. cũng nhấn mạnh về việc pháp luật Hồi giáo đa phần áp dụng cho công dân Malaysia theo đạo Hồi chứ không phải mọi công dân Malaysia.

Sau phần hỏi đáp sôi nổi giữa các khách mời và người tham dự, hội thảo kết thúc thành công và tốt đẹp vào lúc 12 giờ cùng ngày.

Buổi Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp

Bài: Vũ Uyên

Ảnh: Lệ Huyền

Ban Truyền thông ULAW

--%>
Top