Khoa Luật Quốc tế tổ chức Hội thảo "Bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh hội nhập - Gợi ý từ kinh nghiệm quốc tế”

Quá trình chuyển đổi số đã mang lại nhiều lợi ích kinh doanh cho nhà sản xuất nhưng cũng đồng thời đặt ra những yêu cầu mới về vai trò quản lý của nhà nước liên quan đến hoạt động sản suất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ có ứng dụng công nghệ và bảo vệ người tiêu dùng. Nhằm đề xuất kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý trên cơ sở đánh giá hệ thống pháp luật hiện hành và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, vào sáng ngày 28/03/2024 tại phòng họp A.905, Khoa Luật Quốc tế - Trường Đại học Luật TPHCM đã tổ chức buổi Hội thảo khoa học "Bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh hội nhập - Gợi ý từ kinh nghiệm quốc tế”.

"Bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh hội nhập - Gợi ý từ kinh nghiệm quốc tế” có sự tham dự của nhiều chuyên gia, học giả

Hội thảo đón tiếp nhiều chuyên gia đến từ các trường đại học và các cơ quan, tổ chức trên cả nước như: TS. Lữ Lâm Uyên - Giám đốc chương trình Luật Kinh doanh quốc tế, khoa Luật thuộc Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước (CELG), Đại học Kinh tế TPHCM; TS. Nguyễn Kiên Bích Tuyền - Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM; ông Lương Lê Minh - Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công thương; ông Nguyễn Thành Tựu - Công ty Luật TNHH Quốc tế Nguyễn và Cộng sự; ThS. Đường Thị Tuyết Hồng - Tập đoàn BAT Singapore; ThS. Nguyễn Mậu Thương – Phó GĐ Công ty Luật TNHH MTV Hoàng Thu; Luật sư Kiều Anh Vũ - Công ty Luật TNHH KAV Lawyers. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia trực tuyến của ThS.GVC. Võ Thị Thanh Linh – Phó phòng Tổ chức hành chính, Trường Đại học Đà Lạt; Th.S Phan Trọng Đạt - Quyền Giám đốc Trung Tâm Hoà Giải Việt Nam.

Về phía Nhà trường có sự hiện diện của PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Trưởng Khoa Luật Quốc tế; PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam; GVC.ThS. Trịnh Anh Nguyên - Giám đốc Trung tâm đào tạo ngắn hạn, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, TS. Phan Hoài Nam - Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế; NCS. ThS. Nguyễn Thị Lan Hương - Phó trưởng Bộ môn Luật Thương mại Quốc tế, Khoa luật Quốc tế cùng các giảng viên, học viên, sinh viên quan tâm đến hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết việc xây dựng hệ thống pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong chính sách phát triển nền công nghiệp thực phẩm không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Qua đó, PGS.TS. Trần Việt Dũng bày tỏ mong muốn thông qua buổi Hội thảo, các chuyên gia sẽ làm rõ được những vấn đề pháp lý còn tồn đọng xoay quanh các chính sách bảo vệ người tiêu dùng và đề xuất ra giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng chiến lược phù hợp với chính sách phát triển của nhà nước.

PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu khai mạc buổi hội thảo

Buổi hội thảo được chia làm hai phiên thảo luận với 8 bài tham luận của các nhóm tác giả, các chuyên gia xoay quanh 2 chủ đề chính: Phiên thứ nhất với chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực đảm bảo an toàn thực phẩm - Kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam” và phiên thứ hai về vấn đề “Bảo vệ thông tin người tiêu dùng và giải quyết tranh chấp liên quan đến người tiêu dùng”.

Chủ tọa phiên thảo luận thứ nhất gồm (từ trái sang): TS. Nguyễn Thị Thu Thảo - Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM; NCS-ThS. Nguyễn Thị Lan Hương - Phó trưởng Bộ môn Luật Thương mại Quốc tế, Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. HCM; TS. Nguyễn Kiên Bích Tuyền - Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM;

Mở đầu phiên 1, TS. Nguyễn Thị Thu Thảo - Giảng viên Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM trình bày bài tham luận “Bảo vệ người tiêu dùng thông qua quy định về côn trùng làm thực phẩm  - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”. Theo tác giả, việc dùng côn trùng làm thực phẩm dù đã tồn tại ở Việt Nam khá lâu nhưng vẫn là một khía cạnh mới trong ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu nói chung. Tuy là một giải pháp hữu hiệu để giải quyết những vấn đề về lương thực nhưng hiện pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể điều chỉnh việc sản xuất, kinh doanh nhóm thực phẩm này.

TS. Nguyễn Thị Thu Thảo - Giảng viên Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM trình bày tham luận “Bảo vệ người tiêu dùng thông qua quy định về côn trùng làm thực phẩm  - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”

Đến với bài tham luận thứ hai về “Quy định an toàn thực phẩm “thịt nuôi trong phòng thí nghiệm”: Hướng đi nào cho Việt Nam?”, TS. Nguyễn Thị Kim Anh - Giảng viên Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM cho biết “thịt nuôi trong phòng thí nghiệm” (cell-cultured meat, thường được gọi là CCM) là một thành tựu nổi bật của nền khoa học công nghệ thực phẩm. Điều này giải quyết được các vấn đề thực phẩm trong giai đoạn dân số thế giới tăng cao như hiện nay, song cũng đặt ra sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về CCM trong hệ thống pháp luật hiện hành.

TS. Nguyễn Thị Kim Anh - Giảng viên Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TPHCM trình bày tham luận về “Quy định an toàn thực phẩm “thịt nuôi trong phòng thí nghiệm” – Hướng đi nào cho Việt Nam?”

Ở bài tham luận cuối cùng của phiên thứ nhất, ThS. Đường Thị Tuyết Hồng - Tập đoàn BAT Singapore đã đề cập đến “Kinh nghiệm quốc tế đối với bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến an toàn thực phẩm”. Tác giả cho rằng việc các quốc gia xây dựng quy định liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền chính đáng của người tiêu dùng cũng như đảm bảo quản lý hiệu quả đối tượng này. Vì vậy, trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu, sẽ rất hữu ích nếu Việt Nam học hỏi, tham khảo, áp dụng kinh nghiệm từ quốc tế.

ThS. Đường Thị Tuyết Hồng - Tập đoàn BAT Singapore trình bày tham luận “Kinh nghiệm quốc tế đối với bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến an toàn thực phẩm”

 

PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam & phụ trách Phòng Đào tạo sau Đại học, góp ý và trao đổi trong phiên thảo luận 1

Chủ tọa phiên thảo luận 2 gồm (từ trái sang): ThS. Nguyễn Thành Tựu - Công ty Luật TNHH Quốc tế Nguyễn và Cộng sự; TS. Phan Hoài Nam - Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. HCM; TS. Lữ Lâm Uyên - Giám đốc chương trình Luật kinh doanh quốc tế, khoa Luật thuộc Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước (CELG), Đại học Kinh tế TP.HCM

Trong Phiên thảo luận thứ 2, hội thảo tập trung khai thác chuyên sâu vấn đề “Bảo vệ thông tin người tiêu dùng và giải quyết tranh chấp liên quan đến người tiêu dùng”. Trong đó, các bài tham luận được trình bày gồm:

- Tham luận “Một số bất cập pháp luật Việt Nam về nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hoạt động quảng cáo thương mại trên mạng xã hội, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi người tiếp nhận quảng cáo” của TS.GVC. Võ Thị Thanh Linh - Phó phòng TCHC, Trường Đại học Đà Lạt);

- Tham luận “Pháp luật Liên minh châu Âu về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với hoạt động quảng cáo của người có ảnh hưởng trên không gian mạng - Kinh nghiệm cho Việt Nam” của ThS. Phạm Thị Hiền - Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TPHCM;

- Tham luận “Giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Kinh nghiệm quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam” của tác giả Lương Lê Minh - Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công thương;

- Tham luận “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử bằng phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến”của ThS. Nguyễn Thành Tựu - Công ty Luật TNHH Quốc tế Nguyễn và Cộng sự- Tham luận “Các phương thức giải quyết tranh chấp đối với người tiêu dùng tại một số quốc gia - Kinh nghiệm cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập” được trình bày bởi ThS. Nguyễn Mậu Thương – Phó GĐ Công ty Luật TNHH MTV Hoàng Thu.

ThS. Phạm Thị Hiền trình bày về “Pháp luật Liên minh Châu Âu về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với hoạt động quảng cáo của người có ảnh hưởng trên không gian mạng - Kinh nghiệm cho Việt Nam”

Ông Lương Lê Minh - Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công thương đề xuất kiến nghị về vấn đề giải quyết vụ án dân sự nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

ThS. Nguyễn Thành Tựu - Công ty Luật TNHH Quốc tế Nguyễn và Cộng sự trình bày tham luận “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử bằng phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến”

Tiếp nối phần trình bày, các chuyên gia tiến hành trao đổi về việc xây dựng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, hoàn thiện khung pháp lý về kinh doanh, mua bán những loại thực phẩm mới và cân nhắc đến yếu tố bảo vệ môi trường của nhóm thực phẩm này. Đồng thời, các học giả, chuyên gia chỉ ra một số vấn đề cần làm rõ và kiểm soát trong việc sử dụng người có ảnh hưởng để quảng bá sản phẩm trên không gian mạng. Các chuyên gia cũng thảo luận về các phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp đối với các tranh chấp liên quan đến người tiêu dùng và kiến nghị pháp luật cần cung cấp thêm khung pháp lý để hỗ trợ việc triển khai hiệu quả các phương thức này.

Buổi hội thảo là dịp để các chuyên gia thảo luận và trao đổi với nhau về những bất cập, vấn đề pháp lý còn tồn đọng trong xã hội. Qua đó, trên cơ sở đánh giá quy định pháp luật hiện hành và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, buổi thảo đã ghi nhận được nhiều giải pháp, định hướng thiết thực, hướng đến mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

TS. Phan Hoài Nam - Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế; NCS-ThS. Nguyễn Thị Lan Hương - Phó trưởng Bộ môn Luật Thương mại Quốc tế, Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. HCM trao thư cảm ơn và quà lưu niệm đến các đơn vị tài trợ hội thảo

Các khách mời và chuyên gia tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

                                                                                Nội dung: Huyền Diệu

                                                                                Hình ảnh: Mai Khánh

                                                                                Ban Truyền thông Ulaw

 

--%>
Top