Khoa Luật Dân sự tổ chức hội thảo "Góp ý dự thảo Luật tổ chức Tòa án (sửa đổi) năm 2024

Vào sáng ngày 10/4/2024, Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo cấp Khoa “Góp ý dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi) năm 2024” tại phòng họp A.905, cơ sở Nguyễn Tất Thành.

Hội thảo được tổ chức nhằm phân tích, tìm hiểu về các điểm mới của Dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi) năm 2024 so với Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014, đồng thời bàn luận về tác động của những thay đổi này đối với các văn bản quy phạm pháp luật tố tụng dân sự khác có liên quan đánh giá tính khả thi của Dự thảo khi đưa vào thực tiễn xét xử.

Hội thảo Khoa học cấp Khoa “Góp ý Dự thảo Luật tổ chức Tòa án (sửa đổi)” diễn ra tại Phòng họp A.905

Buổi Hội thảo đón nhận sự tham dự của các đại biểu khách mời là các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong hoạt động thực tiễn tại các cơ quan tư pháp: TP.ThS.NCS. Quách Hữu Thái - Phó Chánh án TAND TP.HCM; TP.TS. Sỹ Hồng Nam - Phó Chánh Văn phòng TAND TP.HCM; TP.ThS.NCS. Nguyễn Đức Phước - Chánh án TAND Quận Bình Tân; TP.TS. Nguyễn Huy Hoàng - Phó Chánh án TAND Quận Gò Vấp; TP.ThS. Đặng Thị Tám - TAND Quận Gò Vấp.

Tham dự Hội thảo có các luật sư đại diện các công ty luật: có LS.ThS. Trần Cao Đại Kỳ Quân - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tri Ân; LS.ThS. Nguyễn Trương Tín - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tri Ân; LS.ThS. Nguyễn Thị Hồng Tuyến - Cố vấn cao cấp Công ty Luật TNHH MTV Tri Ân; LS. Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ trẻ em TP.HCM; LS. Tạ Minh Trình - Công ty Ocean Stars Lawyers; LS.ThS.TTV. Nguyễn Đức Thắng Ý - Hãng Luật YLAW&Partners; LS.ThS. Hàm Zico - Công ty Luật TNHH MTV Đức Chính.

Về phía các trường Đại học và cơ quan báo chí có: PGS.TS. Vũ Thị Hồng Yến - Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Sài Gòn; PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng Khoa Luật Kinh tế Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM; Bà Châu Thị Yến - Phóng viên Báo Pháp luật.

Về phía Trường Đại học Luật TP.HCM có sự tham dự của TS. Nguyễn Xuân Quang - Trưởng Khoa Luật Dân sự; TS. Nguyễn Văn Tiến - Phó Trưởng Khoa Luật Dân sự; TS. Lê Vĩnh Châu - Phó Trưởng Khoa Luật Dân sự; TS. Nguyễn Thị Bích - Trưởng Bộ môn Luật Lao động; TS. Nguyễn Phương Thảo - Trưởng Bộ môn Luật Dân sự cùng với các khách mời, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên có quan tâm.

Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Văn Tiến - Phó Trưởng Khoa Luật Dân sự (trái) LS.ThS. Trần Cao Đại Kỳ Quân - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tri Ân (phải)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Tiến - Phó Trưởng Khoa Luật Dân sự nhấn mạnh vai trò cần thiết của việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 trên thực tiễn và những kết quả to lớn đạo luật đã mang lại sau 10 năm thi hành. Căn cứ theo Nghị quyết số 07-NQ/TW, Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp phải được bảo đảm tính xét xử độc lập và xây dựng theo thẩm quyền . Vậy nên, việc sửa đổi hoàn thiện Luật Tổ chức Toà án nhân dân cùng với các luật khác liên quan là một yêu cầu cấp bách nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Toà án, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính bởi lẽ đó, TS. Nguyễn Văn Tiến mong muốn Hội thảo sẽ là cơ hội để các chuyên gia, quý khách mời thảo luận, trao đổi với tinh thần cởi mở và đề xuất những giải pháp hoàn thiện cơ cấu tổ chức ngành Tòa án theo định hướng của Nghị quyết số 07-NQ/TW. 

TS. Nguyễn Văn Tiến - Phó Trưởng Khoa Luật Dân sự phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo đã tiếp nhận nhiều tham luận đến từ các tác giả có nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn và kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực. Từ đó, Ban Chuyên môn đã tiến hành thẩm định, biên tập và lựa chọn ra 03 bài tham luận với các chủ đề khác nhau đến từ các nhà nghiên cứu, các nhà làm việc thực tiễn để trình bày tại buổi Hội thảo.

Mở đầu phiên làm việc, ThS.NCS. Nguyễn Đức Phước - Chánh án TAND Quận Bình Tân đã trình bày bài tham luận “Xây dựng tòa án theo thẩm quyền xét xử: Theo đơn vị hành chính - lãnh thổ hay theo khu vực?”. Bài tham luận tập trung phân tích về mô hình hệ thống tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử dựa trên các nghị quyết về cải cách tư pháp. Theo đó, kế thừa tinh thần của các nghị quyết cũ về chiến lược cải cách tư pháp, Dự thảo lần này vẫn hướng đến việc bảo đảm tính độc lập của Tòa án trong xét xử và phương án tổ chức Tòa án theo khu vực. Các nội dung còn lại của bài tham luận được phát biểu lần lượt xoay quanh phạm vi thẩm quyền của Tòa án theo Luật Tổ chức TAND và Dự thảo; mô hình tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử dựa trên đơn vị hành chính - lãnh thổ hay khu vực là phù hợp và hiệu quả.

ThS.NCS. Nguyễn Đức Phước - Chánh án TAND Quận Bình Tân trình bày bài tham luận “Xây dựng tòa án theo thẩm quyền xét xử: Theo đơn vị hành chính - lãnh thổ hay theo khu vực?”

Bài tham luận thứ hai xoay quanh “Một vài trao đổi về việc xây dựng Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt tại Việt Nam - Kinh nghiệm một số quốc gia và đề xuất cho Việt Nam” của nhóm tác giả gồm PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung và ThS. Mai Hoàng Phước - Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM. Bài viết nghiên cứu về một số bất cập của TAND sơ thẩm chuyên biệt được quy định tại Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Theo đó, những thiếu sót được nhóm tác giả đề cập gồm (i) Việc chưa cụ thể hoá các loại TAND chuyên biệt cấp sơ thẩm; (ii) Khả năng tiếp cận TAND sơ thẩm chuyên biệt của người dân đặt trong bối cảnh nguồn lực của đất nước còn nhiều hạn chế; (iii) Vệc nhập nhằng tên gọi chức năng giữa Tòa chuyên trách TAND chuyên biệt; (iv) Bất cập trong tổ chức bộ máy của TAND sơ thẩm chuyên trách. Từ đó, nhóm tác giả tiến hành tham khảo kinh nghiệm xét xử của các mô hình Toà án tại các quốc gia như hệ thống Tòa án chuyên biệt của CHLB Đức, hệ thống TAND sơ thẩm chuyên biệt tại Trung Quốc, Toà án đặc biệt của Hàn Quốc,... Trên cơ sở phân tích về bất cập và đúc kết kinh nghiệm quốc tế, nhóm tác giả đã đề xuất hai mô hình phù hợp với thực tiễn xét xử tại Việt Nam: mô hình TAND chuyên biệt song song với TAND thông thường hoặc mô hình tòa chuyên trách nằm trong TAND thông thường ở cấp huyện và cấp tỉnh. 

Đại diện nhóm tác giả, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trường Đại học Kinh tế - Luật trình bày tham luận “Một vài trao đổi về việc xây dựng Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt tại Việt Nam - Kinh nghiệm một số quốc gia và đề xuất cho Việt Nam”

Bài tham luận thứ ba liên quan đến “Góp ý cho hướng dẫn về nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ việc dân sự theo Dự thảo “Luật Tổ chức toà án nhân dân”” do KSV. Lê Duy Bảo Chinh - VKSND Quận Gò Vấp trình bày. Tác giả cho biết nguyên tắc cung cấp chứng cứ, chứng minh là một nguyên tắc cơ bản trong TTDS, tuy nhiên, cho đến hiện tại đã bộc lộ những hạn chế nhất định cần thiết phải xem xét, sửa đổi. Trên cơ sở đó, bài tham luận đã lần lượt phân tích về các vấn đề: (i) Bản chất và quy định của pháp luật dân sự về nguyên tắc chứng cứ và chứng minh trong vụ việc dân sự cho thấy rằng việc; (ii) Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ việc dân sự theo một số nội dung trong các điều khoản của Dự thảo và hướng hoàn thiện. Một trong những vấn đề được học giả quan tâm và bàn luận sôi nổi đó là về việc nên loại bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ, chứng minh của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.

KSV. Lê Duy Bảo Chinh - VKSND Quận Gò Vấp mang đến Hội thảo bài tham luận về “Góp ý cho hướng dẫn về nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ việc dân sự theo Dự thảo “Luật Tổ chức toà án nhân dân””

Tiếp nối buổi làm việc, chủ trì Hội thảo đã tiến hành tổng hợp, tóm tắt nội dung các bài tham luận, quan điểm của tác giả và điều phối phần tranh luận, trao đổi, đóng góp ý kiến giữa các quý đại biểu tham dự Hội thảo.

TP.ThS.NCS. Quách Hữu Thái - Phó Chánh án TAND TP.HCM chia sẻ quan điểm về các kiến nghị thành lập tòa chuyên biệt

TP.TS. Nguyễn Huy Hoàng - Phó Chánh án TAND Quận Gò Vấp cho rằng ý tưởng thành lập tòa khu vực là một trong những bước tiến mới nhưng cần có lộ trình cụ thể và cần thiết thành lập tòa chuyên trách ở tòa cấp tỉnh

LS. Nguyễn Đức Thắng Ý đặt câu hỏi về việc có nên hay không đổi tên các cấp tòa án và thành lập tòa chuyên biệt

LS.ThS. Nguyễn Thị Hồng Tuyến - Cố vấn cao cấp, Công ty Luật TNHH MTV Tri Ân nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân để hạn chế phát sinh tranh chấp

PGS.TS. Vũ Thị Hồng Yến - Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Sài Gòn đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Sau quá trình làm việc nghiêm túc và tranh luận sôi nổi, buổi Hội thảo đã thu nhận nhiều ý kiến có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn hướng đến hoàn thiện Dự thảo. Đây là một đạo luật có ý nghĩa quan trọng giúp khắc phục, tháo gỡ những nút thắt chồng chéo, chưa thống nhất của các quy định trong Luật Tổ chức Toà án nhân dân. Việc sửa đổi Luật Tổ chức Toà án nhân dân được kỳ vọng là bước đột phá với lộ trình cải cách phù hợp, mang đến những kết quả tích cực trong hoạt động xét xử và tạo dựng niềm tin vững chắc cho người dân đối với các cơ quan và hoạt động xét xử trong lĩnh vực tư pháp ở nước ta.

Các đại biểu, khách mời tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

 

Nội dung: Mai Chi

Hình ảnh: Phương Thảo

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top