Hội thảo “Góp ý dự thảo Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi) về nội dung tổ chức đại diện người lao động”

Nhằm tạo một diễn đàn để các nhà nghiên cứu và những người làm công tác thực tiễn trao đổi, thảo luận về tổ chức, hoạt động của tổ chức đại diện người lao động trong Dự thảo Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi), từ đó đóng góp các ý kiến, đề xuất để Ban soạn thảo tham khảo và xem xét đưa vào nội dung dự thảo, sáng ngày 28/03/2019, Bộ môn Luật Lao động thuộc Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu - Tư vấn Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng (SDRC) tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Bộ Luật Lao động 2012 (sửa đổi) về nội dung tổ chức đại diện của người lao động”.

Đến tham dự hội thảo và đóng góp ý kiến cho dự thảo Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi) có sự tham dự của các đại biểu là đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về lao động, đại diện tổ chức công đoàn, đại diện người lao động; các đại biểu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, v.v…:

Về phía các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về lao động - công đoàn, có sự tham dự của ông Nguyễn Tất Năm – Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - BHXH, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM; ông Nguyễn Thành Đô – Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động TP.HCM, ông Tô Huệ Tri – Trưởng phòng Quản lý lao động, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh.

Về phía Trường Đại học Luật TP.HCM, tham dự hội thảo có TS. Lê Thị Thúy Hương – Trưởng phòng NCKH&HTQT, Trưởng Bộ môn Luật Lao động, ThS. NCS Đinh Thị Chiến – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật cùng các giảng viên Tổ Bộ môn Luật Lao động.

Về phía Trung tâm Nghiên cứu - Tư vấn Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng (SDRC) có sự tham dự của ThS. Châu Hoàng Mẫn – Giám đốc Trung tâm; Bà Phan Thị Mỹ Nhung – Phó Giám đốc Trung tâm và các nghiên cứu viên của trung tâm.

Hội thảo cũng có sự tham dự của ThS. Nguyễn Thị Minh Châu – Giám đốc Trung tâm Phát triển, Viện KHXH vùng Nam bộ, TS. Đoàn Thị Phương Diệp, Trưởng Ban Thanh tra, Đại học Kinh tế - Luật, ThS. NCS Nguyễn Triều Hoa - Phó Trưởng khoa Luật, Đại học Kinh tế.

Ngoài ra, hội thảo cũng có sự tham dự của các các chuyên gia, luật sư, những người làm công tác thực tiễn đến từ các Trung tâm hỗ trợ thanh niên – công nhân, đại diện của người lao động tại các khu công nghiệp và các em sinh viên thuộc chương trình đào tạo đặc biệt của trường.


Hội thảo thu hút sự tham dự của các chuyên gia trong và ngoài Nhà trường

Chủ trì buổi hội thảo gồm có  TS. Lê Thị Thúy Hương - ĐH Luật Tp. HCM, ThS. Châu Hoàng Mẫn - SDRC và ThS. Lê Thị Thanh Nhã - Luật gia, Báo cáo viên Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Tp.HCM.


ThS. Lê Thị Thanh Nhã – Luật gia, Báo cáo viên Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Tp.HCM trình bày báo cáo dẫn đề

Trong phát biểu khai mạc hội thảo của ThS. Châu Hoàng Mẫn và báo cáo dẫn đề của ThS. Lê Thị Thanh Nhã đều đã nêu rõ: “Việt Nam đang và sẽ gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó đặt ra những cam kết về việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động được quy định trong Tuyên bố 1998 của ILO, đặc biệt là về quyền thương lượng tập thể và quyền tự do liên kết, tự do hiệp hội của người lao động. Tình hình này đặt ra yêu cầu đối với Việt Nam là phải nhanh chóng phê chuẩn Công ước số 87 của ILO và sửa đổi, bổ sung Bộ luật lao động 2012 để đảm bảo thực thi Công ước này. Đây chính là lý do mà Trường Đại học Luật Tp. HCM phối hợp với Trung tâm SDRC phối hợp tổ chức buổi hội thảo “Góp ý Dự thảo Bộ Luật Lao động 2012 (sửa đổi) về nội dung tổ chức đại diện của người lao động”.

Hội thảo gồm 2 phiên với 4 tham luận chính:

Phiên thứ nhất gồm các tham luận:  

  • Tham luận 1: “Bàn về quyền tự do hiệp hội và tổ chức của người lao động theo công ước 87 ILO trong bối cảnh pháp lý hiện nay ở Việt Nam” do TS. Đoàn Thị Phương Diệp trình bày.
  • Tham luận 2:Việc đảm bảo quyền tự do hiệp hội theo công ước số 87 của ILO từ kinh nghiệm của một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam” do TS. Lê Thị Thúy Hương trình bày.

    Phiên thứ hai gồm các tham luận:

  • Tham luận 3: “Quy định về tổ chức đại diện của người lao động trong dự thảo BLLĐ 2012 sửa đổido ThS. Châu Hoàng Mẫn trình bày.
  • Tham luận 4: “Lao động khu vực phi chính thức: Khoảng trống về quyền lợi và cơ chế bảo vệ hiện nay” - ThS. Nguyễn Thị Minh Châu trình bày.


ThS. Châu Hoàng Mẫn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn CTXH & PTCĐ (SDRC) trình bày tham luận tại Hội thảo


Ông Nguyễn Thành Đô – Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn lao động TP.HCM phát biểu ý kiến thảo luận tại Hội thảo

Sau mỗi bài tham luận, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và đại diện các cơ quan, tổ chức quản lý về lao động đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận rất sôi nổi, xoay quanh những vấn đề đã đặt ra về vai trò quan trọng của tổ chức đại diện người lao động, một số mô hình của tổ chức này được thành lập ở cấp doanh nghiệp và ý tưởng cho việc thành lập đại diện người lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức, v.v…

Hội thảo kết thúc với nhiều sự đóng góp từ các chuyên gia

Nhìn chung, tất cả các ý kiến trong Hội thảo đều hướng đến việc đưa ra các góp ý đề xuất để Ban soạn thảo tham khảo, hướng đến việc cùng xây dựng nên một Bộ luật lao động hoàn chỉnh và chặt chẽ hơn để đảm bảo quyền tự do hiệp hội và các quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Sau 4 giờ đồng hồ diễn ra sôi nổi, Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp. TS. Lê Thị Thúy Hương đã tổng kết những ý kiến và nội dung chính đã được trình bày và thảo luận trong Hội thảo để làm bản khuyến nghị gửi Ban soạn thảo Bộ Luật Lao động 2012 (sửa đổi).

 

Nội dung: Anh Thư

Hình ảnh: Vie Vie

Ban Truyền thông Ulaw

 

 

 


--%>
Top