Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Tập huấn về nghiên cứu khoa học và công bố khoa học với sự hỗ trợ của AI

Sáng ngày 02/07/2024, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức chương trình tập huấn về nghiên cứu khoa học và công bố khoa học với sự hỗ trợ của AI tại phòng họp A.905 cơ sở Nguyễn Tất Thành.

Buổi tập huấn về nghiên cứu khoa học và công bố khoa học với sự hỗ trợ của AI được tổ chức phòng họp A.905 cơ sở Nguyễn Tất Thành

Buổi tập huấn có sự tham dự của GS. TS. Đỗ Phúc - Giảng viên Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP. HCM; GS. TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Lê Thị Nam Giang - Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ, PGS.TS. Trần Thị Thuỳ Dương - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam; PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình - Trưởng Khoa Luật Thương mại; TS. Nguyễn Thị Bích - Trưởng Bộ môn Luật Lao động; TS. Phan Anh Tuấn - Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính, các giảng viên, chuyên viên có quan tâm.

Buổi tập huấn có sự tham dự của diễn giả là GS. TS. Đỗ Phúc - Giảng viên Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP. HCM

Mở đầu chương trình, GS. TS. Đỗ Phúc - Giảng viên Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP. HCM đã phát biểu khái quát về tầm ảnh hưởng của AI đối với nhiều lĩnh vực khoa học và xã hội. Theo đó, đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học, AI đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm khoa học được diễn ra một cách thuận lợi. GS.TS. Đỗ Phúc nhấn mạnh rằng, trong thời đại hiện nay, việc trang bị cho các giảng viên, chuyên viên khả năng sử dụng thành thạo các sản phẩm công nghệ, đặc biệt là AI sẽ đem nhiều lợi ích trong quá trình làm việc cũng như quá trình tạo ra các thành phẩm nghiên cứu khoa học chất lượng.

Buổi tập huấn nhận được nhiều sự quan tâm từ các giảng viên và chuyên viên

Trong khuôn khổ chương trình, GS.TS. Đỗ Phúc đã chia sẻ các nội dung tập huấn về việc sử dụng ChatGPT nhằm hỗ trợ quá trình nghiên cứu khoa học. Các chủ đề thảo luận bao gồm việc tìm kiếm đề tài nghiên cứu, đánh giá ý tưởng, tóm tắt bài báo khoa học, kiểm tra đạo văn, viết và công bố bài viết khoa học. GS.TS cho rằng ChatGPT là một công cụ mạnh mẽ giúp người viết thực hiện các bước nghiên cứu, hoàn thiện và công bố sản phẩm khoa học một cách hiệu quả hơn. Việc sử dụng công nghệ này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn nâng cao chất lượng công trình nghiên cứu. Đồng thời, nó có thể mở ra những cơ hội mới trong việc tiếp cận và ứng dụng các phương pháp nghiên cứu tiên tiến.   

Trong buổi tập huấn, GS. TS. Đỗ Phúc dành thời gian giải đáp các thắc mắc của các giảng viên, chuyên viên tham dự

Xuyên suốt buổi tập huấn, các giảng viên và chuyên viên tham dự đã lắng nghe chia sẻ của diễn giả về cách áp dụng AI trong thực tiễn nghiên cứu khoa học, đồng thời được đặt ra các câu hỏi nhằm góp phần làm rõ cách sử dụng AI không chỉ trong nghiên cứu mà còn trong công việc sao cho hiệu quả nhất. Chương trình tập huấn là cơ hội để các giảng viên và chuyên viên hiểu rõ hơn về công năng của AI trong các hoạt động nghiên cứu, từ đó giúp quá trình nghiên cứu và công bố thành phẩm khoa học trở nên thuận lợi hơn. Thông qua đó, các công trình nghiên cứu sẽ ngày càng chất lượng và đáp ứng tốt hơn những yêu cầu của khoa học hiện đại.

Buổi tập huấn là cơ hội để các giảng viên, chuyên viên tham dự có thể hiểu rõ hơn về cách áp dụng AI trong hoạt động nghiên cứu khoa học

Nội dung: Linh Linh

Hình ảnh: Mai Hương

Ban Truyền thông Ulaw