Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức các buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Khoa, luận văn thạc sĩ chuyên ngành Luật Hình sự và Tố tụng hình sự

Nhằm đảm bảo tiến độ của công tác bảo vệ luận án, luận văn của các nghiên cứu sinh trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, vừa qua, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tiến hành tổ chức các buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Khoa, luận văn thạc sĩ chuyên ngành Luật Hình sự và Tố tụng hình sự. Các buổi bảo vệ lần lượt diễn ra vào các ngày 19, 21 và 22/10/2021 dưới hình thức kết hợp giữa bảo vệ trực tiếp tại cơ sở Nguyễn Tất Thành và trực tuyến qua phòng họp Zoom.

Buổi bảo vệ diễn ra dưới hình thức kết hợp giữa bảo vệ trực tiếp tại cơ sở Nguyễn Tất Thành và trực tuyến qua phòng họp Zoom

Thành viên của hội đồng đánh giá gồm GS.TS. Nguyễn Ngọc Anh, PGS.TS. Trần Văn Độ, PGS.TS. Phạm Quang Phúc, TS. Võ Thị Kim Oanh, TS. Phan Anh Tuấn, TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, TS. Hoàng Thị Tuệ Phương cùng các giảng viên thuộc khoa Luật Hình sự Trường Đại học Luật TP.HCM và các cơ sở đào tạo Luật khác tại TP.HCM.

Mở đầu buổi bảo vệ, Hội đồng đã tiến hành xem xét lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập, kết quả nghiên cứu khoa học của những nghiên cứu sinh trong suốt quá trình thực hiện đề tài và công nhận các học viên đủ điều kiện để tham gia bảo vệ. Theo Hội đồng, các đề tài được chọn nghiên cứu năm nay đều là những vấn đề rất thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam.

Với luận án tiến sĩ cấp Khoa, chuyên ngành Luật Hình sự và Tố tụng hình sự, đề tài “Nội luật hóa các Công ước quốc tế đối với hành vi tham nhũng trong Bộ luật Hình sự Việt Nam” của NCS. Trần Thị Ngọc Kim đã chỉ ra sự tương thích giữa về quy định về hành vi chống tham nhũng giữa Công ước quốc tế và Bộ luật Hình sự Việt Nam, từ đó, đề ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam trên cơ sở yêu cầu nội luật hóa của các Công ước Quốc tế về chống tham nhũng.

NCS. Trần Thị Ngọc Kim với luận án tiến sĩ “Nội luật hóa các Công ước quốc tế đối với hành vi tham nhũng trong Bộ luật Hình sự Việt Nam”

Bên cạnh đó, những đề tài luận văn thạc sĩ của các học viên đều là các vấn đề nhận được sự quan tâm đông đảo của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đối với lĩnh vực Luật Hình sự và Tố tụng hình sự của pháp luật Việt Nam hiện nay. Có thể kể đến đề tài “Tội mua bán trái phép chất ma túy theo Luật Hình sự Việt Nam” của Đào Xuân Mừng; đề tài “Tội chứa chấp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có trong Luật Hình sự Việt Nam” của Lê Thị Hồng Hạnh; đề tài “Biện pháp tạm giữ theo Luật Tố tụng hình sự” của học viên Nguyễn Thị Thanh Hiếu; đề tài “Quyền của bị can theo Luật Tố tụng hình sự Việt Nam” của Vũ Quý Tân; đề tài “Các quyết định của Tòa án trong chuẩn bị xét xử sơ thẩm theo Luật Tố tụng hình sự Việt Nam” của học viên Bùi Thị Thùy Trân,...

TS. Hoàng Thị Tuệ Phương nhận xét các đề tài của học viên

Sau khi lắng nghe phần trình bày của các học viên, Hội đồng đánh giá tích cực đặt ra nhiều câu hỏi phản biện để làm rõ các vấn đề trong luận án, luận văn và đưa ra những đánh giá, nhận xét khách quan giúp các học viên xác định được những ưu điểm và hạn chế của công trình nghiên cứu. Với sự góp ý mang tính chuyên môn từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, các luận án, luận văn của học viên đã được cải thiện hơn và bản thân các nghiên cứu sinh cũng tích lũy được kinh nghiệm, kiến thức bổ ích cho quá trình nghiên cứu về sau.

TS. Phạm Thái - Phó trưởng khoa Luật Hình sự Trường Đại học Luật TP.HCM xem xét, đánh giá để hoàn thiện bài nghiên cứu của các học viên

Buổi bảo vệ luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ chuyên ngành Luật Hình sự và Tố tụng hình sự đã diễn ra trong không khí nghiêm túc và gặt hái được nhiều thành công tốt đẹp. Hội đồng đánh giá đề cao những kiến thức chuyên môn và nỗ lực nghiên cứu của các học viên trong tình hình dịch bệnh phức tạp. Hy vọng rằng những giải pháp tích cực từ các công trình nghiên cứu mới mẻ và thú vị này sẽ góp phần hoàn thiện lĩnh vực Luật Hình sự, Tố tụng hình sự nói riêng và hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung.

Thực hiện bởi Ban Truyền thông Ulaw