Tọa đàm “Phát triển các chương trình đào tạo liên ngành tại Trường Đại học Luật TP.HCM: cơ hội, thách thức và giải pháp”

Chiều ngày 22/07, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Tọa đàm "Phát triển các chương trình đào tạo liên ngành tại Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh: Cơ hội, thách thức và giải pháp" tại Hội trường A.1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành. 

Về phía khách mời, tọa đàm có sự tham dự của PGS. TS. Phạm Quốc Việt - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Tài chính - Marketing; PGS. TS Lê Minh Hùng - Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM; Ông Trần Tuấn Anh - Phó Giám đốc Văn phòng Tổ chức Giáo dục FPT TP.HCM; Bà Nguyễn Quỳnh Anh - Chuyên viên Phòng Đảm bảo chất lượng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; Ông Bùi Thái Hùng - Phó Chánh án Toà án nhân dân TP.HCM; ThS. LS. Nguyễn Viết Tú - Giám đốc Hãng luật Asia iLaw và những cộng sự; LS. Nguyễn Thành Công - Giám đốc điều hành Công ty Đông Phương Luật.

Về phía trường ĐH Luật TP.HCM có sự góp mặt của TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường; GS. TS Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng lãnh đạo các đơn vị.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết: “Là cơ sở giáo dục đại học công lập trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực đào tạo pháp luật, Trường Đại học Luật TP. HCM đang từng bước triển khai chiến lược phát triển theo định hướng đa ngành, trong đó luật vẫn giữ vai trò là ngành đào tạo trọng điểm, nòng cốt. Trong lộ trình đó, việc phát triển các chương trình đào tạo liên ngành là một hướng đi quan trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học, hội nhập quốc tế và nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường lao động.

Tuy nhiên, việc phát triển chương trình liên ngành tại Trường cần được thực hiện một cách có định hướng và chọn lọc – trên cơ sở nền tảng ngành luật, có liên quan chặt chẽ đến lĩnh vực pháp lý, và quan trọng nhất là phải đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của xã hội. Đây vừa là cơ hội để nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh và phạm vi ảnh hưởng của Nhà trường, vừa là thách thức trong việc bảo đảm chất lượng, tính kết nối và tính ứng dụng của chương trình đào tạo.

Với mục tiêu đó, tọa đàm sẽ là diễn đàn học thuật và thực tiễn, nơi các nhà quản lý, nhà khoa học, các giảng viên, chuyên gia và đại diện đơn vị sử dụng lao động cùng trao đổi, chia sẻ và hiến kế cho việc phát triển các chương trình liên ngành một cách bài bản, hiệu quả và bền vững tại Trường Đại học Luật TP. HCM”.

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXczDjyr9Uq_UlScX3kgIG6lOxIUJlPGWRzq705Ly2PyGO9DJ3pfC4m1oqUg9xqt-fEITgXDz7ify9buxM8FepUqKCADfsGJpQC7bd6V3qQNrmyYHnS4Vj2p0KR49ITOUxF5_DGzWg?key=8xi31Dh4HcUten31bMt9Nw

TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu khai mạc tọa đàm

Mở đầu buổi làm việc, PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình – Trưởng Khoa Luật Thương mại trình bày đề tài “Ngành Luật kinh tế với hướng tiếp cận đa ngành”. Theo đó, tác giả tập trung trình bày các kết quả nghiên cứu với mục tiêu đề ra các luận cứ cho việc xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Luật kinh tế với hướng tiếp cận liên ngành Luật và Quản trị kinh doanh. Đây cũng là tiền đề cho việc kiến nghị Nhà trường triển khai tổ chức đào tạo ngành Luật kinh tế ở bậc đại học. Việc mở ngành Luật kinh tế với hướng tiếp cận liên ngành pháp luật và quản trị kinh doanh có thể đem lại nhiều thuận lợi để từ đó góp phần cho sự phát triển lớn mạnh của Nhà trường.

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXdmGlkC3s9K30sBaIAagUzOTTOa0T6VrvBGqYaWKUK1LdrlRr_nvi6hdONsLjlufxL6sed3eDrfBLeaQ31ufHPHbFamh35H9A_OUATu2GCQUkDVr4XFczRUz4sBzQEkm8T6e8Xt?key=8xi31Dh4HcUten31bMt9Nw

PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình – Trưởng Khoa Luật Thương mại trình bày tham luận đầu tiên “Ngành Luật kinh tế với hướng tiếp cận đa ngành”

Tại tọa đàm nhiều nội dung được các đại biểu trao đổi, thảo luận về nhu cầu và xu hướng đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức liên ngành (ví dụ: Luật – Công nghệ, Luật – Kinh tế, Luật – Y tế...); cũng như kinh nghiệm thực tiễn mô hình đào tạo liên ngành tại các cơ sở đào tạo; Những lợi thế và khó khăn gì trong việc phát triển các chương trình liên ngành; Hợp tác và kết nối Đánh giá thế nào về khả năng liên kết giữa Trường Đại học Luật TP. HCM với các trường đại học hoặc khoa ngành khác để phát triển chương trình liên ngành; Vai trò của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và tổ chức nghề nghiệp trong việc hỗ trợ xây dựng và vận hành chương trình liên ngành là gì; Làm thế nào để đảm bảo chương trình liên ngành không trở thành “lai tạp” mà vẫn giữ được định vị và thương hiệu đào tạo luật, ...

Chia sẻ tại diễn đàn, PGS. TS. Phạm Quốc Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính-Marketing cho biết việc thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo mang tính liên ngành ở các trường đại học Việt Nam đang được định hướng và quy định một cách quan trọng, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, linh hoạt và thích ứng với thị trường lao động hiện đại. Ông đề xuất trường Đại học Luật TP.HCM cần đánh giá nguồn lực của Trường để xem xét sẽ triển khai phù hợp theo mô hình nào? Thí điểm thực hiện một đến 2 ngành để triển khai đào tạo theo mô hình hình liên ngành đã chọn ở bước 1 (nên chọn Ngành thuộc thế mạnh của Trường); Giao liên khoa đồng chủ trì thực hiện; đồng thời Nhà trường đầu tư cơ sở vật chất nguồn lực đảm bảo các điều kiện để triển khai thực hiện chương trình liên ngành.

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXerlrJD8KGs45m4pjASMBLHUp1AJc_EcixG80QlNiKXoAOPQ4oLtBF4e9SKHhThoTu_S5TtvOiz0a6RQt4p0y6DmAA6f7e7_yGn7ygeBPHhDKWmcWB0j7udt2mQ7mlB1jbbuFuu?key=8xi31Dh4HcUten31bMt9Nw

PGS.TS. Phạm Quốc Việt - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Tài chính - Marketing trình bày tham luận “Thiết kế chương trình đào tạo hiện đại liên ngành nhằm đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm trong thời kỳ kỷ nguyên số”

Bàn về thiết kế và triển khai Chương trình đào tạo liên ngành tại Trường Đại học Luật TP.HCM nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm định của Việt Nam và quốc tế, ThS. Vũ Duy Cương – Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng và Khảo thí, trường ĐH Luật TP.HCM cho biết với bối cảnh chung hiện nay, mô hình đào tạo đơn ngành đã bộc lộ những hạn chế nhất định trong việc trang bị năng lực đa chiều cho người học. Tác giả đề xuất hai hướng tiếp cận chính trong quá trình thiết kế và triển khai Chương trình đào tạo liên ngành tại Trường Đại học Luật TP.HCM, thứ nhất, dựa trên danh mục ngành theo thông tư 09/2022 của Bộ để: (i) cải tiến các chương trình đào tạo hiện hữu theo hướng tích hợp liên ngành; và (ii) đề xuất mở ngành mới thuộc danh mục, và thứ hai, gợi hướng để bổ sung ngành mới (có thể là ngành thí điểm, có tính liên ngành cao, ví dụ như ngành “Pháp luật và Trí tuệ nhân tạo”... ).

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXfnKRaWI9JegvOR8W09NoJG8CMaHtYD_tNgoZNzUHTh2Xbt3dOrHUdjNJHDW7K7awW-4y7cRP4zpd7TcBUGs6V6MHKfM4Z9PI4T0b6mPkCux4p7Bnx2AxKLdu7zUh5yuvZmOFN1sg?key=8xi31Dh4HcUten31bMt9Nw

ThS. Vũ Duy Cương - Trưởng Phòng Đảm bảo chất lượng và Khảo thí trình bày tham luận “Thiết kế và triển khai Chương trình đào tạo liên ngành tại Trường Đại học Luật TP.HCM đáp ứng yêu cầu kiểm định của Việt Nam và Quốc tế”

Tại phiên thảo luận đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc và đa chiều, làm rõ thêm các khía cạnh trong việc hoạch định và triển khai các chương trình đào tạo liên ngành, đa lĩnh vực tại Nhà trường.

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXcO9eiXwqvjpXG9VkAKt-TFv5ISVdlw_mgmEbt9E_7RrPbniNFbZHJ3-prvdsuUmoLheuvcKw1Srk3OIpeAIbyVRp5SfazahC-tQM46bS-p2ZYpJeaxvkitndcOnEupRB3w8SoZjw?key=8xi31Dh4HcUten31bMt9Nw

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXcgOMiBn1jloo8KzWr7p411vlOYn9czfhPSxL3IG_UYaLHQZ3KU0vvVa40oUrtQ3LV6wYNCnFJADQenTIeTz7-W0P5KuvU8eEcI2F76gNxe7dJdizsoi_eH7L3nJ__uoPvqr5sYSw?key=8xi31Dh4HcUten31bMt9Nw

Tọa đàm ghi nhận nhiều đề xuất từ các chuyên gia, giảng viên và nhà quản lý về phát triển chương trình liên ngành trong đào tạo pháp luật

Kết luận tọa đàm, TS. Lê Trường Sơn nhấn mạnh: Tọa đàm đã mang đến nhiều góc nhìn đa chiều và sâu sắc từ các nhà quản lý, giảng viên, nhà khoa học và chuyên gia giáo dục. Những trao đổi sôi nổi, thực tiễn và mang tính định hướng cao tại buổi tọa đàm cho thấy rằng việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo liên ngành không chỉ là xu thế tất yếu trong bối cảnh đổi mới giáo dục đại học, mà còn là cơ hội để Trường Đại học Luật TP. HCM nâng cao vị thế, mở rộng ảnh hưởng và khẳng định vai trò tiên phong trong hệ thống giáo dục pháp luật quốc gia.

Tuy nhiên, quá trình phát triển các chương trình liên ngành cũng đặt ra không ít thách thức – từ vấn đề thiết kế chương trình, bố trí đội ngũ giảng viên, đảm bảo chất lượng đào tạo, đến việc thay đổi nhận thức của người học và xã hội. Trước thực tế đó, việc xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, xác định rõ trọng tâm ưu tiên, đồng thời phát huy nội lực, tăng cường hợp tác liên ngành và liên cơ sở đào tạo là những giải pháp thiết thực và khả thi.

Tọa đàm hôm nay không chỉ dừng lại ở việc nhận diện cơ hội và thách thức, mà còn mở ra những định hướng cụ thể nhằm thúc đẩy quá trình triển khai các chương trình đào tạo liên ngành tại Trường Đại học Luật TP. HCM trong thời gian tới. Những ý kiến chia sẻ tại tọa đàm sẽ là nguồn tư liệu quan trọng để Nhà trường tiếp tục hoàn thiện định hướng chiến lược, khẳng định cam kết về chất lượng và sự đổi mới trong giáo dục đại học – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

https://lh7-rt.googleusercontent.com/docsz/AD_4nXcp3x4DipYO1mLkHGeB67s3dUmSCabu6AsK5TGHOQmXL1iZSoKwV_SRH3TYaYUj3Ztwo_au_lvFRpEsTZ00ZW4QFjZPQ7TrvnxlBl8t7IbcAoMPXLosgSCjAwwQUDi8aU60ZiXRMg?key=8xi31Dh4HcUten31bMt9Nw

Việc đẩy mạnh mô hình đào tạo liên ngành vừa là bước đi chiến lược nhằm bắt kịp xu thế giáo dục hiện đại vừa góp phần nâng tầm vị thế và khẳng định uy tín của Nhà trường trong khu vực và cả quốc tế

Nội dung: Khánh Linh

Hình ảnh: Nhật Nam

Ban Truyền thông Ulaw