Livestream câu chuyện nghề nghiệp: Nghề Thừa phát lại & Các chức danh Tư pháp

Nhằm tư vấn và giải đáp cho sinh viên trường Đại học Luật TP.HCM về các công việc sau khi tốt nghiệp nói chung và nghề Thừa phát lại và các chức danh tư pháp, vào lúc 11h30 ngày 14/09/2020, trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức buổi livestream Tư vấn hướng nghiệp với chủ đề “Nghề thừa phát lại và các chức danh tư pháp”.

Tham gia buổi livestream lần này có sự tham gia của ThS. Nguyễn Tiến Pháp – Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn, ThS. Trần Quốc Liêm – Phó Trưởng cơ sở Học viện Tư pháp tại TP. HCM và Th.S Nguyễn Tấn Hoàng Hải - Giảng viên Khoa Luật Dân sự trường Đại học Luật TP.HCM.

Toàn cảnh buổi livestream Tư vấn hướng nghiệp Chủ đề 4: Nghề thừa phát lại và các chức danh tư pháp

Mở đầu chương trình, ThS. Nguyễn Tiến Pháp – Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn đã giới thiệu về Nghề Thừa phát lại – một nghề còn khá mới lạ ở Việt Nam trên thị trường lao động nói chung cũng như trong lĩnh vực pháp lý nói riêng. Thừa phát lại có nghĩa là viên chức trong Tòa án làm tống đạt, lập vi bằng và tổ chức thi hành án sau khi bản án của Tòa có hiệu lực. Những công việc của Thừa phát lại nhằm chia sẻ công việc của cơ quan thi hành án và từ đó mang lại lợi ích cho người dân.

ThS. Nguyễn Tiến Pháp – Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Sài Gòn đã giới thiệu về Nghề Thừa phát lại

ThS. Trần Quốc Liêm – Phó Trưởng cơ sở Học viện Tư pháp tại TP.HCM có đôi lời chia sẻ về các chức danh trong lĩnh vực tư pháp. Các chức danh Tư pháp được đào tạo tại Học viện Tư pháp ví dụ như Luật sư, Thừa phát lại, Kiểm sát viên... Để làm các chức danh tư pháp tại học viện Tư pháp, các bạn sinh viên phải có bằng cử nhân Luật, sau đó ghi danh vào học tập tại học viện Tư pháp, có được chứng chỉ đào tạo nghề và chọn một trong các chức danh tư pháp.

ThS. Trần Quốc Liêm – Phó Trưởng cơ sở Học viện Tư pháp tại TP.HCM có đôi lời chia sẻ về các chức danh trong lĩnh vực tư pháp

Bên cạnh đó, ThS. Nguyễn Tiến Pháp chia sẻ về một trong các yếu tố bắt buộc để trở thành Thừa phát lại thì các bạn sinh viên phải có bằng cử nhân Luật và phải nắm vững kiến thức về lý luận cơ bản, không chỉ kiến thức về mảng Dân sự, Thương mại, Hình sự mà còn phải vững về Lý luận Nhà nước và pháp luật. Đồng thời, sinh viên phải biết tận dụng triệt để thời gian thực tập tại văn phòng Thừa phát lại để làm quen với công việc và môi trường nơi đây.

ThS. Nguyễn Tiến Pháp và ThS. Trần Quốc Liêm đều cho rằng các bạn sinh viên phải rèn luyện cho bản thân kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, cũng như ngoại ngữ, tin học văn phòng thật tốt ngay từ trên ghế nhà trường, tạo nền tảng tốt cho công việc sau này. Hiện nay, các chức danh tư pháp đều phải trải qua quá trình học tập khó khăn nhưng sinh viên cần phải có tâm lý, kiến thức và những kỹ năng mềm thật tốt, trải nghiệm qua nhiều ngành nghề và những môi trường làm việc khác nhau để từ đó tìm ra được ngành nghề phù hợp với bản thân nhất.

Kết thúc buổi livestream, những thắc mắc của các bạn sinh viên đã được giải đáp và mong rằng các bạn sinh viên sẽ có được cho mình sự định hướng và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp nhất.

Buổi livestream diễn ra thành công tốt đẹp

Nội dung: Hương Quỳnh

Hình ảnh: Lệ Huyền

Ban Truyền thông Ulaw