Tổng thuật: Ngày làm việc thứ hai của Hội thảo quốc tế về ảnh hưởng của hiện tượng xoay trục hoạt động thương mại sang châu Á – Thái Bình Dương (Phần 2)

Vào chiều ngày 20/10/2023, Hội thảo tiếp tục được diễn ra với Phần III chủ đề: Chiến lược kinh tế của các cường quốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đến các châu lục khác trong 02 phiên, lần lượt do bà Emilie Delcher, Phó Giáo sư, Trường Đại học Nantes, DCS-UMR 6297 (Pháp) chủ trì và PGS.TS. Trần Việt Dũng, Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM điều phối.

Ngày làm việc thứ hai của Hội thảo quốc tế 2023 tại Hội trường A.1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành và trực tuyến thông qua hệ thống Zoom

Bà Emilie Delcher, Phó Giáo sư, Trường Đại học Nantes, DCS-UMR 6297 (Pháp) chủ trì phiên thứ ba trong ngày làm việc thứ hai của Hội thảo

Các tham luận được trình bày tại phiên thứ 7 của Hội thảo tập trung vào các đề tài:

- Sáng kiến “Quan hệ đối tác Á - Âu mở rộng” của Nga như một động lực mới cho hợp tác kinh tế và thương mại trong thế giới đa trung tâm;

- Chính sách quay về phương Đông của Nga: Nhiệm vụ và triển vọng;

- Chủ quyền về dược phẩm và các hiệp định đầu tư ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương;

- Các chiến lược thể chế, kinh tế và quân sự của Trung Quốc ở Châu Phi đối với các cường quốc thế giới khác;

- Nguồn tài trợ của Trung Quốc và ảnh hưởng của Pháp ở Châu Phi.

Hình ảnh các khách mời tại Hội thảo quốc tế năm 2023

Trước bối cảnh các hình thức và công cụ hợp tác kinh tế cũ đã phát triển trong nhiều thập kỷ đang ngày càng trở nên không phù hợp và lỗi thời, đề tài của tác giả Anait Smbtyan - Giáo sư, Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại thương Nga: Sáng kiến “Quan hệ đối tác Á - Âu mở rộng” của Nga như một động lực mới cho hợp tác kinh tế và thương mại trong thế giới đa trung tâm  đã đặt ra vấn đề xây dựng một cấu trúc quan hệ ngoại thương mới. Theo đó, sự hợp tác không thể chỉ giới hạn ở việc tăng cường thương mại và đầu tư mà các vấn đề khác cũng cần được đảm bảo, như an ninh lương thực, năng lượng, tạo điều kiện công bằng cho chuyển giao công nghệ quốc tế, cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho mọi người dân cũng cần được quan tâm. Chiến lược của Nga cho rằng các công cụ điều tiết thương mại truyền thống không thể giải quyết được những vấn đề này mà đòi hỏi các giải pháp mới dựa trên cốt lõi là sự hợp tác giữa các quốc gia để giải quyết các thách thức hiện nay.

Tác giả Anait Smbtyan, Giáo sư, Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại thương Nga, (Nga) trình bày tham luận  "Sáng kiến “Quan hệ đối tác Á- Âu mở rộng” của Nga như một động lực mới cho hợp tác kinh tế và thương mại trong thế giới đa trung tâm"

Ông Alexander A. Vologdin, Phó Giáo sư, Trưởng Khoa Lý luận và Lịch sử Nhà nước và Pháp luật, Học viện Ngoại thương Nga (Nga) trình bày tham luận: "Chính sách quay về phương Đông của Nga: Nhiệm vụ và triển vọng”

Ông Sébastien Manciaux, Phó Giáo sư, Trường Đại học Bourgogne-Franche Comté, CREDIMI (Pháp) trong lượt trình bày tham luận “Chủ quyền về dược phẩm và các hiệp định đầu tư ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”

Ông Michel Trochu, Giáo sư danh dự Trường Đại học Tours, Cựu chuyên gia pháp lý của Nghị viện Châu Âu, (Pháp) trình bày tham luận “Các chiến lược thể chế, kinh tế và quân sự của Trung Quốc ở châu Phi đối với các cường quốc thế giới khác”

  

Bài trình bày tham luận "Nguồn tài trợ của Trung Quốc và ảnh hưởng của Pháp ở Châu Phi” của ông Thierry Pairault, Giám đốc danh dự về Nghiên cứu (CNRS), EHESS, CECMC, UMR 8173, Paris, (Pháp)

Trong không khí cởi mở và phát huy tính học thuật, Hội thảo bước vào phiên làm việc cuối cùng (phiên thứ 8) với 03 đề tài nghiên cứu sau:

- Chính sách Một vành đai - Một con đường và tác động của nó đối với FDI từ các nước tham gia;

- Tranh chấp liên quan đến Ấn Độ trong hệ thống thương mại đa phương;

- Định hình quản trị doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài tại Việt Nam

PGS.TS. Trần Việt Dũng, Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM điều phối phiên làm việc thứ tư trong ngày làm việc thứ hai của Hội thảo

Tham luận thứ nhất “Chính sách Một vành đai - Một con đường và tác động của nó đối với FDI từ các nước tham gia” do Ông Son Pando - Giáo sư, Trường Đại học Dong-A (Hàn Quốc) đại diện nhóm tác giả trình bày nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của các đại biểu tham dự. Cụ thể, mục tiêu của nghiên cứu nhắm tới việc tìm hiểu tác động của dòng vốn trực tiếp đầu tư nước ngoài dọc theo tuyến đường vành đai con đường, từ đó, đánh giá ảnh hưởng tiêu cực và tích cực về mặt xuất nhập khẩu mà chính sách "Một vành đai - Một con đường" của Trung Quốc mang lại. Thông qua việc đưa ra một số giả thuyết và kiểm chứng chúng bằng các kĩ thuật tính toán, nhóm tác giả đi đến kết luận đầu tư trực tiếp nước ngoài giúp thúc đẩy thương mại với Trung Quốc và các quốc gia dọc con đường này.

Ông Son Pando, Giáo sư, Trường Đại học Dong-A (Hàn Quốc ) đại diện nhóm tác giả trình bày tham luận “Chính sách Một vành đai - Một con đường và tác động của nó đối với FDI từ các nước tham gia”

Ông Bùi Đức Giang, Giảng viên, Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội trong tham luận “Định hình quản trị doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài tại Việt Nam”

Với tham luận “Tranh chấp liên quan đến Ấn Độ trong hệ thống thương mại đa phương", ông Pallavi Kishore - Giáo sư, Nghiên cứu viên, Trung tâm Đầu tư quốc tế và Pháp luật thương mại, Trường Luật Toàn cầu Jindal, O. P. Jindal Global University, Sonipat (Ấn Độ) thông qua việc bình luận các tranh chấp của Ấn Độ với các cường quốc như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu cũng như các nước thành viên WTO trong quan hệ thương mại quốc tế đã giải mã: (i) các lợi ích mang tính hệ thống và thương mại mà Ấn Độ bảo vệ; (ii) các chiến lược kinh tế và pháp lý của Ấn Độ trong hệ thống thương mại đa phương; (ii) diễn biến tình hình của Ấn Độ trong hệ thống thương mại đa phương; (iv) xác định những thay đổi trong hành vi của Ấn Độ và các đối tác thương mại của nước này theo thời gian và (v) phân tích lý do của các cơ quan tư pháp trong các tranh chấp này để tìm hiểu xem liệu các mục tiêu của Ấn Độ và các đối tác thương mại của nước này có đạt được hay không.

Bà Pallavi Kishore - Giáo sư and Nghiên cứu viên, Trung tâm Đầu tư quốc tế và Pháp luật thương mại, Trường Luật Toàn cầu Jindal, O. P. Jindal Global University, Sonipat (Ấn Độ) trình bày tham luận “Tranh chấp liên quan đến Ấn Độ trong hệ thống thương mại đa phương"

Tại phần thảo luận mỗi phiên, các diễn giả và khách mời đã tích cực trao đổi ý kiến và quan điểm. PGS.TS. Trần Việt Dũng - Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM, Trọng tài viên VIAC nêu vấn đề: Việt Nam gặp khó khăn trong việc tuân thủ và thực thi các cam kết Hiệp định thương mại tự do bởi số lượng FTA đã tham gia nhiều và chồng chéo lẫn nhau. Trả lời mối quan tâm của PGS.TS. Trần Việt Dũng, bà Pallavi Kishore - Giáo sư and Nghiên cứu viên, Trung tâm Đầu tư quốc tế và Pháp luật thương mại, Trường Luật Toàn cầu Jindal, O. P. Jindal Global University, Sonipat (Ấn Độ) cho rằng đây không phải vấn đề duy nhất Việt Nam gặp phải mà là thách thức chung của các quốc gia trong thời đại thương mại tự do hiện nay. Theo Giáo sư, dựa trên thực tiễn kinh nghiệm các quốc gia, Việt Nam có thể tận dụng ngoại lệ tại Điều XXIV của WTO. Bên cạnh đó, quan điểm của Ấn Độ và Trung Quốc nếu Nga yêu cầu tham gia Hiệp định RCEP; Luật mà các nhà đầu tư khủng của Trung Quốc ra nước ngoài sử dụng và phương thức Tòa án giải quyết tranh chấp nếu có phát sinh cũng nhận được sự bàn luận sôi nổi của các đại biểu tham dự.


Các đại biểu tham dự tích cực trao đổi ý kiến và quan điểm tại phần thảo luận mỗi phiên

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS Trần Việt Dũng - Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. HCM thay mặt Ban tổ chức gửi lời cảm ơn trân trọng và đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết của các khách mời, diễn giả trong và ngoài nước vì đã dành thời gian tham dự, đóng góp các ý kiến, phát biểu, thảo luận tại Hội thảo. PGS.TS. Trần Việt Dũng đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác, trao đổi chuyên môn về các vấn đề pháp lý cùng quý đại biểu tham dự trong thời gian tới.

Hình ảnh các khách mời tại Hội thảo quốc tế 2023

Sau 02 ngày làm việc nghiêm túc, với sự chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp của ban tổ chức và sự tham gia nhiệt tình của các khách mời, diễn giả trong và ngoài nước, giảng viên của Nhà trường cũng như các cơ sở đào tạo trong cả nước và các học viên, sinh viên; các nhà báo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan thông tấn báo chí,… Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hiện tượng xoay trục hoạt động sang Châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh hưởng đối với chính sách của các đối tác kinh tế bên trong và bên ngoài khu vực trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và môi trường” do Trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp cùng Đại học Tours (Pháp) với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức đã kết thúc thành công rực rỡ vào chiều ngày 20/10/2023, hoàn thành mục tiêu cung cấp một diễn đàn quốc tế để các học giả trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và cố vấn pháp lý phân tích về các vấn đề pháp lý – kinh tế liên quan đến ảnh hưởng của sức hút từ châu Á - Thái Bình Dương đối với khu vực nói riêng và thế giới nói chung.

Các nội dung của Hội thảo sẽ được Trường Đại học Luật TP. HCM tổng hợp để ra các đề xuất hay tổng kết thành các tài liệu phục vụ cho quá trình nghiên cứu, giảng dạy, trao đổi học thuật và áp dụng vào thực tiễn.

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top