Nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản và cập nhật pháp luật sở hữu trí tuệ trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như tạo diễn đàn để thảo luận những vấn đề liên quan đến vi phạm SHTT, vào sáng ngày 11/12/2024, Viện Luật so sánh Trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực tổ chức Tọa đàm "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Cơ hội và Thách thức trong kỷ nguyên số" tại phòng hợp A.905, cơ sở Nguyễn Tất Thành.
Về phía khách mời, buổi Tọa đàm có sự tham dự của LS. Benjamin Tietgen - Giám đốc điều hành Công ty General Vibronics, Viện Sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ; LS. Julien Tran - Giám đốc quốc gia công ty Luật RBA; Ông Nguyễn Đình Mạnh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Ông Võ Duy Tuyến - Giám đốc điều hành Công ty Luật Việt Mỹ IPC; TS. Trịnh Thục Hiền - Phó viện trưởng pháp luật quốc tế và so sánh Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM); Thẩm phán. Dương Quốc Cường - Thẩm phán TAND Quận Bình Tân cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu có quan tâm.
Về phía Nhà trường, buổi Tọa đàm có sự tham dự của GS.TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp - Viện Luật so sánh; TS. Nguyễn Thái Cường - Phụ trách Viện Luật so sánh cùng với giảng viên, học viên và sinh viên của Trường Đại học Luật TP.HCM.

Buổi Tọa đàm "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Cơ hội và Thách thức trong kỷ nguyên số" được tổ chức tại phòng hợp A.905, cơ sở Nguyễn Tất Thành
Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, TS. Nguyễn Thái Cường - Phụ trách Viện so sánh thay mặt Ban tổ chức gửi lời cảm ơn đến các diễn giả, khách mời đã dành thời gian và sự quan tâm đến tọa đàm. TS. Nguyễn Thái Cường cho biết sở hữu trí tuệ đã không còn là một vấn đề mới, tuy nhiên, để thực thi các quy định liên quan trên thực tế vẫn còn tồn tại một số bất cập, vướng mắc. Do đó, Toạ đàm được tổ chức nhằm đóng góp hoàn thiện khung pháp lý về lĩnh vực này trong thời gian tới. Tọa đàm được tiến hành với 04 chủ đề chính, bao gồm:
(i) “Thách thức và cơ hội trong việc tuân thủ Luật SHTT trên thế giới” - LS. Benjamin Tietgen - Giám đốc điều hành Công ty General Vibronics;
(ii) “Vai trò của nhãn hiệu trong chiến lược xây dựng nhãn hiệu toàn cầu” - LS. Julien Tran - Giám đốc quốc gia công ty Luật RBA;
(iii) “Thực trạng đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam: Những vấn đề pháp lý cần lưu ý” - Đại diện SHTT. Võ Duy Tuyến - Giám đốc điều hành Công ty Luật Việt Mỹ IPC;
(iv) “Khung pháp lý về SHTT tại Việt Nam” - TS. Nguyễn Thái Cường - Phụ trách Viện Luật so sánh.

TS. Nguyễn Thái Cường - Phụ trách Viện so sánh phát biểu khai mạc Tọa đàm
Phát biểu chỉ đạo buổi Tọa đàm, GS.TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa, kỷ nguyên số, lĩnh vực SHTT đã trở thành lực lượng thúc đẩy cho sự phát triển bền vững và đổi mới. Song, bên cạnh những tích cực cũng phát sinh không ít những vấn đề tiêu cực. Chính vì vậy, mục tiêu của buổi toạ đàm là phân tích kỷ nguyên số đã ảnh hưởng đến vấn đề sở hữu trí tuệ như thế nào.

GS.TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu chỉ đạo buổi Tọa đàm
Đến với chủ đề đầu tiên về “Thách thức và cơ hội trong việc tuân thủ Luật SHTT trên thế giới”, LS. Benjamin Tietgen - Giám đốc điều hành Công ty General Vibronics đã làm rõ những vấn đề lý luận liên quan đến SHTT cũng như những vấn đề vi phạm SHTT trên các sàn thương mại điện tử (Amazon, eBay, Shopee,...) như vi phạm bản quyền trên mạng, lạm dụng nhãn hiệu, bằng sáng chế và công nghệ, quyền riêng tư dữ liệu,... Nhằm khắc phục hiện trạng trên, LS. Benjamin Tietgen chia sẻ những giải pháp đã áp dụng trên thực tế, những nỗ lực xuyên biên giới giúp phòng chống các hành vi vi phạm SHTT bằng cách tăng cường đối tác công tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và sử dụng các dịch vụ thực thi để tìm kiếm vi phạm.

LS. Benjamin Tietgen - Viện sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ trình baỳ chủ đề đầu tiên về “Thách thức và cơ hội trong việc tuân thủ Luật SHTT trên thế giới”
Trình bày chủ đề thứ hai về “Vai trò của nhãn hiệu trong chiến lược xây dựng nhãn hiệu toàn cầu”, LS. Julien Tran - Giám đốc quốc gia công ty Luật RBA đã đề xuất những giải pháp để chống vi phạm nhãn hiệu SHTT trong môi trường số như hoàn thiện khung pháp lý quốc gia; áp dụng những công nghệ tiên tiến để phát hiện những hành vi vi phạm nhãn hiệu và đẩy mạnh sự phối hợp của các cơ quan liên ngành. Nhìn chung, các quốc gia phải sử dụng nhiều cơ chế khác nhau để có thể kiểm soát tốt hơn đối với những hành vi xâm phạm nhãn hiệu trong bối cảnh môi trường số phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

LS. Julien Tran - Giám đốc quốc gia công ty Luật RBA trình bày chủ đề thứ hai về “Vai trò của nhãn hiệu trong chiến lược xây dựng nhãn hiệu toàn cầu”
Đề cập về “Thực trạng đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam: Những vấn đề pháp lý cần lưu ý”, Đại diện SHTT. Võ Duy Tuyến - Giám đốc điều hành Công ty Luật Việt Mỹ IPC cho biết, sự thiếu hụt trầm trọng nhân lực tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký cũng như quy trình đăng ký SHTT khá phức tạp dẫn đến quá trình xét duyệt đơn tồn đọng, kéo dài. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp vì không nhận thức được tầm quan trọng cũng như rủi ro thực tế của việc không đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, nên đã trở thành đối tượng bị lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm nhãn hiệu.

Ông Võ Duy Tuyến - Giám đốc điều hành Công ty Luật Việt Mỹ IPC trình bày chủ đề thứ ba về “Thực trạng đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam: Những vấn đề pháp lý cần lưu ý”
Đến với chủ đề cuối cùng “Khung pháp lý về SHTT tại Việt Nam”, TS. Nguyễn Thái Cường - Phụ trách Viện so sánh cho biết khung pháp lý của Việt Nam về môi trường số về SHTT chưa điều chỉnh đầy đủ các đối tượng, đặc biệt là việc mua phải hàng giả trên các sàn thương mại điện tử. Bởi lẽ rất khó để xác định được đối tượng vi phạm trên không gian mạng cũng như những hạn chế về nhân lực khiến cho các hành vi xâm phạm không được giải quyết triệt để. Chính vì thế, việc hoàn thiện Luật SHTT, bổ sung những quy định về trách nhiệm của các nền tảng, tăng cường bồi dưỡng các cán bộ thực thi pháp luật về SHTT, ứng dụng các công nghệ hiện đại như blockchain, AI để xác định nguồn gốc vi phạm và nâng cao nhận thức cộng đồng là vô cùng cấp bách.

TS. Nguyễn Thái Cường - Phụ trách Viện Luật so sánh trình bày chủ đề cuối cùng “Khung pháp lý về SHTT tại Việt Nam”
Sau quá trình thảo luận sôi nổi, buổi Tọa đàm "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Cơ hội và Thách thức trong kỷ nguyên số" đã khép lại với những đóng góp, giải pháp mang tính xây dựng và thiết thực, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong thực tiễn tại Việt Nam.

Buổi Tọa đàm "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Cơ hội và Thách thức trong kỷ nguyên số" đã khép lại với những đóng góp, giải pháp mang tính xây dựng và thiết thực

Buổi Tọa đàm "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Cơ hội và Thách thức trong kỷ nguyên số" đã khép lại với những đóng góp, giải pháp mang tính xây dựng và thiết thực
Nội dung: Yến Nhi
Hình ảnh: Nhật Nam
Ban Truyền thông Ulaw