Hội thảo quốc tế “Tiến tới phát triển bền vững tại các quốc gia ASEAN: Quan hệ quốc tế, thách thức pháp lý trong bối cảnh toàn cầu hoá và hiện đại hoá”

Vào lúc 8h00 ngày 11/07/2025, Trường Đại học Luật TP. HCM đã tổ chức Hội thảo Quốc tế với chủ đề: “Tiến tới phát triển bền vững tại các quốc gia ASEAN: Quan hệ quốc tế, thách thức pháp lý trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa” tại cơ sở Nguyễn Tất Thành. Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn học thuật uy tín, nơi các chuyên gia, giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên trong và ngoài nước có cơ hội trao đổi, thảo luận các vấn đề cấp thiết liên quan đến phát triển bền vững, đặc biệt là những tác động và thách thức trong khuôn khổ pháp lý và quan hệ quốc tế của khu vực ASEAN trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng và tiến trình hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ.

 

Hội thảo lần này ghi nhận sự hiện diện và đóng góp học thuật nổi bật từ đoàn đại biểu Khoa Luật – Đại học Chiang Mai (Thái Lan), đối tác chiến lược lâu năm của Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu pháp luật khu vực. Đoàn đại biểu do PGS.TS. Chainarong Luengvilai – Trưởng Khoa Luật làm trưởng đoàn, cùng sự tham gia của nhiều học giả giàu kinh nghiệm như: PGS.TS. Kitpatchara Somanawat – Phó Trưởng khoa Luật, PGS.TS. Usanee – chuyên gia về luật năng lượng và môi trường, TS. Watis Sothibhandu – chuyên gia luật quốc tế công, TS. Jaruwan Maneesook – chuyên gia về luật nông nghiệp bền vững và quyền tiếp cận tài nguyên, TS. Korawad Sawaengsuksant – chuyên gia về luật công nghệ và pháp luật dữ liệu, và TS. Pacharaphol Apithyagatha – chuyên gia luật cạnh tranh và các hiệp định thương mại tự do.

 

Về phía Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Hội thảo có sự tham dự và chủ trì của Ban Giám Hiệu nhà trường gồm GS. TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường. Đặc biệt, Hội thảo nhận được đóng góp tham luận và tham gia điều phối của PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương – Trưởng Khoa Luật Quốc tế, chủ nhiệm đề tài NAFOSTED; PGS.TS. Trần Thăng Long - Phó Trưởng Khoa Ngoại ngữ Pháp lý; TS. Phan Hoài Nam – Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế; TS. Nguyễn Thị Lan Hương – Phó Trưởng Bộ môn Luật Thương mại Quốc tế, Khoa Luật Quốc tế; cùng các giảng viên, chuyên gia, học viên, nghiên cứu sinh và sinh viên đến từ các Khoa, Phòng thuộc Nhà trường.


Toàn cảnh buổi Hội thảo quốc tế “Tiến tới phát triển bền vững tại các quốc gia ASEAN Quan hệ quốc tế, thách thức pháp lý trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa”

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh – nhấn mạnh rằng trong bối cảnh ASEAN là khu vực dễ tổn thương” về sinh thái, đang phát triển nhanh và chịu tác động mạnh từ toàn cầu hóa, phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu cấp thiết hàng đầu. Trên cơ sở đó, việc phát triển bền vững đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng và thách thức cấp bách của thời đại. Con đường tiến về phía trước đòi hỏi các quốc gia thành viên phải nỗ lực tăng cường hợp tác khu vực, thúc đẩy quan hệ quốc tế, hài hòa hóa hệ thống pháp luật quốc gia với các chuẩn mực quốc tế, tận dụng công nghệ tiên tiến để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và cân bằng hợp tác toàn cầu giữa các quốc gia ASEAN. Do đó, Hội thảo “Tiến tới phát triển bền vững tại các quốc gia Asean: Quan hệ quốc tế, thách thức pháp lý trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa” được tổ chức nhằm đáp lại lời kêu gọi đó, với sự tham gia của các học giả, chuyên gia và nhà nghiên cứu trẻ đến từ 16 quốc gia đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc xây dựng một tương lai xanh, công bằng và bền vững. Thay mặt Ban Tổ chức, GS.TS. Đỗ Văn Đại gửi lời cảm ơn chân thành đến các đơn vị tổ chức và đồng hành với Hội thảo, bao gồm Khoa Luật Quốc tế – Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Khoa Luật – Đại học Chiang Mai, Thái lan; Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam (VJLS) và Tạp chí Luật Quốc tế Indonesia (IJIL).


GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM phát biểu khai mạc Hội thảo

Cũng trong phiên khai mạc Hội thảo, TS. Piti Srisangnam - Giám đốc điều hành của Quỹ ASEAN đã có bài phát biểu, trong đó nhấn mạnh rằng trong bối cảnh ASEAN đối mặt với các thách thức lớn về sinh thái, bất bình đẳng và toàn cầu hóa, việc phát triển bền vững không chỉ là mục tiêu mà còn là chiến lược sống còn. Để đạt được điều này, ASEAN cần thúc đẩy hợp tác quốc tế toàn diện (giữa các tổ chức, cộng đồng và trường đại học), xây dựng hệ thống pháp lý linh hoạt, và ứng dụng công nghệ hiện đại một cách nhân văn và bao trùm. Bên cạnh đó, việc giáo dục thế hệ trẻ và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng xã hội đóng vai trò then chốt trong hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2045. Diễn giả kêu gọi biến hội thảo thành một phong trào hành động thực chất, khẳng định ASEAN không chỉ theo kịp mà có thể dẫn dắt thế giới trong hành trình phát triển bền vững.


TS. Piti Srisangnam - Giám đốc điều hành của Quỹ ASEAN phát biểu tại Hội thảo, nhấn mạnh các thách thức lớn trong bối cảnh ASEAN hiện nay


GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM và PGS.TS. Chainarong Luengvilai – Trưởng khoa Luật Đại học Chiang Mai (Thái Lan) trao tặng hoa Tri ân sâu sắc đến các nhà tài trợ (Nishimura & Asahi, Đông Tây Land, HTVN) đã đồng hành và góp phần làm nên thành công của Hội thảo quốc tế về phát triển bền vững ASEAN

Hội thảo được tổ chức thành 5 nhóm chủ đề chuyên sâu, bao gồm:

(1) Phát triển Bền vững trong ASEAN: Hành lang Pháp lý và Thể chế;

(2) ASEAN Hướng tới Phát triển Bền vững: Khung Pháp lý khu vực và Các Thách thức thực thi;

(3) Chủ nghĩa Khu vực và Giải quyết Tranh chấp: ASEAN dưới góc độ So sánh;

(4) Chuyển đổi số và Phát triển bền vững ở ASEAN: Khung pháp lý, Đổi mới và Hợp tác khu vực

(5) Thế hệ trẻ ASEAN: Kiến tạo Tương lai Bền vững

Hội thảo diễn ra tại nhiều phòng thảo luận song song. Ở mỗi nhóm chủ đề, các tham luận đều đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, cùng với các phân tích chính sách, so sánh pháp luật quốc tế và đề xuất mô hình khung pháp lý điều chỉnh hiệu quả các vấn đề phát sinh nhằm đảm bảo ba trụ cột quan trọng của phát triển bền vững bao gồm kinh tế – xã hội – môi trường đều được quan tâm thích đáng ở cấp độ quốc gia và trong khu vực ASEAN.

*Trong buổi thảo luận tại phòng A.908, cơ sở Nguyễn Tất Thành, các diễn giả tập trung thảo luận về những hướng đi pháp lý và thể chế nhằm thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực ASEAN. Các bài tham luận không chỉ phân tích nền tảng lý luận và khung pháp luật hiện hành, mà còn chỉ ra những thách thức trong quá trình thực thi và phối hợp giữa các quốc gia thành viên. Thực tiễn điều hành, quản trị và cải cách thể chế cũng được đặt ra như một yếu tố then chốt để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững ở cấp khu vực. Đây là một chủ đề có tính kết nối cao giữa lý thuyết và thực tiễn, được thể hiện rõ nét qua từng bài trình bày trong phiên này.


Toàn cảnh buổi hội thảo diễn ra tại phòng A.908, cơ sở Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Luật TP.HCM

Mở đầu là nhóm nội dung liên quan đến các vấn đề chung về phát triển bền vững trong ASEAN, tập trung bàn luận về thách thức pháp lý và thể chế đối với quản trị môi trường trong bối cảnh toàn cầu hóa, đầu tư bền vững dưới khuôn khổ các hiệp định thương mại như RCEP, cũng như cách tiếp cận mới của Liên minh châu Âu đối với các điều khoản phát triển bền vững trong các FTA. Bài tham luận “The Reform of the EU’s Approach to Trade and Sustainable Development Chapters of FTAs” của TS. Ngô Thị Trang – Giảng viên Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao tập trung phân tích những bất cập trong thiết kế và thực thi các điều khoản phát triển bền vững (TSD) trong các FTA của EU, đồng thời làm rõ quá trình cải cách từ năm 2017 nhằm tăng cường tính hiệu quả trong quá trình thực thi. Bài tham luận nhấn mạnh sự thay đổi trong cách tiếp cận của EU, đặc biệt là việc tăng cường cơ chế thực thi, nâng cao vai trò của cộng đồng xã hội và điều chỉnh theo từng quốc gia cụ thể. Đáng chú ý, tác giả chỉ ra rằng các nước ASEAN với tư cách là đối tác trong và ngoài đàm phán FTA với EU sẽ chịu tác động trực tiếp từ quá trình cải cách này. Dựa vào nội dung trên, bài tham luận đưa ra những khuyến nghị thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các cam kết TSD hiện tại, đồng thời đề xuất chiến lược để các nước ASEAN cải thiện năng lực thương lượng trong các hiệp định thương mại tương lai với EU.


Bài tham luận “The Reform of the EU’s Approach to Trade and Sustainable Development Chapters of FTAs” được trình bày bởi TS. Ngô Thị Trang – Giảng viên Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao

Trong bài tham luận “Disguised Postcoloniality in Thailand’s Foreign Worker Management Emergency Decree 2017”, PGS.TS. Kitpatchara Somanawat – Phó Trưởng khoa Luật, Đại học Chiang Mai – tiếp cận Sắc lệnh Quản lý lao động nước ngoài năm 2017 của Thái Lan dưới góc nhìn hậu thực dân. Văn bản pháp lý này đã thiết lập một cơ chế quản trị mang tính áp chế đối với lao động di cư, đặc biệt là nhóm lao động theo các Biên bản ghi nhớ (MOU), thông qua việc làm suy giảm môi trường pháp lý bảo vệ quyền lợi, hạn chế năng lực thương lượng và gia tăng sự lệ thuộc của họ vào cơ quan công quyền. Thay vì thực hiện mục tiêu bảo vệ quyền con người, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh quốc gia, chính sách lại thiên về kiểm soát bằng hình sự, hành chính hóa quan hệ lao động. Tác giả đề xuất Nhà nước Thái Lan cần chuyển đổi mô hình quản lý, theo hướng trao quyền, tăng cường đối thoại và tạo dựng niềm tin nhằm bảo đảm phát triển bền vững trong dài hạn.


Bài tham luận “Disguised Postcoloniality in Thailand’s Foreign Worker Management Emergency Decree 2017” được trình bày bởi PGS.TS. Kitpatchara Somanawat – Phó Trưởng khoa Luật, Đại học Chiang Mai

Tiếp theo, ThS. Trần Thị Thuận Giang – Giảng viên Khoa Luật quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM cũng đóng góp bài tham luận với tiêu đề “Legal Framework on Green Jobs for SDGs in ASEAN – Some Suggestions for Vietnam”. Bài viết tập trung phân tích khung pháp lý hiện hành của ASEAN về việc làm xanh, đồng thời khảo sát quy định pháp luật của một số quốc gia thành viên nhằm đánh giá mức độ tương thích với định hướng chung của khu vực. Tác giả nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của việc làm xanh trong bối cảnh phát triển kinh tế xanh và mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời chỉ ra những thách thức về chính sách, pháp luật và thể chế mà các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần giải quyết để thúc đẩy quá trình chuyển dịch lao động phù hợp với xu thế toàn cầu. Từ các phân tích so sánh, bài tham luận cũng đề xuất một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về việc làm xanh tại Việt Nam, hướng đến hài hòa với khung pháp lý khu vực và quốc tế.


ThS. Trần Thị Thuận Giang – Giảng viên Khoa Luật quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM – cũng đóng góp bài tham luận với tiêu đề “Legal Framework on Green Jobs for SDGs in ASEAN – Some Suggestions for Vietnam”

Chủ đề về năng lượng và phát triển bền vững tiếp tục là một trọng tâm lớn. TS. Nguyễn Thị Kim Anh – Giảng viên trình bày về bài tham luận “The Energy Poverty Puzzle in ASEAN: Legal Challenges and Lessons from EU”. Bài viết tập trung phân tích tình trạng thiếu năng lượng – một thách thức đa chiều và khó giải quyết thông qua các chính sách đơn phương ở cấp quốc gia. Dù đã có nỗ lực trong khu vực ASEAN, vẫn còn hơn 45 triệu người chưa được tiếp cận điện, chủ yếu ở vùng sâu vùng xa của Campuchia và Myanmar. Việc chuyển dịch sang năng lượng sạch tuy cần thiết nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro làm gia tăng bất bình đẳng xã hội và tổn thương kinh tế, như đã thấy ngay cả ở EU - nơi gần 50 triệu người vẫn không đủ điều kiện tiếp cận năng lượng cơ bản. Từ đó, bài viết đề xuất ba nội dung chính: phân tích tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng đến tình trạng đói năng lượng tại ASEAN; rút ra bài học từ kinh nghiệm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và khử cacbon của EU; và đề xuất chính sách cho ASEAN nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng, bền vững và bao trùm.


Bài tham luận “The Energy Poverty Puzzle in ASEAN: Legal Challenges and Lessons from EU” được trình bày bởi TS. Nguyễn Thị Kim Anh – Giảng viên khoa Luật Quốc tế


Không khí trong hội thảo sôi nổi thể hiện tinh thần học thuật nghiêm túc, sự quan tâm sâu sắc và cam kết đóng góp của các đại biểu trong việc tìm kiếm giải pháp pháp lý cho mục tiêu phát triển bền vững của khu vực ASEAN

Tiếp đến là những vấn đề liên quan đến ô nhiễm không khí xuyên biên giới trong khu vực Đông Nam Á. Các diễn giả đến từ Đại học Chiang Mai – PGS.TS. Usanee Aimsiranun và TS. Songkrant Pongboonjun – trình bày nghiên cứu “Transboundary Haze Pollution: Legal Perspective & Mobilization”. PGS.TS. Sameer Kumar từ Đại học Malaya đưa ra một phương pháp phân tích mạng lưới pháp lý trong bài “Network Analysis of Legal Advocacy for Transboundary Haze Pollution”. Từ góc nhìn trong nước, TS. Phan Ngọc Tâm, ThS. Nguyễn Thị Kiều Khanh (Trường Đại học Luật TP.HCM) và luật sư Lê Duy Khang (Công ty Luật Tín & Tâm) đã có bài tham luận về “Voluntary Carbon Markets in ASEAN”, phân tích thị trường tín chỉ carbon tự nguyện.

Cuối cùng, chủ đề về các giải pháp pháp lý tổng thể cho phát triển bền vững cũng thu hút sự quan tâm của nhiều học giả quốc tế. Chuyên gia Alexandre Germouty (UNESCO – Paris) chia sẻ bài tham luận “Unlocking ASEAN’s Climate Potential” hướng tới khai thác tiềm năng khí hậu bền vững của khu vực. Trong khi đó, nghiên cứu sinh Rizky Banyualam Permana (Đại học Indonesia) trình bày thamluận: “Enabling Trade Sustainability in ASEAN’s Economic Integration”, đề xuất các giải pháp luật hóa quá trình hội nhập kinh tế khu vực gắn liền với phát triển bền vững.

*Trong buổi thảo luận tại phòng A905, cơ sở Nguyễn Tất Thành có sự tham dự của PGS.TS. Trần Thăng Long - Phó Trưởng Khoa Ngoại ngữ Pháp lý cùng các vị diễn giả có bài tham luận trong buổi thảo luận và sinh viên có quan tâm. 


Tổng quan buổi thảo luận tại phòng A905, cơ sở Nguyễn Tất Thành

Mở đầu buổi làm việc, diễn giả Trần Thị Thu Ngân – Giảng viên Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có bài tham luận mang tên “Sustainability Regulations in the Regional Comprehensive Economic Partnership (RCEP): A Catalyst for Promoting United Nations Sustainable Development Goals and Implications for Vietnam”. Diễn giả cho rằng các yêu cầu về phát triển bền vững trong RCEP đóng vai trò như một cơ chế bảo vệ trước các xung đột tiềm ẩn giữa lợi ích kinh tế và môi trường. RCEP cung cấp khuôn khổ hợp tác cho các quốc gia thành viên trong các lĩnh vực như quản trị doanh nghiệp, tiêu chuẩn lao động và biến đổi khí hậu. Nhờ có cơ chế thực thi và giải quyết tranh chấp hiệu quả, RCEP giúp xử lý các mâu thuẫn một cách hòa bình, từ đó tăng cường ổn định trong quan hệ đa phương.

 

Sau bài tham luận đầu tiên, bà Trương Dạ Minh Châu – Nishimura & Asahi đã trình bày bài tham luận mang tên “Strengthening the Implementation of Responsible Business Practices in Vietnam: Legal Challenges and Comparative Lessons from Thailand and Indonesia”. Bài tham luận phân tích mức độ mà các cải cách pháp lý và thể chế giúp thúc đẩy việc tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế về trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, quyền con người và phát triển bền vững. Mặc dù đã đạt được nhiều tiến triển về chính sách, việc thực thi trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, do các yếu tố như thiếu cơ chế cưỡng chế hiệu quả, sự phân mảnh trong hệ thống quy định, và thiếu vắng nghĩa vụ thẩm định quyền con người có tính ràng buộc pháp lý. Qua bài tham luận, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị cải cách pháp lý nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một môi trường kinh doanh có trách nhiệm, minh bạch và tôn trọng quyền con người, đặc biệt trong bối cảnh cải cách hiến pháp và hội nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.


Bài tham luận thứ hai được bà Trương Dã Minh Châu – Nishimura & Asahi trình bày 

Tiếp nối buổi thảo luận, bài tham luận “Enhancing the Nexus between Free Trade Agreements and Food Security in the ASEAN: Bridging the Gap for A Resilient Future” do PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà – Giám đốc Viện Nghiên cứu Sáng tạo, Trường Đại học Ngoại thương trình bày. Diễn giả nhận định rằng, ASEAN hiện đang đối mặt với các mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với an ninh lương thực, xuất phát từ các biến động địa chính trị, tác động sâu rộng của biến đổi khí hậu, các rủi ro gắn với thương mại, cũng như những yếu kém cấu trúc nội tại, bao gồm thương mại nội khối chưa tối ưu và thiếu hụt thông tin chiến lược. Qua đó, bài tham luận đề xuất một bộ giải pháp toàn diện gồm: Tăng cường thương mại nội khối và giữa ASEAN với các đối tác, tiến tới hài hòa hóa tiêu chuẩn; Nâng cao năng suất nông nghiệp thông qua canh tác bền vững và nghiên cứu phát triển có trọng điểm; Ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất và phân phối; Đa dạng hóa hệ thống lương thực và dự trữ khẩn cấp; Củng cố thể chế quản trị dựa trên phối hợp liên ngành và hợp tác công – tư năng động.


Bài tham luận “Enhancing the Nexus between Free Trade Agreements and Food Security in the ASEAN: Bridging the Gap for A Resilient Future” được PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà – Giám đốc Viện Nghiên cứu Sáng tạo, Trường Đại học Ngoại thương trình bày

 

Cũng trong buổi thảo luận, bài tham luận “From Investment Protection to Investment Facilitation: A New Paradigm in The Pursuit of Sustainable Development” cũng được TS. Randi Ayman – Nghiên cứu viên cao cấp, [LCEL], Đại học Luxembourg trình bày. Diễn giả nhận định rằng, mặc dù nhiều IIA thế hệ mới đã lồng ghép ngôn ngữ liên quan đến Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs), quy định rõ về quyền điều chỉnh của quốc gia, các ngoại lệ chung trong lĩnh vực ESG (môi trường, xã hội, quản trị) cũng như các cam kết chống tham nhũng và biến đổi khí hậu, song vẫn còn nhiều hoài nghi về hiệu quả thực tế của các hiệp định này trong việc đạt được kết quả phát triển bền vững cụ thể. Khác với hệ thống IIA truyền thống, các Hiệp định Tạo thuận lợi Đầu tư (SIFA) đặt phát triển bền vững vào vị trí trung tâm, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, minh bạch, và ưu tiên phòng ngừa tranh chấp hơn là giải quyết tranh chấp. Đồng thời, SIFA đảm bảo không gian chính sách và quyền điều tiết của quốc gia, và khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan.


Diễn giả Randi Ayman trình bày bài tham luận “From Investment Protection to Investment Facilitation: A New Paradigm in The Pursuit of Sustainable Development” tại buổi thảo luận

Tiếp đó, Trợ lý Giáo sư G. Mahith Vidyasagar – Khoa Luật, Viện Khoa học và Công nghệ SRM, Chennai, Ấn Độ cũng đã trình bày bài tham luận “Reconciling International Investment Law with Indigenous Land Rights: A Philippine Perspective on Sustainable Development in ASEAN”. Bài tham luận chỉ ra rằng Philippines đang đối mặt với thách thức trong việc cân bằng giữa thu hút đầu tư nước ngoài và bảo vệ quyền sử dụng đất truyền thống của các cộng đồng bản địa - một yếu tố then chốt của phát triển bền vững. Qua đó, bài tham luận đánh giá sâu mối tương tác giữa nghĩa vụ đầu tư quốc tế của Philippines và cam kết bảo vệ quyền đất đai của người bản địa trong nước, đặc biệt là thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS). Cơ chế này có thể làm suy giảm quyền điều chỉnh của nhà nước và cản trở việc thực thi hiệu quả quyền bản địa. Từ đó, bài viết đưa ra các kiến nghị cải cách pháp lý, bao gồm: Lồng ghép rõ ràng quyền của người bản địa trong nội dung các hiệp định đầu tư; tăng cường sự tham gia của cộng đồng bản địa trong quá trình đàm phán đầu tư; củng cố các cơ chế bảo vệ pháp lý trong nước, đảm bảo rằng các dự án phát triển phù hợp với nguyên tắc phát triển bền vững. 


Bài tham luận được Trợ lý Giáo sư G. Mahith Vidyasagar – Khoa Luật, Viện Khoa học và Công nghệ SRM, Chennai, Ấn Độ trình bày

Sau phần trình bày tham luận, các diễn giả đã tham gia thảo luận sôi nổi, trao đổi quan điểm chuyên môn và làm rõ thêm các nội dung liên quan đến chủ đề hội thảo. Qua phần trao đổi, nhiều khía cạnh chuyên môn được làm rõ hơn, đồng thời mở ra những gợi ý cho nghiên cứu và thực tiễn trong thời gian tới.


Các vị diễn giả cùng tham gia trao đổi, thảo luận sôi nổi 

Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã gửi lời cảm ơn chân thành đến các diễn giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu và các đại biểu đã tham gia và đóng góp tích cực vào thành công của hội thảo. Đại diện ban lãnh đạo Nhà trường nhấn mạnh rằng những ý tưởng, chia sẻ và giải pháp được trình bày trong hội thảo không chỉ góp phần thúc đẩy đối thoại học thuật về phát triển bền vững, mà còn tạo nền tảng cho những hợp tác sâu rộng trong tương lai giữa ASEAN và các đối tác quốc tế. Hội thảo khép lại với nhiều kỳ vọng, niềm tin và cam kết chung về một khu vực ASEAN phát triển xanh, hài hòa và bền vững trong thời đại toàn cầu hóa và hiện đại hóa.


Các vị diễn giả chụp hình lưu niệm tại Hội thảo quốc tế

Khoảnh khắc đáng nhớ tại Hội thảo quốc tế “Con đường phát triển bền vững của ASEAN” – nơi quy tụ các học giả, chuyên gia và nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới

 

Nội dung: Hạnh Nhi, Đình Quý, Huyền Diệu

Hình ảnh: Khánh Linh, Thanh Hoàng, Mễ Vy, Minh Tú

Ban Truyền thông Ulaw