Hội thảo lấy ý kiến về chính sách xây dựng Luật Giáo dục đại học (sửa đổi)

Vào sáng ngày 15/5/2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về chính sách xây dựng Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) tại Hội trường A.1002 - Tòa nhà Hiệu bộ, cơ sở Nguyễn Tất Thành, trường Đại học Luật TP.HCM.

Buổi Hội thảo được chủ trì bởi PGS.TS. Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; GS.TS. Nguyễn Tiến Thảo - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cùng với các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ xây dựng dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) theo Quyết định số 791/QĐ-BGDĐT ngày 27/3/2025, thành viên Tổ chuyên gia xây dựng dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) theo Quyết định số 1025/QĐ-BGDĐT ngày 17/4/2025, Đại diện các cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia, các nhà khoa học.

Về phía Nhà trường có sự tham gia của PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Lê Trường Sơn – Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường cùng với các giảng viên có quan tâm.

Buổi Hội thảo được tổ chức tại Hội trường A.1002 - Tòa nhà Hiệu bộ, cơ sở Nguyễn Tất Thành

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GDĐT đánh giá đổi mới là chủ trương quan trọng nhằm tháo gỡ những khó khăn trong bối cảnh phát triển hiện nay. Thứ trưởng chỉ ra những vấn đề vướng mắc trong Luật Giáo dục đại học và những văn bản liên quan, đồng thời đề xuất lộ trình cải cách gồm hai giai đoạn: thiết kế, xây dựng chính sách và quy phạm hóa các chính sách. Hội thảo hôm nay nhằm thảo luận sâu hơn các dự thảo đã được xây dựng, trên cơ sở cập nhật tình hình mới, bám sát chủ trương đổi mới của Đảng, bối cảnh quốc tế, xu hướng giáo dục toàn cầu, cũng như tác động của công nghệ số và công nghệ hiện đại. Thứ trưởng nhấn mạnh cần đảm bảo tính phù hợp, bền vững của chính sách trong dài hạn, tránh chồng chéo quy định, tối giản quy trình và tăng cường trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học theo đúng quy định pháp luật. Đây vừa là cơ hội để tạo ra hành lang pháp lý cho sự bứt phá phát triển của giáo dục đại học, vừa là thách thức trong việc đáp ứng kỳ vọng của các trường và toàn xã hội. 

PGS.TS. Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu khai mạc Hội thảo

Trong khuôn khổ chương trình, GS.TS. Nguyễn Tiến Thảo - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học báo cáo 06 nhóm chính sách đề xuất của dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) bao gồm: 

- Nhóm 1: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến;

- Nhóm 2: Hiện đại hóa chương trình và phương thức tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy học tập suốt đời;

- Nhóm 3: Định vị cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo với đào tạo nhân lực chất lượng cao;

- Nhóm 4: Tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học;

- Nhóm 5: Phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc và môi trường học thuật sáng tạo, liêm chính;

- Nhóm 6: Thay đổi cách thức tiếp cận quản trị chất lượng trong hoạt động đảm bảo chất lượng.

Tổng kết lại vấn đề, Vụ trưởng cho biết 06 nhóm chính sách này cụ thể hóa các điều khoản dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) với các nội dung như sau: (i) Luật khung; (ii) Kế thừa các điều khoản nội dung không đổi Luật Giáo dục đại học hiện hành (>55%); (iii) Không trùng lặp các điều khoản với Luật Giáo dục (và Luật sửa đổi Giáo dục), Luật Nhà giáo, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; (iv) Giảm hơn số điều, chương; giảm 50% số lượng quy trình; giảm tối thiểu 50% các thủ tục hành chính so với Luật Giáo dục đại học hiện hành. Bản Dự thảo này được xây dựng dựa trên những tư duy đổi mới về quản lí nhà nước, quản trị đại học, chất lượng đào tạo, tự chủ đại học; đăng ký và tổ chức đào tạo; khoa học công nghệ ưu tiên; đầu tư; bình đẳng tiếp cận giáo dục.

GS.TS. Nguyễn Tiến Thảo - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học báo cáo các chính sách và đánh giá tác động chính sách xây dựng Luật Giáo dục đại học (sửa đổi)

Tiếp nối chương trình, các đại biểu đã có những phát biểu thảo luận, đóng góp ý kiến xoay quanh vào các nhóm chính sách nêu trên như cần bổ sung tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc tăng cường tự chủ; cần đảm bảo sự thống nhất giữa các luật liên quan để tránh tình trạng mỗi luật quy định một cách khác nhau, gây mâu thuẫn và khó khăn trong thực thi; mở rộng thêm chính sách học bổng đối với các ngành khoa học cơ bản; giải quyết các vấn đề đang vướng mắc của các ngành đặc thù như ngành y, ngành nghệ thuật,...; và nhiều nội dung khác được trao đổi, thảo luận sôi nổi tại Hội thảo.

Phát biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật TP.HCM khẳng định chính sách tự chủ là một bước đột phá, tuy nhiên chính sách này trong thực hiện triển khai vẫn còn nhiều cách hiểu chưa nhất quán, cách tiếp cận và quy định dự thảo luật chưa đặt cơ sở để thực hiện, đồng thời các nhiệm vụ, quyền hạn vẫn còn khá dài dù đã được quy định ngắn gọn. Bên cạnh đó, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm đề xuất bổ sung thêm nội dung “Quản lý Nhà nước về các trường bậc đại học” quy định cụ thể những vấn đề cốt lõi cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tại các cơ sở giáo dục đại học. 

PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Cũng tại hội thảo, TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu cho biết những hạn chế, bất cập không chỉ đến từ Luật Giáo dục đại học hiện hành mà còn xuất phát từ các mối quan hệ, cách xử lý giữa Luật Giáo dục đại học với các luật khác trên mối quan hệ giữa luật chung và luật chuyên ngành. Xuất phát từ cơ chế tự chủ đại học bao gồm tự chủ về tổ chức, nhân sự, học thuật, quản lý tài sản. Qua quá trình triển khai cơ chế đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến các Luật Viên chức, Luật Thuế, Luật Đất đai,...Do đó, trong quá trình điều chỉnh dự thảo Luật Giáo dục đại học, cần phải xử lý quyết liệt, hạn chế tối đa những mâu thuẫn giữa luật chung và luật chuyên ngành.

TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu ý kiến tại Hội thảo

PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Phương - Hiệu trưởng trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu ý kiến tại Hội thảo

PGS.TS. Trần Lê Quan - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học tự nhiên phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Đại diện các cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia, các nhà khoa học phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng hệ thống quy định dựa trên các nguyên tắc công bằng, khách quan và minh bạch, nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng và tránh sự chồng chéo trong quản lý, điều hành giáo dục đại học. Những nội dung mà nhà nước cần quản lý phải nắm rõ, đặc biệt về chất lượng đào tạo, sự cam kết với các cơ sở giáo dục đại học, quyền lợi của người học và nhà đầu tư, cũng như hiệu quả hoạt động của các trường công lập. Đối với các ngành đặc thù như y tế, nghệ thuật, pháp luật, khoa học cơ bản,... cần xem xét nghiên cứu mở rộng chương trình đào tạo theo cơ chế riêng, đối với các ngành đặc thù theo thứ tự ưu tiên sẽ không đưa vào luật mà được quy định chi tiết tại các văn bản liên quan. Riêng với các ngành trọng điểm, việc ưu tiên phát triển sẽ được xem xét theo từng giai đoạn cụ thể, căn cứ vào nhu cầu và định hướng phát triển của đất nước. 

Ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo phát biểu tổng kết Hội thảo

Nội dung: Yến Nhi
Hình ảnh: Phương Nghi, Nhật Nam
Ban Truyền thông Ulaw