Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học "Hiện tượng các văn bản pháp luật không đi vào đời sống - nhìn từ các góc độ xã hội"

Trước thực tiễn nhiều văn bản pháp luật không phù hợp với đời sống xã hội của người dân, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp khoa "Hiện tượng các văn bản pháp luật không đi vào đời sống - nhìn từ các góc độ xã hội" vào sáng ngày 18/03/2023 tại phòng họp A.905 – cơ sở Nguyễn Tất Thành.

Buổi Hội thảo có sự hiện diện của TS. Nguyễn Quốc Vinh - Trưởng khoa Khoa học cơ bản; TS. Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng khoa Khoa học cơ bản cùng các Giảng viên của khoa.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học cấp khoa "Hiện tượng các văn bản pháp luật không đi vào đời sống - nhìn từ các góc độ xã hội" diễn ra tạo phòng họp A.905 – cơ sở Nguyễn Tất Thành

Phát biểu khai mạc buổi Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Vinh - Trưởng khoa Khoa học cơ bản khẳng định: Hội thảo "Hiện tượng các văn bản pháp luật không đi vào đời sống - nhìn từ các góc độ xã hội" có chủ đề vô cùng thú vị và phù hợp với chuyên môn của các Giảng viên trong khoa. Từ đó, TS. Nguyễn Quốc Vinh tin rằng đây sẽ là một diễn đàn khoa học mang lại giá trị thực tiễn cao và trở thành nguồn tài liệu tham khảo phong phú cho công tác giảng dạy các bộ môn thuộc khoa Khoa học cơ bản tại trường.

TS. Nguyễn Quốc Vinh - Trưởng khoa Khoa học cơ bản kỳ vọng vào tính thực tiễn của đề tài

Mở đầu phần trình bày tham luận, TS. Lê Thị Hồng Vân – Giảng viên bộ môn Kỹ năng tư duy ngôn ngữ đã đưa ra 15 văn bản pháp luật điển hình cho việc quy định của pháp luật không phù hợp với thực tế đời sống xã hội. Theo đó, các văn bản pháp luật này vi phạm một trong các tiêu chí: không hợp pháp - không thực tiễn -  không phù hợp và không khả thi. Đặc biệt có 03 trong tổng số 15 văn bản pháp luật được đề cập vi phạm cả bốn tiêu chí trên.

Lý giải cho sự bất cập trong các quy định của pháp luật, TS. Lê Thị Hồng Vân cho rằng, việc đánh giá trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp của nhân lực trong các cơ quan công quyền hiện nay vẫn còn một số hạn chế. Để giải quyết thực trạng này, TS. Vân trình bày một số kiến nghị: chú trọng hơn trong công tác soạn thảo và chuyên môn hóa nhân sự trong lĩnh vực lập pháp; xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức soạn thảo các văn bản pháp luật không đảm bảo các tiêu chí;…

TS. Lê Thị Hồng Vân – Giảng viên bộ môn Kỹ năng tư duy ngôn ngữ đề xuất việc nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho nhân sự lĩnh vực lập pháp

Tiếp tục buổi làm việc, ThS. Phạm Thị Ngọc Thủy – Giảng viên bộ môn Kỹ năng tư duy ngôn ngữ đã phân tích khía cạnh những văn bản pháp luật đúng với thực tế xã hội nhưng chưa tiếp cận được đến người dân, dẫn đến người vi phạm những quy định này vẫn tiếp tục tăng. Chẳng hạn như quy định về độ tuổi kết hôn: Nữ giới và từ đủ 18 tuổi còn nam giới là từ đủ 20 tuổi; tuy nhiên ở các địa bàn vùng sâu vùng xa, nhân dân vẫn chưa được giáo dục về pháp luật một cách đầy đủ, tệ nạn kết hôn trước tuổi quy định vẫn đang diễn ra hết sức nguy hiểm.

ThS. Phạm Thị Ngọc Thủy – Giảng viên bộ môn Tâm lý – Văn hóa – Xã hội cho rằng việc tuyên truyền pháp luật đến người dân hiện nay chưa thật sự hiệu quả

Tiếp nối các quan điểm thảo luận, ThS. Ngô Thị Minh Hằng – Giảng viên bộ môn Tâm lý – Văn hóa – Xã hội học đánh giá nguyên nhân của hiện tượng xuất hiện các văn bản pháp luật không đi vào đời sống dưới góc độ lịch sử - văn hóa. Theo đó, tính trọng tình và tính linh hoạt, mềm dẻo ảnh hưởng rất nhiều đến cách nhìn nhận pháp luật của người dân. Bên cạnh đó, TS. Trần Thị Rồi – Giảng viên bộ môn Lý luận chính trị cũng đã có những lý giải nguyên nhân khiến các văn bản pháp luật khó đi vào đời sống là do cách thức xử lý vi phạm vẫn chưa thật sự nghiêm túc, không có tính răn đe.

ThS. Ngô Thị Minh Hằng trình bày bài viết của mình dưới góc độ lịch sử - văn hóa

Theo quan điểm của, TS. Trần Thị Rồi – Giảng viên bộ môn Lý luận chính trị nhận thấy sự thiếu nghiêm túc trong công tác xử lý vi phạm

TS. Nguyễn Thanh Hải – Phó Trưởng khoa Khoa học cơ bản cho rằng người được giao trách nhiệm soạn thảo đã quá chú trọng đến kỹ thuật lập pháp và thiếu đi cái nhìn toàn diện

ThS. Phạm Thị Minh Hải – Phó Trưởng bộ môn Kỹ năng tư duy ngôn ngữ nhận thấy còn tồn tại nhiều khái niệm trong văn bản pháp luật thiếu sự thống nhất, dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc áp dụng pháp luật

ThS. Bùi Thị Hoài – Trợ lý khoa Khoa học cơ bản đề xuất cần đẩy mạnh hơn công tác giám sát trước và sau khi ban hành một văn bản pháp luật

Buổi làm việc tiếp tục diễn ra với sự tranh luận sôi nổi của các giảng viên khoa Khoa học cơ bản. Sau gần hai giờ làm việc, TS. Nguyễn Quốc Vinh đánh giá những kết quả thảo luận. Các kiến nghị có giá trị đóng góp vô cùng thiết thực được trình bày trong buổi Hội thảo sẽ là nguồn tham khảo hiệu quả cho công tác soạn thảo và ban hành văn bản pháp luật cũng như là công tác đưa vào thực tiễn giảng dạy nằm nâng cao tư duy pháp luật cho sinh viên.

Nội dung: Thanh Thảo
Hình ảnh: Hồng Ngọc
Ban Truyền thông Ulaw