Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học cấp Trường “Hiến pháp 2013 - 10 năm triển khai thi hành”

Vào sáng ngày 16/10/2023, tại Hội trường A.1002, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước đã tiến hành tổ chức Hội thảo khoa học cấp Trường với chủ đề “Hiến pháp 2013 - 10 năm triển khai thi hành”. Buổi Hội thảo đã thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo đến từ giảng viên, chuyên viên, nghiên cứu sinh và các học viên cao học, sinh viên của Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học cấp Trường với chủ đề “Hiến pháp 2013 - 10 năm triển khai thi hành” tại Hội trường A.1002 - cơ sở Nguyễn Tất Thành

Buổi Hội thảo có sự hiện diện của GS.TS. Trần Ngọc Đường - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Thành viên thường trực Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (Hiến pháp 2013); TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; TS. Lê Thị Thuý Hương - Trưởng phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế; TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước; TS. Đặng Tất Dũng - Phó Trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước; ThS. Nguyễn Văn Trí - Phó Trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước. Bên cạnh đó, Hội thảo còn có sự tham gia đông đảo của các giảng viên, chuyên viên, chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu cùng các học viên cao học, sinh viên có quan tâm. 

Hội thảo trải qua hai phiên họp với đồng chủ trì: GS.TS. Trần Ngọc Đường - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Thành viên thường trực Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (Hiến pháp 2013); TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường và TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước.

Chủ tọa Hội thảo ở phiên họp thứ nhất (từ trái sang phải): TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường; GS.TS. Trần Ngọc Đường - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Thành viên thường trực Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (Hiến pháp 2013); TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường đề cao sự đổi mới của Hiến pháp 2013 so với các bản Hiến pháp trước. Song, sau một khoảng thời gian triển khai trên thực tế, có một số điểm cần được nhìn nhận lại để Hiến pháp có động lực đi xa hơn trong chặng đường sắp tới. Vậy nên, Hội thảo này ra đời nhằm ghi nhận những hướng đi cần được phát huy, đồng thời việc chỉ rõ vướng mắc, bất cập nhiệm vụ cấp bách và cần thiết.

TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các diễn giả và mong rằng buổi Hội thảo sẽ diễn ra thành công, tốt đẹp

Hội thảo đã tiếp nhận rất nhiều bài tham luận của tác giả, nhóm tác giả với các chủ đề vô cùng đa dạng. Theo đó, Ban Chuyên môn đã biên tập và lựa chọn ra 06 bài tham luận tiêu biểu để đem ra trình bày và thảo luận tại Hội thảo.

Phiên làm việc đầu tiên đã bắt đầu với sự trình bày của nhóm tác giả ThS. Nguyễn Tú Anh và ThS. Nguyễn Mai Anh - Giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh về “Nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013 và một số kiến nghị hoàn thiện”. Theo nhóm tác giả, quyền con người, quyền công dân sẽ bị hạn chế trong một số trường hợp đặc biệt, do đó cần phải dựa trên các văn kiện quốc tế để xây dựng các quy định pháp luật cho các quốc gia thành viên.

Bài tham luận đầu tiên với sự trình bày của nhóm tác giả ThS. Nguyễn Tú Anh và ThS. Nguyễn Mai Anh - Giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh về “Nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013 và một số kiến nghị hoàn thiện”

Tiếp theo đó, Hội thảo đã được lắng nghe phần trình bày tham luận từ nhóm tác giả ThS. Nguyễn Văn Trí và TS. Dương Hồng Thị Phi Phi về “Vấn đề kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo Hiến pháp 2013”, đề tài đã nhấn mạnh tầm quan trong việc kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, từ đó đưa ra những kiến nghị nhằm nâng cao sự liên kết giữa các bộ máy.

TS. Dương Hồng Thị Phi Phi trình bày tham luận “Vấn đề kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo Hiến pháp 2013”

Bài tham luận thứ ba “Hoàn thiện quy định pháp luật về giám sát tối cao của Quốc hội” của nhóm tác giả TS. Nguyễn Mạnh Hùng và ThS. Trương Thị Minh Thùy về. Nhóm tác giả đã chỉ ra Hiến pháp 2013 đề cập đến 8 hoạt động về hoạt động giám sát tối cao Quốc hội nhưng Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân lại đề cập đến 11 hoạt động giám sát. Từ đó, đề tài đã đưa ra  kiến nghị Hiến pháp 2013 chỉ nên quy định chung về hoạt động giám sát của Quốc hội, vì Hiến pháp là tổng hợp những quy định cơ bản và nền tảng.

ThS. Trương Thị Minh Thùy phát biểu về tham luận “Hoàn thiện quy định pháp luật về giám sát tối cao của Quốc hội”

ThS. Vũ Lê Hải Giang đã bày tỏ sự tâm đắc với chuyên đề của các nhóm tác giả và đưa ra một số ý kiến cá nhân

Phiên làm việc thứ hai được chủ trì với Ban Chủ tọa: PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; PGS.TS. Phạm Minh Tuấn - Phó Tổng biên tập, phụ trách Tạp chí Cộng sản và TS. Đặng Tất Dũng - Phó Trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước.

Chủ toạ phiên họp thứ hai

Trong bài tham luận thứ tư, nhóm tác giả TS. Trần Thị Thu Hà và NCS. Chu Văn Ninh đã trình bày “Quyền hành pháp theo quy định của Hiến pháp 2013 và việc triển khai thi hành”. Theo quan điểm của nhóm tác giả, Hiến pháp hiện hành chưa xác định đúng tính chất, vị trí pháp lý của Chính phủ; đồng thời chưa phản ánh đầy đủ vị trí pháp lý của Thủ tướng Chính phủ nhìn từ phương diện bộ máy nhà nước. Từ đó, nhóm tác giả đã đề xuất một số kiến nghị nhằm làm rõ các vấn đề pháp lý nêu trên với nhiều khía cạnh phân tích khác nhau.

Tiếp đến, với bài tham luận thứ năm về chủ đề “Đổi mới tổ chức hoạt động thực hiện quyền tư pháp trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” do GS.TS. Trần Ngọc Đường và NCS. Nguyễn Thị Thuỳ Dung. GS.TS. Trần Ngọc Đường cho rằng cần có cơ chế đảm bảo sự độc lập trong xét xử của Toà án mà không còn phải chịu sự áp đặt của cấp hành chính. Vì hoạt động xét xử cần sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nhằm tạo ra sự liêm chính, nghiêm minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp quyền con người cũng quyền công dân và xã hội.

Bài tham luận cuối cùng được trình bày trong buổi Hội thảo là chủ đề “Pháp luật về chính quyền địa phương Việt Nam 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013” của TS. Nguyễn Thiện Trí. Theo quan điểm của TS. Nguyễn Thiện Trí, vấn đề chính quyền địa phương là nội dung mang tính cải cách. Với cơ sở đó, đề tài đã nhấn mạnh vai trò của Hiến pháp hiện hành trong việc xây định hướng cải cách tổ chức chính quyền địa phương.

“Pháp luật về chính quyền địa phương Việt Nam 10 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013” được trình bày trong buổi Hội thảo đến từ TS. Nguyễn Thiện Trí

PGS.TS.GVCC. Nguyễn Cảnh Hợp đưa ra ý kiến về các bài tham luận đã trình bày

ThS. Lưu Đức Quang - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật đưa ra ý kiến về các bài tham luận đã trình bày

Sau một buổi sáng làm việc và thảo luận, buổi Hội thảo đã thu nhận nhiều ý kiến không chỉ có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn mà còn giúp các diễn giả được mở mang thêm tầm hiểu biết, kiến thức. Hội thảo Khoa học cấp Trường với chủ đề “Hiến pháp 2013 - 10 năm triển khai thi hành” đã mở ra những góc nhìn mới mẻ, đa chiều và cung cấp nhiều thông tin quan trọng trong các vấn đề liên quan đến Luật Hiến pháp.

Hội thảo được tổ chức nhằm kỷ niệm 10 năm Hiến pháp được ra đời thi hành và triển khai

Nội dung: Mai Chi

Hình ảnh: Thanh Hoa, Kim Ngân

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top