Nhằm tạo diễn đàn để trao đổi, đánh giá, làm rõ những thành tựu, thách thức trong việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường trong 30 năm qua, từ đó, đưa ra những đề xuất, kiến nghị, giải pháp để góp phần nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ môi trường trong thời gian tới, sáng ngày 28/12/2023, Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo Khoa học cấp trường với chủ đề “30 năm thực thi Luật Bảo vệ môi trường” tại phòng họp A.1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành và kết hợp livestream trên nền tảng Zoom Webinar.

Hội thảo khoa học cấp Trường “30 năm thực thi Luật Bảo vệ môi trường" diễn ra trực tiếp tại Hội trường A.1002 và trực tuyến thông qua hệ thống Zoom

Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, thực tiễn liên quan đến lĩnh vực pháp luật về môi trường
Tham dự hội thảo, có sự hiện diện của PGS.TS. Vũ Thanh Ca –Nguyên Vụ trưởng Vụ HTQT&KHCN, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam; ThS. Nguyễn Thi - Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM; Bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương; PGS.TS Phạm Hữu Nghị - Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí NN&PL, Nguyên NCV Cao cấp Viện NN&PL, GV Trường ĐH Công Nghệ TP.HCM; PGS.TS Phan Trung Hiền - Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ; PGS, TS. Doãn Hồng Nhung - Giảng viên Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm - Phó Giám đốc Cơ sở 2 trường Đại học Lao động - Xã hội; TS, GVC. Bùi Kim Hiếu - Trưởng Khoa Luật, Trường ĐH Ngoại ngữ, Tin học TP. HCM; TS, GVC. Nguyễn Ngọc Anh Đào - Phó Khoa Luật Kinh tế, Trường ĐH Ngân Hàng TP. HCM; TS. Ninh Thị Hiền - VP Công chứng Ninh Thị Hiền TP. HCM cùng quý thầy cô là chuyên gia, giảng viên đến từ nhiều cơ quan, đơn vị, các trường ĐH khác trên địa bàn TP.HCM.
Về phía Nhà trường, có sự tham dự của TS. Lê Trường Sơn - Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Lê Thị Thúy Hương - Trưởng phòng NCKH&HTQT; PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình - Trưởng Khoa Luật Thương mại; PGS.TS. Trần Việt Dũng - Trưởng Khoa Luật Quốc tế; TS. Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng khoa Khoa học cơ bản; PGS.TS. Nguyễn Văn Vân - Nguyên Trưởng khoa Luật Thương mại; TS. Phạm Văn Võ - Nguyên Phó Trưởng khoa Luật Thương mại; TS. Võ Trung Tín - Trưởng Bộ môn Luật Đất đai Môi trường; TS. Phan Thị Thành Dương - Trưởng Bộ môn Tài chính - Ngân hàng - Thuế, Khoa Luật Thương mại; PGS.TS. Lưu Quốc Thái - GV Khoa Luật Thương mại cùng quý thầy cô giảng viên, học viên cao học, sinh viên Nhà trường.
Về phía cơ quan thông tấn báo chí, có sự góp mặt của các đại diện Báo Pháp luật TP. HCM; Báo Tuổi Trẻ; Báo Nhân Dân; Báo Sài Gòn Giải Phóng; Cổng Thông tin Điện tử Thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ song hành được Nhà nước chú trọng quan tâm, là kim chỉ nam cho mục tiêu phát triển bền vững của xã hội. Trải qua 30 năm xây dựng, ban hành, sửa đổi và thực thi, Luật Bảo vệ môi trường đã kịp thời góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách của Đảng và Nhà bước về bảo vệ môi trường, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững. Đến nay, đây là thời điểm thích hợp để nhìn nhận, đánh giá những thành tựu và thách thức trong quá trình thực thi để từ đó đề xuất các giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ môi trường trong thời gian tới, TS. Lê Trường Sơn nhấn mạnh.

TS. Lê Trường Sơn - Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc hội thảo

Chủ tọa phiên làm việc thứ nhất của Hội thảo
Hội thảo diễn ra trong hai phiên làm việc với 06 đề tài được tham luận trực tiếp. Trong đó, phiên làm việc thứ nhất xoay quanh các chủ đề sau:
- “Về phạm vi điều chỉnh của các luật bảo vệ môi trường từ năm 1993 đến nay” do PGS.TS. Phạm Hữu Nghị trình bày;
- “Đảm bảo thực hiện “nguyên tắc phát triển bền vững” trong pháp luật môi trường Việt Nam” do PGS.TS. Lưu Quốc Thái trình bày;
- “Thực thi quy định bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành theo pháp luật bảo vệ môi trường” của nhóm tác giả ThS. Lý Thành Nhân, Nguyễn Phương Đông.
Với tham luận “Về phạm vi điều chỉnh của các Luật bảo vệ môi trường từ năm 1993 đến nay”, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết phạm vi điều chỉnh của luật bảo vệ môi trường ngày càng được mở rộng nhằm đáp ứng các yêu cầu của việc giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam và trên phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên, điều này dẫn đến việc thực thi càng gặp nhiều khó khăn, do đó, Nhà nước cần có thêm các chính sách phát triển phù hợp và tăng cường thực hiện các giải pháp cần thiết trong thời gian sắp tới để bảo vệ môi trường hiệu quả.

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị - Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Nguyên NCV Viện Nhà nước và Pháp luật, GV Trường ĐH Công Nghệ TP. HCM trình bày tham luận “Về phạm vi điều chỉnh của các luật bảo vệ môi trường từ năm 1993 đến nay”
Bàn về vấn đề “Đảm bảo thực hiện “nguyên tắc phát triển bền vững” trong pháp luật môi trường Việt Nam”, PGS.TS. Lưu Quốc Thái (Trường ĐH Luật TP.HCM) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển bền vững trước tình trạng môi trường ô nhiễm, suy thoái ở mức báo động hiện nay. Tham luận đã chỉ ra cơ sở của khái niệm phát triển bền vững và nội hàm khái niệm phát triển bền vững, phân tích đánh giá làm rõ thực trạng nguyên tắc phát triển bền vững trong pháp luật môi trường Việt Nam, từ đó đề xuất một số khuyến nghị hoàn thiện trong thời gian tới.

PGS.TS. Lưu Quốc Thái - GV Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TP. HCM trình bày tham luận “Đảm bảo thực hiện “nguyên tắc phát triển bền vững” trong pháp luật môi trường Việt Nam”
Trong đề tài “Thực thi quy định bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành theo pháp luật bảo vệ môi trường”, ThS. Lý Thành Nhân (Trường ĐH Luật TP. HCM) đã làm rõ hai loại công cụ, bao gồm: nhóm công cụ nhận diện môi trường trong lành hay ô nhiễm và nhóm công cụ nhằm thực hiện quyền con người. Với các cơ sở lý luận, thực tiễn đã phân tích, nhóm tác giả kiến nghị mở rộng các nhóm quy định để người dân tự thực hiện các quyền của mình, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia trở nên dễ dàng tiếp cận đối với người dân.

ThS. Lý Thành Nhân - GV Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM trình bày tham luận “Thực thi quy định bảo đảm quyền con người được sống trong môi trường trong lành theo pháp luật bảo vệ môi trường”

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận
Hội thảo tiếp tục diễn ra sôi nổi trong phiên làm việc thứ hai với các tham luận:
- “Xây dựng mô hình xã hội tái chế hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn theo pháp luật Nhật Bản và kinh nghiệm cho Việt Nam” - ThS. Trần Thị Trúc Minh, Phan Thanh Tuyền, Phạm Cao Tiệp;
- “Pháp luật về môi trường về chất thải rắn trong doanh nghiệp“ - TS. Lê Minh Thái;
- “Khung pháp lý về thị trường Các-bon Việt Nam - Hiện trạng và một số khuyến nghị hoàn thiện” - TS.GVC. Võ Trung Tín, Lê Duy Khang.

Chủ tọa tại phiên làm việc thứ hai của Hội thảo
Mở đầu phiên thứ hai là đề tài “Xây dựng mô hình xã hội tái chế hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn theo pháp luật Nhật Bản và kinh nghiệm cho Việt Nam” do tác giả Phan Thanh Tuyền đại diện nhóm tác giả (Trường ĐH Luật TP. HCM) trình bày. Nhóm tác giả đã làm rõ cơ sở lý luận và pháp lý về mô hình xã hội dựa trên tái chế hướng đến kinh tế tuần hoàn ở Nhật Bản; quá trình phát triển quy định pháp luật Việt Nam về hoạt động tái chế hướng đến kinh tế tuần hoàn; đánh giá thực trạng pháp luật pháp luật Việt Nam về hoạt động tái chế hướng đến kinh tế tuần hoàn, từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện.

Bà Phan Thanh Tuyền, Công ty cổ phần VNG trình bày tham luận “Xây dựng mô hình xã hội tái chế hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn theo pháp luật Nhật Bản và kinh nghiệm cho Việt Nam”
Trong bài tham luận “Pháp luật về môi trường về chất thải rắn trong doanh nghiệp”, TS. Lê Minh Thái (Trường ĐH Văn Lang) đánh giá thực trạng thực hiện pháp luật môi trường về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn và thực tiễn thi hành tại các doanh nghiệp chưa có sự quán triệt, đồng nhất trong hoạt động, vận hành. Từ đó, TS. Lê Minh Thái đã đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

TS. Lê Minh Thái - GV Khoa Luật, Trường ĐH Văn Lang trình bày tham luận “Pháp luật về môi trường về chất thải rắn trong doanh nghiệp“
Kết thúc phiên thứ hai, ông Lê Duy Khang - Luật sư, Công ty Luật TNHH MTV Tín và Tâm đại diện nhóm tác giả (TS. Võ Trung Tín – Trưởng Bộ môn Luật Đất đai – Môi trường, Khoa Luật Thương Mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) trình bày tham luận “Khung pháp lý về thị trường Các-bon Việt Nam – Hiện trạng và một số khuyến nghị hoàn thiện”. Thông qua tham luận, nhóm tác giả đã khái quát về sự hoạt động của thị trường Các bon; làm rõ chính sách, pháp luật của Việt Nam về thị trường các-bon trong 30 năm thực thi Luật Bảo vệ môi trường qua các giai đoạn trước năm 2012, từ năm 2012 đến năm 2020 và từ năm 2020 cho đến nay; làm rõ nội dung khung pháp lý thị trường các-bon Việt Nam; chỉ ra các hạn chế khung pháp lý ETS tại Việt Nam; từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện.

Ông Lê Duy Khang - Luật sư, Công ty Luật TNHH MTV Tín và Tâm trình bày tham luận “Khung pháp lý về thị trường Các-bon Việt Nam - Hiện trạng và một số khuyến nghị hoàn thiện”
Thời gian thảo luận giữa các Phiên làm việc của Hội thảo đã diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ, đề xuất các giải pháp đến từ các học giả, nhà nghiên cứu, và những cá nhân có quan tâm đang tham dự trực tiếp hoặc online.
Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS. TS. Hà Thị Thanh Bình (Trưởng khoa, Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. HCM) nhận định trải qua hơn bốn tiếng với sáu bài tham luận được trình bày, thời gian của hội thảo đã kéo dài hơn so với kế hoạch do những phần trao đổi tranh luận của các đại biểu hết sức sôi nổi, điều này chứng tỏ chủ đề và nội dung thảo luận của Hội thảo là rất thu hút sự quan tâm của xã hội. Hội thảo đã thành công tốt đẹp và có ý nghĩa quan trọng, đóng góp những cơ sở lý luận pháp lý và giải pháp quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật môi trường Việt Nam, giúp nâng cao kiến thức và hiểu biết của các nhà nghiên cứu, chuyên gia và những người quan tâm về vấn đề bảo vệ môi trường. Đồng thời, hội thảo cũng góp phần nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường, hình thành nếp nghĩ, lối sống, ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn môi trường sống trong lành cho mỗi chúng ta và các thế hệ tương lai.
Sau nhiều giờ làm việc, Hội thảo đã hoàn thành các mục tiêu tổ chức và ghi nhận nhiều đóng góp giá trị trong việc xây dựng và thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Những nội dung, ý kiến đã được trình bày tại Hội thảo sẽ tiếp tục được tổng kết và gửi đến các cơ quan ban hành có liên quan để hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường, góp phần cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Hội thảo “30 năm thực thi Luật Bảo vệ môi trường” hội thảo đã ghi nhận được nhiều quan điểm và ý kiến chuyên sâu liên quan đến các vấn đề về Luật Bảo vệ môi trường
Nội dung: Quỳnh Như, Thiên Bảo
Hình ảnh: Nhật Nam, Phương Thảo
Ban Truyền thông Ulaw