Các nguyên tắc, thủ tục chấp nhận và đánh giá chứng cứ đóng vai trò không nhỏ vào sự thành công của thủ tục tố tụng trọng tài nhưng vấn đề này chưa được quy định hiệu quả tại Việt Nam. Nhằm mục tiêu tìm kiếm các đề xuất giúp nâng cao hiệu quả khung pháp lý điều chỉnh hoạt động trọng tài tại Việt Nam về chứng cứ trên cơ sở đánh giá các quy định hiện hành và thực tiễn hoạt động tố tụng trọng tài thời gian qua, sáng ngày 31/03/2023, tại phòng họp A.905, Trường Đại học Luật TP.HCM đã phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Chứng cứ trong tố tụng trọng tài: Nhìn từ thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế”.
Hội thảo đón nhận sự tham dự của quý vị đại biểu, quý chuyên gia, học giả đến từ nhiều quốc gia khác nhau: LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); Ông Vũ Lê Bằng - Luật sư thành viên Nishimura & Asahi; Ông Đỗ Khôi Nguyên - Luật sư thành viên YKVN, Thành viên nhóm Giải quyết tranh chấp và Trọng tài quốc tế YKVN; Ông Lương Văn Trung - Luật sư thành viên Lexcomm Việt Nam LLC; Ông Lee Huyngkeun - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Kim & Chang; Ông Kim Beng - Phó Giám đốc Rajah & Tann Singapore; GS. Walid Ben Hamida - University of Paris-Saclay (Evry-Val d'Essonne), Trọng tài viên Tòa Trọng tài Quốc tế ICC; LS. Lương Văn Lý - Trọng tài viên GP Global cùng các diễn giả và khách mời tham gia trực tuyến thông qua Zoom.
Về phía Nhà trường có sự hiện diện của PGS.TS. Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Trọng tài viên VIAC; PGS.TS. Trần Việt Dũng - Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Trọng tài viên VIAC; TS. Phan Hoài Nam - Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế; NCS. Nguyễn Thị Lan Hương – Phó trưởng Bộ môn Luật Thương mại Quốc tế, Khoa Luật Quốc tế cùng các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên có quan tâm.


Hội thảo khoa học: “Chứng cứ trong tố tụng trọng tài: nhìn từ thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế” diễn ra trực tiếp và trực tuyến thông qua Zoom Meeting

PGS.TS. Trần Việt Dũng - Trưởng Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP. HCM, Trọng tài viên VIAC (chủ trì Hội thảo) mong đợi hội thảo mang đến những đề xuất tích cực nhằm sửa đổi Luật Trọng tài Việt Nam 2010

LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC gửi lời cảm ơn đến Nhà trường và các đơn vị đồng hành cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế VIAC tổ chức Hội thảo
Hội thảo gồm 06 bài tham luận xoay quanh những vấn đề pháp lý dưới góc độ thực tiễn về việc thu thập, sử dụng chứng cứ trong thủ tục giải quyết tranh chấp trọng tài đặc biệt là tham khảo kinh nghiệm pháp lý của các quốc gia có nền Trọng tài phát triển trên thế giới và trong khu vực như Singapore, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Trọng tài viên VIAC đã trao đổi về chứng cứ trong tố tụng trọng tài tại Việt Nam từ quy định đến thực tiễn. Theo tác giả, các quy tắc xác định, thu thập, áp dụng chứng cứ trong tố tụng trọng tài trong Luật Trọng tài thương mại 2010, Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 cũng như các nguồn văn bản khác chưa được quy định cụ thể, thống nhất, gây khó khăn cho thực tiễn giải quyết tranh chấp. Trên cơ sở nhận xét, đánh giá những hạn chế của pháp luật hiện hành, tác giả đề xuất bổ sung các quy tắc xác định, cung cấp chứng cứ trong Luật Trọng tài Thương mại và chi tiết hóa các quy tắc tố tụng của các trung tâm trọng tài thương mại đặc biệt là VIAC.

PGS.TS. Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Trọng tài viên VIAC trao đổi về chứng cứ trong tố tụng trọng tài tại Việt Nam từ quy định đến thực tiễn
Khai thác sâu hơn về việc xác định cách tiếp cận phù hợp nhất để thu thập chứng cứ, Ông Vũ Lê Bằng - Luật sư thành viên Công ty Luật Nishimura & Asahi dựa trên kiến thức về pháp luật quốc gia và thực tiễn tư pháp đã áp dụng phương pháp luật học so sánh, tập trung vào pháp luật của Việt Nam và Nhật Bản trong tham luận: “Thu thập chứng cứ trong trọng tài quốc tế - góc nhìn so sánh giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật Nhật Bản”. Tham luận đưa ra so sánh, đánh giá về ba vấn đề sau: (i) bằng chứng nói chung; (ii) nhân chứng và (iii) nhân chứng chuyên gia, qua đó, cung cấp một cái nhìn sâu sắc hơn đối với vấn đề thu thập chứng cứ trong thủ tục trọng tài.

Ông Vũ Lê Bằng - Luật sư thành viên Nishimura & Asahi trình bày tham luận tại Hội thảo
Hội thảo tiếp tục diễn ra sôi nổi với các bài tham luận mang tính thực tiễn cao, thu hút sự thảo luận, trao đổi của các diễn giả, chuyên gia tham dự. PGS.TS. Trần Việt Dũng đánh giá cao các tham luận đã chỉ ra đúng và trúng các vấn đề còn khúc mắc trong thực tiễn thu thập và đánh giá chứng cứ trong thủ tục tố tụng trọng tài tại Việt Nam, nhờ đó mà các kiến nghị đối với một số vấn đề như thu thập hay đệ trình chứng cứ được đúc kết rõ ràng và thuyết phục. Bên cạnh đó vẫn cần mở rộng góc độ tiếp cận hơn để các đề xuất được đa dạng, nhiều chiều.

LS. Đỗ Khôi Nguyên dựa trên thông lệ trọng tài quốc tế đề xuất Hội đồng trọng tài và các bên ban hành lịch trình tố tụng cụ thể thống nhất trong tham luận “Thực tiễn phát sinh trong hoạt động thu thập, đệ trình chứng cứ”
Tiếp nối Hội thảo, trong bối cảnh giao tiếp điện tử phủ sóng trên phạm vi toàn thế giới và nhằm đánh giá khả năng chấp nhận chứng cứ điện tử trong hoạt động tố tụng trọng tài và các vấn đề cần lưu ý trong bối cảnh Việt Nam, NCS. Nguyễn Thị Lan Hương đã đại diện nhóm tác giả trình bày tham luận “Chấp nhận chứng cứ điện tử được thu thập bất hợp pháp - Kinh nghiệm cho Việt Nam nhằm bổ sung, sửa đổi luật trọng tài thương mại 2010”. Thông qua việc phân tích thực tiễn hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài quốc tế, nhóm tác giả đã tập trung xác định các vấn đề mà hội đồng trọng tài cần giải quyết khi đánh giá chứng cứ điện tử; từ đó, kiến nghị bổ sung thêm trong quy định pháp luật các hướng dẫn cho hội đồng trọng tài về việc đánh giá chứng cứ điện tử, đặc biệt là chứng cứ điện tử được thu thập bất hợp pháp.

NCS. Nguyễn Thị Lan Hương đại diện nhóm tác giả trình bày tham luận “Chấp nhận chứng cứ điện tử được thu thập bất hợp pháp - Kinh nghiệm cho Việt Nam nhằm bổ sung, sửa đổi luật trọng tài thương mại 2010”
Ông Lương Văn Trung - Luật sư thành viên Lexcomm Việt Nam LLC trao đổi tại Hội thảo

Hội thảo thu hút sự thảo luận, trao đổi của các diễn giả, chuyên gia tham dự
Các diễn giả quốc tế là LS. Lee Huyngkeun (Hàn Quốc), LS. Ng Kim Beng (Singapore) đã phân tích những thực tiễn quốc tế về thu thập chứng cứ và nhấn mạnh vai trò chủ động của HĐTT trong việc quyết định sử dụng chứng cứ phải được pháp luật ghi nhận và toà án tôn trọng; sự độc lập và tính toàn diện của quy tắc trọng tài với quy định của luật trọng tài. GS. Ben Hamida cũng phân tích về sự cấn thiết của việc tham khảo hướng dẫn về thu thập và sử dụng chứng cứ trong Quy tắc IBA và bộ Quy tắc Prague. Các nhà nghiên cứu và các luật sư đều thấy rằng đây là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của luật trọng tài Việt Nam.
Với tinh thần trao đổi tích cực, cởi mở, Hội thảo đã ghi nhận nhiều kiến nghị thiết thực nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về chứng cứ trong trong tố tụng trọng tài, gắn với bối cảnh bổ sung, sửa đổi Luật Trọng tài Thương mại 2010 nhằm tạo nền tảng đầy đủ và vững chắc để hoạt động trọng tài vốn rất nhiều tiềm năng ở nước ta phát triển hơn nữa và tiệm cận với thực tiễn trọng tài khu vực và quốc tế.

Các khách mời tham gia chụp ảnh kỷ niệm
Nội dung: Thanh Tâm, Thanh Thảo Lê
Hình ảnh: Thảo Uyên
Ban Truyền thông Ulaw