Tổng thuật Hội thảo khoa học “Phòng ngừa, xử lý các hành vi sử dụng bạo lực đối với trẻ em”

Các hành vi sử dụng bạo lực có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần và sự phát triển của trẻ em. Hội thảo “Phòng ngừa, xử lý các hành vi sử dụng bạo lực đối với trẻ em” được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng của các hành vi bạo lực đối với trẻ em ở nước ta, xác định nguyên nhân và đề ra các giải pháp, kiến nghị để hoàn thiện khung pháp lý và đảm bảo hiệu quả áp dụng.

Trên cơ sở nội dung các tham luận được trình bày kết hợp với phần trao đổi, thảo luận giữa các đại biểu tham dự, Hội thảo đã xác định trong bối cảnh các hành vi bạo lực đối với trẻ em ngày càng phổ biến, nhu cầu hoàn thiện khung pháp lý về phòng ngừa và xử lý các hành vi này càng trở nên cấp thiết. Hội thảo cũng hoàn toàn nhất trí với quan điểm đề cao vai trò của việc phòng ngừa các hành vi bạo lực đối với trẻ em. Điều này cho thấy tầm quan trọng của Tội phạm học - một ngành khoa học cần được quan tâm đúng mức hơn để xác định chính xác những nguyên nhân cốt lõi của hành vi sử dụng bạo lực đối với trẻ em, từ đó tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động phòng ngừa. Đặc biệt cần quan tâm tới khía cạnh phòng ngừa bạo lực gia đình vì đối tượng thực hiện hành vi là những người có nghĩa vụ chăm sóc và giáo dục trẻ nên khó phát hiện trên thực tế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của bị hại là trẻ em.

Để nâng cao hiệu quả xử lý các hành vi sử dụng bạo lực đối với trẻ em, Hội thảo đã thống nhất một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần sửa đổi quy định của Luật Trẻ em theo hướng nâng độ tuổi trẻ em từ “dưới 16 tuổi” lên “dưới 18 tuổi”.

Thứ hai, cần sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến các hành vi bạo lực đối với trẻ em trên không gian mạng để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các hành vi này trên thực tế. Bên cạnh đó, các học thuyết truyền thống về tội phạm học cần có sự cập nhật để có những biện pháp phù hợp nhằm phòng ngừa tội phạm bạo lực trẻ em trên không gian mạng.

Thứ ba, cần sửa đổi mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bạo lực trẻ em theo hướng xử lý nặng hơn đối với người có hành vi bạo lực là thành viên gia đình; tách các nhóm hành vi bạo lực thành các điều khoản khác nhau, đồng thời quy định đa dạng các hình thức xử phạt, khung tiền phạt phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi. Bên cạnh đó, cần loại bỏ biện pháp “buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh” ra khỏi các Nghị định xử phạt về hành vi bạo lực đối với trẻ em; liệt kê đầy đủ, chi tiết hơn các hành vi bạo lực đối với trẻ em vào Nghị định số 130/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, cũng cần bổ sung một số hành vi thuộc nhóm bạo lực về kinh tế có thể thực hiện đối với trẻ em vào nghị định xử phạt vi phạm hành chính như: hành vi chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc hành vi cố ý khác nhằm làm hư hỏng tài sản riêng của trẻ em; kiểm soát thu nhập của trẻ em; yêu cầu trẻ em đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ.

Thứ tư, để hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự, cần bổ sung quy định tại Điều 3 BLHS năm 2015 về nguyên tắc xử lý đối với hành vi phạm tội, đặc biệt là hành vi bạo lực đối với người dưới 18 tuổi. Ngoài ra cần nghiên cứu một cách toàn diện để sửa đổi một số tội phạm có tính chất bạo lực đối với trẻ em theo hướng quy định cấu thành riêng là hành vi phạm tội đối với người dưới 18 tuổi; sửa đổi tình tiết “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS thành tình tiết “phạm tội đối với người dưới 18 tuổi”; bổ sung tình tiết “phạm tội đối với người dưới 18 tuổi” là tình tiết định khung tăng nặng của các tội phạm quy định tại Điều 154, 155, 156 BLHS năm 2015.

Thứ năm, liên quan đến pháp luật tố tụng hình sự, để bảo vệ bị hại là trẻ em, tránh tình trạng bạo lực với bị hại ngay trong quá trình giải quyết vụ án, cần thực hiện các giải pháp sau: (i) Nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc một số chuẩn mực pháp lý quốc tế về bảo vệ bị hại là trẻ em trong các vụ án về tội phạm sử dụng bạo lực để hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự; (ii) Sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành nhằm tạo ra cơ sở pháp lý chặt chẽ để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích của bị hại là trẻ em như: Hoàn thiện quy định về bảo đảm quyền được bảo đảm trợ giúp pháp lý và các trợ giúp cần thiết khác; quy định thời hạn tố tụng riêng cho các vụ án mà bị hại là trẻ em bị xâm hại bởi hành vi bạo lực; bổ sung bị hại là chủ thể có quyền yêu cầu giám định, rút ngắn thời gian xem xét để ban hành quyết định trưng cầu giám định trên cơ sở đề nghị của bị hại; bổ sung quy định cho phép người đại diện hợp pháp của bị hại hoặc người thân thích, người mà bị hại là trẻ em cảm thấy tin tưởng cùng với người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại cùng tham gia vào hoạt động lấy lời khai bị hại… Sự ra đời của Luật Tư pháp người chưa thành niên trong thời gian tới cũng góp phần hoàn thiện khung pháp lý đối với người dưới 18 tuổi nói chung và bị hại là trẻ em nói riêng.

Để bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi bạo lực, cần có sự triển khai đồng bộ các giải pháp. Hi vọng Hội thảo sẽ góp phần thu hút sự quan tâm của cộng đồng, xã hội vào việc phòng chống các hành vi bạo lực đối với trẻ em; đồng thời cung cấp những giải pháp hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao hiệu quả thực hiện quy định pháp luật về phòng ngừa, xử lý các hành vi sử dụng bạo lực đối với trẻ em ở nước ta trong thời gian tới.

 

Nội dung: Ths. Nguyễn Thị Thu Hằng

Hình ảnh: Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top