Với mong muốn tạo lập một hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia trên thị trường, Quốc hội đã ban hành Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14. Luật Chứng khoán năm 2019 đã khắc phục được những hạn chế của Luật Chứng khoán năm 2006 và Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và đem lại những điều chỉnh có hiệu quả hơn các quan hệ đa dạng trong lĩnh vực chứng khoán.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thị trường chứng khoán đã và đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này ngày càng phức tạp, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư nói riêng và thị trường nói chung. Thực tế các diễn biến trên thị trường chứng khoán gần đây đặt ra các thách thức về hoàn thiện pháp luật chứng khoán, như hiện tượng tăng vốn khống của doanh nghiệp, tạo cung cầu giả tạo, nhằm thao túng giá, thực hiện giao dịch nội gián nhằm thu lợi bất chính…
Với vai trò Khoa chuyên môn nghiên cứu pháp luật thương mại doanh nghiệp nói chung và pháp luật chứng khoán nói riêng, đồng thời, nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, luật sư, các cơ quan quản lý cùng thảo luận, chia sẻ, trao đổi và đưa ra những góp ý nhằm hoàn thiện pháp luật, Khoa Luật Thương mại tổ chức hội thảo: Góp ý sửa đổi các quy định về pháp luật chứng khoán.

Hội thảo “Góp ý sửa đổi các quy định về pháp luật chứng khoán” diễn ra tại phòng họp A.905
Hội thảo đã nhận được 14 báo cáo tham luận đăng kỷ yếu hội thảo. Theo đó, ban tổ chức đã chọn ra 7 báo cáo trình bày trực tiếp tại hội thảo trong 2 phiên để những người tham gia cùng trao đổi, thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề có liên quan.
Mở đầu phiên thứ nhất, TS Phan Phương Nam,Phó Trưởng khoa Luật Thương Mại - Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận: "Pháp luật về cấp giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh”. Bài viết phân tích các vấn đề có liên quan đến việc cấp giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh của các chủ thể kinh doanh chứng khoán phái sinh như: công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và ngân hàng thương mại. Từ đó, bài viết đưa ra các đề xuất cho hoạt động lập pháp, giúp các quy định pháp luật hoàn thiện hơn khi điều chỉnh nội dung này.

TS Phan Phương Nam, Phó Trưởng khoa Luật Thương Mại trình bày tham luận "Pháp luật về cấp giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh”
Tiếp theo, ThS Nguyễn Thị Thúy trình bày tham luận: "Quy định pháp luật về chứng khoán phái sinh – một số bất cập và gợi mở". Từ vấn đề thực tiễn: pháp luật chứng khoán quy định ba loại chứng khoán phái sinh gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, nhưng đến hiện tại chỉ có hợp đồng tương lai là loại chứng khoán phái sinh duy nhất đang được phép giao dịch trên thị trường chứng khoán, tác giả cho rằng cần thiết bổ sung các quy định điều chỉnh về chứng khoán phái sinh còn lại. Đồng thời, tác giả có những phân tích để chứng minh rằng việc rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về thị trường chứng khoán phái sinh là điều cần thiết trong lộ trình hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

ThS Nguyễn Thị Thúy trình bày tham luận "Quy định pháp luật về chứng khoán phái sinh – một số bất cập và gợi mở"
Tham luận thứ ba tại hội thảo của tác giả Ths. Nguyễn Trung Dương có nhan đề: "Quy định pháp luật về hạn chế xung đột lợi ích trong hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán”. Tác giả phân tích các xung đột lợi ích có thể xảy ra trong quá trình hoạt động của các công ty chứng khoán như xung đột trong hoạt động môi giới chứng khoán giữa khách hàng và công ty chứng khoán, giữa các khách hàng của công ty chứng khoán với nhau, xung đột trong hoạt động tự doanh chứng khoán và bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán của công ty chứng khoán. Tác giả cũng khái quát quy định pháp luật về hạn chế xung đột lợi ích trong hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán hiện hành và đưa ra một số kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật.
Cuối cùng của phiên 1, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thương thay mặt đồng tác giả Ths. Lê Thị Ngân Hà trình bày tham luận: “Phân tích khía cạnh pháp lý về tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm là chứng khoán”. Bài tham luận giải quyết hai vấn đề vướng mắc trên thực tiễn liên quan đến sử dụng tài sản bảo đảm nghĩa vụ là chứng khoán: (i) Xác định tài sản bảo đảm là chứng khoán và các vướng mắc hiện nay khi bảo đảm bằng tài sản là chứng khoán và (ii) Bất cập trong quá trình thực hiện xử lý tài sản bảo đảm là chứng khoán.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thương trình bày tham luận “Phân tích khía cạnh pháp lý về tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm là chứng khoán”
Sau bốn báo cáo tham luận được trình bày, Đoàn chủ tọa điều phối, đưa ra các vấn đề để trao đổi. Theo đó, phiên thảo luận tập trung làm rõ các vấn đề mà các chuyên gia tham gia hội thảo quan tâm.
Thạc sĩ Tăng Thị Bích Diễm phát biểu về vấn đề liên quan đến trái phiếu xã hội– hướng dẫn của hiệp hội thị trường vốn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam. Với vai trò của trái phiếu xã hội là lại chứng khoán ngày càng được sử dụng rộng rãi nhằm huy động vốn cho các dự án mang lại tác động xã hội tích cực. Nhưng Việt Nam vẫn thiếu vắng các quy định nhằm quản lý, thúc đẩy loại hình đầu tư này. Do đó bà Diễm đã phân tích một số khái niệm, đặc điểm, nguyên tắc của trái phiếu xã hội theo bộ nguyên tắc của ICMA và đề xuất một số gợi mở cho Việt Nam.
Tiếp theo, PSG. TS. Phan Huy Hồng cùng Thạc sỹ Nguyễn Thị Thúy cùng trao đổi các vấn đề liên quan đến thuật ngữ nên sử dụng cho các loại chứng khoán phái sinh, trên cơ sở phân tích, đánh giá các quy định của Luật Thương mại 2005, Luật Chứng khoán và các quy định pháp luật khác có liên quan.
TS. Phan Thị Thành Dương đóng góp ý kiến liên quan đến vấn đề mâu thuẫn lợi ích trong hoạt động của công ty chứng khoán. Theo đó, TS. Dương cho biết trên thực tế vấn đề này tồn tại phổ biến và là một bài toán nan giải về mặt pháp lý trong điều chỉnh bằng pháp luật đối với hoạt động của công ty chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, việc trao đổi thông tin trong quá trình giao dịch, hành vi chèn lệnh, nén lệnh, tạo hiệu ứng, đẩy giá, làm giá của các công ty chứng khoán trên thị trường diễn biến tinh vi, dễ dàng và khó quản lý.

TS. Phan Thị Thành Dương đóng góp ý kiến liên quan đến vấn đề mâu thuẫn lợi ích trong hoạt động của công ty chứng khoán
Bà Phạm Khánh Phương, Phó GĐ pháp chế tuân thủ sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đến vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm là chứng khoán. Bà Phương trao đổi rằng, trên thực tế đây là vướng mắc rất phổ biến trong quá trình sử dụng tài sản bảo đảm là chứng khoán mà rất cần hoàn thiện quy định của pháp luật để các bên có thể thuận lợi khai thác loại tài sản bảo đảm này một cách tối ưu. PGS. TS Nguyễn Văn Vân, PGS. TS Hà Thị Thanh Bình cũng trao đổi thêm các vấn đề liên quan đến phạm vi tài sản là chứng khoán, cách thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định. Ông Trần Cao Thắng đang làm việc tại VSDC cũng trao đổi một số thông tin liên quan đến quá trình đăng ký, phong tỏa, giải tỏa tài sản bảo đảm là chứng khoán.
Phiên thứ hai được bắt đầu bằng việc trình bày tham luận của học viên Lê Hoàng Nữ Tố Quyên – Học viên cao học của Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh với bài viết:"Bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trong giai đoạn chào bán chứng khoán ra công chúng". Tác giả đã trình bày các quan điểm, đánh giá quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, chỉ ra những hạn chế trong quy định về áp dụng xếp hạng tín nhiệm, trách nhiệm của các chủ thể liên quan trước nhà đầu tư, vai trò của tổ chức bảo lãnh phát hành và quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại của nhà đầu tư trong giai đoạn chào bán chứng khoán ra công chúng, từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật.
Cùng chủ đề bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, Ths. Phạm Thị Ngọc Hà thay mặt nhóm tác giả trình bày kết quả nghiên cứu về "Quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán – kinh nghiệm từ Nhật bản, Trung quốc và một số gợi mở cho Việt Nam”. Theo nhóm tác giả, việc thành lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán là cần thiết tại Việt Nam, đồng thời phân tích kinh nghiệm vận hành Quỹ tại Nhật Bản và Trung Quốc, đề xuất phương án xây dựng phù hợp cho Việt Nam.
Cuối cùng, PGS. TS. Nguyễn Văn Vân trao đổi về đề tài: “Bàn về tính khả thi của biện pháp yêu cầu bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư chứng khoán”. Bài tham luận phân tích cơ sở pháp lý và các phương thức để nhà đầu tư chứng khoán bị thiệt hại có thể yêu cầu chủ thể gây thiệt hại bồi thường. Bên cạnh đó, bài viết còn có các bình luận và nhận định của tác giả về những rào cản pháp lý hiện tại ở Việt Nam mà nhà đầu tư chứng khoán thường gặp khi thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đồng thời, tác giả đã khuyến nghị các giải pháp pháp lý để gia tăng hiệu quả biện pháp yêu cầu bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư chứng khoán.

PGS. TS. Nguyễn Văn Vân trao đổi về đề tài “Bàn về tính khả thi của biện pháp yêu cầu bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư chứng khoán”
Tại phiên thảo luận thứ hai, nhiều chuyên gia cũng đưa đến các quan điểm, góc nhìn đa chiều về các vấn đề liên quan đến hội thảo. Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Trân Châu chia sẻ quan điểm về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của công ty chứng khoán trong trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật khi thực hiện dịch vụ môi giới chứng khoán. Cùng vấn đề, anh Nguyễn Hữu Ngọc – Phó Giám đốc trung tâm Chính trị Quận 8 cũng chia sẻ quan điểm dưới khía cạnh kinh tế chính trị, bàn về việc liệu có nên thành lập một ủy ban liêm chính ở công ty chứng khoán nhằm ngăn ngừa, hạn chế và xử lý các vấn đề mang tính chất rủi ro hệ thống.
Ngoài 7 tham luận trình bày chính thức và các bài phát biểu của các tác giả nêu trên, Hội thảo còn nhận được các tham luận khác của các tác giả gồm:
- “Điều kiện phát hành cổ phiếu ra công chúng – quy định của pháp luật Việt Nam và một số quốc gia” của Thạc sỹ Nguyễn Thị Hoài Thu, Giảng viên khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật Tp.HCM.
- “Một số bình luận về quy định bảo vệ cổ đông thiểu số tại các công ty đại chúng theo quy định của Luật chứng khoán 2019” của Thạc sỹ Danh Phạm Mỹ Duyên, Giảng viên khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật Tp.HCM.
- “Góp ý sửa đổi quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp” của Tác giả Trần Cao Thắng, Học viên cao học luật Kinh tế K36 – Đại học Luật TP HCM.
- “Quy định pháp luật về phòng ngừa và xử lý hành vi thao túng thị trường chứng khoán” của Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền, Giảng viên khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật Tp.HCM.
Phát biểu kết luận hội thảo, PGS.TS Hà Thị Thanh Bìnhcho rằng, Hội thảo đã thu hút sự tham gia đông đảo từ các chuyên gia nghiên cứu pháp luật, các đơn vị quản lý, doanh nghiệp, cơ quan, cho thấy rằng các vấn đề liên quan đến pháp luật chứng khoán đang được xã hội rất quan tâm. Về mục tiêu, hội thảo đã hoàn thành mục tiêu đặt ra đó là góp ý, trao đổi nhằm kiến nghị các giải pháp có giá trị hoàn thiện các quy định còn bất cập, vướng mắc của pháp luật chứng khoán hiện hành.

Hội thảo đã hoàn thành mục tiêu đặt ra đó là góp ý, trao đổi nhằm kiến nghị các giải pháp có giá trị hoàn thiện các quy định còn bất cập, vướng mắc của pháp luật chứng khoán hiện hành
Tổng thuật và trình bày: Ths. Nguyễn Thị Thương
Hình ảnh: Phượng Bình
Ban Truyền thông Ulaw