Công khai, minh bạch trong thông tin về doanh nghiệp là một trong những yêu cầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế phát triển. Yêu cầu này không chỉ đặt ra đối với các thông tin mang tính định danh mà còn bao gồm cả những vấn đề liên quan đến quản trị, điều hành công ty, thẩm quyền đại diện doanh nghiệp khi doanh nghiệp có nhiều người đại diện, các nghị quyết của hội đồng quản trị, đại hội đồng cổ đông khi công ty thực hiện giao dịch với các chủ thể khác… Các thông tin này không chỉ ảnh hưởng đến các quan hệ trong nội bộ doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến bên thứ ba và cộng đồng. Thông tin doanh nghiệp có vai trò quan trọng là vậy nhưng thực tiễn đăng ký kinh doanh ghi nhận những vụ việc đáng lo ngại như tình trạng lấy thông tin cá nhân người khác để thành lập doanh nghiệp, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp; mạo danh ký khống điều lệ, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nhằm mục đích trục lợi. Thực trạng này làm giảm tính minh bạch thông tin doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của nền kinh tế nói chung.
Ngoài ra, Điều lệ và các loại tài liệu nội bộ khác của doanh nghiệp chứa đựng các điều khoản đặc biệt quan trọng của công ty, chẳng hạn như các điều khoản liên quan đến việc quyết định các vấn đề tài sản, tài chính doanh nghiệp, quản trị công ty, quyền và nghĩa vụ của (các) chủ sở hữu. Các tài liệu này còn là cơ sở pháp lý để góp phần giải quyết các tranh chấp có liên quan. Tuy nhiên, tính xác thực và tính hợp pháp của các loại tài liệu này hiện nay chưa thật sự được chú trọng đúng mức.
Trong bối cảnh đó, vào ngày 11 tháng 9 năm 2024, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Công chứng viên TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Xác thực thông tin doanh nghiệp tại Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia” nhằm tạo diễn đàn trao đổi, nghiên cứu chuyên sâu và đối thoại giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm từ các nghiên cứu pháp luật nước ngoài, các thực tiễn từ phía các công chứng viên, luật sư và góp phần làm nổi bật tầm quan trọng và nhu cầu xác thực thông tin doanh nghiệp, sự cần thiết phải xác thực các loại tài liệu nội bộ trong doanh nghiệp (như Điều lệ, quy chế, quyết định hay nghị quyết, biên bản họp…). từ đó đưa ra các đề xuất nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về xác thực thông tin doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Hội thảo đón nhận sự quan tâm và tham dự của đông đảo đại biểu, khách mời: Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM; Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến - Uỷ viên Ban thường vụ Thành uỷ TP. HCM, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Thành uỷ; Đại biểu Quốc hội Bùi Xuân Thống – Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Uỷ viên Uỷ ban pháp luật của Quốc hội; Đại biểu Quốc hội Đỗ Huy Khánh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai; Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Tỉnh uỷ viên – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương; Ông Nguyễn Chí Thiện - Chủ tịch Hiệp hội công chứng viên Việt Nam; Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Dung - Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP. HCM; Đại diện Toà án nhân dân Tỉnh Bình Dương; Bà Ung Thị Xuân Hương - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM; và đại diện các cơ quan, tổ chức: Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. HCM, Phòng đăng ký kinh doanh-Sở Kế hoạch và đầu tư TP. HCM, Sở Tư pháp TP.HCM, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM; Hiệp hội ngân hàng Việt Nam-Chi nhánh phía Nam; Chủ tịch các Hội công chứng viên tỉnh, thành phố Đồng Nai, Bình Dương, Long An; Đoàn luật sư TP. HCM, Đoàn Luật sư tỉnh Long An; Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh; các Trọng tài viên Trọng tài thương mại VIAC Việt Nam - Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam; Công ty luật SCIENTIA; cùng các Thầy, Cô đang giảng dạy, nghiên cứu tại Học viện Chính trị Khu vực IV, Trường Đại học Kinh tế-Luật TP HCM, Trường Đại học Mở TP. HCM…
Về phía Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh có sự hiện diện của GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình - Trưởng Khoa Luật Thương mại, thành viên Ban tổ chức Hội thảo; TS. Phan Phương Nam - Phó trưởng Khoa Luật Thương mại; PGS.TS. Nguyễn Văn Vân - Nguyên Trưởng Khoa Luật Thương mại; TS. Võ Trung Tín - Trưởng Bộ môn Luật Đất đai – Môi trường, Khoa Luật Thương mại; TS. Nguyễn Thị Thư – Trưởng Bộ môn Luật Thương mại, Khoa Luật Thương mại; TS. Phan Hoài Nam – Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế cùng đại diện các thầy cô là lãnh đạo của các Khoa trong nhà trường, các giảng viên, các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong và ngoài trường.
Hội thảo cũng được đông đảo các Báo Đài đến tham dự và đưa tin: VTV9, Truyền hình Quốc hội, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Tuổi Trẻ, Báo Pháp Luật TP. HCM…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM hội thảo cần tập trung thảo luận làm rõ sự cần thiết phải xác minh thông tin doanh nghiệp, các cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất sửa đổi Luật Công chứng bổ sung chức năng xác thực thông tin doanh nghiệp cho các tổ chức hành nghề công chứng, để bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích của các bên liên quan cũng như đưa ra các chế tài cần thiết để xử lý vi phạm.
Buổi hội thảo được chia thành 02 phiên với 05 bài tham luận chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến xác định thông tin doanh nghiệp tại Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia, gợi mở các chủ đề để những người tham dự thảo luận nhằm làm rõ các vấn đề lý luận, thực tiễn liên quan đến vấn đề xác thực thông tin doanh nghiệp.
Phiên làm việc đầu tiên của Hội thảo được điều hành dưới sự chủ trì của GS. TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM, CCV. Nguyễn Trí Hoà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Bà Ung Thị Xuân Hương - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM.
Mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Vân – Giảng viên Khoa Luật Thương Mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận “Thông tin doanh nghiệp và xác thực thông tin doanh nghiệp”. Tham luận đã nhấn mạnh các nội dung chính sau đây:
- Minh bạch thông tin về doanh nghiệp là một nhu cầu của các chủ thể kinh doanh.
- Thông tin doanh nghiệp có thể có từ nhiều nguồn khác nhau, có thể chia thành các nhóm: (i) thông tin do cơ quan quản lý nhà nước cấp hoặc công nhận/ xác nhận và được công khai trên hệ thống dữ liệu quốc gia như Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy chứng nhận chào bán chứng khoán, các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động trong các lĩnh vực cụ thể; (ii) Thông tin do doanh nghiệp trực tiếp công bố ra công chúng theo quy định pháp luật hoặc do doanh nghiệp cung cấp dưới các hình thức khác nhau theo quy định pháp luật khi phát sinh các sự kiện pháp lý cụ thể.
- Tài liệu/ hồ sơ pháp lý nội bộ doanh nghiệp là các văn bản, dữ liệu điện tử chứa đựng thông tin về doanh nghiệp phục vụ công việc quản trị, điều hành nội bộ doanh nghiệp như: Điều lệ công ty, các biên bản họp, nghị quyết của các hội đồng, ủy ban; các quyết định của người quản trị, điều hành nội bộ công ty; các quy chế, quy định, bộ quy tắc ứng xử... áp dụng nội bộ công ty. Các thông tin này có ý nghĩa đối với bên thứ ba chủ yếu trong việc xác định phạm vi thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật và xác định thẩm quyền quyết định hợp đồng giao dịch của các cơ quan quản lý công ty.
Từ các trình bày nêu trên, PGS.TS. Nguyễn Văn Vân cho rằng nhu cầu và xu hướng xác thực thông tin về doanh nghiệp là hiển nhiên để hướng đến một môi trường kinh doanh tin cậy và an toàn. Để đạt mục tiêu đó, phải rà soát không chỉ pháp luật chuyên ngành về cung cấp thông tin doanh nghiệp mà phải có các hành động thực tế để đồng bộ và tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia thông tin doanh nghiệp, cắt giảm tối thiểu chi phí tuân thủ cho nền kinh tế. Mặt khác, không thể trông chờ hoàn toàn vào Nhà nước mà phải có sự trợ giúp của các tổ chức độc lập xác thực thông tin doanh nghiệp; mỗi chủ thể kinh doanh phải có các biện pháp hữu hiệu để thu thập phân tích thông tin để giảm thiểu các rủi ro trong kinh doanh.
Tiếp theo chương trình Hội thảo, ông Doãn Chiến Thắng - Điều tra viên, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận “Thực trạng việc giả mạo, khai khống, làm sai lệch thông tin điều lệ và các tài liệu, hồ sơ khác của doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động phạm tội”. Theo ông Thắng, trong những năm gần đây nhóm tội phạm này có xu hướng gia tăng. Theo số liệu từ buổi họp báo thông báo tình hình công tác công an trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng công an đã phát hiện hơn 3.000 vụ phạm tội liên quan đến tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, tăng 21,63% so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng đối tượng bị bắt giữ cũng tăng 47,12%, đạt hơn 4.900 đối tượng. Thực tế này đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan điều tra trong việc nhận diện phương thức và thủ đoạn phạm tội, đồng thời có các kiến nghị, đề xuất trong việc xác thực thông tin doanh nghiệp, nhằm đảm bảo tính minh bạch và ngăn chặn các hành vi phạm tội. Một số hành vi vi phạm phổ biến bao gồm (i) Giả mạo chữ ký, con dấu và thông tin thành lập doanh nghiệp để thực hiện việc chuyển nhượng tài sản hoặc hợp thức hoá các khoản thu chi trái phép, nhằm “rút ruột” công ty, gây thất thoát tài sản doanh nghiệp, nhà nước; (ii) Khai khống vốn điều lệ, tài sản và thông tin, hồ sơ của doanh nghiệp để tạo niềm tin nhằm chiếm đoạt tài sản; (iii) Sửa đổi và giả mạo các biên bản nội bộ của doanh nghiệp một cách bất hợp pháp để hợp thức hóa các hồ sơ vi phạm pháp luật. Điển hình như trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC mới đưa ra xét xử gần đây, các bị cáo đã lợi dụng kẽ hở trong quy định pháp luật để thay đổi biên bản họp và nghị quyết công ty, từ đó thực hiện hành vi gian lận chứng khoán và chiếm đoạt tài sản từ các nhà đầu tư. Do đó, việc xác thực thông tin các văn bản nội bộ doanh nghiệp sẽ đảm bảo các văn bản này được kiểm tra cẩn thận, giúp ngăn chặn hành vi vi phạm. Để tăng cường việc xác thực trên, ông Thắng cho rằng cần áp dụng các giải pháp sau: (i) Các thủ tục xác minh nên được cải thiện theo hướng nghiêm ngặt hơn để giảm thiểu tình trạng lập khống doanh nghiệp. Hệ thống xác thực điện tử (chữ ký số, chứng thực điện tử,..) cũng có thể được áp dụng để tự động kiểm tra tính hợp pháp của thông tin đăng ký; (ii) Quy trình xác thực và theo dõi thông tin đại diện pháp lý của doanh nghiệp cần được tăng cường để đảm bảo tính minh bạch; (iii) Nếu pháp luật cho phép công chứng bắt buộc đối với một số tài liệu quan trọng của doanh nghiệp như điều lệ doanh nghiệp sẽ tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc, giúp giảm thiểu các trường hợp giả mạo thông tin và đây cũng là một nguồn chứng cứ phục vụ hoạt động chứng minh tội phạm của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng nên có lộ trình, cơ chế kiểm tra, giám sát đối với hoạt động công chứng các tài liệu trên để đảm bảo hoạt động công chứng diễn ra một cách công khai, minh bạch, tránh tình trạnh tiêu cực có thể xảy ra.
Tiếp theo, TS. Phan Hoài Nam – Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế thay mặt các đồng tác giả Trần Ngọc Vân Quỳnh - Công ty TNHH Novartis Việt Nam và Nguyễn Hoàng Minh Như - Công ty Luật TNHH Gruenkorn & Partner trình bày tham luận “Cơ chế đảm bảo tính xác thực, hợp pháp của hồ sơ doanh nghiệp thông qua hoạt động công chứng - Kinh nghiệm một số quốc gia Châu Âu và gợi mở cho Việt Nam” Nội dung bài trình bày tập trung trình bày kinh nghiệm của một số quốc gia ở Châu Âu, trong đó có quy định việc xác nhận thông tin doanh nghiệp được thực hiện bởi các công chứng viên thuộc các tổ chức hành nghề công chứng thay vì cơ quan quản lý đăng ký doanh nghiệp. Theo nhóm tác giả, phần lớn các quốc gia thành viên Liên minh công chứng quốc tế như Công hòa Séc, Đức, Ý, Luxembourg và Tây Ban Nha có quy định chặt chẽ trong việc yêu cầu phải có sự tham gia của Công chứng viên với vai trò tư vấn cho người đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ thành lập doanh nghiệp được yêu cầu bắt buộc phải công chứng, qua đó tăng cường tính xác thực, tính hợp pháp góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh an toàn và minh bạch. Thông qua việc phân tích một số lợi ích của việc công chứng hồ sơ doanh nghiệp như: (i) Bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia giao dịch, bên bán, bên mua, nhà đầu tư, bên cho vay hoặc cơ quan quản lý nhà nước; (ii) Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện giao dịch suôn sẻ và hiệu quả thông qua việc giải thích pháp luật của Công chứng viên, qua đó hạn chế được rủi ro tranh chấp về sau; (iii) Đảm bảo được tính minh bạch và độ tin cậy của các bên tham gia giao dịch, nhóm tác giả đề xuất giải pháp Việt Nam cần cân nhắc bổ sung, sửa đổi quy định pháp luật hiện hành sao cho phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế, trong đó có quy định công chứng hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các tài liệu nội bộ trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, góp phần tăng cường sự tuân thủ pháp luật và đảm bảo tính hợp pháp của giao dịch kinh doanh.
Trong phiên thảo luận, CCV. Nguyễn Trí Hoà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam đặt vấn đề về tính cấp thiết của việc minh bạch thông tin doanh nghiệp qua những vụ án thực tế và vai trò của Công chứng viên đối với vấn đề xác thực thông tin doanh nghiệp trong thành lập doanh nghiệp. TS. LS. Nguyễn Quốc Vinh – Công ty Luật SCIENTIA - Đoàn Luật Sư TP. Hồ Chí Minh trao đổi quan điểm cá nhân liên quan đến phạm vi công chứng của công chứng viên, đặc biệt là việc công chứng điều lệ công ty, các thoả thuận cổ đông…và các thách thức trong việc xác thực tính hợp pháp của các tài liệu này đặt ra yêu cầu phải có các quy định chi tiết và phù hợp.
Phiên làm việc thứ hai của Hội thảo được điều hành bởi Chủ tọa gồm: PGS. TS. Hà Thị Thanh Bình - Trưởng Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; Bà Ngô Minh Hồng - Chủ tịch Hội Công chứng viên TP. Hồ Chí Minh; Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Dung - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
Mở đầu phiên làm việc thứ hai, CCV. Trần Thị Hằng - Trưởng Văn phòng Công chứng Phan Thị Kim Cúc trình bày tham luận “Xác thực thông tin khi thành lập công ty tại Luxembourg”. Qua nghiên cứu của mình, bà Hằng cho rằng việc tham gia của công chứng viên trong quá trình thành lập công ty, đặc biệt là các công ty có sự tách bạch giữa tài sản của chủ sở hữu và tài sản công ty góp phần đảm bảo sự minh bạch trong môi trường kinh doanh của một quốc gia có nên kinh tế tài chính phát triển như Luxembourg. Từ kinh nghiệm của Luxembourg, Bà Hằng cho rằng việc tham gia của công chứng viên vào quá trình thành lập công ty hoặc chứng nhận các hồ sơ quan trọng của công ty như hợp đồng thành lập công ty, điều lệ… là cần thiết, góp phần làm minh bạch môi trường kinh doanh.
Tiếp theo chương trình Hội thảo, ThS. Tăng Thị Bích Diễm - Khoa Luật Thương Mại – Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận “Xác thực biên bản cuộc họp đại hội đồng cổ đông trực tuyến - Kinh nghiệm của Indonesia và gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng khung pháp lý”. Bà Diễm cho rằng sự minh bạch thông tin doanh nghiệp trong các tài liệu như nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông không chỉ ảnh hưởng đến các mối quan hệ nội bộ doanh nghiệp mà còn tác động đáng kể đến các bên thứ ba. Đặc biệt, trong bối cảnh tổ chức các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trực tuyến trở nên phổ biến, vấn đề xác thực thông tin và biên bản cuộc họp đặt ra nhiều thách thức pháp lý. Tham luận tập trung phân tích các quy định của Indonesia về xác thực thông tin trong biên bản cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trực tuyến và giá trị pháp lý và vai trò của công chứng viên trong việc xác thực biên bản này. Qua đó, ThS. Tăng Thị Bích Diễm nêu ra một số gợi mở xây dựng khung pháp lý về xác thực biên bản ĐHĐCĐ trực tuyến ở Việt Nam, như (i) cần quy định chi tiết về quy trình xác thực biên bản ĐHĐCĐ trực tuyến và (ii) cần xác định vai trò và trách nhiệm của công chứng viên trong việc xác thực biên bản ĐHĐCĐ trực tuyến. Công chứng viên cần đảm bảo rằng quá trình diễn ra cuộc họp tuân thủ các quy định pháp luật và các quyết định được ghi nhận chính xác, trung thực.
TS.CCV. Ninh Thị Hiền - Trưởng Văn phòng công chứng Ninh Thị Hiền trình bày tham luận “Công chứng điều lệ công ty - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Bà Hiền cho rằng Điều lệ công ty là một hợp đồng đặc biệt liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia vào hoạt động của công ty. Điều lệ tác động đến quyền sở hữu tài sản của thành viên và cổ đông công ty. Ngoài ra, điều lệ công ty là công cụ để bảo vệ khi các bên khi cơ quan, người quản lý công ty có thể đã làm thiệt hại đến tài sản là phần vốn góp, cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu của mình trong công ty. Điều lệ cũng là căn cứ để Tòa án giải quyết các tranh chấp liên quan. Do đó, Điều lệ công ty phải đáp ứng các tiêu chuẩn không phải chứng minh của chứng cứ. Vì vậy, nếu Điều lệ được xác thực sẽ góp phần bảo vệ tốt nhất quyền lợi của các bên liên quan.
Sau khi phân tích kinh nghiệm của một số quốc gia có quy định bắt buộc công chứng điều lệ công ty như Hàn Quốc và Nhật Bản, CCV Ninh Thị Hiền đề xuất trong phần phạm vi công chứng của Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) nên có quy định minh thị cho phép công chứng các tài liệu nội bộ của công ty, bổ sung quy định về thủ tục công chứng Điều lệ công ty.
Trong phiên thảo luận, Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Dung - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh chia sẻ thực trạng giải quyết các vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại trong năm 2023 với số lượng khá nhiều các tranh chấp liên quan đến công ty, mua bán cổ phần, góp vốn. Nhiều doanh nghiệp đã thuê người làm đại diện theo pháp luật, khi xảy ra tranh chấp, toà án xác minh thì người đại diện theo pháp luật cũng không nắm rõ tranh chấp đó, thiệt hại trong các vụ án khá lớn. Nhiều vụ việc tranh chấp liên quan đến chuyển nhượng vốn, hợp đồng, cổ phần, chuyển nhượng tài sản hình thành trong tương lai… xuất phát từ việc các thông tin của doamh nghiệp không được xác thực. Thực trạng này một phần xuất phát từ thủ tục đăng ký kinh doanh quá đơn giản, thiếu cơ chế xác thực thông tin, kéo theo nhiều hệ quả khôn lường. Thẩm phán Dung cho rằng rất bất hợp lý khi chuyển nhượng xe gắn máy với giá vài triệu đồng cũng bắt buộc công chứng trong khi chuyển nhượng vốn hàng tỉ lại không. Bà Nguyễn Thị Thùy Dung tán thành quan điểm cho rằng cần tăng cường tính xác thực, minh bạch thông tin của doanh nghiệp, việc giao trách nhiệm này cho cơ quan công chứng là phù hợp, tuy nhiên cần quy định chặt chẽ quy trình/trách nhiệm của cơ quan công chứng.
TS. Trương Vĩnh Xuân – Học viện Chính trị khu vực IV đặt ra vấn đề cân bằng lợi ích của các bên có liên quan trong việc đặt ra yêu cầu công chứng xác thực các thông tin của doanh nghiệp, vấn đề trách nhiệm của công chứng viên.
ThS. Từ Thanh Thảo – Giảng viên khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tán thành đề xuất về việc tạo cơ sở pháp lý để tổ chức hành nghề công chứng xác thực các thông tin của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần xác định rõ các thông tin nào cần sự xác thực của công chứng để tránh sự trùng lặp với vai trò xác thực thông tin của các chủ thể khác như tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy theo quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2023. Ngoài ra, việc công chứng đối với điều lệ của công ty đại chúng là không cần thiết vì các quy định có liên quan đã đảm bảo tính xác thực thông tin của văn bản này.
Thay mặt Ban chuyên môn của Hội thảo, PGS.TS Hà Thị Thanh Bình tổng kết các kết luận được rút ra từ các tham luận và việc trao đổi tại hội thảo như sau: (1) Thông tin doanh nghiệp, đặc biệt là các thông tin ảnh hưởng đến các giao dịch của doanh nghiệp, là các thông tin quan trọng cần được xác thực; (2) Thông qua việc nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia và trong bối cảnh thực tế ở Việt Nam hiện nay thì các tổ chức hành nghề công chứng là các đơn vị thích hợp nhất để thực hiện công việc này vì các lý do sau (i) chức năng chứng thực là chức năng mang tính truyền thống của các tổ chức hành nghề công chứng nên các tổ chức này có đủ điều kiện nhân lực và vật lực để thực hiện; và (ii) pháp luật hiện hành quy định các công chứng viên phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về trình độ chuyên môn và phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với lời chứng của mình nên tạo được niềm tin của xã hội; (3) Luật Công chứng (sửa đổi) cần mở rộng phạm vi hoạt động công chứng, tạo cơ sở pháp lý cho việc công chứng một số loại hồ sơ khi thành lập doanh nghiệp, công chứng các thông tin/tài liệu nội bộ của doanh nghiệp như điều lệ hoặc các nghị quyết quan trong của doanh nghiệp, đồng thời, quy định quy trình để thực hiện việc chứng thực các tài liệu này; (4) Luật công chứng (sửa đổi) cần xác định các loại thông tin doanh nghiệp có thể được công chứng (theo hướng loại trừ các thông tin đã được các bên thứ ba đang tin cậy khác xác thực, ví dụ như thông tin đăng ký kinh doanh đã được cơ quan đăng ký kinh doanh xác thực hoặc điều lệ công ty đại chúng được công bố và cập nhật trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về công bố thông tin công ty đại chúng thì không cần xác thực bởi công chứng nữa); và (5) Bên cạnh việc mở rộng phạm vi công chứng, Luật Công chứng (sửa đổi) cần bổ sung các quy định cụ thể để ràng buộc trách nhiệm của công chứng viên trong việc chứng thực các thông tin doanh nghiệp như các quy định cụ thể về đạo đức nghề nghiệp, quy định chặt chẽ tiêu chuẩn nghề nghiệp và chế tài khi có hành vi vi phạm…
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Bà Ngô Minh Hồng - Chủ tịch Hội Công chứng viên TP. Hồ Chí Minh thay mặt Ban tổ chức trân trọng cảm ơn và đánh giá cao chất lượng và tâm huyết của các ý kiến phát biểu, thảo luận của các diễn giả, khách mời tại Hội thảo.
Hội thảo kết thúc lúc 12h10 cùng ngày./.
Tổng thuật: Nhật Bảo – Phước Hạnh