Tổng thuật Hội thảo “Cơ sở xây dựng Luật Thuế tài sản ở Việt Nam”

1. Bối cảnh

Tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vữngđồng thời đề ra một trong các giải pháp thực hiện là: “tập trung cơ cấu lại nguồn thu; hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế;...khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường”.

Tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã đề ra một trong các mục tiêu là: “từng bước cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước”; đồng thời đề ra một trong các giải pháp thực hiện là: “nghiên cứu bổ sung thuế tài sản phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam”.

Thực hiện yêu cầu đó, Bộ Tài chính đã xây dựng sơ bộ Dự thảo Luật Thuế tài sản trình Chính phủ xin ý kiến đưa vào chương trình lập pháp của Quốc Hội. Ngay khi được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính[1], nội dung Dự thảo Luật Thuế tài sản đã nhận được sự quan tâm của dư luận, các cơ quan báo chí, các nhà nghiên cứu…Do vậy, Khoa Luật Thương mại với tư cách là một Khoa Luật chuyên ngành, đảm trách công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy các môn học có liên quan đến pháp luật về thuế đã phối hợp với Chi hội Luật gia Trường Đại học Luật Tp.HCM tiến hành tổ chức Hội thảo khoa học: “Cơ sở xây dựng Luật Thuế tài sản ở Việt Nam” nhằm đánh giá một cách toàn diện các cơ sở lý luận và khả năng áp dụng theo các nội dung của Dự thảo. Đồng thời, nghiên cứu pháp luật thuế tài sản của các quốc gia khác nhằm tìm kiếm giải pháp hoàn thiện pháp luật thuế tài sản tại Việt Nam.

2. Mục tiêu của Hội thảo

Hội thảo nhằm hướng đến và đạt được các mục tiêu sau đây:

Một là, nghiên cứu bối cảnh kinh tế, hạ tầng kỹ thuật quản lý và khả năng thực hiện các nghĩa vụ tài chính của nguời dân đối với nhà nước nhằm xác định cần thiết xây dựng Luật Thuế tài sản trong bối cảnh hiện nay.

Hai là, Hội thảo thảo luận các mục tiêu và nguyên tắc xây dựng pháp luật thuế tài sản. Từ đó, đánh giá tính phù hợp của các quy định trong Dự thảo đối với mục tiêu và nguyên tắc đã đề ra. Trong đó, Hội thảo phải tập trung vào mục tiêu ổn định, kiểm soát thị trường bất động sản và nguyên tắc công bằng, hiệu quả trong hoạt động hành thu thuế.

Ba là, Hội thảo đánh giá cơ sở lý luận xác định đối tượng chịu thuế tài sản. Theo đó, cơ sở xây dựng đối tượng chịu thuế tài sản dựa trên hành vi nắm giữ tài sản có giá trị hay hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản nắm giữ.

Bốn là, Hội thảo phân tích các căn cứ tính thuế tài sản gồm ngưỡng chịu thuế, giá tính thuế, thuế suất trong mối tương quan với thu nhập, giá trị thực của tài sản và khả năng thực hiện của người nộp thuế nhằm đảm bảo nguyên tắc công bằng, hợp lý và phù hợp với khả năng thực hiện của người nộp thuế.

Năm là, Hội thảo còn hướng đến đánh giá tác động của thuế tài sản đối với nền kinh tế nói chung và bất động sản – một tài sản đặc thù nói riêng. Thuế tài sản được ban hành phải đạt được mục tiêu là kiểm soát thị trường bất động sản, hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, đất.

Sáu là, tích cực nghiên cứu, thảo luận pháp luật về thuế tài sản tại một số quốc gia phát triển như Pháp, Đức, các nước thuộc OECD… Từ đó, Hội thảo sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm, đưa ra những kiến nghị khi xây dựng Luật Thuế tài sản tạo Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

3. Những nội dung của được bàn luận tại Hội thảo liên quan đến Dự thảo Luật Thuế tài sản

3.1 Phạm trù, nguyên tắc và mục tiêu của Luật thuế tài sản:

3.1.1 Phạm trù của Luật thuế tài sản:

Các nghiên cứu về thuế trên thế giới cho thấy, có nhiều loại thuế khác nhau được đề cập dưới phạm trù “thuế tài sản” (wealth taxes)[2]. Trong báo cáo tóm tắt nghiên cứu “Thuế tài sản: các vấn đề và thực tiễn trên thế giới” năm 2013, GS. Chris Evans (Trường kinh tế Úc, Đại học New South Wales) cho rằng: “Có thể có ba hình thức thuế tài sản (đôi khi được gọi là thuế vốn – các thuật ngữ có thể hoán đổi cho nhau). Người ta có thể đánh thuế việc nắm giữ vốn hoặc tài sản (như trong thuế tài sản hàng năm, hay trong thuế giá trị ròng hoặc tài sản ròng); và/hoặc người ta có thể đánh thuế việc chuyển giao vốn hoặc tài sản (như trong thuế di sản, thuế quà tặng); và/hoặc người ta cũng có thể đánh thuế vào lợi tứccủa vốn hoặc tài sản (như trong thuế lợi tức vốn [Capital Gains Tax – CGT]). Ở góc độ hẹp hơn, các nghiên cứu của Eric Pichet, Stefan Homburg đã chỉ ra rằng có sự khác biệt giữa “thuế tài sản” (Vermögensteuer) với các loại “thuế liên quan đến tài sản” (vermögensbezogene Steuer)[3].

Một điểm cần lưu ý khác là cần có sự phân biệt giữa thuế đánh vào tài sản (“wealth taxes” hay “net wealth taxes”)[4] và thuế điều tiết vào hành vi sử dụng, sở hữu hay chuyển dịch tài sản (“Property taxes”).

Với nhiều nghiên cứu và với các tên gọi khác nhau khi đề cập về thuế tài sản nêu trên nên Việt Nam cần cân nhắc và xác định phạm trù của Lật thuế tài sản cho hợp lý và có những qui định điều chỉnh cho phù hợp. Điều này có thể học hỏi kinh nghiệm của Pháp khi thay đổi tên gọi từ “Thuế đoàn kết dựa trên tài sản” (Impôt de solidarité sur la fortune – ISF) sang “Thuế bất động sản” (Impôt sur la fortune immobilière – IFI)[5].

3.1.2 Các nguyên tắc và mục tiêu của Luật thuế tài sản:

Hội thảo cũng chỉ những nguyên tắc quan trọng mà Luật thuế tài sản phải đảm bảo trong các qui định là: nguyên tắc dung hòa lợi ích của Nhà nước và người nộp thuế, đảm bảo không tạo áp lực thuế cho người có thu nhập trung bình, thấp; nguyên tắc công bằng; nguyên tắc đơn giản, khả thi (nguyên tắc hiệu quả, nguyên tắc bền vững và khả thi)[6]. Trong đó, cần và đặc biệt chú trọng nguyên tắc công bằng và nguyên tắc hiệu quả. Bởi lẽ, việc khoan sức dân hợp lý qua công cụ thuế và đảm bảo được sự công bằng thì tính hiệu quả trong thực thi của Luật thuế tài sản càng cao và góp phần đưa thuế tài sản nhanh chóng trở thành một trong các nguồn thu ổn định, lâu dài của ngân sách nhà nước.

Bên cạnh các mục tiêu mà các loại thuế phải đảm bảo là tạo nguồn thu NSNN; thực hiện công bằng xã hội; điều tiết vĩ mô nền kinh tế luôn được thừa nhận,  Hội thảo cũng có những tranh luận nhất định về mục tiêu giảm thiểu tình trạng đầu cơ bất động sản và bình ổn giá bất động sản góp phần điều tiết vĩ mô nền kinh tế[7] của Thuế tài sản. Nhiều tham luận đã chỉ ra rằng với những nội dung mà Dự thảo Luật thuế tài sản đưa ra chưa đảm bảo được mục tiêu này[8]. Vì những qui định trong Dự thảo chưa rõ ràng, điều chỉnh chung cho các hành vi nắm giữ tài sản là bất động sản mà chưa có sự phân hóa giữa người sử dụng bất động sản và chủ thể kinh doanh bất động sản.

3.2 Đối tượng chịu thuế:

Các ý kiến trong Hội thảo xoay quanh hai vấn đề quan trọng trong nội dung đối tượng chịu thuế của Dự thảo Luật thuế tài sản là: i) tài sản nào chịu thuế; ii) ngưỡng xác định chịu thuế của tài sản.

3.2.1 Tài sản chịu thuế:

Đa số ý kiến của Hội thảo là đồng tình cần phải điều tiết thuế vào tài sản để đảm bảo tính công bằng trong việc điều tiết thu nhập của người dân vào ngân sách nhà nước. Phần lớn ý kiến là đồng tình với đối tượng chịu thuế được xác định trong Dự thảo vì cho rằng việc qui định các tài sản trong dự thảo là đảm bảo yếu tố quản lý được tài sản[9] nhằm đảm bảo điều tiết thuế công bằng (tài sản bị điều tiết là các tài sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng). Tuy nhiên, khi đi vào từng tài sản cụ thể thì còn nhiều quan điểm khác nhau như:

Có ý kiến cho rằng không điều tiết đối với tài sản là tàu bay, du thuyền, ô tô[10].  Bởi vì để với tàu bay, du thuyền, ô tô được sử dụng tại Việt Nam, các tài sản này phải chịu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ, phí lưu hành hằng năm. Vì vậy, nếu tiếp tục đánh thuế tài sản đối với các phương tiện vận chuyển này sẽ gây nên tình trạng thuế chồng lên thuế.

Ở khía cạnh khác, có ý kiến cho rằng không nên đưa đất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế[11]. Vì về lý luận, do kế thừa quy định Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp, đất nông nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp nhưng thực tế cho đến hiện nay Nhà nước vẫn đưa vào diện miễn thuế để phù hợp với chính sách phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, việc quy định đất nông nghiệp không thuộc diện chịu thuế cũng dẫn đến hệ quả là đất này nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật thuế, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai và không công bằng trong việc điều tiết thuế.

Một số ý kiến tại Hội thảo không ủng hộ phương án thu thuế đối với nhà và công trình thương mại. Bởi vì, nhà và công trình thương mại là tư liệu sản xuất chủ yếu của doanh nghiệp (tài sản cố định). Doanh nghiệp nắm giữ nhà và công trình thương mại không phải thể hiện sự giàu có mà đó là yêu cầu tất yếu phục vụ cho sản xuất kinh doanh[12].

3.2.2 Về ngưỡng chịu thuế:

Hội thảo thống nhất là Luật Thuế tài sản không đánh đồng vào tất cả các tài sản mà chỉ điều tiết thuế khi tài sản này vượt mức ngưỡng nhất định. Tuy nhiên, mức ngưỡng này là bao nhiêu thì cũng là vấn đề có nhiều quan điểm như:

Một là, mức ngưỡng chịu thuế xác định trong Dự thảo Luật thuế là mức chưa hợp lý. Mức ngưỡng chịu thế cho giá trị căn nhà là 700 triệu đồng cũng đã khá lỗi thời[13], quá thấp khi được đặt trong bối cảnh nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi vì, giá nhà ở, công trình xây dựng đã tăng quá cao[14]. Nên Bộ Tài chính  cần phải“ phải tính toán làm sao cho vừa sức dân[15]. Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, mức tối thiểu để thu thuế với nhà phải từ 5 tỷ trở lên[16], vì ở các thành phố lớn, nhà ở có giá trị 3,4 tỷ đồng vẫn là căn nhà rất bình thường. Vì vậy, cần xem xét lại mức ngưỡng chịu thuế và cần có sự phân hóa từng khu vực, từng địa phương[17] bởi giá bất động sản ở các địa phương khác nhau, điều kiện sống ở các địa phương khác nhau nên pháp luật thuế tài sản không thể cào bằng mà cần phải đảm bảo sự công bằng.

Hai là, cách thức xác định ngưỡng chịu thuế trong thuế tài sản là bất động sản chưa hợp lý. Bởi lẽ trên thực tế, không phải chủ thể nào cũng có đủ tài chính để mua tài sản mà có rất nhiều chủ thể đã tiến hành vay tài chính từ các chủ thể khác (tổ chức tín dụng, bạn bè, gia đình) để sở hữu bất động sản do xuất phát từ tâm lý của người Phương Đông là “an cư, lạc nghiệp”. Đối với những chủ thể này, nếu giá trị bất động sản của họ vượt ngưỡng và phải chịu thuế thì cũng là sự bất công bằng đối với họ. Về lý luận, việc đánh thuế phải dựa trên khả năng tài chính của người nộp thuế. Trong khi đó, những người này cùng lúc phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính từ khoản nợ vay để mua bất động sản đồng thời phải nộp thuế tài sản thì liệu có vượt trên sức chịu đựng không? Liệu có đáp ứng các yêu cầu của nguyên tắc công bằng không?[18]

Ba là, việc xác định đánh thuế trên nhà, đất duy nhất là bất hợp lý. Bởi vì, dưới góc độ tài chính, nếu cá nhân chỉ có một căn nhà ở để ở thì đây mới chỉ là “tiêu sản” chưa chưa phải là tài sản được tích lũy[19]. Do đó, nên chăng thuế tài sản chỉ điều tiết đối với nhà ở, đất ở khi chủ thể sở hữu từ 2 nhà ở, đất ở trở lên. Khi đó, một nhà ở hoặc đất ở là nơi để ở (tiêu sản), một nhà ở hoặc đất ở còn lại là tài sản tích lũy, mang tính đầu tư, kinh doanh (tài sản). Đồng thời, việc điều tiết thuế từ nhà ở, đất ở thứ hai trở đi góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản[20].

3.3 Người nộp thuế:

Kế thừa các qui định trong Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Dự thảo Luật thuế tài sản đã xác định người nộp thuế là chủ sở hữu tài sản, người khai thác tài sản chưa hợp pháp (đất lấn chiếm) và những chủ thể thuê tài sản nếu có thỏa thuận nộp thay chủ sở hữu. Điều này xuất phát từ cơ sở là những chủ thể này có lợi ích từ tài sản hoặc có điều kiện về tài chính thuận lợi nên trích một phần tài chính để nộp vào ngân sách nhà nước nhằm góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Tuy nhiên, Hội thảo vẫn có một số quan điểm xoay quanh qui định này như sau:

Thứ nhất, qui định về người nộp thuế trong Dự thảo Luật thuế tài sản là chưa hợp lý. Trong điểm b khoản 3 điều 4 Dự thảo Luật thuế tài sản xác định nếu có thỏa thuận thì người thuê nhà có thể là người nộp thuế. Qui định này có điểm còn bất cập. Đó là người nộp thuế sẽ lợi dụng qui định về ngưỡng chịu thuế trong tài sản để tránh thuế như: nhà có nhiều phòng, nhiều tầng chia cho các cá nhân (người thuê bất động sản) kê khai nộp thuế. Điều này sẽ gây nên sự bất công bằng trong việc điều tiết thuế tài sản. 

Hai là, chủ thể có quyền hưởng dụng đối với tài sản có là người nộp thuế tài sản? Bởi theo qui định của Bộ Luật dân sự năm 2015 thì một chủ thể có quyền hưởng dụng đối với một tài sản sẽ có quyền sử dụng và thu hoa lợi từ tài sản thuộc sở hữu của một người khác nhưng không có quyền định đoạt đối với tài sản đó[21]. Do vậy, đây là chủ thể có lợi ích từ bất động sản nhưng không phải là chủ sở hữu tài sản. Vậy nếu qui định chủ sở hữu tài sản phải nộp thuế tài sản mà người có quyền hưởng dụng không phải nộp thuế  tài sản thì sẽ tạo nên sự vô lý. Vì vậy, các nhà làm luật cần quy định chủ thể có quyền hưởng dụng đối với tài sản là người nộp thuế tài sản giống như chủ thể có quyền sử dụng từ việc thuê tài sản là đối tượng chịu thuế tài sản như dự thảo đang quy định[22].

3.4 Căn cứ tính thuế:

Căn cứ tính thuế có ý nghĩa quan trọng trong một đạo luật thuế nhằm xác định chính xác số tiền thuế mà người nộp thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước. Nếu căn cứ tính thuế được quy định một cách phù hợp với các điều kiện về kinh tế, xã hội, phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp thuế sẽ góp phần đảm bảo công bằng và dung hòa lợi ích của các bên trong quan hệ thuế[23]. Về cơ bản Hội thảo đồng tình với hai căn cứ tính thuế mà Dự thảo Luật thuế đưa ra là giá tính thuế và thuế suất. Tuy nhiên, khi đề cập đến từng yếu tố cụ thể thì Hội thảo có những quan điểm sau:

3.4.1 Giá tính thuế:

Một là, qui định về giá đất để làm căn cứ tính thuế tài sản cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Theo qui định của pháp luật hiện hành, có  hai loại giá đất có thể áp dụng để tính thuế đối với đất chịu thuế bao gồm: giá đất trong bảng giá do UBND cấp tỉnh quy định và giá đất thị trường. Mỗi loại giá đất khi áp dụng có những ưu và nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, có thể thấy rằng Luật thuế tài sản áp dụng giá đất trong bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định làm căn cứ tính thuế đối với đất chịu thuế là phù hợp hơn, đáp ứng được các yêu cầu trong việc quy định căn cứ tính thuế, đó là: đơn giản, dễ hiểu, khả thi, có thể động viên tốt hơn người nộp thuế nộp thuế trong khả năng. Tuy nhiên, tính ổn định của giá đất tính thuế không nên áp dụng chu kỳ năm năm mà cần có sự điều chỉnh khi có các yếu tố làm thay đổi giá đất tính thuế (UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương điều chỉnh giá đất do có biến động giá đất trên thị trường, sự phát triển của hệ thống hạ tầng do Nhà nước đầu tư làm tăng giá trị đất đai…) nhằm đảm bảo điều tiết thu nhập của các tổ chức, cá nhân sử dụng đất một cách công bằng và hợp lý và hướng đến mục tiêu kiểm soát thị trường bất động sản[24].

Hai là, qui định giá tính thuế đối với nhà mới còn có điểm chưa hợp lý. Theo điểm b khoản 2 điều 7 Dự thảo thì giá 1m2 nhà tính thuế được xác định theo giá 1m2 nhà xây dựng mới theo từng cấp nhà, hạng nhà do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật về xây dựng tại thời điểm tính thuế. Qui định này nhằm đơn giản và dễ tính thuế nhưng chưa đảm bảo sự công bằng. Bởi lẽ, các công trình khi xây dựng không chỉ căn cứ vào cấp nhà, hạng nhà mà còn phụ thuộc vào kết cấu đất và vật liệu xây dựng được sử dụng. Việc áp đặt chỉ áp dụng mức giá nhà xây dựng theo qui định của cơ quan nhà nước là mang tính áp đặt ý chí và chưa phù hợp với thực tế.

3.4.2 Thuế suất:

Khi bàn về qui định thuế suất trong Dự thảo Luật Thuế tài sản, Hội thảo cũng đã có những ý kiến nhất định như:

Một là, mức thuế suất áp dụng với đất phi nông nghiệp tăng quá cao so với quy định của Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện hành. Cụ thể, theo luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện hành, mức thuế suất thấp nhất là 0,03%, cao nhất 0,2%. Quy định mới của dự thảo có mức thuế suất thấp nhất 0,4% cao nhất 2%, tức cao gấp 10 lần so với quy định hiện tại. Điều này có thể tạo nên tác động tâm lý tiêu cực với người nộp thuế.

Hai là, cần xem xét lại mức thuế suất trong thuế tài sản. Theo đó, việc xác định mức thuế suất (đặc biệt đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp) phải tính đến khả năng nộp thuế của người sử dụng đất, đồng thời khuyến khích được sự phát triển[25]. Thực tế, thuế suất càng cao sẽ càng kìm hãm sự phát triển. Do vậy, nên áp mức dụng thuế suất đối với đất ở và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp có đưa vào sử dụng ở mức hợp lý. Đối với đất ở thuế suất áp dụng ở mức 0,2%; đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp (bao gồm đất phi nông nghiệp không thuộc đối tượng chịu thuế được đưa vào kinh doanh) nên áp dụng mức thuế suất 0,3%. Bên cạnh đó, quuy định mức thuế suất tính thuế phải phản ánh được mức độ hưởng lợi của người sử dụng đất được hưởng từ hệ thống hạ tầng và các tiện tích công cộng do Nhà nước đầu tư, đồng thời, để giảm áp lực dân số cho khu vực đô thị, cần quy định thuế suất ở khu vực đô thị cao hơn so với khu vực nông thôn.

Ba là, biểu thuế suất của dự thảo không kế thừa quy định của Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện hành trong việc hạn chế đầu cơ với đất ở. Hội thảo đều đồng tình rằng để nhằm đảm bảo sự công bằng trong pháp luật thuế và góp phần giúp ổn định thị trường bất động sản (các mục tiêu được xác định trong thuế tài sản) thì thuất suất của thuế này cần phải điều tiết theo biểu thuế suất lũy tiến mà không nên điều tiết với mức thuế suất cố định như  trong dự thảo[26].

3.5 Các trường hợp miễn giảm thuế:

Miễn, giảm thuế là một nội dung quan trọng mà các Luật thuế cần quan tâm và điều chỉnh nhằm miễn hoặc giảm gánh nặng tài chính cho những chủ thể nộp thuế để đạt được những mục tiêu nhất định của đạo luật thuế đó. Những qui định về miễn, giảm thuế trong Luật thuế tài sản cũng không nằm ngoài các mục tiêu trên. Về cơ bản, Hội thảo đồng tình với phần lớn các nội dung qui định trong Dự thảo. Tuy vậy, cũng có những ý kiến nhất định về các qui định này như sau:

Một là, Luật thuế tài sản cần xem xét qui định về miễn, giảm thuế đối với bất động sản được sử dụng để chủ sở hữu cư trú và sinh sống (trong trường hợp Luật thuế tài sản đánh thuế tài sản từ bất động sản đầu tiên). Việc quy định mức giảm thuế này là hoàn toàn hợp lí xuất phát từ quyền sở hữu nhà ở, quyền được có một nơi cư trú là một quyền cơ bản, chính đáng của con người và được hiến pháp của hầu hết các quốc gia ghi nhận. Vì vậy, Luật thuế tài sản cần xem xét và đưa trường hợp này vào qui định giảm thuế tài sản[27].

Hai là, cần xem xét bổ sung trường hợp nhà xây dựng nhưng chưa được công nhận quyền sở hữu vào trong trường hợp miễn thuế để đảm bảo sự công bằng. Theo khoản 2 điều 4 Dự thảo xác định rằng “trường hợp chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất thì xác định theo mục đích sử dụng đối với đất” nên dù cho tài sản là bất động sản chưa được công nhận thì người có bất động sản đó vẫn là người nộp thuế. Bởi qui định này có điểm chưa hợp lý. Vì hiện nay, ở các đô thị lớn, có nhiều căn nhà được xây dựng hợp pháp nhưng không được nhà nước công nhận và cho hoàn công vì bất động này được xây dựng trên các loại đất hỗn hợp, đất khu dân cư chỉnh trang...Trong trường hợp này, nhà nước chỉ cấp giấy phép xây dựng tạm và công trình này sẽ  không được đền bù, không được hoàn công[28]. Vậy có công bằng không khi nhà do người dân xây nhưng chưa được công nhận trong trường hợp này với những bất động sản trên đất khác được nhà nước công nhận khi cùng bị điều tiết thuế tài sản. Rõ ràng những công trình này sẽ bị tháo dỡ và không có bất kỳ sự đền bù nào khi nhà nước thu hồi đất trong khi các bất động sản được thừa nhận thì sẽ được đền bù. Lỗi trên không phải là do người dân tự xây dựng mà là xuất phát từ nhu cầu chỗ ở của người dân và từ sự yếu kém, chậm trễ trong công tác qui hoạch của nhà nước[29]. Vì vậy, nên chăng pháp luật cần xem đây là trường hợp được miễn thuế. Vì rõ ràng về nguyên lý đây là tài sản có giá trị lớn cần được sự điều chỉnh của nhà nước không chỉ để thu thuế mà còn nhằm đáp ứng mục tiêu quản lý tài sản[30] nên không thể đưa vào trường hợp không chịu thuế. Tuy nhiên, với những nguy cơ bị thu hồi đất và không đền bù với tài sản này thì cần xem xét cho vào trường hợp miễn thuế. Khi nào nhà nước cho phép tài sản này hoàn công và đảm bảo khả năng đền bù cho tài sản khi nhà nước thu hồi thì tài sản này vẫn chịu thuế và người sở hữu vẫn nộp thuế như các trường hợp khác.

Ba là, cần đưa di sản để thờ cúng[31] vào đối tượng được miễn thuế. Di sản để thờ cúng là những loại tài sản đặc biệt liên quan đến đời sống tinh thần, tín ngưỡng của người Việt Nam. Tài sản này rõ ràng không được sử dụng để kinh doanh. Vì vậy, về bản chất, tài sản này không phát sinh lợi nhuận nên nhà nước không nên điều tiết thuế tài sản vào tài sản này. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu quản lý và đảm bảo tính công bằng, pháp luật thuế tài sản cần đưa tài sản này vào diện miễn thuế. Qui định này nhằm thể hiện rõ pháp luật có điều chỉnh vào tài sản này để quản lý nhưng không thu thuế vì đáp ứng nhu cầu về tín ngưỡng và phù hợp với quan niệm của người Việt Nam.

4. Những bất cập, hạn chế của Dự thảo Luật Thuế tài sản được kết luận tại Hội thảo và những khuyến nghị

Việc ban hành Luật Thuế tài sản là xu hướng chung của các quốc gia phát triển nhằm đa dạng các phương thức thu thuế, giảm thiểu gánh nặng về thuế với một tổ chức, cá nhân nhất định. Tuy nhiên, việc ban hành Luật Thuế tài sản  phải được nghiên cứu đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn, nhằm loại bỏ những tác động tiêu cực của thuế tài sản đối với nền kinh tế. Từ đó, Hội thảo đã đưa ra một số kết luận sau:

- Thứ nhất, đối với tên gọi Luật Thuế tài sản. Hội thảo kết luận cần làm rõ tên gọi thuế tài sản được xây dựng theo hướng của thuế nhà đất/thuế bất động sản (property taxes) hay theo xu hướng của thuế tài sản (wealth taxes)[32]. Hội thảo đã nhận định xu hướng phát triển của thuế tài sản đánh vào hành vi nắm giữ tài sản đã liên tục giảm trong những năm gần đây[33]. Sau khi thảo luận, Hội thảo thống nhất đề xuất không nên xây dựng Luật Thuế tài sản với nội hàm như Dự thảo mà ủng hộ ý kiến của TS. Bùi Hồng Điệp đã đề xuất mô hình thuế tài sản gồm hệ thống các sắc thuế: thuế đăng ký tài sản, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế nhà, thuế công trình xây dựng trên đất, thuế phương tiện giao thông.[34]

- Thứ hai, về mục tiêu và nguyên tắc xây dựng Luật Thuế tài sản. Hội thảo kết luận rằng: Thực tiễn vận hành hệ thống thuế ở các nước cho thấy nếu tuyệt đối hóa mục tiêu tăng thu cho NSNN sẽ “bần cùng hóa” người dân, đi ngược lại mục tiêu “khoan sức dân” và các nguyên tắc công bằng tối thiểu trong phân bổ lại sự giàu có và của cải xã hội, đặc biệt khi thuế tài sản là thuế trực thu và nghĩa vụ thuế không chuyển hóa cho chủ thể khác cũng không tạo bất cứ giá trị tăng thêm nào cho người nộp thuế. Việc ban hành thuế tài sản có thể không đạt mục tiêu công bằng xã hội mà sẽ rơi vào bẫy “cào bằng” và “bần cùng hóa” người nghèo, vi phạm quyền tối thiểu của con người, được quy định trong Hiến pháp[35].

Tiếp cận ở khía cạnh nguyên tắc xây dựng luật thuế tài sản, Hội thảo cảnh báo tình trạng trùng thuế khi ban soạn thảo chưa đánh giá được mối liên hệ giữa các nghĩa vụ tài chính như tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất, tiền lệ phí trước bạ nhà và đất với thuế tài sản. Với chi phí hành thu quá cao do chưa chuẩn bị xong cơ sở dữ liệu có nguy cơ vi phạm nguyên tắc hiệu quả kinh tế dưới khía cạnh tổng thu – chi phí. Cuối cùng nguyên tắc nuôi dưỡng nguồn thu, dung hòa lợi ích giữa nhà nước và người nộp thuế khó có thể đạt được khi mà thuế chỉ điều tiết vào việc nắm giữ tài sản và người nộp thuế đang phải đi mua tài sản thêm một lần nữa thông qua hành vi nộp thuế. Trong suốt thời hạn sở hữu tài sản sẽ diễn ra quá trình chuyển giao “âm thầm”  giá trị tài sản từ chủ sở hữu sang ngân sách nhà nước mà không làm gia tăng giá trị tài sản của chủ sở hữu. Mỗi năm người nộp thuế nộp vào NSNN 0,4% giá trị tài sản. Sau 100 năm người nộp thuế chia sẻ cho NSNN 40% giá trị và  người nộp thuế “chuyển giao” 100% giá trị tài sản đó cho Nhà nước sau 250 năm. Hội thảo kết luận, với các quy định trong Dự thảo Luật Thuế tài sản chưa đạt được các mục tiêu và nguyên tắc đặt ra. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu và nguyên tắc công bằng chưa thể hiện rõ nét trong các quy định, Dự thảo mới chỉ tiếp cận theo hướng dễ thu mà chưa quan tâm đến yếu tố công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế[36].

Ba là, về việc xác định đối tượng chịu thuế. Hội thảo kết luận, việc điều tiết thuế tài sản đối với nhà và đất là cần thiết nhưng cần cần loại bỏ đối tượng chịu thuế là nhà ở, đất ở là tài sản nhà ở, đất ở duy nhất; nhà và công trình thương mại, dịch vụ. Đối với tàu bay, du thuyền, ô tô, Hội thảo đồng tình với việc điều tiết nhưng cần xác định lại ngưỡng chịu thuế cho phù hợp, nhất là đối với ô tô.

Thứ ba, về việc xác định người nộp thuế. Việc xác định người nộp thuế bao gồm cả tổ chức, cá nhân thuê bất động sản là điều bất hợp lý. Hội thảo đề xuất (i) loại bỏ tổ chức, cá nhân thuê bất động sản ra khỏi người nộp thuế; (ii) cân nhắc người nộp thuế là doanh nghiệp có bất động sản là tư liệu sản xuất[37].

Thứ tư, về căn cứ tính thuế. Hội thảo đồng tình với việc xác định giá tính thuế đối với đất là dựa vào giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố cần điều chỉnh theo chu kỳ biến động của bất động sản. Tuy nhiên, Hội thảo kiến nghị giá tính thuế đối với nhà phải được xác định dựa theo giá thị trường, nhất là trong trường hợp người nộp thuế có căn cứ chứng minh được giá trị thực tế xây dựng[38].

Thứ 5, về các trường hợp miễn giảm thuế. Hội thảo đề xuất việc bổ sung thêm các trường hợp miễn giảm thuế gồm: (i) miễn giảm thuế từ nhà ở, đất ở là duy nhất; (ii) nhà xây dựng nhưng chưa được công nhận quyền sở hữu;(iii) di sản để thờ cúng nhằm đảm bảo tính công bằng.

5. Kết luận

Cách đây gần 200 năm, Adam Smith đã từng viết: Tất cả mọi loại thuế cần phải thiết kế sao cho lấy tiền khỏi túi người dân càng ít càng tốt, bên cạnh những gì mà loại thuế đó đem lại cho ngân sách nhà nước. Một loại thuế có thể lấy đi rất nhiều tiền từ người dân so với những gì mà nó mang lại cho ngân sách nhà nước, theo bốn cách. Thứ nhất, việc thu thuế đòi hỏi phải có đội ngũ hành thu thuế mà tiền lương trả cho họ đã lấy đi một phần tiền thuế, ngoài ra những bổng lộc họ có được còn là một thứ thuế khác áp đặt lên người dân. Thứ hai, thuế có thể hạn chế sự siêng năng của con người. Thứ ba, những biện pháp tước quyền sở hữu hay trừng phạt mà một cá thể phải gánh chịu khi cố trốn thuế nhưng thất bại, có thể hủy hoại họ. Thứ tư, việc nhân viên thu thuế thực hiện các cuộc kiểm tra thường xuyên, các cuộc thanh tra nặng nề có thể làm cho người dân chịu sự áp chế, sách nhiễu, rắc rối quá mức cần thiết...[39]

Vậy nên, trong quá trình thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, Việt Nam có thể hình thành các sắc thuế mới đánh vào tài sản nhưng phải xem xét đến tính hiệu quả của từng sắc thuế. Đây là cách mở rộng nguồn thu, nhưng phải tính mức độ điều tiết thích hợp để không làm triệt tiêu cơ sở đánh thuế, quá trình hình thành lợi ích, hay làm méo mó quá trình đầu tư và tích lũy vốn  Sắc thuế đánh vào các tài sản cụ thể, đặc biệt là nhà ở, công trình xây dựng, phương tiện vận chuyển còn góp phần giải quyết một số vấn đề kinh tế - xã hội khác, như tình trạng đầu cơ bất động sản, sự bùng nổ phương tiện vận chuyển một cách không kiểm soát. Song song với điều đó, Luật Thuế tài sản có thể vẫn được nghiên cứu và ban hành sau khi các sắc thuế đánh vào tài sản cụ thể đã hình thành. Lộ trình này cho phép cơ quan quản lý nhà nước thực hiện cơ cấu, tăng cường thêm nguồn thu, cũng như đủ thời gian để tiến hành nghiên cứu, điều tra thực nghiệm một cách toàn diện về thuế tài sản, xác định thời điểm thích hợp để ban hành, cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc kiểm soát hiệu quả đối với thuế tài sản[40].

Bài: Ths Phan Phương Nam – Ths Trần Minh Hiệp

************************************

[1] Xem Dự thảo Tờ trình của Bộ Tài chính trình Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tài sản tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam https://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/congdan/DuThaoVanBan?_piref135_27935_135_27927_27927.mode=detail&_piref135_27935_135_27927_27927.id=2236 

[2] Bên cạnh thuật ngữ wealth taxes được hiểu là “thuế tài sản” trong phạm vi bài viết này, còn có thuật ngữ “property taxes” cũng thường được dịch và hiểu theo nghĩa là thuế tài sản. Tuy nhiên, “property taxes” là một phạm trù hẹp hơn so với weath taxes. Property taxes dùng để chỉ các loại thuế điều tiết vào các dạng tài sản cụ thể, thường được định danh và xác định quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng, như: đất đai, nhà ở, xe hơi, tàu thuyền...

[3] Phan Huy Hồng (2018), Thuế tài sản: Phạm trù và xu hướng, Kỷ yếu Hội thảo Cơ sở xây dựng Luật thuế tài sản ở Việt Nam, Khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, trang 3.

[4] Thuế tài sản theo nghĩa này được hiểu là loại thuế đánh vào tổng giá trị tài sản của một chủ thể sở hữu (bao gồm cả tài sản có đăng ký quyền sở hữu, tài sản là bất động sản, động sản, tài sản tài chính khác...) khi vượt qua một ngưỡng nhất định. Xem thêm Cơ sở dữ liệu của OECD , https://data.oecd.org/tax/tax-on-property.htm  và Cambridge English Business Dictionary (2015).

[5] Nguyễn Thị Thuý (2018), Pháp luật thuế tài sản của Pháp – Từ thực tiễn áp dụng đến kinh nghiệm cho VIệt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Cơ sở xây dựng Luật thuế tài sản ở Việt Nam, Khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, trang 60.

[6] Nguyễn Thị Hoài Thu (2018), Các nguyên tắc xây dựng Luật Thuế tài sản tại Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Cơ sở xây dựng Luật thuế tài sản ở Việt Nam, Khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, trang 30-41; Ngô Huỳnh Giang (2018), Cơ sở kinh tế của việc xây dựng Luật thuế tài sản, Kỷ yếu Hội thảo Cơ sở xây dựng Luật thuế tài sản ở Việt Nam, Khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, trang 53, 54.

[7] Ở Philipines, thuế bất động sản còn là công cụ quan trọng để hạn chế đầu cơ đất đai, góp phần thúc đẩy hiệu quả sử dụng đất. Xem thêm Nguyễn Tuấn Vũ – Nguyễn Thị Thu Hằng (2018), Pháp luật thuế bất động sản của Philippines: Kinh nghiệm cho việc xây dựng Luật thuế Tài sản ở Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Cơ sở xây dựng Luật thuế tài sản ở Việt Nam, Khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, trang 71, 72.

[8] Nguyễn Văn Vân (2018), Bàn về mục tiêu và nguyên tắc thuế tài sản, Kỷ yếu Hội thảo Cơ s)ở xây dựng Luật thuế tài sản ở Việt Nam, Khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, trang 11; Trần  Minh Hiệp (2018),  Thuế tài sản đối với bất động sản và tác động đối với thị trường bất động sản, Kỷ yếu Hội thảo Cơ sở xây dựng Luật thuế tài sản ở Việt Nam, Khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, trang 99.

[9] Nguyễn Thị Thương (2018), Các yếu tố lý luận chi phối quá trình xây dựng Luật thuế tài sản, Kỷ yếu Hội thảo Cơ sở xây dựng Luật thuế tài sản ở Việt Nam, Khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, trang 121.

[10] Nguyễn Phúc Thủy Hiền, Trần Đỗ Lê Quyên (2018), Bàn về dự thảo Luật thuế tài sản, Kỷ yếu Hội thảo Cơ sở xây dựng Luật thuế tài sản ở Việt Nam, Khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, trang 105.

[11] Lê Thị Ngân Hà (2018), Xác định đối tượng chịu thuế của Luật thuế Tài sản, Kỷ yếu Hội thảo Cơ sở xây dựng Luật thuế tài sản ở Việt Nam, Khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, trang 132, 133.

[12] Trần  Minh Hiệp (2018),  ltđd (8), trang 93.

[13] Tại Dự thảo Luật Thuế nhà, đất lần thứ 2, ngày 20/1/2010 của Bộ Tài chính trình chính phủ đã lấy mốc 1 tỷ đồng thì phải chịu thuế nhà, đất. Trải qua gần 10 năm thì hiện nay ngưỡng chịu thuế là 700 triệu đồng. Xem thêm tại Tlđd số 1.

[14] Trần  Minh Hiệp (2018), tlđd (8), trang 96.

[16] Theo https://vneconomy.vn/de-xuat-thu-thue-tai-san-nguoi-thu-nhap-thap-cang-them-ganh-nang-20180416120304588.htm; https://thoibaonganhang.vn/du-thao-luat-thue-tai-san-rat-bat-hop-ly-kieu-gi-nguoi-dan-cung-phai-nop-74895.html, truy cập ngày 03/06/2018.

[17] Nguyễn Thị Hoài Thu (2018), tlđd (6), trang 38.

[18] Phan Phương Nam (2018), Vận dụng nguyên tắc công bằng trong pháp luật thuế tài sản, Kỷ yếu Hội thảo Cơ sở xây dựng Luật thuế tài sản ở Việt Nam, Khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, trang 48. Theo Điều 974 CGI (Bộ Luật chung về Thuế của Pháp - Code général des impôts), đối với những bất động sản là nhà ở mà người nộp thuế sở hữu được bằng vốn vay có thể được xem xét áp dụng một mức giảm nhất định trên giá trị của bất động sản đó. Cần lưu ý, việc vay vốn mua bất động sản này phải được thể hiện bằng văn bản, và phải có hành vi trả nợ theo kì hạn đã thoả thuận, do đó việc vay vốn của người trong gia đình để mua bất động sản sẽ không thể được xét giảm trừ, trừ trường hợp việc vay này cũng được thể hiện bằng văn bản và có sự hoàn trả nợ vay theo định kì hằng tháng. Mức giảm thuế sẽ tuỳ thuộc vào giá trị của tài sản chịu thuế và khoản vay để sở hữu tài sản đó, với điều kiện khi giá thị trường của tài sản chịu thuế lớn hơn 5.000.000 euros thì tổng mức nợ được giảm thuế không được vượt quá 50% giá thị trường của tài sản chịu thuế.

[19] Xem thêm https://tapchitaichinh.vn/thi-truong-tai-chinh/4-quy-tac-tranh-bien-tai-san-thanh-tieu-san-khi-dau-tu-dia-oc-135962.html

[20] Trần  Minh Hiệp(2018), Tlđd số 5, trang 98.

[21] Điều 159, Điều 257 Bộ Luật Dân sự 2015.

[22] Nguyễn Thị Thuý (2018), tlđd (5), trang 67.

[23] Danh Phạm Mỹ Duyên (2018), Đánh giá ưu điểm của việc xây dựng và ban hành Luật thuế tài sản thay cho Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Kỷ yếu Hội thảo Cơ sở xây dựng Luật thuế tài sản ở Việt Nam, Khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, trang 164.

[24] Nguyễn Thị Kiều Oanh (2018), Xác định căn cứ tính thuế tài sản đối với đất chịu thuế, Kỷ yếu Hội thảo Cơ sở xây dựng Luật thuế tài sản ở Việt Nam, Khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, trang 148. Ở Philipines, căn cứ để tính số thuế phải nộp dựa trên công thức: Số thuế nộp = Giá FMV x AR x Thuế suất. Trong đó, Giá thị trường (Fair Market Value - FMV, được điều tra, số liệu thống kê), tức là giá cao nhất mà một bất động sản có thể được mua bán trên thị trường mở, có đủ thời gian cho người mua và bán tìm hiểu, gặp gỡ để thoả thuận mua bán (xem Điểm l Điều 199 Bộ luật Chính quyền địa phương 1991 (Local Government Code of 1991), một bộ luật quan trọng, là cơ sở pháp lý thu thuế bất động sản của Philipines).

[25] Nguyễn Thị Kiều Oanh (2018), tlđd (24), trang 150.

[26] Theo Điều 977 CGI (Bộ Luật chung về Thuế của Pháp - Code général des impôts), thuế bất động sản IFI của Pháp là một loại thuế luỹ tiến từng phần, trong đó pháp luật quy định 06 mức thuế suất áp dụng tương ứng với 06 mức giá trị bất động sản chịu thuế IFI: (1) Tổng giá trị bất động sản từ 800.000 euros trở xuống sẽ chịu mức thuế suất là 0%; (2) trên 800.000 euros đến dưới hoặc bằng 1.300.000 euros sẽ chịu mức thuế suất là 0,50%; (3) trên 1.300.000 euros đến dưới hoặc bằng 2.570.000 euros áp dụng mức thuế suất là 0,70%; (4) trên 2.570.000 euros đến dưới hoặc bằng 5.000.000 euros sẽ chịu mức thuế suất là 1%; (5) trên 5.000.000 euros đến dưới hoặc bằng 10.000.000 euros mức thuế suất được áp dụng là 1,25% và (6) mức thuế suất là 1,50% sẽ được áp dụng đối với tổng giá trị bất động sản trên 10.000.000 euros.

[27] Theo Điều 973 CGI (Bộ Luật chung về Thuế của Pháp - Code général des impôts) trường hợp người nộp thuế IFI sở hữu từ hai nhà ở hoặc căn hộ trở lên, người nộp thuế cần xác định rõ nơi ở chính của mình để được hưởng mức giảm 30% trên giá trị của nhà ở hoặc căn hộ trên cơ sở giá thị trường được công bố vào ngày 01/01 hằng năm khi tiến hành kê khai thuế IFI (“Thuế bất động sản” của Pháp (Impôt sur la fortune immobilière)).

[28] D.Ngọc Hà, Đất vướng quy hoạch: Mỗi nơi giải quyết một kiểu, theo https://nhadat.tuoitre.vn/dat-vuong-quy-hoach-moi-noi-giai-quyet-mot-kieu-600643.htm truy cập ngày 16/05/2018; Tiến Long – Ái Nhân, Đất ở mà chỉ được xây dựng tạm, dỡ không được đền bù, theo https://tuoitre.vn/dat-o-ma-chi-duoc-xay-dung-tam-do-khong-duoc-den-bu-20171211082713028.htm truy cập ngày 17/05/2018.

[29] Theo khoản 3 điều 49 của Luật số 45/2013/QH13 Luật đất đai có qui định: “Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.

Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này”. Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không phải lúc nào cũng làm đúng qui định này  hay không còn là một dấu hỏi rất lớn. Nếu đúng tinh thần trên, sau 3 năm mà qui hoạch không còn thì những ngôi nhà, bất động sản xây dựng tạm có thể được nhà nước công nhận và cho hoàn công.

[30] Tô Hà - Thy Thơ, Thuế tài sản phải công bằng theo https://nld.com.vn/kinh-te/thue-tai-san-phai-cong-bang-20180418210648142.htm truy cập ngày 15/05/2018.

[31] Xem điều 645 Luật số 91/2015/QH13 Bộ luật Dân sự.

[32] Phan Thị Thành Dương (2018), Nhận diện thuế tài sản và khuynh  hướng xây dựng thuế tài sản ở Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Cơ sở xây dựng Luật thuế tài sản ở Việt Nam, Khoa Luật Thương mại trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, trang 19

[33] Phan Huy Hồng (2018), tlđd (3), trang 5.

[34] Bùi Hồng Điệp (2015), Xây dựng mô hình thuế tài sản ở Việt Nam, Luận án Tiến sỹ, ĐH Bách Khoa Hà Nội. Trang 150.

[35] Nguyễn Văn Vân (2018), tlđd (8), trang 11.

[36] Phan Phương Nam (2018), tlđd (18), trang 42.

[37] Trần Minh Hiệp (2018), Tlđd số 5, trang  93.

[38] Phan Phương Nam (2018), tlđd (18), trang 44.

[39] Adam Smith (1778) , An Iquiry into the nature and the cause of  The Wealth of Nation, 2nd Edition , London: W. Strahan and T.Cadell,  trang 778-779.

[40] Phan Thị Thành Dương (2018), tlđd (32), trang 19.

--%>
Top