Sáng ngày 14 tháng 6 năm 2023, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công Hội thảo với chủ đề: “40 NĂM CÔNG ƯỚC LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN NĂM 1982 VÀ 10 NĂM LUẬT BIỂN VIỆT NAM NĂM 2012: VAI TRÒ, THÁCH THỨC VÀ HOÀN THIỆN”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Phòng A905 – Trường Đại học Luật TP.HCM và kết hợp livestream trên nền tảng Zoom Webinar.
Hội thảo đã thành công tốt đẹp với sự điều hành từ phía Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh: PGS.TS Vũ Văn Nhiêm (Bí thư Đảng Ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường); PGS.TS Trần Việt Dũng (Trưởng khoa Luật quốc tế); PGS.TS Trần Thăng Long (P.Trưởng khoa (phụ trách) Khoa Ngoại ngữ pháp lý); TS Phan Hoài Nam (P.Trưởng khoa Luật quốc tế) và ThS. Hà Thị Hạnh Phụ trách Bộ môn Công pháp quốc tế cùng với sự tham gia đóng góp ý kiến, tham luận của các học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Trường Đại học Luật Hà Nội; Trường Đại học Kinh tế - Luật, Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Đại học Quốc gia TP.HCM; Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam…và các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, trung tâm khác trên cả nước; cùng với hơn 400 thính giả tham gia online qua nền tảng Zoom.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Nhiêm (Bí thư Đảng Ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh) đã nêu rõ vai trò và tầm quan trọng của biển và đại dương đối với sự phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội cũng như an ninh quốc phòng của Việt Nam. Đặc biệt, đối với vấn đề Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chạy đua vũ trang, hay sử dụng vũ lực không phải là con đường tốt nhất để yêu sách chủ quyền mà cần phải áp dụng linh hoạt cơ sở lịch sử và cơ sở pháp lý từ luật pháp quốc tế nói chung và UNCLOS nói riêng. Là một quốc gia ven biển và là thành viên tích cực của UNCLOS 1982, Việt Nam luôn đề cao tinh thần tuân thủ Công ước và kêu gọi các quốc gia trên thế giới cùng tôn trọng và thực hiện Công ước. Đến nay, UNCLOS 1982 đã có 40 năm hình thành và phát triển, Luật Biển Việt Nam năm 2012 cũng đã có hiệu lực 10 năm, đây là thời điểm cần đánh giá những thành tựu, cũng như những thách thức trong quá trình thực thi để từ đó hoàn thiện khung pháp lý về biển của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung.
Hội thảo gồm 02 phiên với các chủ đề : (i) UNCLOS 1982: Vai trò và triển vọng cho hợp tác quốc tế và (ii) Luật biển Việt Nam 2012: Bảo vệ chủ quyền và tầm nhìn cho tương lai.
Phiên thứ nhất, với sự điều hành của PGS.TS Vũ Văn Nhiêm, PGS.TS Trần Thăng Long và ThS. Hà Thị Hạnh, được mở đầu với tham luận “Ba thành tựu đặc biệt của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982” của PGS.TS Ngô Hữu Phước (Trường Đại học Kinh tế Luật). Theo tác giả, sự ra đời của UNCLOS đã (i) xác định không gian biển, đại dương và chế độ pháp lý của các vùng biển; (ii) điều chỉnh vấn đề phân định biển và xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp và (iii) tạo nền tảng để từ đó phát triển pháp luật quốc tế cũng như pháp luật quốc gia đối với liên quan đến các hoạt động trên biển như khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, đấu tranh phòng chống tội phạm trên biển… TS.GVC Hoàng Ly Anh ( Trường Đại học Luật Hà Nội) với tham luận “UNCLOS 1982: Vấn đề bảo vệ môi trường biển và những tác động đối với Việt Nam” đã chỉ ra một số quan điểm tiếp cận và giá trị của UNCLOS đối với bảo vệ môi trường biển, vai trò của UNCLOS với việc phát triển và hoàn thiện khung pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường biển, từ đó, đề xuất một số khuyến nghị cho Việt Nam liên quan đến bảo vệ môi trường biển trong thời gian tới.
ThS.GVC Nguyễn Thị Yên (Đại học Văn Lang) đã trình bày bài tham luận về “Các cơ chế tài phán giải quyết tranh chấp theo Công ước luật biển 1982 và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về vấn đề Biển Đông”. Tác giả đã có sự so sánh, đánh giá các cơ chế giải quyết tranh chấp theo quy định của UNCLOS và thực tiễn giải quyết tranh chấp trong thời gian 07 năm gần đây, từ đó đề xuất những điểm cần lưu ý khi Việt Nam sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS đối với tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Cùng hướng tiếp cận với nhóm tác giả Nguyễn Thị Yên, tác giả Hoàng Việt cũng nghiên cứu “Giải thích Điều 121 của UNCLOS thông qua quyết định của Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông và một số gợi ý cho Việt Nam”. Tác giả đã nghiên cứu các vụ tranh chấp, đặc biệt là phán quyết trong vụ kiện Biển Đông, và các giải thích của Tòa Trọng tài liên quan đến khoản 3 Điều 121 UNCLOS 1982 nhằm làm rõ các khái niệm “đời sống kinh tế riêng”, “không thích hợp cho cuộc sống của con người”.
Phiên thứ hai của hội thảo với chủ đề “Luật biển Việt Nam 2012: Bảo vệ chủ quyền và tầm nhìn cho tương lai” được điều hành của PGS.TS Trần Việt Dũng, TS.GVC Hoàng Ly Anh và TS Phan Hoài Nam, bao gồm 04 tham luận liên quan đến nội dung của Luật Biển Việt Nam năm 2012 và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Phiên hai bắt đầu bằng tham luận “Vai trò của Luật Biển Việt Nam 2012 trong thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia” của ThS. Trần Thị Kim Nguyên (Đại học Mở TP.HCM) đã nêu góc nhìn tổng quan về thành tựu và hạn chế của Luật Biển Việt Nam 2012 trong công cuộc thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, từ đó đề xuất một số kiến nghị để hoàn thiện pháp luật Việt Nam.
Tiếp sau đó PGS.TS Lưu Văn Quyết (Đại học KHXHNV) thông qua tham luận “Vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa giai đoạn 1884 – 1945: Tiếp cận từ cuộc cạnh tranh giữa Pháp – Trung Quốc - Nhật Bản” đã cung cấp góc tiếp cận lịch sử về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Tác giả đã đưa ra những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và chủ quyền này chưa từng bị gián đoạn, kể cả trong giai đoạn Việt Nam trở thành thuộc địa của các quốc gia khác. Đây là Cơ sở quan trọng để Việt Nam có căn cứ và cơ sở pháp lý để tiếp tục bảo vệ chủ quyền biển đảo trong hiện tại và tương lai.
ThS. Lê Đức Phương (Khoa Luật quốc tế - Trường Đại học Luật TP.HCM) đã có phần trình bày tham luận với chủ đề “Luật Biển Việt Nam năm 2012 với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 – Nhìn từ góc độ so sánh”. Căn cứ trên nguyên tắc pacta sunt servanda, tác giả đã phân tích những vấn đề hạn chế của Luật biển 2012 trong diễn giải, thực thi các quy định của UNCLOS, nhấn mạnh Việt Nam có nhiều văn bản pháp luật khác liên quan tới UNCLOS. Các văn bản này còn khá rời rạc và không mang tính hệ thống. Tác giả đã đề xuất hoàn thiện và xây dựng chi tiết hơn các quy định của Luật biển 2012 và hướng tới xây dựng Bộ Luật về biển của Việt Nam.
Phiên thứ hai kết thúc với tham luận “Định hướng và giải pháp hoàn thiện Luật Biển 2012” của ThS Hà Thị Hạnh (Phụ trách bộ môn Công pháp quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM) đã có những nghiên cứu các vấn đề như (i) đường cơ sở của Việt Nam, (ii) cơ chế pháp lý của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sau phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, (iii) cơ chế giải quyết tranh chấp trong mối tương quan với đặc điểm chính trị khu vực, từ đó, nhóm tác giả đã đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện Luật biển Việt Nam năm 2012.
Thời gian thảo luận giữa các phiên đã diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ, đề xuất các giải pháp đến từ các học giả, nhà nghiên cứu, và những cá nhân có quan tâm đang tham dự trực tiếp hoặc online.
Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS. TS. Trần Việt Dũng (Trưởng khoa, Khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP. HCM) thời gian của hội thảo đã bị kéo dài hơn 1 tiếng so với kế hoạch do những phần trao đổi tranh luận của các đại biểu hết sức sôi nổi; mặc dù vậy, vẫn còn hơn 300 đại biểu tham dự trực tuyến và hơn 2/3 đại biểu tham dự trực tiếp, điều này chứng tỏ chủ đề và nội dung thảo luận của Hội thảo là rất thu hút sự quan tâm của xã hội. Hội thảo đã thành công tốt đẹp và có ý nghĩa quan trọng, đóng góp những cơ sở pháp lý và giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, giúp nâng cáo kiến thức và hiểu biết của các nhà nghiên cứu, chuyên gia và những người quan tâm về bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam theo quy định của UNCLOS1982. Hy vọng Hội thảo sẽ gợi mở những định hướng cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực biển và hải đảo trong giai đoạn tới.