Khoa Luật Quốc tế tổ chức hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng chương trình Cử nhân Luật Thương mại quốc tế trong bối cảnh hội nhập”

Nhằm nghiên cứu, trao đổi, bình luận một cách có hệ thống, khoa học về các tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định của pháp luật liên quan đến đánh giá, thẩm định chất lượng và thực tiễn đào tạo cử nhân luật thương mại quốc tế tại Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, sáng ngày 14/12/2022, tại phòng họp A.905 cơ sở Nguyễn Tất Thành, Khoa Luật Quốc tế đã tổ chức hội thảo cấp Khoa: “Nâng cao chất lượng chương trình Cử nhân Luật Thương mại quốc tế trong bối cảnh hội nhập”.   

Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS. Trần Việt Dũng - Trưởng khoa Luật Quốc tế; PGS.TS. Nguyễn Thị Thủy - Trưởng khoa Quản trị; ThS. Vũ Duy Cương - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và phương pháp giảng dạy; TS. Phan Hoài Nam - Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế cùng sự hiện diện của các thầy cô là  giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Khoa Quản trị; học viên, cựu sinh viên và sinh viên.

PGS.TS. Trần Việt Dũng - Trưởng Khoa Luật Quốc tế giữ vai trò chủ tọa Hội thảo

Mở đầu Hội thảo, ThS. Vũ Duy Cương với tham luận "Xây dựng Chương trình đào tạo đạt chuẩn Kiểm định chất lượng giáo dục" đã trình bày tổng quan những yếu tố “cốt lõi” và nền móng để xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng, đề cao việc tăng cường thực tiễn và kỹ năng vào chương trình đào tạo. Dưới góc độ kỹ thuật, ThS. Vũ Duy Cương khẳng định đối với chuẩn đầu vào cần phải thể hiện rõ động cơ và định hướng của học viên, sinh viên, đặc biệt chuẩn đầu ra phải đạt được 03 tiêu chí theo KAS (kiến thức, thái độ, kỹ năng). Đồng thời, để quá trình trên diễn ra hiệu quả và chất lượng cần đảm bảo theo trình tự PDCA (lập kế hoạch, triển khai, rà soát, đánh giá và điều chỉnh) trên cơ sở của 03 nguyên tắc: Tính giá trị - Đúng đắn - Phù hợp.

ThS. Vũ Duy Cương mang đến bức tranh tổng quan về “Xây dựng Chương trình đào tạo đạt chuẩn Kiểm định chất lượng giáo dục”

Từ tham luận “Đánh giá mục tiêu và chuẩn đầu ra chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Quản trị - Luật của Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh” của nhóm tác giả PGS.TS. Nguyễn Thị Thủy - ThS. Đỗ Nguyễn Hữu Tấn, ThS. Lê Minh Nhựt - giảng viên Khoa Luật Quốc tế tiến đến trình bày mục tiêu ngành Luật Thương mại quốc tế và đưa ra các đề xuất nổi bật: Nâng chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ và tăng cường khảo sát kết quả đào tạo để hoàn thiện chuẩn đầu ra cũng như chương trình đào tạo.

ThS. Lê Minh Nhựt trình bày mục tiêu và chuẩn đầu ra ngành Luật Thương mại quốc tế

Với tham luận “Chương trình đào tạo ngành Luật Thương mại quốc tế tại trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh”, ThS. NCS Nguyễn Thị Lan Hương đã phân tích thực tế thực hiện 03 tiêu chí kiểm định theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tính đầy đủ và cập nhật của thông tin; Tính đầy đủ và cập nhật của đề cương học phần; Tính công khai trong việc tiếp cận thông tin, từ đó, đề xuất tiến hành khảo sát lấy ý kiến của các bên liên quan trong thời gian sớm nhất và định kỳ tổ chức các buổi tập huấn xây dựng đề cương.

ThS. NCS Nguyễn Thị Lan Hương trong lượt trình bày tham luận “Chương trình đào tạo ngành luật thương mại quốc tế tại trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh”

Hội thảo tiếp tục bàn luận chi tiết chương trình đào tạo Luật Thương mại quốc tế với tham luận “Bản mô tả chương trình đào tạo trong báo cáo tự đánh giá chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học”, do ThS. Vũ Đức Nghĩa Hưng trình bày, trong đó, đề cao việc lập danh mục minh chứng đối với mỗi tiêu chuẩn kiểm định.

Đặc biệt, tiêu chuẩn đầu ra về ngoại ngữ và việc tạo lập danh mục minh chứng về tiêu chuẩn đào tạo nhận được nhiều sự quan tâm tại Hội thảo. Xoay quanh vấn đề tăng cường ngoại ngữ, PGS.TS. Nguyễn Thị Thuỷ cho rằng mục tiêu và chuẩn đầu ra cần bám sát quy định pháp luật, đảm bảo việc thực hiện vừa thể hiện thương hiệu Trường Đại học Luật TP. HCM vừa phù hợp với thực tế.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thuỷ chia sẻ quan điểm về việc tăng cường ngoại ngữ Tiếng anh cho sinh viên

Hội thảo tiếp tục diễn ra sôi nổi trong phiên làm việc thứ 02 với các trao đổi về:

- “Phương pháp tiếp cận trong dạy, học và Đánh giá kết quả học tập của người học đối với chương trình đào tạo cử nhân Luật Thương mại quốc tế tại Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh” - tham luận do ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy đại diện nhóm tác giả trình bày.

- “Đánh giá về người học và hoạt động hỗ trợ người học trong chương trình đào tạo cử nhân Luật Thương mại quốc tế tại Trường ĐH Luật TP.HCM” với các tiêu chí: (i) chính sách tuyển sinh; (ii) phương pháp tuyển chọn người học; (iii) hệ thống giám sát về học tập, rèn luyện; (iv) hoạt động tư vấn học tập, hoạt động ngoại khóa, thi đua; (v): môi trường tâm lý, xã hội và cảnh quan trong tham luận của ThS. Nguyễn Lê Hoài - ThS. Nguyễn Phan Vân Anh.

Sinh viên tham gia Hội thảo đặt câu hỏi về chương trình học Luật thương mại quốc tế 

Hội thảo “Nâng cao chất lượng chương trình Cử nhân Luật Thương mại quốc tế trong bối cảnh hội nhập” kết thúc tốt đẹp, thành công

Sau một buổi sáng làm việc, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp hữu ích từ quý đại biểu, đặc biệt là từ chính các bạn sinh viên đang được đào tạo ngành Luật thương mại quốc tế tại Trường, qua đó, củng cố chương trình đào tạo trình độ đại học hệ chính quy ngành luật thương mại quốc tế tại Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, đáp ứng chuẩn đầu ra hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, đầu tư.

Nội dung: Thanh Tâm, Thảo Trinh

Hình ảnh: Thùy Linh Lê

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top