Khoa Luật Quốc tế tổ chức Hội thảo khoa học cấp khoa “Pháp luật và thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại các quốc gia Asean”

Nhằm nghiên cứu, trao đổi, bình luận một cách có hệ thống, khoa học về pháp luật và thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại các quốc gia ASEAN, sáng ngày 19/01/2024, khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Khoa “Pháp luật và thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại các quốc gia Asean” tại phòng A.905 – cơ sở Nguyễn Tất Thành trực tuyến thông qua phần mềm Zoom. 

Toàn cảnh buổi hội thảo khoa học cấp Khoa “Pháp luật và thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại các quốc gia Asean”

Tham dự buổi hội thảo, về phía BTC có sự tham gia của PGS.TS. Trần Việt Dũng – Trưởng Khoa Luật Quốc tế; TS. Phan Hoài Nam - Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế; ThS. Nguyễn Lê Hoài - Phụ trách Bộ môn Tư pháp quốc tế - Luật So sánh; NCS.ThS. Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Trưởng Bộ môn Luật Thương mại quốc tế; Ths. Hà Thị Hạnh - Phụ trách Bộ môn Công pháp quốc tế. Về phía khách mời có sự hiện diện của TS. Nguyễn Thị Minh Phượng - Thẩm phán Toà án nhân dân TP.Hồ Chí Minh; Bà Đặng Thị Tám - Thẩm phán Toà án nhân dân quận Gò Vấp; Bà Phạm Quỳnh Như – Thẩm phán Toà án nhân dân huyện Cần Giờ; TS. Lê Nguyễn Gia Thiện - Phó trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh; Luật sư Nguyễn Xuân Thuỷ - Công ty Luật TNHH LNT & Partners; Luật sư Cao Trần Nghĩa – Công ty Luật Nishimura & Asahi,  Ông Bùi Đình Nghĩa – Công ty Luật ADK Viet Nam Lawyers; Ông Nguyễn Chí Thiện - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH John Nguyễn và cộng sự, Ông Bùi Lê Hiếu -  Học viện Tòa án; Ông Lê Duy Định – Học viện Tư pháp cùng các diễn giả là chuyên gia pháp lý, chuyên gia hành nghề thực tiễn, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên cao học và sinh viên có quan tâm.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Việt Dũng - Trưởng Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM cho biết sự hợp tác của các quốc gia thuộc khối ASEAN trong bối cảnh toàn cầu hóa là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, để đảm bảo sự hợp tác được diễn ra thuận lợi thì các quốc gia trong khu vực ASEAN cần có sự đồng nhất về hành lang pháp lý, với cơ sở đó, trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo nhằm phân tích rõ được những vấn đề pháp lý xoay quanh các vấn đề liên quan đến pháp luật và thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại các quốc gia ASEAN cũng như những vấn đề liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại.

PGS.TS. Trần Việt Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học cấp Khoa “Pháp luật và thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại các quốc gia Asean”

Hội thảo diễn ra với sự điều hành của Ban chủ toạ là TS. Phan Hoài Nam - Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế và TS. Nguyễn Thị Minh Phượng - Thẩm phán Toà án nhân dân TP.Hồ Chí Minh. Hội thảo gồm hai phiên, nội dung xoay quanh hai chủ đề chính (i) Pháp luật và thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại các quốc gia ASEAN và (ii) Hoạt động tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại - kinh nghiệm gia nhập các Công ước La Hay của các quốc gia trong khối ASEAN

Buổi hội thảo dưới sự chủ trì của TS. Phan Hoài Nam - Phó Trưởng khoa Luật quốc tế và TS. Nguyễn Thị Minh Phượng - Thẩm phán tòa án nhân dân TP.HCM (từ trái sang phải)

Phiên thứ nhất, các bài tham luận được trình bày bao gồm:

- Xác định thẩm quyền của toà án quốc gia Thái Lan và Indonesia trong việc giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài - ThS. Đào Thị Vui – ThS. Nguyễn Phan Vân Anh – Khoa Luật quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM.

- Hoạt động tống đạt giấy tờ ra nước ngoài trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa Việt Nam và Singapore - LS. Nguyễn Xuân Thuỷ - Công ty Luật TNHH LNT &Partners.

- Thẩm quyền tài phán của tòa án trong giải quyết các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài trên không gian mạng – kinh nghiệm của Singapore và kiến nghị cho Việt Nam - nhóm tác giả Lê Duy Định – Học viện Tư phápBùi Lê Hiếu – Học viện Tòa án.

- Nhận xét hệ thống quy phạm xung đột trong pháp luật Việt Nam và  thực tiễn áp dụng trong xét xử các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam - ThS. Nguyễn Lê Hoài – ThS. Trần Thị Bảo Nga - Khoa Luật quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM.

ThS. Nguyễn Phan Vân Anh - Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM trình bày về các căn cứ xác định thẩm quyền của Tòa án quốc gia Thái Lan

Kết thúc phiên tham luận đầu tiên, nhiều vấn đề xoay quanh khung pháp lý và thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại các quốc gia ASEAN đã được trình bày và làm rõ. Cùng với đó, các đề tài đã được ghi nhận sự quan tâm, trao đổi, chia sẻ giữa các Thẩm phán, Luật sư, Giảng viên và các bạn sinh viên.

LS. Nguyễn Xuân Thủy - Công ty Luật LNT & Partners nêu rõ các bất cập về quy định trong pháp luật Việt Nam về hoạt động tống đạt giấy tờ trong lĩnh vực dân sự thương mại

Đến với phiên tham luận thứ hai, các đề tài được trình bày bao gồm:

- Quy định về hợp pháp hóa lãnh sự theo một số Điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN – Sự cần thiết gia nhập Công ước Apostille - ThS. Nguyễn Thị Kim Duyên

- Triển vọng của Công ước La Hay 1970 về thu thập chứng cứ trong việc hỗ trợ xét xử cho Tòa án Việt Nam - LS. Cao Trần Nghĩa – Công ty Luật Nishimura & Asahi

- Kinh nghiệm một số quốc gia ASEAN về nội luật hoá các công ước của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và gợi ý cho Việt Nam - Ông Bùi Đình Nghĩa – Chuyên viên pháp lý Công ty Luật ADK Viet Nam Lawyers

Các câu hỏi liên quan đến vấn đề hợp pháp hóa lãnh sự và sự cần thiết gia nhập Công ước Apostille cũng được các diễn giả, khách mời thảo luận và quan tâm vì vấn đề này rất thiết thực và liên quan đến các hoạt động tư vấn pháp luật về thương mại, đầu tư. Những khó khăn khi hợp pháp hóa lãnh sự cũng được các Thẩm phán chia sẻ trên thực tế. Bên cạnh đó, việc thu thập chứng cứ và tống đạt giấy tờ, tài liệu gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trên thực tế và vấn đề nội luật hóa các Công ước La Hay về Tư pháp quốc tế và hài hòa hóa pháp luật ASEAN cũng được kiến nghị.

Tác giả Bùi Lê Hiếu - Học viện Tòa án đã gợi ý ra vấn đề mới về thẩm quyền tài phán của Tòa án trong giải quyết dân sự có yếu tố nước ngoài trên không gian mạng

ThS. Nguyễn Lê Hoài - Khoa Luật quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM thay mặt nhóm tác giả trình bày về vấn đề liên quan đến hệ thống quy phạm xung đột trong pháp Luật Việt Nam.

Khách mời tham dự buổi hội thảo trao đổi về căn cứ nơi có tài sản để xác định thẩm quyền của Tòa án

Các bạn sinh viên tham gia phát biểu xây dựng buổi hội thảo

LS. Bùi Đình Nghĩa - Công ty Luật ADK Việt Nam Lawyer với bài tham luận “Kinh nghiệm một số quốc gia ASEAN về nội luật hóa các công ước của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và gợi ý cho Việt Nam”

LS. Cao Trần Nghĩa - Công ty Luật Nishimura & Asahi nói rõ sự thuận lợi cho Việt Nam trong việc thu thập chứng cứ sau khi Việt Nam gia nhập Công ước La Hay 1970

ThS. Nguyễn Thị Kim Duyên - Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM với chủ đề “Quy định về hợp pháp hóa lãnh sự theo Điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN - Sự cần thiết gia nhập Công ước Apostille”

Các đại biểu, khách mời và giảng viên cùng các bạn sinh viên chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu, khách mời và giảng viên chụp ảnh lưu niệm

Sau hai giờ làm việc và trao đổi tích cực, Hội thảo đã hoàn thành các mục tiêu tổ chức và ghi nhận nhiều đóng góp giá trị cho một số vấn đề liên quan đến pháp luật và thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại các quốc gia ASEAN. Kết thúc Hội thảo, TS. Phan Hoài Nam phát biểu tổng kết những vấn đề đã được thảo luận và hy vọng những ý kiến chuyên môn từ Hội thảo sẽ hữu ích trong việc tăng cường hợp tác, tương trợ tư pháp toàn cầu cũng như giữa các quốc gia trong  khu vực ASEAN.

Nội dung: Đình Quý, Anh Khang

Hình ảnh: Mai Hương, Bảo Ngọc

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top