Khoa Luật dân sự tổ chức hội thảo “Cưỡng chế thi hành án dân sự”

Nhằm đóng góp để hoàn thiện các quy định của pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự ở Việt Nam, vào sáng ngày 29/12/2022, Khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Cưỡng chế thi hành án dân sự” tại phòng họp A.905, cơ sở Nguyễn Tất Thành.

Tham dự buổi hội thảo có TS. Nguyễn Văn Tiến – Phó Trưởng khoa Luật Dân sự. Tham dự hội thảo có TS. Lê Vĩnh Châu - Trưởng bộ môn Tố tụng dân sự - Hôn nhân gia đình; TS. Nguyễn Thị Bích - Trưởng bộ môn Luật Lao động cùng các giảng viên Khoa Luật Dân sự, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên trường Đại học Luật TP.HCM.

Về phía khách mời có sự tham gia của PGS.TS. Vũ Thị Hồng Yến - Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Sài Gòn; ThS. Trương Hoàng Hải - Phó Giám đốc Công ty điện lực Tân Thuận; ThS. Trần Hữu Thu Trang - Giảng viên Trường Đại học Duy Tân; ThS.LS. Nguyễn Đức Thắng Ý - Luật sư sáng lập, Giám đốc điều hành hãng luật YLAW & PARTNERS; ThS.LS. Hàm ZiCo - Công ty Luật TNHH MTV Đức Chính; Ông Phan Văn Thụy - Phó Trưởng phòng Phòng nghiệp vụ 1 Cục thi hành án dân sự TP.HCM, LS. Nguyễn Cảnh Trường, Cty Luật Trương Minh Ngọc; LS. Phạm Hùng Cường, Cty Luật Cường Minh; Ông Phạm Quang Giang, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Quận 5.

Buổi hội thảo cấp khoa “Cưỡng chế thi hành án dân sự” được diễn ra tại phòng họp A.905, cơ sở Nguyễn Tất Thành

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Văn Tiến – Phó Trưởng khoa Luật Dân sự cho rằng, về cơ bản, pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự đã điều chỉnh và phát huy hiệu quả trong việc thi hành các bản án, quyết định do Tòa án và các tổ chức có thẩm quyền ban hành. Bên cạnh các thành tích trên, các quy định về cưỡng chế thi hành án dân sự theo Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, năm 2022, vẫn còn những khiếm khuyết làm giảm hiệu quả điều chỉnh của luật đối với việc thi hành án dân sự. Với bối cảnh trên, Hội thảo được tổ chức với mong muốn làm rõ những hạn chế các quy định của luật về cưỡng chế thi hành án dân sự nhằm đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự nói chung, cưỡng chế thi hành án dân sự nói riêng, góp phần nâng cao công tác thi hành án dân sự trong thời gian sắp đến.

TS. Nguyễn Văn Tiến – Phó Trưởng khoa Luật Dân sự, đồng chủ trì hội thảo phát biểu khai mạc buổi hội thảo

Buổi thảo luận mở đầu với đề tài “Xác định, phân chia, xử lý tài sản chung của vợ chồng để thi hành án”. PGS. TS Vũ Thị Hồng Yến - Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Sài Gòn đã đặt ra vấn đề khi đưa tài sản chung của vợ chồng vào hoạt động sản xuất kinh doanh dưới hình thức thành lập doanh nghiệp tư nhân hoặc góp vốn vào doanh nghiệp, liệu việc thỏa thuận này có làm thay đổi hình thức sở hữu chung của vợ chồng hay không. Theo đó, tác giả cho rằng vấn đề này không làm thay đổi hình thức sở hữu chung của vợ chồng vì thỏa thuận dịch chuyển sở hữu chung của vợ chồng thành sở hữu của doanh nghiệp vẫn không làm chấm dứt sở hữu tài sản chung của vợ chồng. 

PGS.TS. Vũ Thị Hồng Yến - Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Sài Gòn phân tích các vấn đề liên quan đến tham luậnXác định, phân chia, xử lý tài sản chung của vợ chồng để thi hành án”

Với tham luận “Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện hoặc không thực hiện công việc nhất định”, ThS. Phan Nguyễn Bảo Ngọc tập trung phân tích, đánh giá những quy định của pháp luật hiện hành về cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện công việc nhất định hoặc không được thực hiện công việc nhất định nên quy định chặt chẽ hơn về quy trình, việc thực hiện thay nghĩa vụ. Việc hoàn thiện quy định về cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện công việc nhất định hoặc không được thực hiện công việc nhất định là cần thiết, quan trọng, góp phần bảo vệ quyền lợi của người được thi hành án và người phải thi hành án.

ThS. Phan Nguyễn Bảo Ngọc nhấn mạnh rằng việc hoàn thiện chế định liên quan đến thi hành án dân sự là điều rất quan trọng

Bàn về vấn đề “Cưỡng chế thi hành án giao người chưa thành niên cho người được nuôi dưỡng”, ThS. Nguyễn Thị Thu Sương nhận định rằng việc thi hành án của cơ quan thi hành trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn bởi thiếu sự hợp tác từ các bên liên quan, trong đó vấn đề giao người chưa thành niên cho người được nuôi dưỡng là một trường hợp đặc biệt. Việc thi hành này không tồn tại một cách độc lập mà có mối liên hệ mật thiết đến các ngành và lĩnh vực khác, đặc biệt trong hoạt động cưỡng chế luôn cần sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức. Với tình trạng như vậy, nhóm tác giả đã kiến nghị việc xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ ràng phạm vi giới hạn, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của từng chủ thể để công tác phối hợp được thuận tiện và hiệu quả hơn.

ThS. Nguyễn Thị Thu Sương trình bày quan điểm về tham luận “Cưỡng chế thi hành án giao người chưa thành niên cho người được nuôi dưỡng”

Sau buổi làm việc tích cực, Hội thảo đã đi đến đề xuất những giải pháp tích cực cho việc hoàn thiện pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự. Hội thảo “Thi hành án cưỡng chế dân sự” của Trường Đại học Luật TP.HCM không chỉ tạo ra môi trường học thuật trao đổi chuyên môn của các chuyên gia pháp luật mà còn góp phần đề xuất các giải pháp thiết thực làm căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền tham khảo nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự, nâng cao hiệu quả của việc thi hành án trên thực tế.

Giảng viên và các khách mời cùng chụp ảnh lưu niệm

Nội dung: Yến Nhi

Hình ảnh: Quang Huy

Ban Truyền thông Ulaw

 

--%>
Top