Khoa Khoa học cơ bản - Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học: “Vấn đề dân tộc và tôn giáo trong Hiến pháp nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

Sáng ngày 16 tháng 3 năm 2024, tại phòng họp A.905, cơ sở Nguyễn Tất Thành, khoa Khoa học Cơ bản Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức buổi Hội thảo khoa học với đề tài: "Vấn đề dân tộc, tôn giáo trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Hội thảo đã làm rõ những ảnh hưởng của vấn đề dân tộc và tôn giáo trong Hiến pháp đến xã hội Việt Nam và với các học phần đang được giảng dạy tại khoa Khoa học cơ bản.

Buổi Hội thảo sự tham gia của TS. Nguyễn Quốc Vinh – Trưởng khoa Khoa học cơ bản; TS. Nguyễn Thanh Hải – Phó trưởng khoa Khoa học cơ bản; TS. Lê Thế Tài – Chủ tịch Công đoàn trường, Trưởng phòng Công tác sinh viên; TS. Lê Đình Lục - nguyên Trưởng Khoa Lý luận chính trị Đại học Sài Gòn và sự góp mặt của các giảng viên khoa Khoa học cơ bản.


Buổi Hội thảo diễn ra tại phòng họp A.905

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Quốc Vinh – Trưởng khoa Khoa học cơ bản nhấn mạnh: Hội thảo quan tâm đến "Vấn đề dân tộc, tôn giáo trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" từ góc độ ảnh hưởng, tác động đến các mặt trong đời sống xã hội Việt Nam và mối quan hệ của nó đối với các môn học do khoa Khoa học Cơ bản phụ trách giảng dạy.TS. Nguyễn Quốc Vinh hy vọng, với kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy của các giảng viên khoa, Hội thảo sẽ được lắng nghe những báo cáo chất lượng, những ý kiến thiết thực, gắn với thực tiễn và mở ra những góc nhìn mới mẻ hơn khi tiếp cận về đề tài này.


TS. Nguyễn Quốc Vinh – Trưởng khoa Khoa học cơ bản phát biểu khai mạc buổi Hội thảo

Tại phiên thảo luận đầu tiên về vấn đề dân tộc trong Hiến pháp, TS. Nguyễn Quốc Vinh - trong bài báo cáo của mình - đã chỉ ra một số đặc điểm quan trọng của dân tộc Việt Nam có tác động đến các bản Hiến pháp. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, có sự đa dạng về văn hóa, xã hội. Từ đó, vấn đề bình đẳng giữa các dân tộc cần được thực hiện và đã được thể hiện rõ trong các bản Hiến pháp từ 1946 đến 2013.

Cũng trong phiên thảo luận về vấn đề Dân tộc, TS. Trần Ngọc Anh - Trưởng bộ môn Lý luận chính trị khoa Khoa học cơ bản đã phân tích cụ thể những góc nhìn về khái niệm dân tộc; các điều khoản liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân trong các bản Hiến pháp;… Bên cạnh đó, ThS. Nguyễn Hoài Đông - Giảng viên khoa Khoa học cơ bản cũng trình bày nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề đại đoàn kết dân tộc, nguyên tắc “cầu đồng, tồn dị và nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản trong bản Hiến pháp.


ThS. Nguyễn Hoài Đông trình bày về vấn đề dân tộc trong các bản Hiến pháp

Hội thảo tiếp tục với phiên thảo luận thứ hai về vấn đề tôn giáo trong Hiến pháp. Mở đầu phiên làm việc thứ hai, TS. Nguyễn Thanh Hải – Phó trưởng khoa Khoa học cơ bản đã trình bày những khía cạnh tôn giáo tại Việt Nam. Đảng và Nhà nước đã thực hiện những chính sách, tạo điều kiện cho tôn giáo phát triển. Theo TS. Nguyễn Thanh Hải, tôn giáo, tín ngưỡng giờ đây đã trở thành một phần không thể tách rời với đời sống sinh hoạt của người dân, do đó việc ghi nhận giá trị của tôn giáo tại các bản Hiến pháp là vô cùng cần thiết.

 

TS. Nguyễn Thanh Hải – Phó trưởng khoa Khoa học cơ bản trình bày những khía cạnh về tôn giáo hiện nay tại Việt Nam

Tiếp đó, ThS. Phạm Thị Minh Hải, ThS. Phạm Thị Ngọc Thủy, TS. Trần Thị Mỹ Hạnh lần lượt trình bày các vấn đề xoay quanh tôn giáo, tín ngưỡng như một số điểm mới trong Hiến pháp 2013 về vấn đề tôn giáo và thực tiễn áp dụng; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân Việt Nam hiện nay; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của tín ngưỡng dân gian Việt Nam;....


ThS. Phạm Thị Minh Hải – Giảng viên khoa Khoa học cơ bản trình bày về một số điểm mới về vấn đề tôn giáo trong Hiến pháp 2013

Cũng tại phiên làm việc thứ hai, TS. Lê Thế Tài – Trưởng phòng Công tác sinh viên chia sẻ quan điểm về vấn đề ứng xử của sinh viên hiện nay, từ đó mong muốn vận dụng tư tưởng đạo đức Phật giáo vào việc giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên tại Trường Đại học Luật TP.HCM, nhằm xây dựng những con người mới hoàn thiện cả trí và đức, phục vụ cho nhu cầu của xã hội. Đây cũng là một vấn đề cần được đặc biệt quan tâm nhằm phát triển hình ảnh của một thế hệ sinh viên luật và gìn giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc.


TS. Lê Thế Tài – Chủ tịch công đoàn, Trưởng phòng Công tác sinh viên trình bày về việc giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên của Nhà trường

Sau phần trình bày của các giảng viên, TS. Trần Thị Rồi – Giảng viên khoa Khoa học cơ bản đã đưa ra những lời nhận xét, góp ý. Theo đó, ngoài những kiến thức lý luận chung, TS. Trần Thị Rồi hy vọng các giảng viên của khoa có thể tích cực hơn trong việc cập nhật những kiến thức thực tiễn và có những hành động cụ thể nhằm đưa những lý luận cơ bản vào đời sống cũng như trong quá trình giảng dạy.

Buổi Hội thảo là dịp để các giảng viên ng nhau trao đổi những quan điểm, ý kiến về vấn đề dân tộc trong khía cạnh pháp luật từ đó đưa ra những phương pháp giảng dạy tốt nhất để truyền đạt kiến thức quan trọng đến sinh viên.

Nội dung: Huyền Diệu

Hình ảnh: Mai Hương

Ban Truyền thông Ulaw