Hội thảo trực tuyến “Phòng ngừa các tội xâm phạm tình dục người dưới 16 tuổi” của trường Đại học Luật TP.HCM

Hiện nay, hiện tượng xâm hại tình dục trẻ em phát triển ngày càng phức tạp từ tiếp xúc cơ thể cá nhân đến thông qua môi trường mạng, trở thành một trong những đề tài nóng, đặc biệt trong thời điểm nhạy cảm hiện tại. Song việc phòng ngừa loại tội phạm này trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Sáng ngày 26/7/2021, Khoa Luật Hìnhsự - Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học “Phòng ngừa các tội xâm phạm tình dục người dưới 16 tuổi” qua hình thức Livestream trên Fanpage chính thức của Nhà trường nhằm thảo luận các vấn đề liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng khoa Luật Hình sự Trường Đại học Luật TP. HCM trình bày mong muốn tiếp tục hoàn thiện và phát triển các hoạt động trao đổi học thuật qua hình thức trực tuyến trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo Nhà trường, đồng thời chia sẻ về kế hoạch phát triển nội dung thảo luận của hội thảo thành sách nhằm góp phần cao nhận thức pháp luật của người dân về xâm hại tình dục trẻ em – một hiện tượng xã hội nhức nhối và còn nhiều bất cập trong công tác giải quyết.

PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng khoa Luật Hìnhsự Trường Đại học Luật TP. HCM phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo được diễn ra với 09 tham luận cùngsự tham gia thảo luận sôi nổi về các vấn đề như: về phòng ngừa xâm phậm tình dục trẻ em tại Việt Nam hiện nay, nguyên nhân, điều kiện về các tội phạm trên; về các khung pháp lý quốc tế về xâm phậm tình dục trẻ em và sự đối chiếu, so sánh với hệ thống pháp luật Việt Nam nhằm tạo nên cơ sở góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia.

Mở đầu phiên thamluận, TS.  Nguyên Thanh – Trưởng bộ môn Tội phạm học Trường Đại học Luật TP.HCM, Trưởng ban chuyên môn Hội thảo trình bày khái quát vềđề tài Phòng ngừa các Tội xâm phạm tình dục ở trẻ em hiện nay, bao gồm các nội dung: (i) Cơ chế phòng ngừa; (ii) Khái quát thực trạng phòng ngừa; và (iii) Các biện pháp phòng ngừa các tội xâm phậm tình dục trẻ em phổ biến. Theo TS.  Nguyên Thanh,trước những dữ liệu thực tiễn về tình hình phát hiện xử lý và số vụ án các tội xâm phạm tình dục trẻ em, việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, dạy kỹ năng phòng ngừa là vô cùng cần thiết đối với trẻ em và với bậc cha mẹ cũng như người có trách nhiệm chăm sóc trẻ em, đặc biệt là quy tắc 05 ngón tay.

TS. Lê Nguyên Thanh đưa ra “bức tranh” khái quát về “Phòng ngừa các Tội xâm phạm tình dục ở trẻ em hiện nay

Với bài tham luận về đề tàiKhuôn khổ pháp lý của Liên Hiệp Quốc về các tội bóc lột tình dục trẻ em và tình hình nội luật hóa các quy định của Liên Hiệp Quốc trong khuôn khổ pháp lý phòng, chống tội phạm bạo lực và bóc lột tình dục trẻ em tại Việt Nam, ThS. Trần Kim Chi đã làm rõ khái niệm “bóc lột tình dục trẻ em” cũng như các hành vi phạm pháp như “mại dâm trẻ em” hay “văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em”,… Khi trình bày về “Tình hình nội luật hóa”, ThS. Trần Kim Chi kiến nghị rằng các quy định pháp luật về tuổi và chế tài phạt của pháp luật hình sự Việt Nam cần được cân nhắc và tiếp thu từ các văn kiện pháp luật quốc tế về quyền trẻ em. Cụ thể, hiện nay độ tuổi “trẻ em” của pháp luật hình sự Việt Nam là dưới 16 tuổi, trong khi theo Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em (CRC) 1989 là dưới 18 tuổi. Phản hồi quan điểm này, TS. Lê Huỳnh Tấn Duy – Trưởng bộ môn Luật Tố tụng hình sự cho rằng dưới góc độ lập pháp, việc sửa đổi tuổi “trẻ em” sẽ dẫn đến thay đổi hàng loạt về các nhóm đối tượng liên quan (trẻ em, trẻ vị thành niên…), do đó có nhiều lý do dẫn đến việc sửa đổi này vẫn chưa thể thực hiện hoàn toàn.

 

ThS. Trần Kim Chi nêu những bất cập đối với vấn đề “Tình hình nội luật hóa”

Đào sâu hơn về các nguyên nhân và điều kiện sản sinh tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em từ nhiều góc độ, TS. Phạm Thái cho rằng chính áp lực, sự tự ti và lệch lạc trong tâm lý bài trừ xã hội, nhận thức không cao là một trong những nguyên tố tác động đến việc hình thành tội phạm. Lại nhìn nhận thêm, vòng xoáy nạn nhân lại trở thành người phạm tội cũng là một vấn đề cần được quan tâm và siết chặt. Trong tình hình hiện nay, TS. Phạm Thái nêu kiến nghị của bản thân rằng việc phát hiện, xử lý các hành vi xâm phạm tình dục trẻ em nên thông qua mô hình tố tụng thân thiện đối với người dưới 18 tuổi.

Bên cạnh phương diện tội phạm, ThS. Lê Thị Anh Nga đã đề cập và trình bày về khía cạnh nạn nhân của tội phạm xâm phạm tình dục người dưới 16 tuổi thông qua một số nghiên cứu với ba phương pháp khác nhau làphương pháp điều tra xã hội học, phương pháp phân tích vụ án hình sự và phương pháp chuyên gia. Qua đó, ThS. Lê Thị Anh Nga đã so sánh để đưa ra một số đặc điểm chung giữa các nạn nhân và đưa ra kết luận.

 

ThS. Lê Thị Anh Nga đưa ra từng kết luận của từng phương pháp trong nghiên cứu

Tiếp đến, NCS. ThS. Đinh Hà Minh và ThS. Nguyễn Thị Tuyết Anh trao đổi về “Phòng ngừa tội phạm dâm ô người dưới 16 tuổi và kinh nghiệm phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em ở một số quốc gia trên thế giới”. Sau quá trình tìm kiếm, học hỏi đồng thời so sánh kinh nghiệm của một số quốc gia từ các châu lục về phòng ngừa tội phạm và hình phạt, NCS. ThS. Đinh Hà Minh đã đưa ra những đề xuất cho Việt Nam về việc giám sát người dưới 16 tuổi trước nguy cơ, nâng cao nhận thức người dân, sử dụng tích cực công cụ pháp luật hình sự.   

NCS. ThS. Đinh Hà Minh chia sẻ thẳng thắn về các chế tài, hình thức xử phạt được áp dụng rộng rãi trên nhiều quốc gia hiện nay

Về thủ tục giải quyết vụ án hình sự về các tội phạm xâm phạm tình dục người dưới 16 tuổi, TS. Lê Huỳnh Tấn Duy nhấn mạnh, những tổn thuơng mà nạn nhân phải gánh chịu lần nữa trong giai đoạn tố tụng, đi tìm sự thật cũng là tổn thương của nền tư pháp. Do đó, cần phải có sự cân nhắc trong đề xuất gia tăng và siết chặt các quy định tố tụng về xâm phạm tình dục trẻ em.

TS. Lê Huỳnh Tấn Duy nêu quan điểm về các vấn đề đã được đề cập và trao đổi về quá trình tố tụng

Trong phiên thảo luận mở và đặt vấn đề, giải đáp cho câu hỏi “Có nên kiểm soát hiện tương tiêu cực này bằng cách cấm trẻ em sử dụng các phương tiện và hình thức công nghệ số như máy tính, mạng xã hội?”, TS.  Nguyên Thanh cho rằng tuy là con dao hai lưỡi nhưng không thể phủ nhận cơ hội học hỏi và phát triển bản thân mà công nghệ số đem lại, do đó không thể triệt để ngăn cấm mà cần có sự quan tâm, hướng dẫn phù hợp đến từ phía phụ huynh trẻ.

Ngoài ra, một số vấn đề thực tế và nhức nhối khác cũng được bàn luận hết sức sôi nổi như: Các thực trạng tư tưởng “Friend with benefits”, “Sugar daddy-Sugar baby” của một bộ phận người trong xã hội hiện nay; Định kiến xã hội về giới tính của nạn nhân xâm hại tình dục; Cách hiểu pháp lý về thuật ngữ “trẻ em” và “người dưới 16 tuổi”;…

 

Buổi Hội thảo diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp

Ban Tổ chức đã cố gắng chuẩn bị kỹ lưỡng về công tác kỹ thuật livestream nhằm giúp các sinh viên tham gia livestream theo dõi buổi Hội thảo với chất lượng tốt hơn. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, Hội thảo “Phòng ngừa các tội xâm phạm tình dục người dưới 16 tuổi” củaTrường Đại học Luật TP.HCM đã kết thúc. Tại Hội thảo,nhiều khía cạnh pháp lý đã được phân tích chuyên sâu, đồng thời đưa ra các vấn đề và giải pháp về hiện tượng xâm hại tình dục trẻ em trong thực tiễn. Những nỗ lực trong tổ chức các hội thảo và nghiên cứu đã thể hiện sự phát triển trong việc áp dụng công nghệ sốvào thúc đẩy sự nghiệp phát triển học thuật của Trường Đại học Luật TP.HCM trong thời điểm Covid-19 hiện tại.

 

Công tác kỹ thuật livestream được chuẩn bị kỹ lưỡng

Nội dung: Tuyết Minh, Phương Thảo

Hình ảnh: Bảo Ngọc

Ban truyền thông Ulaw

 

--%>
Top