Hội thảo trong khuôn khổ đề tài KH&CN cấp Bộ "Quyền sử dụng tự do tác phẩm qua hành vi sao chép, trích dẫn trong pháp luật về quyền tác giả từ thực tiễn các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam"

Trong khuôn khổ đề án nghiên cứu khoa học Cấp Bộ số 5 - 505 - 50501, với mục đích tạo diễn đàn để phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quyền tác giả cũng như thảo luận những vấn đề chuyên môn trong thực tiễn, góp phần vào việc nâng cao nhận thức và áp dụng những quy định của quyền tác giả và văn bản hướng dẫn, tạo tiền đề lý luận cho việc nghiên cứu, áp dụng những quy định pháp luật về quyền tác giả trong các cơ sở giáo dục tại Việt Nam, vào lúc 8h00 ngày 18/12/2021, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức chủ trì Buổi hội thảo trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Quyền sử dụng tự do tác phẩm qua hành vi sao chép, trích dẫn trong pháp luật về quyền tác giả từ thực tiễn các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam” thông qua phòng họp trực tuyến Webminar. 

Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 và đang được tiếp tục sửa đổi trình Quốc hội thông qua vào tháng 6 năm 2022 với mục tiêu thực hiện đầy đủ những cam kết quốc tế về bảo hộ quyền tác giả được quy định cụ thể trong Công ước Berne. Theo đó, nhấn mạnh sự cân bằng lợi ích của các chủ thể qua việc quy định những trường hợp ngoại lệ của quyền tác giả. Quyền sử dụng tự do tác phẩm là quyền của tổ chức, cá nhân được tự mình sử dụng tác phẩm đã được công bố của người khác trong khuôn khổ các điều kiện luật định mà không là hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ. Trên thực tế, tuy Luật Sở hữu trí tuệ có quy định về việc sao chép và trích dẫn tác phẩm để được sử dụng tự do tác phẩm nhưng vẫn chưa tạo thành một khung pháp lý hoàn chỉnh để bảo hộ quyền này bằng các tiêu chí định lượng cụ thể. Chính vì vậy, buổi hội thảo nhằm làm rõ, nhận diện được các hành vi sao chép, trích dẫn nào là vi phạm quyền tác giả trên cơ sở của các quy định của pháp luật hiện hành, từ đó hoàn chỉnh những phương hướng, giải pháp cụ thể, hướng đến cải thiện và nâng cao việc thực hiện pháp luật về quyền tác giả trong môi trường giáo dục đại học và thực tiễn cuộc sống.

Hội thảo có sự tham dự của TS. Nguyễn Xuân Quang – Phó trưởng khoa Luật Dân Sự, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; TS. Lê Thị Thúy Hương - Trưởng Phòng quản lý Nghiên cứu khoa học & Hợp tác quốc tế; TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc – Trưởng phòng Đào tạo sau đại học Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Thái Cường – Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ về Quyền sử dụng tự do tác phẩm Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và các chuyên gia về luật từ Đại học Sài Gòn, Đại học Cần Thơ, Đại học Kinh tế Luật, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Lao động xã hội, Đại học Văn Lang, Viện nghiên cứu, Công ty luật và các cơ quan chuyên trách.

Phát biểu khai mạc buổi hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Quang – Phó trưởng khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh khẳng định: Hội thảo được tổ chức trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị và mong muốn lắng nghe những ý kiến đóng góp của quý đại biểu tham dự nhằm cải thiện và phát triển Quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục.

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ các cơ sở đào tạo và đơn vị khác trên cả nước

TS. Nguyễn Xuân Quang – Phó trưởng khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP. HCM phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo bao gồm 02 phiên. Ở phiên hội thảo thứ nhất, có 03 bài tham luận được trình bày về các chủ đề như sau:

(i) Hành vi sao chép, trích dẫn tác phẩm tại các cơ sở giáo dục Đại học: Thực trạng quy định của pháp luật và giải pháp - PGS. TS. Vũ Thị Hồng Yến;

(ii) Một số suy nghĩ về quy tắc trích dẫn trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam - PGS. TS. Phan Trung Hiền – ThS. Nguyễn Thị Ngọc Tuyền;

(iii) Thực tiễn trích dẫn, sao chép trong các trường đại học tại Việt Nam dưới góc độ so sánh với một số trường đại học trên thế giới - ThS. Nguyễn Thị Khánh Ngân – ThS. Lê Hồ Trung Hiếu.

PGS. TS. Vũ Thị Hồng Yến trình bày đề tài nghiên cứu: “Hành vi sao chép, trích dẫn tác phẩm tại các cơ sở giáo dục Đại học: Thực trạng quy định của pháp luật và giải pháp”

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Tuyền giới thiệu chung về đề tài: “Một số suy nghĩ về quy tắc trích dẫn trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam” trước hội đồng

 

ThS. Nguyễn Thị Khánh Ngân đại diện trình bày đề tài: “Thực tiễn trích dẫn, sao chép trong các trường đại học tại Việt Nam dưới góc độ so sánh với một số trường đại học trên thế giới”

Tại phiên thảo luận đầu tiên, các chuyên gia đã trao đổi về những vấn đề còn tồn đọng như thực trạng sao chép, trích dẫn các đề tài NCKH tại các cơ sở đại học; đề xuất xây dựng quy tắc trích dẫn hợp lý trong nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nghiên cứu cũng như tạo văn hóa trích dẫn trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. 

Phiên hội thảo thứ hai được chủ trì bởi TS. Nguyễn Thái Cường triển khai trao đổi 04 bài tham luận sau:

(i) Quyền tự do sử dụng tác phẩm qua hành vi sao chép theo pháp luật của Pháp và Việt Nam - PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung, ThS. Ngô Minh Tín;

(ii) Cân bằng lợi ích giữa tác giả và người sử dụng trong hoạt động dịch vụ thông tin – thư viện tại các thư viện đại học ở Việt Nam - ThS. Bùi Thu Hằng, ThS. Vũ Nguyên Anh;

(iii) Xử lý hành vi vi phạm về sao chép, trích dẫn tác phẩm trong nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học - ThS. Nguyễn Thị Thu Sương;

(iv) Đề xuất cho pháp luật quyền tác giả tại Việt Nam về quyền tự do sử dụng tác phẩm trong hoạt động giảng dạy – Một số gợi ý nhìn từ Luật Bản quyền Singapore - ThS. Nguyễn Phan Khôi.

 

TS. Nguyễn Thái Cường - Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh chủ trì phiên thứ hai của buổi hội thảo

Trong phần nhận xét bài tham luận, TS. Nguyễn Thái Cường cho rằng qua thực tiễn áp dụng quyền sử dụng tại các cơ sở giáo dục đại học, cụ thể là thư viện đã áp dụng rất thành công phương pháp định lượng trong một khoảng thời gian khá dài mang lại sự đồng thuận từ phía xã hội. Vì thế, luật SHTT Việt Nam có thể theo sửa đổi theo hướng khẳng định phương pháp “định lượng” lúc này việc áp dụng sẽ rõ ràng hơn tránh tình trạng mỗi trường áp dụng một tỷ lệ khác nhau như hiện nay gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng.

TS. Nguyễn Thái Cường cũng ủng hộ mạnh mẽ đề xuất cần bổ sung mục đích học tập vào ngoại lệ của quyền sao chép trong luật sở hữu trí tuệ.

 

ThS. Bùi Thu Hằng – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trình bày về đề tài “Cân bằng lợi ích giữa tác giả và người sử dụng trong hoạt động dịch vụ thông tin – thư viện tại các thư viện Đại học ở Việt Nam”.

 

ThS. Nguyễn Phan Khôi – Bộ môn Luật tư pháp, Khoa Luật, Đại học Cần Thơ chia sẻ đề tài tham luận: “Đề xuất cho pháp luật quyền tác giả tại Việt Nam về Quyền tự do sử dụng tác phẩm trong hoạt động giảng dạy và một số gợi ý nhìn từ Luật bản quyền Singapore”

Ở phiên thảo luận này, các chuyên gia đã tán thành quan điểm về việc đề xuất giải pháp công nghệ đối với quy trình xử lý hành vi sao chép, trích dẫn không đầy đủ; việc xây dựng một quy chế thống nhất giữa các cơ sở đại học về sao chép, trích dẫn. TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc – Trưởng phòng Đào tạo sau đại học Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh về việc cần có những ý kiến, giải pháp cụ thể để giúp cho công việc giảng dạy và học tập ngày càng chất lượng. Đồng thời, nhận thức, ý thức và thực thi về quyền tác giả vẫn phải được đảm bảo. 

 

TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc – Trưởng phòng Đào tạo sau đại học Trường Đại học Luật Tp. HCM chia sẻ ý kiến về những giải pháp cụ thể trong công việc giảng dạy và học tập để đảm bảo việc thực thi quyền tác giả

 

Bà Phạm Thị Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả thảo luận trong buổi Hội thảo

Bài tham luận “Quyền sao chép tác phẩm theo pháp luật về quyền tác giả - nhìn từ thực tiễn tại các trường Đại học” của TS. Nguyễn Thái Cường – Khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật Tp.HCM; Chu Trường Giang và Nguyễn Thị Yến – Cao học Luật Kinh tế khóa 34 Trường Đại học Luật Tp.HCM đã nêu quan điểm: Trong thực tiễn hiện nay, các trường Đại học chưa có những quy định thống nhất trong cách áp dụng quy định của quyền sao chép tác phẩm trên thực tế. Thông qua bài viết đã có đề xuất những đề xuất về nội dung sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến sao chép tác phẩm.

Qua 07 bài tham luận, các chuyên gia đã thảo luận sôi nổi, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến về các vấn đề xoay quanh vấn đề về quyền tác giả, thực trạng hiện nay về sự sao chép, trích dẫn văn bản ở các cơ sở giáo dục đại học. Từ đó, các tác giả tiếp thu ý kiến nhằm đưa ra các giải pháp cụ thể để đảm bảo việc sao chép, trích dẫn văn bản ở người học, giúp cho quyền sở hữu trí tuệ trong ngành giáo dục được nâng cao và phát triển hiệu quả.

Cuối buổi hội thảo, TS. Nguyễn Thái Cường đã phát biểu ghi nhận các đóng góp của những vị chuyên gia và tuyên bố bế mạc hội thảo. 

 

Nội dung: Nhã Tuyền, Thùy Linh

Hình ảnh: Diễm Quỳnh

Ban Truyền thông Ulaw

 

--%>
Top