Hội thảo khoa học trực tuyến “Kinh nghiệm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kinh tế”

Đối với các khoa chuyên môn ở một trường đại học, giảng dạy và nghiên cứu khoa học là các hoạt động trọng tâm và có vai trò hết sức quan trọng. Nhận thức tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học đối với sự phát triển của Khoa và đóng góp vào sự phát triển của Nhà trường, thời gian qua, tập thể Khoa Quản trị - Trường Đại học Luật TP.HCM đã không ngừng nỗ lực để thúc đẩy sự phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhằm mục đích nhìn nhận, đánh giá thực trạng hoạt động NCKH của Khoa trong thời gian qua và định hướng phát triển trong thời gian tới, đồng thời tạo diễn đàn để giảng viên của khoa có cơ hội giao lưu, trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học, Khoa Quản trị đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Kinh nghiệm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kinh tế" dưới hình thức trực tuyến qua phần mềm Zoom từ 8h00 – 12h00 ngày 28/7/2021.


Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tuyến qua phần mềm Zoom

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thuỷ - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Quản trị Trường Đại học Luật TP.HCM nhấn mạnh về việc tập thể lãnh đạo và thầy cô Khoa Quản trị luôn xem nghiên cứu khoa học là hoạt động trọng tâm và luôn nỗ lực đầu tư cho hoạt động này. Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Thị Thủy bày tỏ mong muốn Hội thảo “Kinh nghiệm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kinh tế” sẽ đem tới một cái nhìn tổng quan, sinh động từ lý thuyết, phương pháp nghiên cứu đến thực nghiệm ứng dụng.

Ban chủ toạ điều hành Hội thảo bao gồm: PGS.TS Nguyễn Thị Thuỷ - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Quản trị, Trường Đại học Luật TP.HCM; NCS.ThS. Lê Hoàng Phong - Phó Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính – Kế toán Khoa Quản trị, Trường Đại học Luật TP.HCM và TS. Ngô Thái Hưng – Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Tài chính – Marketing.

Hội thảo được diễn ra với 08 bài tham luận xoay quanh các vấn đề về Thực trạng và định hướng phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên Khoa Quản trị đến năm 2030; Chọn đề tài trong nghiên cứu thực nghiệm; Bàn về tính mới trong nghiên cứu khoa học; Phương pháp thu thập dữ liệu trong nghiên cứu khoa học; Trình bày bài báo khoa học theo hướng định lượng trong lĩnh vực kinh tế; Viết và trình bày bài báo khoa học để xuất bản trên các tạp chí quốc tế uy tín; Quy trình quản lý, bình duyệt bài viết của các tạp chí uy tín quốc tế và lưu ý quan trọng cho tác giả; Phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong công bố quốc tế khối khoa học xã hội.

Mở đầu phiên tham luận, PGS.TS Nguyễn Thị Thuỷ đã trình bày về thực trạng và định hướng phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên Khoa Quản trị đến năm 2030. Theo đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của các giảng viên trong Khoa đã có sự phát triển đáng kể về cả số lượng lẫn chất lượng kể từ lúc được thành lập đến nay. Nếu như từ năm 2014 trở về trước, khoa không có bài báo nào thì từ năm 2017 trở đi, trung bình mỗi năm có đến 20 – 25 bài báo được công bố. Trong giai đoạn 2017-2020 chứng kiến sự phát triển quan trọng về số lượng và chất lượng công bố khoa học với 81 bài báo được đăng, trong đó có 21 bài báo đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế. Năm 2017, Khoa có 15 bài báo được xuất bản trong nước. Đặc biệt, trong năm 2018 có 03 bài báo đăng trên các tạp chí thuộc danh mục Scopus (trong đó có 01 bài báo đăng trên tạp chí nằm trong nhóm 25% tạp chí tốt nhất (Q1) thuộc danh mục Scopus). Năm 2019, khoa có 25 bài báo, trong đó có 11 bài quốc tế. Năm 2020, Khoa Quản trị có 14 bài báo. Đặc biệt, năm 2020 khoa có 07 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus, trong đó có đến 03 bài báo vừa thuộc danh mục ISI (SCI & SCIE; ESCI) vừa thuộc danh mục Scopus (xếp hạng cao nhất, Q1); 02 bài báo quốc tế thuộc danh mục Scopus (xếp hạng Q2) và 02 Bài báo quốc tế Scopus (xếp hạng Q3). Qua đó, PGS.TS Nguyễn Thị Thuỷ khẳng định Khoa Quản trị sẽ không ngừng nỗ lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy để có những đóng góp cho Nhà trường nói riêng và nền kinh tế nói chung.

PGS.TS Nguyễn Thị Thuỷ chia sẻ về sự phát triển đáng khích lệ trong số lượng và chất lượng bài báo nghiên cứu khoa học của Khoa Quản trị

Với phần tham luận “Chọn đề tài trong nghiên cứu thực nghiệm”, TS. Ngô Thái Hưng – Khoa Kinh tế - Luật trường Đại học Tài chính – Marketing đã có những chia sẻ rất quý báu về cách tiếp cận và lựa chọn đề tài để nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm của bản thân.

Theo TS. Ngô Thái Hưng, chọn đề tài là một bước khởi đầu cơ bản nhưng cũng rất quan trọng trong việc bài viết được đăng trên các tạp chí uy tín

Đào sâu về vấn đề “tính mới” trong nghiên cứu khoa học, TS. Lương Công Nguyên – giảng viên Khoa Quản trị, Trường Đại học Luật TP.HCM chia sẻ với Hội thảo góc nhìn toàn diện về tính mới trong nghiên cứu khoa học, cách nhận biết và tìm ra tính mới cũng như làm sao để thể hiện tính mới một cách nổi bậc thông qua bài tham luận với chủ đề “Bàn về tính mới trong nghiên cứu khoa học”.


“Tính mới” trong nghiên cứu khoa học được TS. Lương Công Nguyên nhấn mạnh là “mấu chốt” của một bài viết thành công

Bên cạnh đề tài, dữ liệu để phục vụ cho bài viết là một khía cạnh quan trọng không kém. Thông qua tham luận “Phương pháp thu thập dữ liệu trong nghiên cứu khoa học” của TS. Nguyễn Minh Đạt và ThS.Vũ Đức Nghĩa Hưng – giảng viên Khoa Quản trị, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổng hợp một số nghiên cứu liên quan đến phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp cũng như thứ cấp phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam, cung cấp một số thông tin cũng như lưu ý khi thực hiện các phương pháp thu thập dữ liệu trong quá trình thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học hay một bài viết nghiên cứu khoa học.

TS. Nguyễn Minh Đạt với tham luận “Phương pháp thu thập dữ liệu trong nghiên cứu khoa học”

NCS.ThS. Nguyễn Bá Hoàng – giảng viên Khoa Quản trị, Trường Đại học Luật TP.HCM với tham luận “Trình bày bài báo tiếp cận theo hướng định lượng trong lĩnh vực kinh tế” đã chia sẻ về cấu trúc bài báo, quy định về thể lệ trình bày nhằm đáp ứng các yêu cầu cơ bản để gửi đăng trên các tạp chí chuyên ngành kinh tế ở Việt Nam.

Để viết bài báo khoa học xuất bản trên các tạp chí quốc tế có uy tín như ISI/Scopus, bên cạnh các yếu tố như phương pháp nghiên cứu phù hợp, cơ sở lý thuyết vững chắc, dữ liệu đáng tin cậy và kết quả ấn tượng, việc tuân thủ bố cục chung của một bài báo và nắm rõ những gì cần được trình bày trong từng phần khác nhau đóng vai trò rất quan trọng. Tham luận “Viết và trình bày bài báo khoa học để xuất bản trên các tạp chí quốc tế uy tín đã cung cấp một số kinh nghiệm viết và trình bày một bài báo khoa học của NCS.ThS. Lê Hoàng Phong và NCS.ThS. Hồ Hoàng Gia Bảo giảng viên Khoa Quản trị, Trường Đại học Luật TP.HCM.


“Việc tuân thủ bố cục chung của một bài báo và nắm rõ những gì cần được trình bày trong từng phần khác nhau đóng vai trò rất quan trọng” - NCS.ThS.Hồ Hoàng Gia Bảo

NCS.ThS. Lê Hoàng Phong cũng có những chia sẻ về quy trình quản lý, bình duyệt bài viết của các tạp chí uy tín quốc tế và lưu ý quan trọng cho tác giả. Từ đó, giúp các tác giả hiểu rõ sự vận hành trong quy trình quản lý và bình duyệt bài viết của các tạp chí uy tín quốc tế cũng như những chiến thuật để làm hài lòng biên tập viên và người phản biện cũng giúp ích trong việc tìm kiếm giải pháp gia tăng khả năng bài viết được chấp nhận.

Hội thảo kết thúc với tham luận “Phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong công bố quốc tế khối khoa học xã hội” với phần trình bày của TS. Nguyễn Vĩnh Khương – giảng viên Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM. Qua đó, tham luận kiến nghị để xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh trong điều kiện tương thích của từng trường, góp phần đạt được mục tiêu và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu của khối ngành khoa học xã hội.

Kết luận hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thuỷ khẳng định Hội thảo khoa học “Kinh nghiệm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kinh tế” thực sự là một cơ hội quý giá để các giảng viên khoa Quản trị, quý vị khách mời, các bạn sinh viên tích luỹ được các kinh nghiệm và định hướng về nghiên cứu khoa học trong tương lai. Bên cạnh đó, hội thảo cũng là tiền đề quan trọng thúc đẩy những hoạt động nghiên cứu liên ngành giữa các khoa trong nhà trường và giữa Trường Đại học Luật TP.HCM với các cơ sở đào tạo khác. Cuối cùng, hội thảo cũng khẳng định, bên cạnh việc thúc đẩy các nghiên cứu hàn lâm mang tính học thuật, cũng cần tăng cường các nghiên cứu mang tính ứng dụng cao trong thực tiễn hoặc hướng đến sự kết hợp giữa các nghiên cứu theo hướng hàn lâm và thực tiễn nhằm mang lại những giá trị thiết thực cho nhà trường và xã hội.

Hội thảo diễn ra sôi nổi xoay quanh các vấn đề được trình bày trong các bài tham luận. Những chia sẻ, quan điểm, thảo luận của các giảng viên, chuyên gia là những bài học kinh nghiệm bổ ích về hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kinh tế nói riêng và nghiên cứu khoa học nói chung. Sự thành công tốt đẹp của Hội thảo cũng là những nỗ lực rất đáng trân trọng của tập thể Khoa Quản trị với mong muốn đóng góp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy của Nhà trường.


Hội thảo có sự tham gia của các giảng viên, chuyên gia trong và ngoài trường

Nội dung: Phương Thảo

Hình ảnh: Lê Tiến

Ban Truyền thông Ulaw

 

 

 

 

 

 

--%>
Top