Hội thảo khoa học trong khuôn khổ đề tài NCKH cấp Bộ "Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông: Những hạn chế trong quy định, thực tiễn áp dụng pháp luật và giải pháp khắc phục"

Vào ngày 13/03/2024, nhóm nghiên cứu đã tổ chức Hội thảo khoa học trong khuôn khổ đề tài NCKH cấp Bộ "Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông: Những hạn chế trong quy định, thực tiễn áp dụng pháp luật và giải pháp khắc phục" do Pgs. Ts. Nguyễn Thị Phương Hoa làm chủ nhiệm. Buổi Hội thảo được tổ chức thông qua hình thức trực tiếp tại Phòng A.905 Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh kết hợp trực tuyến thông qua nền tảng Zoom.

Khoa học - công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng, trên thực tế, đã trở thành nền tảng cho sự phát triển của đất nước và ngày càng trở nên then chốt trong nhiều hoạt động xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển là những hành vi tiêu cực, đe dọa sự an toàn trong sử dụng công nghệ thông tin, mạng viễn thông ở trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang ngày càng nghiêm trọng. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề tài cấp Bộ tổ chức Hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận về những vấn đề cần hoàn thiện cho các chuyên đề trong đề tài cấp Bộ và đóng góp ý kiến để xây dựng chuyên đề về giải pháp khắc phục các hạn chế trong quy định của BLHS và thực tiễn áp dụng pháp luật về các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông.

Hội thảo khoa học cấp Bộ “Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông: Những hạn chế trong quy định, thực tiễn áp dụng pháp luật và giải pháp khắc phục" trực tiếp tại Phòng họp A905 cơ sở Nguyễn Tất Thành

Hội thảo đón nhận sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của đông đảo đại biểu là các chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp hình sự, các nhà hoạt động thực tiễn như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư và nhiều chuyên gia đang giảng dạy, nghiên cứu trong các cơ sở đào tạo pháp luật cũng như học viên, sinh viên Nhà trường.

Về phía đại diện trường Đại học Luật TP.HCM có PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa – Chủ nhiệm đề tài, Trưởng Khoa Luật Hình sự; TS. Phạm Thái - Phó Trưởng Khoa Luật hình sự, TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng - Trưởng Bộ môn Luật Hình sự.

Về phía các nhà khoa học, các đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục có sự tham dự của ThS. Vũ Xuân Nhuệ - Trưởng phòng 7 - VKSND TP.HCM; ThS. Nguyễn Lương Y - Điều tra viên Công an quận Bình Thạnh; ông Lê Tuấn Kiệt - KSV VKSND Huyện Dương Minh Châu - Tây Ninh; ông Võ Tuấn Anh - Thẩm phán TAND thị xã Trảng Bàng - Tây Ninh; ông Phạm Văn Thanh - KSV VKSND Quận 12; NCS Ngô Thị Quỳnh Trang - Giảng viên Trường Đại học Cảnh sát.

Về phía các đại biểu tham dự trực tuyến (qua nền tảng Zoom) có sự tham dự của PGS.TS. Đặng Trần Khánh - Trường Đại học Bách khoa; TS. Lê Nguyên Chất - Giảng viên Khoa Luật của Trường Canterbery (New Zealand).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng khoa Luật Hình sự trường Đại học Luật TP.HCM nhấn mạnh công nghệ thông tin và viễn thông trong thế kỷ XXI hiện nay đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với mỗi cá nhân cũng như toàn bộ quá trình phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Tuy nhiên, những hành vi nguy hiểm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông ngày càng đa dạng, phức tạp, không chỉ dừng lại ở hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn có những hành vi khác như xâm phạm bí mật cá nhân, hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm,...Trước thực tiễn đó, BLHS Việt Nam năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung quy định về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, song những quy định hiện hành và thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, thông qua đó, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa hy vọng buổi hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, giảng viên, sinh viên chia sẻ, trao đổi ý kiến và tiếp thu kiến thức, từ đó đưa ra giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa – Chủ nhiệm đề tài, Trưởng khoa Luật Hình sự trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu khai mạc hội thảo

Buổi hội thảo được chia làm 02 phiên với 05 bài tham luận chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Đồng thời, các chuyên gia tiến hành thảo luận sôi nổi sau mỗi phiên trình bày nhằm làm rõ các vấn đề lý luận, thực tiễn và nghiên cứu, những hạn chế còn tồn đọng trong quá trình áp dụng pháp luật. Từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục.

Hội thảo khoa học trong khuôn khổ đề tài NCKH cấp Bộ "Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông: Những hạn chế trong quy định, thực tiễn áp dụng pháp luật và giải pháp khắc phục" được tiến hành dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa – Chủ nhiệm đề tài.

Đến với bài tham luận đầu tiên “Quy định của các điều ước quốc tế về tội phạm công nghệ thông tin và kinh nghiệm cho Việt Nam” của TS. Trần Thanh Thảo, tác giả phân tích chi tiết một số Công ước quốc tế quy định về tội phạm công nghệ thông tin được ký kết bởi nhiều quốc gia trên thế giới nhằm xác định rõ các chuẩn mực quốc tế hiện nay về tội phạm công nghệ thông tin, từ đó rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện quy định pháp luật hình sự về nhóm tội phạm này.

TS.Trần Thanh Thảo trình bày tham luận “Quy định của các điều ước quốc tế về tội phạm công nghệ thông tin và kinh nghiệm cho Việt Nam”

Tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa đã đại diện nhóm tác giả gồm PGS.TS. Đặng Trần Khánh và TS. Lê Nguyên Thanh thực hiện báo cáo về đề tài “Sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng viễn thông và những vấn đề đặt ra đối với quy định của luật hình sự”. Hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin viễn thông đã đạt được những thành tựu to lớn, ảnh hưởng trên diện rộng, xâm nhập vào nhiều lĩnh vực của đời sống. Nhóm tác giả đã tóm tắt sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng viễn thông và các ứng dụng trong lĩnh vực viễn thông và liên lạc thông tin, tài chính, thương mại điện tử, giao thông đường bộ, y khoa... Từ đó, nhóm tác giả chỉ ra những vấn đề quan ngại, mặt trái của các ứng dụng trên, những hành vi nguy hiểm cho xã hội và thiệt hại mà tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông gây ra.

PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa đại diện nhóm tác giả PGS.TS Đặng Trần Khánh và TS. Lê Nguyên Thanh thực hiện báo cáo về đề tài “Sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng viễn thông và những vấn đề đặt ra đối với quy định của luật hình sự”

Tiếp theo buổi hội thảo, nhóm tác giả TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng và PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa trình bày tham luận về “Quy định của luật hình sự một số nước về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông và kinh nghiệm cho Việt Nam”. Trong đó, tham luận đã dẫn chiếu đến những quy định của Luật hình sự Trung Quốc, Bộ luật Hình sự Canada, Bộ luật hình sự Liên bang Úc, Bộ tổng luật Hoa Kỳ về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, từ đó nhìn nhận và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm cho Việt Nam. Trên thực tế khi các quy định của LHS về tội phạm truyền thống, các tội phạm mạng, tội phạm tin học, tội phạm máy tính,...ngày càng mở rộng hơn về phạm vi đối tượng tác động, hành vi, hậu quả và chủ thể, nhóm tác giả đã so sánh các điểm tương đồng và khác biệt về nguồn luật, dấu hiệu khách quan, chủ quan, chủ thể và quy định về hình phạt của các tội phạm mạng theo quy định của các quốc gia trên thế giới với quy định của LHS Việt Nam. Từ đó tham khảo kinh nghiệm quy định của các nước trong quá trình hoàn thiện quy định của BLHS 2015 về các tội phạm này.

TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng - Giảng viên Khoa Luật Hình sự Nhà trường đại diện nhóm tác giả trình bày tham luận “Quy định của luật hình sự một số nước về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông và kinh nghiệm cho Việt Nam”

ThS. Vũ Xuân Nhuệ - Trưởng phòng 7 - VKSND TP.HCM chia sẻ về những bất cập, hạn chế từ kinh nghiệm xét xử các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông trên thực tiễn

ThS. Nguyễn Lương Y - Điều tra viên Công an quận Bình Thạnh chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn khi điều tra các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông

Bài tham luận về chủ đề “Thực tiễn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự trong xác định khách thể, đối tượng tác động của tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông và những hạn chế” của TS. Trần Thanh Thảo đã xác định những bất cập trong quy định của pháp luật về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông từ khi BLHS 2015 được ban hành. Trong đó việc xác định các dấu hiệu về khách thể, đối tượng tác động của tội phạm còn sai sót nên dẫn đến thực trạng định tội danh không chính xác và thống nhất giữa các địa phương khác nhau. Trên cơ sở xác định những hạn chế còn tồn đọng trong thực tiễn áp dụng pháp luật, tác giả đề xuất những giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông.

Tham luận “Thực tiễn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự trong xác định khách thể, đối tượng tác động của tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông và những hạn chế” do TS. Trần Thanh Thảo - Giảng viên Bộ môn Luật Hình sự Nhà trường trình bày

Đến với Hội thảo, nhóm tác giả PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Khoa Luật Hình sự Nhà trường và TS. Lê Nguyên Thanh - Trưởng Bộ môn Tội phạm học trình bày chủ đề “Thực tiễn xác định chủ thể của tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông và những hạn chế”. Theo nhóm tác giả, việc phân tích và đánh giá thực tiễn áp dụng pháp luật về tội phạm trong lĩnh vực CNTTVT là một hoạt động cần thiết và quan trọng để phát hiện ra những hạn chế còn tồn tại trong quy định của BLHS cũng như thực tiễn xử lý tội phạm. Từ đó xác định những vấn đề cần phải giải quyết đối với việc hoàn thiện quy định của BLHS và đảm bảo tính đúng đắn, thống nhất trong áp dụng pháp luật đối với nhóm tội phạm này.

Tham luận “Thực tiễn xác định chủ thể của tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông và những hạn chế” do TS.Lê Nguyên Thanh - Trưởng Bộ môn Tội phạm học Nhà trường trình bày

Các chuyên gia, giảng viên, sinh viên chụp hình lưu niệm tại Hội thảo

Bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Khoa Luật Hình sự Nhà trường cho biết những ý kiến đóng góp tại buổi hội thảo đã làm sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Từ đó, những thông tin, trao đổi tại hội thảo là nền tảng để nhóm nghiên cứu tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện các chuyên đề trong đề tài cấp Bộ. Đồng thời, các ý kiến của các chuyên gia có thể được cân nhắc trong thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động áp dụng pháp luật, khắc phục những hạn chế trong quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến vấn đề tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông.

Nội dung: Thuỳ Linh

Hình ảnh: Khánh Linh

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top