Hội thảo khoa học "Quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và một số quốc gia"

Trong những năm gần đây, số lượng người lao động nước ngoài tại Việt Nam cũng như số lượng người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài không ngừng gia tăng, đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp để điều chỉnh. Nhằm nghiên cứu và đưa ra một số kiến định về pháp luật Việt Nam đối với vấn đề lao động, đặc biệt là quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài, sáng ngày 23/4/2022 vừa qua, Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học "Quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và một số quốc gia" tại Trường Đại học Luật TP.HCM, phòng họp A.905 cơ sở Nguyễn Tất Thành.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến thông qua phần mềm Zoom. Ban Chủ tọa điều hành Hội thảo gồm PGS.TS. Trần Việt Dũng - Trưởng Khoa Luật Quốc tế (Trường Đại học Luật TP.HCM), TS. Phan Hoài Nam - Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế (Trường Đại học Luật TP.HCM), ThS. Nguyễn Lê Hoài - Giảng viên Khoa Luật Quốc tế (Trường Đại học Luật TP.HCM). Ngoài ra, Hội thảo còn thu hút đông đảo các tác giả, các nhà nghiên cứu và làm luật, giảng viên các khoa cùng sinh viên quan tâm về chủ đề đến tham dự.

Hội thảo gồm 02 phiên với 07 bài tham luận. Phiên thứ nhất gồm 04 bài tham luận về pháp luật quốc tế và một số quốc gia về lao động có yếu tố nước ngoài. Bài tham luận thứ nhất về vấn đề “Quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài dưới góc nhìn của Tư pháp quốc tế” của TS. Phan Hoài Nam đã đặt ra các vấn đề pháp lý như đối tượng điều chỉnh, xác định pháp luật áp dụng, xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong các vụ án lao động có yếu tố nước ngoài, vấn đề công nhận và cho thi hành đối với các bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài. Bài tham luận đã gợi mở các vấn đề về pháp lý cần được giải quyết về quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài trong tư pháp quốc tế Việt Nam hiện nay, mang tính tham khảo cao đối với các diễn giả trong việc nghiên cứu và thảo luận.

Tham luận “Quyền tự do hiệp hội của người lao động dưới góc nhìn so sánh giữa Công ước 87 của Tổ chức Lao động quốc tế và Việt Nam” của ThS. Võ Hưng Đạt - Giảng viên Khoa Luật Quốc tế (Trường Đại học Luật TP.HCM) đã đưa ra một số điểm khác biệt trong quy định về quyền tự do hiệp hội của người lao động, thành lập tổ chức đại diện người lao động của Bộ luật Lao động năm 2019 so với Công ước số 87 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), từ đó chỉ ra những điểm chưa phù hợp của pháp luật Việt Nam về quyền tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp cũng như các quy định về Công đoàn cơ sở. Bài tham luận được Ban Chủ tọa đánh giá tốt về mặt thực tiễn. Trên thực tế, Việt Nam vẫn đang tiếp tục xem xét phê chuẩn Công ước 87. Nghiên cứu của ThS. Võ Hưng Đạt đã chỉ ra các lợi thế và ưu điểm khi Việt Nam phê chuẩn Công ước 87, mang giá trị tham khảo để tiến hành phê chuẩn và nội luật hóa Công ước 87 trong tương lai.

Theo ThS. Võ Hưng Đạt - Giảng viên Khoa Luật Quốc tế (Trường Đại học Luật TP.HCM), Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 sẽ đảm bảo hơn nữa các quyền của người lao động, nhất là quyền tự do hiệp hội để đảm bảo các lợi ích chính đáng

Hai bài tham luận “Một số góc nhìn về pháp luật lao động có yếu tố nước ngoài tại Vương quốc Anh và giá trị tham khảo cho Việt Nam” của ThS. Lê Xuân Tùng (Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp), ThS. Luật sư tập sự Đặng Ngọc Mỹ Tiên (Công ty Luật TNHH EPLegal) và “Quan hệ cho thuê lại lao động có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Trung Quốc - Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam” của ThS. Nguyễn Thị Kim Duyên - Giảng viên Khoa Luật Quốc tế (Trường Đại học Luật TP.HCM) - đều được đánh giá cao. Các bài tham luận đều chỉ ra các điểm tiến bộ của pháp luật nước ngoài trong các quy định pháp luật và thực tiễn xét xử, giải quyết vụ việc, từ đó đề ra các kiến nghị để hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong các vấn đề tương tự. 

Đặc biệt, bài tham luận của ThS. Lê Xuân Tùng và ThS. Luật sư tập sự Đặng Ngọc Mỹ Tiên nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của các diễn giả, chuyên gia tham dự Hội thảo. Nghiên cứu dựa trên một hệ thống pháp luật khác biệt với hệ thống pháp luật tại Việt Nam để chỉ ra các tiến bộ có thể học hỏi được từ Vương quốc Anh từ các chính sách của Chính phủ về quản lý người lao động nước ngoài, theo đó Việt Nam có thể học hỏi, áp dụng một số biện pháp phù hợp với tình hình trong nước. 

Tham luận “Một số góc nhìn về pháp luật lao động có yếu tố nước ngoài tại Vương quốc Anh và giá trị tham khảo cho Việt Nam” của ThS. Lê Xuân Tùng và ThS. Luật sư tập sự Đặng Ngọc Mỹ Tiên đã chỉ ra các điểm mạnh trong chính sách quản lý lao động nhập cư của Vương quốc Anh, từ đó Việt Nam có thể học hỏi, áp dụng

Phiên tham luận thứ hai gồm 03 bài tham luận về vấn đề pháp luật Việt Nam về quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài. Bài tham luận “Đánh giá những sửa đổi của Bộ luật Lao động năm 2019 về hợp đồng lao động đối với người nước ngoài tại Việt Nam dưới góc độ thực tiễn” của ThS. GVC. Nguyễn Thị Yên - Phó trưởng Bộ môn - Phụ trách Bộ môn Luật Quốc tế (Trường Đại học Văn Lang) và ThS. Lê Hồ Trung Hiếu - Giảng viên Khoa Luật (Trường Đại học Văn Lang) đã chỉ ra những điểm mới tích cực của Bộ luật Lao động năm 2019 về các vấn đề giao kết hợp đồng lao động với người nước ngoài, giấy phép lao động, chuyển hóa hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, v.v. Theo đánh giá của các tác giả, những thay đổi này này góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng, góp phần thu  hút lao động nước ngoài chất lượng cao.

Bài tham luận “Quản lý người lao động nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam” do ThS. Nguyễn Đào Phương Thúy - Giảng viên Khoa Luật Quốc tế (Trường Đại học Luật TP.HCM) và ThS. Nguyễn Phương Ân - Giảng viên Khoa Luật Dân sự (Trường Đại học Luật TP.HCM) thực hiện và tham luận “Thủ tục xin giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam” của Luật sư Nguyễn Thị Minh Khoa - Giám đốc Công ty Luật TNHH K&Assosiates - đã nêu lên thực trạng và những bất cập về việc cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam. Từ đó đưa ra những kiến nghị, giải pháp hoàn thiện chính sách, thủ tục và quy định pháp luật về vấn đề này. 

ThS. Nguyễn Phương  Ân - Giảng viên Khoa Luật Dân sự (Trường Đại học Luật TP.HCM) đã nêu lên thực trạng người nước ngoài lao động “chui” tại Việt Nam và các kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật

Với tham luận của mình, ThS. Nguyễn Phương Ân kiến nghị, cần phải thay đổi các quy định pháp luật liên quan đến việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm các công việc phổ thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tuyển dụng lao động phù hợp với nhu cầu và gia tăng kiểm tra, kiểm soát luồng lao động nước ngoài nhập cư vào Việt Nam. Về vấn đề thủ tục cấp giấy phép lao động, Luật sư Nguyễn Thị Minh Khoa cho rằng, cần phải xác định lại thẩm quyền cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài để phù hợp với thực tiễn, quy trình cấp cần phải có sự linh hoạt hơn và tạo điều kiện hơn cho người lao động nước ngoài khi xin cấp lại giấy.

Tại các phiên thảo luận, Ban Chủ tọa cùng các chuyên gia tham dự đã tiến hành tranh luận, trao đổi cùng các diễn giả đã trình bày nghiên cứu của mình tại phiên thứ nhất. Các chuyên gia cũng đã chia sẻ thêm những trải nghiệm thực tế khi tham gia các vụ việc liên quan đến quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài và các vướng mắc về pháp luật. Ngoài ra, ThS. LS. Kiều Anh Vũ đã đặt các câu hỏi liên quan đến đề tài mà các diễn giả trình bày, như pháp luật cần quy định như thế nào nếu Việt Nam đồng thời tham gia Công ước 87 và Hiệp định thương mại tự do (FTA)? (Bài tham luận số 2), các vấn đề liên quan đến kéo dài thời hạn hợp đồng lao động (bài tham luận số 3), v.v.

Ban Chủ tọa lắng nghe các tác giả trình bày tham luận và đưa ra các nhận xét, đánh giá

ThS. Lê Hồ Trung Hiếu - Giảng viên Khoa Luật (Trường Đại học Văn Lang) lắng nghe phần góp ý và phản biện của các khách mời tham dự tại phiên thảo luận

ThS. Nguyễn Thị Kim Duyên - Giảng viên Khoa Luật Quốc tế (Trường Đại học Luật TP.HCM) ghi nhận những góp ý của Ban Chủ tọa và các chuyên gia

Ban Chủ tọa đánh giá cao những nghiên cứu của các tác giả về các vấn đề pháp lý xoay quanh quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. TS. Phan Hoài Nam cho rằng, các bài tham luận đều có giá trị tham khảo cao, đánh giá đúng thực tiễn tại Việt Nam. Hội thảo khoa học "Quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và một số quốc gia" không chỉ là diễn đàn để các học giả, các nhà nghiên cứu pháp luật và làm luật thảo luận mà còn đem lại giá trị tham khảo để sửa đổi các quy định pháp luật Việt Nam trong tương lai, góp phần thúc đẩy các nguồn lực lao động Việt Nam phát triển.

Ban Chủ tọa Hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng các tác giả và giảng viên, sinh viên tham dự

Nội dung: Cẩm Tú

Hình ảnh: Lệ Huyền

Ban Truyền thông Ulaw


--%>
Top