Sáng ngày 20/06/2024, tại phòng họp A. 905 - Cơ sở Nguyễn Tất Thành, Khoa Khoa học Cơ bản Trường Đại học Luật TP. HCM đã tổ chức hội thảo Khoa học cấp Khoa về chủ đề “Đổi mới hoạt động giảng dạy các môn Khoa học Cơ bản phù hợp chuẩn đầu ra tại Trường Đại học Luật TP. HCM”.
Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng khoa Khoa học Cơ bản; ThS. Trần Ngọc Anh - Trưởng bộ môn Lý luận chính trị; ThS. Phạm Văn Dinh - Trưởng bộ môn Tâm lý văn hoá xã hội học; ThS. Phạm Thị Minh Hải - Trưởng bộ môn Kỹ năng tư duy và ngôn ngữ cùng các thầy cô là giảng viên khoa Khoa học Cơ bản.
Toàn cảnh Hội thảo tại phòng họp A.905 - Cơ sở Nguyễn Tất Thành
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Hải - Phó trưởng khoa KHCB cho biết chuẩn đầu ra là quy định bắt buộc của chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (Điều 5 Thông tư 17/2011/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 6 năm 2021). Vì vậy, đổi mới hoạt động giảng dạy đáp ứng chuẩn đầu ra học phần, chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của Trường Đại học Luật TP. HCM là một trong những cơ sở quan trọng để giảng viên xây dựng phương pháp giảng dạy phù hợp, đánh giá năng lực người học đạt được sau khi tốt nghiệp. Đây chính là cam kết đối với người học, với thị trường sử dụng lao động và toàn xã hội nhằm khẳng định uy tín của Nhà trường trong hoạt động đào tạo. TS. Nguyễn Thanh Hải mong rằng, Hội thảo sẽ là cơ hội để xây dựng, tăng cường chất lượng chuẩn đầu ra phù hợp cho các bộ môn thuộc Khoa KHCB thông qua việc giải quyết các vấn đề bất cập đang còn tồn đọng, triển khai một số giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.
TS. Nguyễn Thanh Hải - Phó trưởng Khoa KHCB phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo tập hợp 16 bài tham luận của các giảng viên, chuyên gia. Các bài tham luận có nội dung xoay quanh những vấn đề trọng tâm bao gồm: (1) Chuẩn đầu ra và phương pháp giảng dạy đối với khoa Khoa học Cơ bản nói chung; (2) Tìm hiểu, xác định, đề xuất những phương án giảng dạy; (3) Trao đổi, trình bày quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học. Qua quá trình làm việc nghiêm túc, khách quan, ban chuyên môn Hội thảo đã thống nhất lựa chọn 10 bài trong số 16 bài tham luận để trình bài tại Hội thảo với 3 phiên làm việc.
Mở đầu phiên làm việc thứ nhất, bài tham luận được trình bày bởi ThS. Phạm Văn Dinh với tiêu đề “Chuẩn đầu ra và quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy theo chuẩn đầu ra của các môn học tại Khoa KHCB trường ĐH Luật TP. HCM”. Theo đó, tác giả đã đánh giá khách quan việc xây dựng chuẩn đầu ra của các môn học căn cứ vào các yếu tố kiến thức, kỹ năng và thái độ/mức tự chủ và trách nhiệm. Tuy nhiên trên thực tế, mục tiêu chuẩn đầu ra vẫn còn một số điểm chưa phù hợp với yêu cầu mà Bộ GD&ĐT đã triển khai theo Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT như việc xây dựng chuẩn đầu ra vẫn còn mang tính hình thức tương đối. Nhiệm vụ đặt ra tại tham luận là phải làm sao để việc xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp với thực tế khách quan và tổ chức thực hiện khi kết hợp các yếu tố như kiến thức, thái độ và kỹ năng của sinh viên.
ThS. Phạm Văn Dinh trình bày bài tham luận về chuẩn đầu ra và quá trình tổ chức thực hiện giảng dạy theo chuẩn đầu ra đối với các môn trong bộ môn Khoa học Cơ bản
Tiếp nối bài tham luận đầu tiên, TS. Trần Thị Mỹ Hạnh trình bày tham luận “ Đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy, học tập các môn KHCB theo chuẩn đầu ra”. Trong bài tham luận, TS. Trần Thị Mỹ Hạnh cho rằng các môn KHCB có tính trừu tượng hóa cao, khối lượng kiến thức lớn và luôn được cập nhật và phát triển trên nhiều phương diện. Vấn đề này đặt ra yêu cầu giảng viên phải luôn không ngừng nỗ lực để truyền tải đầy đủ kiến thức cho sinh viên. Vì vậy, tác giả đã đề xuất hai phương pháp đổi mới là dạy học dựa trên vấn đề và dạy học chủ động với nội dung chủ yếu điều chỉnh vai trò giảng viên từ vị trí trung tâm sang hỗ trợ cho hoạt động học tập, cho sinh viên biết họ đang học gì và phải học như thế nào.
TS. Trần Thị Mỹ Hạnh triển khai hai phương pháp dạy học dựa trên vấn đề và dạy học chủ động
Bài tham luận thứ ba với chủ đề “Đề xuất một số phương pháp giảng dạy các học phần Khoa KHCB đáp ứng chuẩn đầu ra trong chương trình đào tạo Trường ĐH Luật TP. HCM” của TS. Lê Thị Thuý Hằng. Trên cơ sở Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ Giáo dục & Đào tạo, CĐR của CTĐT là một trong những yêu cầu quan trọng khẳng định sự tương thích với mục tiêu đào tạo, đánh giá chất lượng đào tạo, vai trò người học,… và nhu cầu nhân lực đối với bên sử dụng lao động, thị trường lao động của cơ sở đào tạo. Tác giả đã đề xuất những phương pháp giảng dạy như phương pháp nghiên cứu trường hợp; dạy học theo dự án; phiên tòa giả định; phương pháp phát vấn;... để đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra đối với các môn thuộc Khoa KHCB Trường Đại học Luật TP. HCM nhằm giúp người học đạt chuẩn đầu ra và nhu cầu của các bên liên quan, phù hợp với xu thế hội nhập trong nước và quốc tế.
TS. Lê Thị Thuý Hằng trình bài bày tham luận “Đề xuất một số phương pháp giảng dạy các học phần KHCB đáp ứng chuẩn đầu ra trong chương trình đào tạo Trường ĐH Luật TP. HCM”
Kết thúc phiên thứ nhất, TS. Nguyễn Thanh Hải nhận định các bài tham luận đã có những đánh giá nghiêm túc và phù hợp giữa phương pháp giảng dạy với thực tiễn trong việc đáp ứng chuẩn đầu ra đối với các môn học thuộc bộ môn Khoa học cơ bản. Chuẩn đầu ra phải bắt nguồn từ mục tiêu đào tạo, phù hợp với từng môn học, từng chương trình đào tạo.
Mở đầu phiên thứ hai với bài tham luận của TS. Trần Thị Rồi với chủ đề “Phương pháp giảng dạy và học các môn Lý luận chính trị nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo”. Bài tham luận khái quát về công tác giảng dạy lý luận chính trị cho sinh viên tại Trường ĐH Luật TP. HCM và kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học lý luận chính trị nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra trong bối cảnh hiện nay.
TS. Trần Thị Rồi trình bày chủ đề về “Phương pháp giảng dạy và học các môn Lý luận chính trị nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo”
Bài tham luận tiếp theo được trình bày bởi ThS. Nguyễn Hoài Đông với chủ đề “Giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng chuẩn đầu ra của học phần và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật”. Từ nghiên cứu CLO của học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn làm việc, tác giả cho rằng việc giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải sử dụng hài hoà cả hai phương pháp thuyết giảng và thuyết trình cũng như kết hợp gắn kết lý luận và thực tiễn để sinh viên có thể nâng cao nhận thức về giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong khuôn khổ bài tham luận, ThS. Nguyễn Hoài Đông chủ yếu tập trung phân tích việc sử dụng phương pháp thuyết giảng để đáp ứng chuẩn đầu ra của học phần và chương trình đào tạo cử nhân ngành luật.
ThS. Nguyễn Hoài Đông tập trung phân tích việc sử dụng phương pháp thuyết giảng nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra của học phần và chương trình đào tạo
Trong bài tham luận với chủ đề “Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và học tập các môn Lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu của chuẩn đầu ra tại trường ĐH Luật TP. HCM hiện nay”, TS. Lưu Đình Vinh đã xác định vai trò của AI trong học tập và giảng dạy các môn Lý luận chính trị nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra trong môi trường giáo dục. Bên cạnh đó, tác giả đã nêu những hạn chế của AI cũng như đề xuất một số biện pháp khắc phục hạn chế khi ứng dụng AI trong giảng dạy và học tập.
TS. Lưu Đình Vinh với bài tham luận “Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và học tập các môn Lý luận chính trị”
Mở đầu phiên làm việc thứ ba, ThS. Phạm Thị Minh Hải đã triển khai bài tham luận với chủ đề “Chuyển đổi số trong giáo dục Đại học theo chuẩn đầu ra”. Nội dung của bài tham luận xoay quanh các vấn đề về sự cần thiết của chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục dựa trên phân tích việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng và phát triển hệ thống học liệu điện tử; trong hoạt động kiểm tra đánh giá; thu thập ý kiến của các bên liên quan; trong kỹ năng của người học nhằm có sự đánh giá phù hợp trong hoạt động học tập và nghiên cứu.
ThS. Phạm Thị Minh Hải triển khai sự cần thiết của chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục Đại học
Trong bài tham luận của mình với chủ đề “Vai trò của môn Đại cương văn hoá Việt Nam trong việc trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên Luật phù hợp với chuẩn đầu ra”, TS. Ngô Thị Minh Hằng đã xác định rõ vai trò của môn học Đại cương văn hoá Việt Nam trong việc trang bị kỹ năng mềm phù hợp cho sinh viên, đáp ứng được yêu cầu chuẩn đầu ra của Trường Đại học Luật TP. HCM. Qua việc xây dựng một chuẩn đầu ra hợp lý, sinh viên sẽ có những kiến thức về tư tưởng, đạo đức của người Việt Nam, góp phần hình thành nên đạo đức nghề nghiệp của sinh viên trong tương lai.
TS. Ngô Thị Minh Hằng và bài tham luận về “Vai trò của môn Đại cương văn hoá Việt Nam trong việc trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên Luật phù hợp với chuẩn đầu ra”
Bài tham luận cuối cùng được trình bày bởi ThS. Lê Thị Trường Giang với chủ đề “Một số lưu ý trong giảng dạy môn Logic học để đáp ứng chuẩn đầu ra của Chương trình đào tạo”. Tác giả đã thể hiện rõ các mục tiêu trong chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo là một cam kết công khai giữa giảng viên, Nhà trường và sinh viên. Việc không đáp ứng được yêu cầu về chuẩn đầu ra có thể mang đến những hệ luỵ nhất định cho người học. Vì thế, trong quá trình giảng dạy giảng viên cần phải nắm rõ những yêu cầu về chuẩn đầu ra của môn học, cập nhật kiến thức, thiết kế bài giảng và thiết kế các công cụ đánh giá sao cho phù hợp với chuẩn đầu ra cho chương trình môn học nói riêng và chương trình đào tạo nói chung.
Th.S Lê Thị Trường Giang triển khai một số lưu ý đối với môn Logic học để đáp chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo
Kết thúc buổi Hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Hải - Phó trưởng khoa Khoa học cơ bản nhấn mạnh, Hội thảo đã mang lại những vấn đề trọng tâm, cần thiết về đổi mới hoạt động giảng dạy các môn khoa học cơ bản phù hợp chuẩn đầu ra tại Trường Đại học Luật TP. HCM. Việc đổi mới hoạt động giảng dạy bắt đầu từ thiết kế, xây dựng đề cương học phần đáp ứng chuẩn đầu ra; đánh giá kết quả học phần; dự kiến kết quả người học đạt được sau khi kết thúc học phần;,… đặc biệt là phương pháp giảng dạy trong thời đại số đáp ứng chuẩn đầu ra học phần, chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của Nhà trường. Trên tinh thần trao đổi khoa học thẳng thắng và thiện chí, Hội thảo đã cung cấp những dữ liệu bổ ích nhằm thực hiện mục tiêu mà khoa đề ra.
Toàn thể cán bộ, giảng viên Khoa Khoa học cơ bản chụp ảnh lưu niệm
Nội dung Thục Quyên
Hình ảnh Bảo Ngọc
Ban Truyền thông Ulaw