Hội thảo khoa học cấp trường “Phòng ngừa, xử lý các hành vi sử dụng bạo lực đối với trẻ em”

Các hành vi bạo lực đối với trẻ em thời gian qua đã gây lo lắng cho cộng đồng vì vậy cần có những biện pháp phòng ngừa và xử lý phù hợp. Sáng ngày 30/9 vừa qua, Trường ĐH Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường “Phòng ngừa, xử lý các hành vi sử dụng bạo lực đối với trẻ em” tại Phòng họp A.905 cơ sở Nguyễn Tất Thành.

Hội thảo khoa học “Phòng ngừa, xử lý các hành vi sử dụng bạo lực đối với trẻ em” có sự tham dự của giảng viên các khoa, các chuyên gia pháp luật và sinh viên quan tâm

PGS. TS. Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường - đã phát biểu khai mạc Hội thảo, nhấn mạnh ý nghĩa của việc bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi bạo lực. Theo đánh giá của PGS.TS. Bùi Xuân Hải, Hội thảo là cơ hội tốt để các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn đánh giá, thảo luận về thực trạng sử dụng các hành vi bạo lực đối với trẻ em và tìm ra nguyên nhân. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp, kiến nghị cho các cơ quan chức năng để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Ngoài ra, buổi Hội thảo còn góp phần lan tỏa ý thức, trách nhiệm cộng đồng trong vấn đề bảo vệ trẻ em, phòng chống các hành vi bạo lực và xâm hại trẻ em.

PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường – phát biểu khai mạc Hội thảo

Chủ tọa điều hành Hội thảo là PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM và PGS.TS. Trần Văn Độ - Nguyên Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao. Ngoài ra, Hội thảo thu hút sự tham gia của các tác giả, các nhà nghiên cứu, nhà thực tiễn và giảng viên các khoa cùng sinh viên quan tâm về chủ đề đến tham dự.

Hội thảo có 21 bài viết phân tích nhiều vấn đề, khía cạnh về việc bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực khác nhau và các kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật, 05 bài tham luận nổi bật nhất được trình bày trực tiếp tại Hội thảo. 

Theo bài tham luận “Hoạt động phòng ngừa các tội phạm mang tính bạo lực đối với trẻ em trong thời gian qua tại Việt Nam và kiến nghị” của TS. Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh, trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai khá nhiều biện pháp để bảo vệ trẻ em, phòng ngừa tội phạm mang tính bạo lực đối với trẻ em, thể hiện ở các biện pháp phòng ngừa trước như hoàn thiện pháp luật bảo vệ trẻ em, tăng cường đầu tư tài chính nhằm nâng cao đời sống vật chất; tuyên truyền, giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội; đồng thời áp dụng các biện pháp nhằm phát hiện và xử lý sau khi tội phạm xảy ra. 

Tuy nhiên vẫn còn tồn đọng nhiều hạn chế, như: xã hội chưa nhận thức rõ ràng nhiệm vụ, vai trò của các hoạt động bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa tội phạm; số vụ phạm tội xảy ra vẫn còn nhiều và có xu hướng gia tăng qua các năm. Các chủ thể phòng ngừa tội phạm chưa thực hiện tốt vai trò giám sát, bảo vệ trẻ em từ cấp cơ sở, chưa ngăn ngừa có hiệu quả sự xâm hại trẻ em từ môi trường sống, học tập của các em.

TS. Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh - Trưởng Bộ môn Tội phạm học, Khoa Luật Hình sự - trình bày trước Hội thảo bài tham luận “Hoạt động phòng ngừa các tội phạm mang tính bạo lực đối với trẻ em trong thời gian qua tại Việt Nam và kiến nghị”

Các hành vi phạm tội không chỉ xảy ra trực tiếp trên thực tế mà trong thời đại công nghệ số phát triển, tội phạm xâm hại trẻ em còn xảy ra trên không gian mạng. Bài tham luận “Phòng ngừa, xử lý các hành vi xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng - Hướng dẫn của Liên hợp quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam” của ThS. Nguyễn Phương Thảo và ThS. Hà Ngọc Quỳnh Anh đã gợi mở các vấn đề xoay quanh chủ đề trên, đồng thời đưa ra kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Các hình thức của tội phạm diễn ra ngày càng đa dạng, thực hiện cả trên không gian thực và không gian mạng. Các hành vi bạo lực thực hiện trên không gian mạng làm cho trẻ em phải gánh chịu tổn thương, ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ.

Bài tham luận “Phòng ngừa, xử lý các hành vi xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng - Hướng dẫn của Liên hợp quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam” do ThS. Nguyễn Phương Thảo - Giảng viên Bộ môn Luật tố tụng hình sự, Khoa Luật Hình sự - gợi mở thực trạng mới trong thời đại công nghệ số

ThS. Mai Thị Lâm, Giảng viên Bộ môn Luật Hành chính, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, đề ra một số biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi sử dụng bạo lực với trẻ em trong bài tham luận của mình

TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng - Giảng viên Bộ môn Luật Hình sự, Khoa Luật Hình sự - chỉ ra những điểm chưa chặt chẽ trong pháp luật hình sự Việt Nam, từ đó chưa ra các kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật đối với các tội phạm sử dụng bạo lực với trẻ em

ThS. Đinh Văn Đoàn - Giảng viên Bộ môn Luật Tố tụng hình sự, Khoa Luật Hình sự - trình bày trước Hội thảo tham luận “Bảo vệ bị hại là trẻ em trong các vụ án về tội phạm sử dụng bạo lực theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam - tiếp cận từ một số chuẩn mực quốc tế”

Đối với vấn đề bạo lực thể chất đối với trẻ em trong gia đình, phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Nguyên Thanh cho biết nguyên nhân dẫn đến các hành vi trên rất đa dạng, như tâm lý sở hữu con cái và thói quen dạy dỗ có phần bạo lực, tâm lý bạo lực gia đình là việc riêng và không nên can thiệp… Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, quản lý trẻ thường xuyên và quan trọng nhất, chính vì vậy cần phải bắt đầu từ gia đình đầu tiên (thay đổi nhận thức, phổ biến pháp luật…).

TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng hình sự, Khoa Luật Hình sự - trao đổi về một số vấn đề đặt ra trong các bài tham luận

TS. Lê Nguyên Thanh - Nguyên Trưởng Bộ môn Tội phạm học, Khoa Luật Hình sự - đưa ra các nguyên nhân dẫn đến bạo lực thể chất trẻ em trong phạm vi gia đình

LS. Trần Văn Linh chỉ ra trách nhiệm của gia đình đối với tội phạm và cả bị hại trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em trong thực tiễn

ThS. Mai Thị Lâm với tham luận “Xử phạt vi phạm hành chính với hành vi sử dụng bạo lực đối với trẻ em” đã chỉ ra những thiếu sót của pháp luật hành chính trong việc xử phạt các hành vi bạo lực đối với trẻ em, như chưa có sự nhất quán về cách thức xử lý, nhiều nghị định còn quy định sơ sài, tản mạn hay một số hành vi bạo lực trẻ em chưa được xác định đúng bản chất dẫn đến chế tài áp dụng chưa tương xứng với mức độ của hành vi vi phạm… ThS. Mai Thị Lâm cũng kiến nghị, cần phải cách ly người phạm tội với trẻ trong quá trình xử lý vi phạm để tránh trẻ bị ảnh hưởng tâm lý, đồng thời phải đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc. 

Tham luận “Bảo vệ bị hại là trẻ em trong các vụ án về tội phạm sử dụng bạo lực theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam - tiếp cận từ một số chuẩn mực quốc tế” của ThS. Lê Thị Thùy Dương và ThS. Đinh Văn Đoàn đã đưa ra một số định hướng hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Theo đó, Việt Nam cần nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc một số chuẩn mực pháp lý quốc tế về bảo vệ bị hại là trẻ em trong các vụ án về tội phạm sử dụng bạo lực, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại: được bảo mật thông tin, được trợ giúp pháp lý, được đảm bảo giải quyết nhanh chóng, kịp thời…

TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng đã đề ra một số biện pháp, kiến nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015 (“BLHS năm 2015”) để đảm bảo quyền và lợi ích cho trẻ em, phù hợp với quy định của Công ước về quyền trẻ em trong bài tham luận “Bảo vệ trẻ em là nạn nhân của các hành vi bạo lực bằng pháp luật hình sự Việt Nam”. Bài tham luận đã chỉ ra những điểm chưa hợp lý trong BLHS năm 2015. TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng kiến nghị, nên xác định là trẻ em là người dưới 18 tuổi để phù hợp với tinh thần của Công ước về quyền trẻ em, bảo vệ toàn diện hơn người trong khoảng độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi. Đồng thời kiến nghị sửa đổi một số điều khoản trong BLHS năm 2015 để toàn diện hơn trong bảo vệ trẻ em là nạn nhân của  các hành vi bạo lực.

PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa – Trưởng Khoa Luật Hình sự - phát biểu tổng kết chuyên môn tại Hội thảo và gợi mở thêm nhiều vấn đề liên quan

Thành phần tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Kết luận chuyên môn về Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh cần nhìn nhận toàn diện về bạo lực đối với trẻ em, bao gồm bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần và bạo lực về tình dục. Việc phòng ngừa, xử lý các hành vi sử dụng bạo lực đối với trẻ em phải được chú trọng. Các biện pháp phòng ngừa cần được triển khai hiệu quả để giảm các hành vi bạo lực đối với trẻ em, tránh việc tội phạm xảy ra mới khắc phục hậu quả. Quy định về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự cũng cần được tiếp tục hoàn thiện để tạo nên một hệ thống pháp luật chặt chẽ cho việc xử lý các hành vi bạo lực đối với trẻ em. 

Hội thảo khoa học “Phòng ngừa, xử lý các hành vi sử dụng bạo lực đối với trẻ em” của Trường ĐH Luật TP.HCM không chỉ tạo ra môi trường học thuật trao đổi chuyên môn của các chuyên gia pháp luật mà còn là cơ sở để Nhà nước tham khảo, hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của trẻ em, phát triển xã hội. 

Nội dung: Cẩm Tú

Hình ảnh: Thảo My

Ban Truyền thông Ulaw


--%>
Top