Hội nghị “Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”

Nhằm tuyên truyền, phổ biến, tạo diễn đàn pháp lý để trao đổi, phân tích cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý của các quy định mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, vào ngày 19/08/2022, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp tổ chức Hội nghị khoa học với chủ đề “Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ” tại hội trường A1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành Trường Đại học Luật TP.HCM.

Buổi Hội nghị có sự góp mặt của ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông Hoàng Anh - Phó Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ. Về phía Trường Đại học Luật TP.HCM có sự tham gia của PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Lê Thị Nam Giang - Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo các Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành; Tòa án Nhân dân, Hội Luật gia các quận huyện tại TP.HCM; các công ty, văn phòng Luật sư, các doanh nghiệp, giảng viên và học viên Trường Đại học Luật TP.HCM.

Hội nghị được diễn ra tại Hội trường A1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành

Phát biểu khai mạc buổi Hội nghị, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường nhấn mạnh tính cấp thiết của việc sửa đổi nội dung của Luật Sở hữu trí tuệ trước tình hình xã hội trong và ngoài nước tại thời điểm hiện nay. Việc sửa đổi các nội dung liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ có giá trị mang tính thúc đẩy, tạo cơ sở cho sự phát triển của đất nước.

PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu khai mạc Hội nghị

Đồng phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ gửi lời cảm ơn đến Trường Đại học Luật TP.HCM đã phối hợp cùng Cục Sở hữu trí tuệ để thực hiện Hội nghị này. Theo ông Nguyễn Văn Bảy, nhiệm vụ hiện tại của các cơ quan có thẩm quyền là ban hành các nghị định, thông tư nhằm hướng dẫn thi hành các điều luật và tăng cường phổ biến, tuyên truyền đến người dân.

Phiên làm việc thứ nhất diễn ra sôi nổi với sự điều hành của PGS.TS. Lê Thị Nam Giang - Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Luật TP.HCM và ông Nguyễn Văn Bảy Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.

PGS.TS. Lê Thị Nam Giang và ông Nguyễn Văn Bảy giữ vị trí chủ tọa Hội nghị

Mở đầu phiên làm việc, ông Nguyễn Việt Hà, Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ trình bày bài tham luận với chủ đề “Tổng quan về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”. Trong lần điều chỉnh lần này, Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung 102 điều và bãi bỏ hai điều; đồng thời sửa đổi, bổ sung các điều của luật khác có liên quan. Theo ông Nguyễn Việt Hà, việc sửa đổi, bổ sung cũng như bãi bỏ các điều luật không cần thiết giúp cho Luật Sở hữu trí tuệ tránh được sự trùng lặp, đảm bảo tính thống nhất với một số luật có liên quan, làm rõ hơn các chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như phù hợp hơn với các điều luật quốc tế.

Ông Nguyễn Việt Hà - Đại diện Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ trình bày đề tài “Tổng quan về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”

Tiếp tục phiên làm việc là bài tham luận với đề tài “Những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí” của ông Nguyễn Ngọc Chiến, Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ. Trong phần trình bày của mình, ông Nguyễn Ngọc Chiến đã trình bày các điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo hộ sáng chế, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, nhấn mạnh vào những sửa đổi lớn như các quy định về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước, về kiểm soát an ninh đối với sáng chế…

Ông Nguyễn Ngọc Chiến trình bày ngắn gọn bài tham luận của mình

Với chủ đề “Những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý”, PGS.TS. Lê Thị Nam Giang - Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Luật TP.HCM đã phân tích những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ về điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu, đơn đăng ký nhãn hiệu và thủ tục xử lý đơn, nội dung quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu. Đặc biệt, PGS.TS. Lê Thị Nam Giang đã phân tích về lý do của sự sửa đổi, bổ sung các quy định trên, nhấn manh về những vấn đề có thể phát sinh trong thực tiễn áp dụng các quy định mới này và đề xuất hướng dẫn chi tiết trong các Nghị định, Thông tư. Các nội dung trên cũng được phân tích đối với các quy định mới trong bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

PGS.TS. Lê Thị Nam Giang với đề tài “Những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý”

Bắt đầu phiên làm việc thứ hai là báo cáo với chủ đề “Những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ về khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp” do ông Hoàng Anh, Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ trình bày. Bài báo cáo đã phân tích những điểm mới về việc khiếu nại liên quan đến cách thức, hình thức, chủ thể, đối tượng và nội dung của đơn khiếu nại.

Bài tham luận cuối cùng với chủ đề “Những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” của nhóm tác giả ThS. Nguyễn Phương Thảo, ThS. Nguyễn Trọng Luận và ThS. Đặng Nguyễn Phương Uyên. Nổi bật trong bài tham luận là việc phân tích những điểm mới được sửa đổi, bổ sung bổ sung tại Điều 198 và quy định tại Điều 198a về giả định về quyền tác giả, quyền liên quan.

ThS. Nguyễn Phương Thảo đại diện nhóm tác giả trình bày bài tham luận “Những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”

Phiên thảo luận được điều hành bởi PGS.TS. Lê Thị Nam Giang và ông Nguyễn Văn Bảy đã diễn ra hết sức sôi nổi với gần 30 câu hỏi từ các đại biểu tham dự.

Ông Nguyễn Văn Bảy giải đáp các câu hỏi của đại biểu tham dự

Kết thúc hội thảo, PGS.TS. Lê Thị Nam Giang đã tóm tắt lại các nội nội chính của Hội nghị đồng thời cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo từ lãnh đạo Cục Sở  hữu trí tuệ và trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, sự quan tâm và tham gia đông đủ của các đại biểu trong suốt hai phiên làm việc. Thông qua Hội nghị, có thể thấy, quyền sở hữu trí tuệ và Luật Sở hữu trí tuệ vẫn luôn là một chủ đề nóng và thu hút rất nhiều sự quan tâm của các cơ quan, ban, ngành và người dân. Hy vọng rằng những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ có thể nhanh chóng được tuyên truyền và phổ biến rộng rãi đến với người dân.

Nội dung: Thanh Thảo
Hình ảnh: Quang Huy, Bảo Ngọc
Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top