Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề tài Nghiên cứu khoa học cấp bộ “Trách nhiệm Hiến pháp: Cơ sở lý luận và thực tiễn”

Vào sáng ngày 26/10/2023, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức họp nghiệm thu cấp cơ sở đối với đề tài Nghiên cứu khoa học: “Trách nhiệm Hiến pháp: Cơ sở lý luận và thực tiễn” do PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp làm chủ nhiệm. Buổi họp diễn ra tại phòng họp A.905 - cơ sở Nguyễn Tất Thành, kết hợp trực tuyến thông qua nền tảng ứng dụng Zoom.

Buổi họp hội đồng nghiệm thu có sự tham dự của PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường; GS.TS. Thái Vĩnh Thắng - Trường Đại học Luật Hà Nội; TS. Mai Văn Thắng - Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Đinh Thị Cẩm Hà - Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM; TS. Trần Thị Thu Hà - Giảng viên khoa Luật Hành chính - Nhà nước; TS. Nguyễn Thị Thiện Trí - Giảng viên khoa Luật Hành chính - Nhà nước; ThS. Trương Thị Minh Thuỳ - Giảng viên khoa Luật Hành chính - Nhà nước và PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp – Chủ nhiệm đề tài cùng các thành viên thực hiện đề tài; sinh viên có quan tâm.

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường

Mở đầu buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp đã trình bày khái quát về tính cấp thiết và tình hình nghiên cứu của đề tài đồng thời báo cáo tóm tắt về những kết quả mà nhóm tác giả đã đạt được sau một thời gian nghiên cứu. PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp nhấn mạnh rằng, ở Việt Nam hiện nay, trách nhiệm hiến pháp gần như là một khoảng trống trong hoạt động lập hiến, lập pháp cũng như trong quá trình thi hành Hiến pháp. Mặc dù Hiến pháp quy định mọi hành vi vi phạm hiến pháp đều bị xử lý nhưng trên thực tế vẫn chưa có văn bản nào quy định cụ thể về vi phạm hiến pháp. Khái niệm, bản chất, đặc điểm, dấu hiệu, cấu thành, cơ sở truy cứu trách nhiệm hiến pháp, vai trò trách nhiệm hiến pháp, chủ thể chịu trách nhiệm, các hình thức chế tài trách nhiệm hiến pháp hoàn toàn chưa sáng tỏ. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục truy cứu trách nhiệm hiến pháp chỉ mới được quy định trong một số trường hợp và hầu như rất ít được áp dụng trong thực tiễn. Chính vì vậy, thông qua việc phân tích, làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn về trách nhiệm hiến pháp ở Việt Nam (có so sánh, đối chiếu với nước ngoài), đề tài hướng đến mục tiêu đề xuất các quan điểm có tính định hướng và một số giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật về các biện pháp trách nhiệm hiến pháp.

PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp nhấn mạnh trách nhiệm Hiến pháp là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt đối với nhu cầu bảo đảm trật tự và thực thi Hiến pháp

Là người phản biện thứ nhất, GS.TS. Thái Vĩnh Thắng - Trường Đại học Luật Hà Nội đánh giá cao sự lựa chọn đề tài của nhóm tác giả, cho rằng đây là một đề tài thú vị, có tính mới nhưng cũng đầy thách thức, đòi hỏi vốn hiểu biết sâu rộng và tư duy chính trị - pháp lý sâu sắc. Giáo sư ghi nhận những đóng góp nổi bật của nhóm tác giả về mặt lý luận vì đã nhận diện trách nhiệm hiến pháp một cách tương đối rõ ràng, làm sáng tỏ khái niệm, bản chất, đặc điểm của một loại hình trách nhiệm đặc thù, vốn chưa được chính thức thừa nhận và xung quanh nó còn nhiều quan điểm khác nhau. Đồng thời, trên tinh thần trao đổi khoa học thẳng thắn, GS.TS. Thái Vĩnh Thắng đưa ra một số khuyến nghị với mong muốn đề tài được hoàn thiện hơn. Cụ thể, Giáo sư lưu ý nhóm tác giả về bản chất chính trị - pháp lý  của trách nhiệm hiến pháp và sự cần thiết phải xem xét loại hình trách nhiệm này trong sự gắn liền với cơ chế bảo hiến và vấn đề đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng.

GS.TS. Thái Vĩnh Thắng - Trường Đại học Luật Hà Nội, Uỷ viên phản biện 1 đánh giá cao những đóng góp nổi bật trên phương diện lý luận của đề tài.

Đồng tình với nhận xét của Uỷ viên phản biện 1, TS. Mai Văn Thắng - Trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội, người phản biện thứ hai khẳng định đây là một đề tài có tính hấp dẫn, được các tác giả đầu tư khá công phu, có những đóng góp quan trọng trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn. Theo TS. Mai Văn Thắng, làm sáng tỏ việc có hay không trách nhiệm hiến pháp và nếu có thì cơ chế thực thi nó như thế nào trong bối cảnh cơ chế kiểm soát quyền lực còn nhiều vấn đề chưa thực sự tường minh, trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý của các chủ thể thực thi quyền lực nhà nước còn có sự lẫn lộn, là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, uỷ viên phản biện cũng mong muốn nhóm tác giả tiếp tục hoàn thiện hệ thống giải pháp, trong đó cân nhắc thêm về tính hợp lý của việc kiến nghị Quốc hội ban hành Luật về xử lý vi phạm hiến pháp và Luật bảo vệ hiến pháp.

TS. Mai Văn Thắng - Uỷ viên phản biện của Trường Đại học Luật, ĐHQG Hà Nội trình bày các ý kiến phản biện về đề tài

Trong khuôn khổ buổi làm việc, các thành viên của hội đồng đã tích cực đưa ra các đánh giá, thảo luận khách quan, sôi nổi và đề xuất thêm những biện pháp mang tính xây dựng nhằm góp phần giúp đề tài nghiên cứu khoa học này hoàn thiện và tiến xa hơn trong tương lai.

TS. Trần Thị Thu Hà - Giảng viên khoa Luật Hành chính - Nhà nước nhận xét về những điểm thành công và một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện của đề tài

TS. Nguyễn Thị Thiện Trí - Giảng viên khoa Luật Hành chính - Nhà nước chia sẻ quan điểm khoa học về cơ sở lý thuyết của trách nhiệm hiến pháp

TS. Đinh Thị Cẩm Hà - Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM góp ý thêm về đề tài cho nhóm tác giả

Sau buổi làm việc, các thành viên hội đồng đều đánh giá đây là một đề tài có quy mô tương đối lớn, đã đáp ứng được các mục tiêu nghiên cứu đặt ra và mang tính thực tiễn cao. Hội đồng đã trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan và đề xuất những phương hướng nhằm phát triển, hoàn thiện đề tài hơn nữa, đặc biệt là trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Hội đồng nghiệm thu đề tài Nghiên cứu khoa học “Trách nhiệm Hiến pháp: Cơ sở lý luận và thực tiễn” chụp ảnh lưu niệm

Nội dung: Mai Chi, Thục Quyên

Hình ảnh: Thanh Hoàng

Ban Truyền thông Ulaw