Tư vấn tâm lý online cho sinh viên với chủ đề: “Cân bằng cuộc sống và công việc thời COVID-19”

Sự xuất hiện của dịch bệnh đã có những tác động nhất định làm thay đổi đồng hồ sinh học của mỗi người khi chúng ta đều phải làm quen với bối cảnh học tập và làm việc tại nhà. Cùng với đó, những áp lực đến từ nhiều mặt của cuộc sống cũng như sự xuất hiện của các thông tin không mấy khả quan về diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã mang lại những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của các bạn sinh viên. Thấu hiểu được nỗi lo lắng này, Trung tâm quan hệ doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên đã phối hợp cùng Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Trường Đại học Luật TP. HCM tổ chức chuỗi tư vấn tâm lý mùa dịch trực tuyến cho các bạn sinh viên.

Số thứ nhất của chuỗi chương trình tư vấn tâm lý mùa dịch với chủ đề “Cân bằng cuộc sống và công việc thời Covid-19” được phát sóng trực tiếp trên fanpage Trường Đại học Luật TP. HCM vào lúc 19h00 ngày 31/7.

Chương trình có sự tham gia của TS. Tô Nhi A - Giảng viên Tâm lý - Giáo dục, Ủy viên Hội đồng khoa học Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. HCM; ThS. GVC. Trịnh Anh Nguyên - Giám đốc Trung tâm Đào tạo ngắn hạn Trường Đại học Luật TP.HCM với sự dẫn dắt của MC. ThS. Nguyễn Tấn Hoàng Hải, Giảng viên khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP. HCM.


Chương trình được chủ trì bởi các diễn giả có chuyên môn và kinh nghiệm dày dặn

Thuật ngữ “cân bằng cuộc sống và công việc” (work - life balance) được hiểu là nhu cầu cân bằng giữa công việc, học tập với các khía cạnh khác trong cuộc sống như các mối quan hệ xã hội (gia đình, bạn bè,...), nhu cầu giải trí, sở thích cá nhân,... Trong bối cảnh giãn cách xã hội,  công việc và học tập đều phải chuyển sang hình thức làm tại nhà (work from home). Điều này dẫn đến nhiều tác động tích cực cũng như hậu quả tiêu cực, không chỉ đối với các bạn sinh viên Đại học Luật TP. HCM mà còn đến những Giảng viên, những người đi làm. Hiện nay, chủ đề này đang nhận được sự quan tâm rộng rãi của xã hội khi nói về sức khỏe tâm lý trong mùa dịch, nhưng không phải ai cũng hiểu tường tận về lợi ích cũng như tầm quan trọng của việc duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng của bản thân.


Biểu đồ đánh giá cách nhìn nhận vấn đề của sinh viên được thực hiện ngay tại chương trình

Chia sẻ về các vấn đề cơ bản xung quanh chủ đề cân bằng cuộc sống, TS. Tô Nhi A cho biết, những suy nghĩ tiêu cực, những thói quen xấu của mỗi cá nhân vốn đã tồn tại từ khi chưa có dịch bệnh. Nhưng sự xuất hiện của dịch bệnh tạo ra những khoảng trống về thời gian, khiến chúng ta suy nghĩ nhiều hơn về các vấn đề tiêu cực này và rồi chúng ta “đổ lỗi” cho hoàn cảnh, cho dịch bệnh. Cùng với đó là sự bùng nổ của các thông tin, mà đặc biệt là các thông tin tiêu cực về tình hình dịch bệnh, đi đôi với sự tiếp nhận thông tin một cách thụ động càng làm cho mỗi người thêm chán nản. Dịch bệnh không phải là nguyên nhân chính mà chỉ là “giọt nước tràn ly” dẫn đến sự mất cân bằng trong cuộc sống.

Cũng theo TS. Tô Nhi A, các bước trong quá trình chuyển đổi hành vi bao gồm: Chưa nhận thức được vấn đề; Nhận thức được vấn đề và hành vi mong đợi; Chuẩn bị hành động để thay đổi; Hành động để thay đổi và cuối cùng là Duy trì hành vi mới, giải tỏa.


Phương pháp để đạt được sự cân bằng trong công việc và cuộc sống thời điểm dịch bệnh diễn biến căng thẳng như hiện nay

Với sự quan tâm theo dõi của đông đảo các bạn sinh viên, chương trình đã nhận được rất nhiều câu hỏi của các bạn xoay quanh những khía cạnh cuộc sống mà đặc biệt là vấn đề sức khỏe tinh thần như: sự trì hoãn của bản thân; những mối lo âu trong mùa dịch; cách để có giấc ngủ tốt; không gian làm việc có ảnh hưởng đến hiệu quả công việc hay không; thay đổi tâm trạng vô cớ khi ở nhà; làm sao để có động lực thực hiện các kế hoạch, dự định của bản thân;...

TS. Tô Nhi A chia sẻ, sự gia tăng mức độ trì hoãn của chúng ta trong cuộc sống hiện tại xuất phát từ sự trì hoãn của thế giới xung quanh chúng ta, khi mà một số hoạt động bị tạm dừng, một số sự kiện phải tạm dời lại, hay việc các doanh nghiệp, công ty thay đổi chế độ làm việc, điều đó vô tình ảnh hưởng đến tâm lý chung.

Một giải pháp chung được hai diễn giả đồng tình đề xuất chính là: “Khi không thay đổi được hoàn cảnh thì chúng ta hãy thay đổi thái độ của mình”.

ThS. Trịnh Anh Nguyên nhấn mạnh: Khó khăn từ dịch bệnh không là tất cả vấn đề mà vấn đề còn nằm ở nhận thức của mỗi người, giải pháp là hãy tạo lập cho mình những kỹ năng tốt trong mọi việc, sự chuẩn bị tốt để luôn thích nghi trong môi trường mới, khó khăn mới trong tương lai. Đồng thời, ThS. Trịnh Anh Nguyên còn gửi lời nhắn nhủ đến các bạn sinh viên rằng thời điểm khó khăn này là cơ hội tốt giúp mỗi cá nhân nhìn nhận những thói quen xấu của mình từ đó bắt đầu thay đổi bản thân để trở nên hoàn thiện hơn, đạt được những mục tiêu, mong muốn trong cuộc sống.


ThS. Trịnh Anh Nguyên - Giám đốc Trung tâm Đào tạo ngắn hạn trường Đại học Luật TP.HCM đã chia sẻ kinh nghiệm bản thân dưới cương vị là một Giảng viên Đại học

TS. Tô Nhi A khẳng định, một trong những chìa khóa cho sự cân bằng cuộc sống chính là “tính kỷ luật”. Chúng ta cần phải rèn luyện tính kỷ luật, đặt ra mục tiêu cần hoàn thành mỗi ngày và phải hành động để hoàn thành mục tiêu. Đồng thời, TS. Tô Nhi A cũng nhấn mạnh, mỗi người cần phân chia thời gian hợp lý giữa việc học tập và nghỉ ngơi, để từ đó không bị “quá tải” trong công việc hay đánh mất thời gian nghỉ ngơi.


Tiến sĩ Tâm lý học Tô Nhi A - gương mặt quen thuộc trên truyền hình với các chương trình Điều Con Muốn Nói, Chuyện Cuối Tuần, Chuyện 1001 đêm, Bí Kíp Hạnh Phúc, Quyền Năng Phái Đẹp…

Sự xuất hiện của những nỗi lo âu là một việc hết sức bình thường trong cuộc sống, nhưng chúng ta không nên chủ quan, bỏ mặc chúng, mà phải có những động thái nhất định để loại bỏ chúng, ngăn không cho chúng phát triển thành các bệnh lý về tâm lý nguy hiểm cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Thông qua những chia sẻ của các diễn giả, chương trình mong muốn mang đến cho các bạn sinh viên những giải pháp để cân bằng cuộc sống, tích lũy nhiều năng lượng tích cực hơn.

Chia sẻ về chương trình, ông Nguyễn Thành An, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên, Trưởng ban tổ chức cho biết: Đây là một trong những hoạt động thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Nhà trường là chăm lo cho người học không chỉ là về những vấn đề hỗ trợ kịp thời để sinh viên không gặp khó khăn về đời sống và còn phải chăm lo để sinh viên có một tinh thần, tâm lý tốt nhất để có thể vừa vượt qua đại dịch, vừa có thể học tập hiệu quả, vì vậy trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình tư vấn về phương pháp học online hiệu quả, về vấn đề thực tập, việc làm .. cho sinh viên.

Nội dung: Ngọc Minh, Phương Anh

Hình ảnh: Lê Tiến

Ban Truyền thông ULAW

--%>
Top