Ngoại giao, cơ hội và thách thức đối với sinh viên Việt Nam

Những năm gần đây, ngoại giao đã trở thành từ khóa chẳng mấy xa lạ đối với hầu hết các bạn trẻ Việt Nam. Thế nhưng, để hiểu đúng về đối ngoại hay những kỹ năng cũng như những cơ hội tiến đến với lĩnh vực này còn khá mơ hồ. Vậy ngoại giao mang lại cơ hội và thách thức gì đối với sinh viên Việt Nam nói chung, sinh viên Đại học Luật TP.HCM nói riêng?

Nhằm giúp đỡ, truyền tải các kỹ năng về giao tiếp – đối ngoại cho sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM, sáng ngày 24/04/2021, tại Hội trường C302, cơ sở Nguyễn Tất Thành, CLB Quốc tế Thanh niên trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Workshop “Design your Diplofoundation”. Đến với buổi Workshop lần này có sự tham dự của cô Tôn Nữ Thị Ninh – Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại EU và Bỉ, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình TP.HCM; ThS. Trịnh Anh Nguyên – Giám đốc Trung tâm Đào tạo ngắn hạn trường Đại học Luật TP.HCM; chị Nguyễn Lâm Thảo Tâm – MC và cộng tác viên chương trình IELTS FACE-OFF 2017; ThS. Mai Nguyễn Dũng – Nguyên PCN. CLB Quốc tế Thanh niên Trường Đại học Luật TP.HCM, giảng viên Khoa Luật tại trường Đại học Kinh tế TP.HCM cùng với sự tham gia của các bạn sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM.

Toàn cảnh buổi Workshop “Design your Diplofoundation”

Lợi thế và thách thức của Thanh niên Việt Nam trong hội nhập quốc tế

Chia sẻ về vấn đề lợi thế của thanh niên trong hội nhập quốc tế, cô Tôn Nữ Thị Ninh – Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM cho biết thanh niên Việt Nam có kiến thức tốt, ham học hỏi, tiếp thu và dám thử thách ở những lĩnh vực mới. Kiến thức của thanh niên khi tiếp xúc thì chỉ là vật liệu, thế nhưng, sự vận dụng kiến thức ấy chưa thức tỉnh, chưa tạo thành sức mạnh, công cụ cho chúng ta.

Trong thời đại hiện nay, thế lực được chú trọng, tuy nhiên, xét thấy “thế” chỉ bổ sung cho “lực”, đóng vai trò vô cùng lớn. Lấy một ví dụ về Singapore, quốc gia này luôn biết kết hợp giữa thế và lực, tuy là nước nhỏ nhưng Singapore luôn cố gắng tự chủ kinh tế, đối ngoại với những cường quốc, trở thành “con rồng” của Đông Nam Á.

Cô Tôn Nữ Thị Ninh – Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM cho biết thanh niên Việt Nam có kiến thức tốt, ham học hỏi, tiếp thu và dám thử thách ở những lĩnh vực mới

Tuy nhiên, thanh niên Việt Nam còn nhiều hạn chế trong việc hội nhập. “Thương hiệu Việt Nam” có nhiều lợi thế nhưng cũng là những hạn chế, thách thức với thanh niên. Việt Nam trong mắt người quốc tế chỉ có chiến tranh, nghèo đói thông qua những thông tin của họ được dạy, được truyền tải. Vậy chúng ta phải làm thế nào để thay đổi quan điểm ấy trong mắt người nước ngoài? Câu trả lời này nằm ở chính mỗi người dân Việt Nam, từ những hành động nhỏ nhất của họ sẽ đem đến một Việt Nam khác cho cộng đồng quốc tế.

Cô Tôn Nữ Thị Ninh còn nhấn mạnh rằng đừng chờ cơ hội đến mà hãy tìm và nắm lấy cơ hội: ở Việt Nam không ít cơ hội nhưng liệu sinh viên, thanh niên Việt Nam có chủ động bắt lấy, dám nghĩ dám làm hay không.

Trở ngại ngoại giao

Cô Tôn Nữ Thị Ninh nêu quan điểm lớn đối với các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ, khi làm việc phải quên mình là phụ nữ, dùng toàn bộ sức lực để làm việc, cạnh tranh với đồng nghiệp bằng năng lực, sự hiểu biết. Bên cạnh đó, phải trau dồi kiến thức để hiểu biết, trình độ được nâng lên theo thời gian.

ThS. Trịnh Anh Nguyên – Giám đốc Trung tâm Đào tạo ngắn hạn trường Đại học Luật TP.HCM chia sẻ về vấn đề đàm phán và tranh luận: Đại học Luật TP.HCM là trường đại học tiên phong ở phía Nam càng ngày càng có nhiều khóa học đào tạo  kỹ năng, đặc biệt về những kỹ năng đàm phán và tranh luận. Theo quan điểm của ThS. Trịnh Anh Nguyên, lắng nghe là một điều rất quan trọng. Về mặt đối ngoại, không nên dùng từ đối phương vì đối phương mang ý nghĩa đối chọi về lợi ích, trên bàn đàm phán càng không coi là đối phương mà phải coi là đối tác. Làm sao để thiết lập các mối quan hệ chất lượng trong cuộc sống? ThS. Trịnh Anh Nguyên nhấn mạnh về việc phải biết lắng nghe để trở thành đại sứ trong lòng mọi người, từ đó, mọi người sẽ tin cậy vào mình, thế nhưng, mình không được thực dụng, không ỷ lại sự tin tưởng ấy.

ThS. Trịnh Anh Nguyên – Giám đốc Trung tâm Đào tạo ngắn hạn trường Đại học Luật TP.HCM cho rằng lắng nghe là một điều rất quan trọng

Cái “tôi” quốc gia chưa được định hình

Chị Nguyễn Lâm Thảo Tâm – MC và cộng tác viên chương trình IELTS FACE-OFF 2017 với những kiến thức thông qua những lần đại diện quốc gia ra nước ngoài tham gia các diễn đàn quốc tế, chị cho biết chúng ta phải xây dựng thương hiệu của bản thân, mỗi người có định nghĩa riêng cho các khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực giải trí, phim ảnh thì chị nhận ra mỗi phim có một màu sắc riêng và từ đó, chúng ta phải có cách hiểu riêng, cách nhìn và sự thể hiện khác nhau, thông qua đó sẽ xây dựng thương hiệu Việt Nam với các dân tộc khác một cách bao quát hơn.

Chị Nguyễn Lâm Thảo Tâm – MC và cộng tác viên chương trình IELTS FACE-OFF 2017 chia sẻ cùng với các bạn sinh viên thông qua những kinh nghiệm mà bản thân học được từ các diễn đàn quốc tế

Chị Tâm còn đưa ra một quan điểm mới: “WHICH VIỆT NAM?” – với những góc nhìn đa chiều thì sẽ đưa ra được những định hình khác nhau. Mỗi cá nhân là một mảng màu khác nhau vẽ nên một Việt Nam nhiều màu sắc, tươi đẹp và phát triển hơn, “mỗi người Việt Nam đều là một phần thương hiệu của Việt Nam”.

Bên cạnh đó, cô Ninh còn nhấn mạnh về việc chúng ta cần tiếp tục xây dựng và điều chỉnh quốc gia. Nhiều người dân Việt Nam vô tư đi nước ngoài, với những hành vi tốt thì Việt Nam sẽ tốt trong lòng người bản địa, tuy nhiên, với những hành vi xấu thì thương hiệu Việt Nam sẽ xấu đi. Người Việt Nam đi nước ngoài hay ở trong nước, sống, làm việc, sinh hoạt ra sao thì đều ảnh hưởng gì đó đến thương hiệu Việt Nam.

Đối với ThS. Trịnh Anh Nguyên, việc thiết lập các mối quan hệ quốc tế tốt thì người nước ngoài tìm đến người Việt Nam như người bạn và mong nhận được sự giúp đỡ của mình đối với họ về mọi mặt. Ngoài việc giao lưu, làm việc trong một ngày, thì việc suy nghĩ về một ngày đã trải qua là điều vô cùng thiết yếu, vì thông qua đó chúng ta sẽ ngẫm lại được các hành động, cư xử của mình và nếu lặp lại hay gặp một tình huống khác thì chúng ta có thực hiện được tốt hơn hay không. Giao tiếp là sự trao đổi thông tin, phát triển mối quan hệ và đàm phán có mục tiêu. Bên cạnh đó, kiến thức chuyên ngành chỉ chiếm 35% sự thành công, mà còn cần có kỹ năng chuyên môn, kiến thức chuyên ngành khác và yếu tố quan trọng, quyết định thành công là kỹ năng, thái độ làm việc chuyên nghiệp.

Nội dung: Hương Quỳnh

Hình ảnh: Lệ Huyền

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top