Đổi mới trong quản lý nghiên cứu khoa học phù hợp với hoạt động phòng chống dịch

Trước diễn biến căng thẳng của tình hình đại  dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế (QLNCKH&HTQT) trường Đại học Luật TP.HCM đã có những đổi mới linh hoạt để không làm gián đoạn hoạt động nghiên cứu khoa học mà vẫn đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả.

Vào các ngày 07/7, 08/7 và 09/7 vừa qua, các cuộc họp hội đồng nghiệm thu đề tài NCKH cấp trường trong nhiều lĩnh vực như Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Quốc tế, và nhiều lĩnh vực khác đã được tổ chức bằng hình thức trực tuyến thông qua ứng dụng Zoom Cloud Meetings thay vì họp trực tiếp như thường lệ.

Hội đồng nghiệm thu đề tài gồm có PGS.TS Bùi Xuân Hải – Phó Bí thư Đảng ủy Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Lê Thị Thuý Hương – Chủ tịch Công đoàn trường, Trưởng phòng QLNCKH&HTQT cùng các thành viên khác theo Quyết định.

Về các trở ngại tác động đến quá trình NCKH trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, TS. Lê Thị Thúy Hương nhận định: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra rất phức tạp và khó lường, từ cuối tháng 5/2021, thực hiện chỉ đạo của thành phố, Nhà trường đã triển khai hình thức học trực tuyến và hạn chế việc tập trung, hội họp, tiếp xúc trực tiếp tại trường. Trong thời gian giãn cách, các giảng viên chủ yếu thực hiện việc giảng dạy online tại nhà, rất ít khi lên trường. Do đó, Phòng QLNCKH&HTQT chúng tôi cũng dự liệu rằng việc triển khai đăng ký đề tài NCKH các cấp có thể gặp một số khó khăn do các giảng viên không tiếp cận được nguồn tài liệu tham khảo ở thư viện, không thuận tiện trong việc gặp gỡ, trao đổi giữa các thành viên trong nhóm để hình thành ý tưởng nghiên cứu. Bên cạnh đó, việc tư vấn xây dựng thuyết minh và tổ chức các hội đồng tuyển chọn đề tài NCKH cũng có thể gặp trở ngại.”

TS. Lê Thị Thuý Hương – Chủ tịch Công đoàn trường, Trưởng phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế

Chia sẻ về những thay đổi trong quản lý, tổ chức hoạt động NCKH, Ths. Trần Thúy Hồng - chuyên viên phòng QLNCKH&HTQT cho biết: “Được sự đồng ý của Ban Giám hiệu và sự hỗ trợ của Trung tâm Công nghệ Thông tin, Phòng QLNCKH đã tổ chức những buổi họp Hội đồng tư vấn - tuyển chọn, Hội đồng nghiệm thu đề tài NCKH các cấp theo hình thức trực tuyến qua phần mềm Zoom từ tháng 5/2021.”

Theo đó, các buổi họp trực tuyến luôn được đảm bảo chất lượng đường truyền âm thanh, hình ảnh ổn định nhằm mang đến hiệu quả làm việc tốt nhất.

PGS. TS Bùi Xuân Hải – Phó Bí thư phụ trách Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường tham dự họp Hội đồng nghiệm thu theo hình thức trực tuyến

Bên cạnh đó, Ths. Trần Thúy Hồng cũng phân tích những thuận lợi và khó khăn khi tổ chức họp hội đồng theo hình thức mới: Họp hội đồng trực tuyến tiết kiệm thời gian đi lại cho các thành viên, lại không tiếp xúc trực tiếp nên hạn chế khả năng làm lây lan dịch bệnh, đồng thời các thành viên hội đồng mang tâm lý thoải mái do làm việc tại nhà nên tham gia tranh luận sôi nổi, có góp ý thiết thực, điều này có thể giúp các chủ nhiệm đề tài cải thiện rất nhiều các nội dung nghiên cứu còn khiếm khuyết. Một điểm thuận lợi nữa là các giảng viên, chuyên viên của trường rất quen thuộc với phần mềm Zoom nên có thể thao tác thuần thục, khai thác tối đa các tính năng của ứng dụng giúp cho buổi họp trở nên sôi động hơn. Trở ngại thường gặp của việc họp trực tuyến là đường truyền có thể không ổn định cho tất cả thành viên, và lịch họp phải được cộng thêm thời gian dự phòng để khắc phục những khi link họp bị trục trặc hoặc thành viên bị đăng xuất ngoài ý muốn hoặc để thành viên hội đồng có thể nhận xét đầy đủ về nội dung đề tài.”

Các tác giả trình bày báo cáo NCKH của mình thông qua màn hình trình chiếu chung

Trong đợt đăng ký đề tài NCKH cấp trường lần này, Hội đồng nhận được 09 đề tài của giảng viên các khoa, trung tâm và 02 đề tài của chuyên viên một số phòng chức năng của trường. Đa số các đề tài NCKH cấp trường đợt này tập trung vào các nghiên cứu ứng dụng, góp phần hoàn thiện pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau cũng như phục vụ cho việc học tập giảng dạy và học tập các môn luật. Đặc biệt trong số đó có 03 đề tài hướng đến việc nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống E-learning của trường, thúc đẩy hoạt động NCKH của sinh viên trường và sử dụng các tài sản thương hiệu của trường Đại học Luật TP.HCM.

Đánh giá sơ bộ về các đề tài NCKH lần này, TS. Lê Thị Thuý Hương cho biết: “Có thể nói, chất lượng các thuyết minh đề tài của đợt này khá tốt, mang tính ứng dụng cao và đều có thể triển khai trong thời gian quy định đối với một đề tài NCKH cấp trường. Trên cơ sở các kết quả chấm thuyết minh của Hội đồng tuyển chọn đề tài, Phòng chúng tôi sẽ tham mưu để Ban Giám hiệu nhà trường ra quyết định phê duyệt và cấp kinh phí phù hợp với từng đề tài, tạo điều kiện cho các đề tài có thể được triển khai trong thời gian sớm nhất.”

Các đề tài đều nhận được sự đánh giá là đầy mới mẻ, sáng tạo từ Hội đồng

Với sự nhanh nhạy và linh hoạt trong công tác quản lý hoạt động NCKH, trường Đại học Luật TP.HCM đã đổi mới và ứng dụng thành công hình thức làm việc trực tuyến phù hợp với diễn biến chung của tình hình dịch bệnh, nhằm đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch mà vẫn không làm gián đoạn công tác NCKH.

Bài viết: Ngọc Minh, Phương Anh

Hình ảnh: Thảo My

Ban Truyền thông ULAW

--%>
Top