Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Phiên họp thứ 12

Sáng ngày 29/4/2021, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã tổ chức Phiên họp thứ 12 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Tại Phiên họp, ba vấn đề trọng tâm được đưa ra thảo luận và cho ý kiến, bao gồm: (i) Báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật”, (ii) Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm đào tạo các chức danh tư pháp” do Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp trình, và (iii) Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật” do Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị.

Đối với Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật”,  Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã thống nhất đánh giá, sau hơn 7 năm thực hiện, kết quả cho thấy hai trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến tích cực về mọi mặt. Cụ thể, hai trường từng bước mở rộng quy mô đào tạo và chú trọng hoàn thiện giáo trình, đồng thời đổi mới phương pháp đào tạo; hoạt động nghiên cứu khoa học có những bước phát triển mới; đội ngũ giảng viên ngày càng được tăng cường, nâng cao chất lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và học tập được quan tâm, đầu tư trọng điểm; mở rộng hợp tác trao đổi quốc tế đào tạo cán bộ phát luật trong và ngoài nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp

Song song với những thành tựu đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện Đề án. Việc mở rộng quy mô đào tạo của hai trường chưa có chuyển biến đột phá so với yêu cầu; hoạt động nghiên cứu khoa học chưa có tính ứng dụng cao; việc phát triển đội ngũ giảng viên còn gặp khó khăn, đặc biệt là số lượng giảng viên còn thiếu so với yêu cầu của Đề án và so với nhu cầu mở rộng quy mô đào tạo; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập chưa tương xứng với một cơ sở hàng đầu của cả nước về đào tạo cán bộ pháp luật.

Để khắc phục những điều trên, Ban Chỉ đạo nêu rõ, cần đánh giá kỹ lưỡng và thẳng thắn về các tồn tại, bất cập trong khâu tổ chức, hoạt động của hai trường, trong đó cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với việc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác đào tạo luật, nhất là trong bối cảnh cho các trường tự chủ đào tạo, tạo môi trường thuận lợi cho hai trường phát triển xứng đáng là trường trọng điểm đào tạo nhân lực về pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của hai trường trong việc tự khẳng định vị thế của mình là những cơ sở có uy tín, kinh nghiệm trong đào luật, đặc biệt chú trọng xây dựng và triển khai chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên có chất lượng và có thể giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, coi đây là điều kiện quan trọng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế; tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật từ khâu xác định chuẩn đầu vào; xây dựng, ban hành Chuẩn chương trình đào tạo, kiểm định chặt chẽ chất lượng đào tạo và kết quả đầu ra của hai trường.

 

Thực hiện bởi Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top