Tổng thuật hội thảo: “Kiểm soát tập trung kinh tế đối với các giao dịch thực hiện ngoài lãnh thổ theo pháp luật một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam”

Sáng ngày 14/10/2022, nhóm nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ do PGS. TS. Hà Thị Thanh Bình phối hợp với Khoa Luật thương mại, Trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Kiểm soát tập trung kinh tế đối với các giao dịch thực hiện ngoài lãnh thổ theo pháp luật một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam.

Hội thảo “Kiểm soát tập trung kinh tế đối với các giao dịch thực hiện ngoài lãnh thổ theo pháp luật một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam” với sự tham gia của nhiều chuyên gia và đông đảo sinh viên

Hội thảo có sự tham dự của các khách mời như Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Luật sư thành viên - công ty Luật LNT & Partners; Ông Tiêu Quang Khánh - Cục Quản lý Cạnh tranh (tham dự online), giảng viên ở các cơ sở đào tạo khác (tham dự online). Hội thảo cũng có sự tham dự của Ban chủ nhiệm Khoa và các trưởng Bộ môn của khoa Luật Thương mại, Đại diện Ban chủ nhiệm khoa Quản trị, các giảng viên của khoa Luật Thương mại, học viên cao học và sinh viên của Trường.

PGS.TS Hà Thị Thanh Bình – Trưởng Khoa Luật Thương mại thay mặt Ban tổ chức Hội thảo phát biểu khai mạc Hội thảo

Khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình phát biểu: Trên thực tế, nhiều giao dịch mua lại các doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện bởi các doanh nghiệp ở nước ngoài, sở hữu gián tiếp hoặc có quyền kiểm soát các doanh nghiệp ở Việt Nam qua nhiều tầng, nhiều doanh nghiệp trung gian hoặc dưới các hình thức rất đa dạng. Điển hình như việc Grab mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á hay vụ việc TCC Holdings (Thái Lan) mua lại Metro Vietnam… Các vụ việc này đều có những ảnh hưởng nhất định đến cạnh tranh trên thị trường tại Việt Nam nhưng pháp luật Việt Nam hiện hành tại thời điểm đó (Luật Cạnh tranh 2004) không thể can thiệp một cách hiệu quả do sự thiếu hụt các quy định pháp luật cụ thể và khả thi. Luật Cạnh tranh 2018 đã có những quy định tương đối cụ thể nhằm kiểm soát các giao dịch tập trung kinh tế được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động hoặc có khả năng gây tác động đến cạnh tranh trên thị trường trong nước. Các quy định này được đánh giá là đã cập nhật được xu hướng, ít nhất đã trực tiếp và minh thị kiểm soát các giao dịch này dưới góc độ bảo vệ cạnh tranh trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định hiện hành nhằm kiểm soát các giao dịch tập trung kinh tế được thực hiện ngoài lãnh thổ ở Việt Nam còn mang tính hình thức, khả năng áp dụng trong thực tiễn còn gặp nhiều trở ngại do chưa thực sự cụ thể và hợp lý. Pháp luật kiểm soát tập trung kinh tế ở nước ta được hình thành và phát triển sau nhiều nước trên thế giới. Vì thế, nghiên cứu pháp luật các quốc gia này để cung cấp các cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng, sửa đổi bổ sung các văn bản dưới luật nhằm kiểm soát các giao dịch thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường trong nước là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết hiện nay.

PGS.TS Hà Thị Thanh Bình – Trưởng Khoa Luật Thương mại và Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Luật sư thành viên - công ty Luật LNT & Partners (từ trái sang) đồng chủ trì Hội thảo

Phần trình bày tham luận được điểu hành bởi hai chủ tọa là PGS. TS. Hà Thị Thanh Bình và Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Luật sư thành viên - công ty Luật LNT & Partners). Năm tham luận được trình bày bao gồm:

- Cơ sở lý luận của việc kiểm soát tập trung kinh tế đối với giao dịch được thực hiện ngoài lãnh thổ” (PGS. TS. Hà Thị Thanh Bình - Khoa Luật Thương Mại - Trường Đại học Luật TP. HCM). Tham luận xác định đối tượng cần kiểm soát là các giao dịch về TTKT được tiến hành ở nước ngoài do các chủ thể nước ngoài thực hiện; đồng thời giới thiệu và phân tích các học thuyết về xác định chủ quốc gia đối với các giao dịch TTKT ngoài lãnh thổ.

- “Cơ sở để xác định phạm vi áp dụng ngoài lãnh thổ của pháp luật kiểm soát tập trung kinh tế Hoa Kỳ” (TS. Trần Hoàng Nga - Khoa Luật Thương Mại - Trường Đại học Luật TP. HCM). Tham luận giới thiệu các học thuyết về kiểm soát các giao dịch TTKT ở Hoa Kỳ dựa trên các quy định của hai đạo luật Clayton và Sherman Act; và giới thiệu các nguyên tắc được Tòa án áp dụng đối với các giao dịch TTKT trên thực tế.

- “Căn cứ và thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật kiểm soát tập trung kinh tế của Châu Âu đối với các giao dịch được thực hiện ngoài lãnh thổ” (LS. Trần Xuân Chi Anh - Luật sư Công ty Luật Kim & Chang (Hàn Quốc)). Tham luận trình bày một số lý thuyết cơ bản về xác lập thẩm quyền ngoài lãnh thổ của luật Cạnh tranh châu Âu, các Quy định về TTKT của Châu Âu và giới thiệu sự tham khảo quy định của CQ quản lý cạnh tranh của Đức.

- “Pháp luật và thực tiễn kiểm soát tập trung kinh tế đối với các giao dịch được thực hiện ngoài lãnh thổ của Trung Quốc” (TS. Phạm Trí Hùng - Khoa Luật Thương Mại - Trường Đại học Luật TP. HCM). Tham luận tìm hiểu pháp luật kiểm soát TTKT đối với các giao dịch được thực hiện ngoài lãnh thổ của Trung Quốc qua khái niệm tập trung kinh tế theo pháp luật chống độc quyền Trung Quốc, và thực tiễn kiểm soát tập trung kinh tế đối với các giao dịch này ; từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và đưa ra các đề xuất cho Việt Nam;

- “Quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam nhằm kiểm soát tập trung kinh tế nói chung và tập trung kinh tế được thực hiện ngoài lãnh thổ nói riêng” (Th.S Đặng Quốc Chương - Khoa Luật Thương Mại - Trường Đại học Luật TP. HCM). Tham luận phân tích các quy định của PL cạnh tranh Việt Nam liên quan đến giao dịch TTKT ngoài lãnh thổ và đặt ra vấn đề xác định thị phần kết hợp đối với các giao dịch được thực hiện ngoài VN, xem xét lại một số tiêu chuẩn định lượng và tính hiệu quả của chúng trong thực thi.

Tại phần thảo luận, các diễn giả và khách mời tích cực trao đổi ý kiến và quan điểm. ThS Đặng Quốc Chương và TS Phạm Trí Hùng nêu vấn đề: Thẩm quyền của VN đối với giao dịch TTKT ngoài lãnh thổ cách thức xác định thị trường liên quan.

TS. Phạm Trí Hùng đóng góp ý kiến tại Hội thảo

LS. Nguyễn Anh Tuấn trình bày: tiêu chuẩn, đánh giá cao giao dịch TTKT cần được kiểm soát được áp dụng dựa trên định nghĩa của PLVN. Ngưỡng tiêu chí để xác định là tổng doanh thu ở VN. VN thừa nhận học thuyết "một thực thể KT" một cách gián tiếp: thể hiện thông qua cách tính tổng doanh thu của chung cả nhóm các doanh nghiệp (đối với các doanh nghiệp đa quốc gia). Về cách xác định thị trường liên quan, đây là vấn đề hết sức phức tạp. Phương pháp xác định phải dựa trên một phương pháp thống nhất và xác định trên từng vụ việc cụ thể. Một vấn đề thường thấy trên thực tế là xác định thị trường liên quan dựa trên phạm vi thị trường toàn cầu. LS cũng tán thành với ý kiến NĐ35/2020/NĐ-CP: còn chứa đựng nhiều bất cập.

PGS. TS. Hà Thị Thanh Bình nêu quan điểm: chúng ta cần phải tuân thủ triết lý của ý nghĩa của việc kiểm soát TTKT, tức là chỉ những giao dịch có tác động tiêu cực tới thị trường VN thì mới cần được kiểm soát còn những giao dịch TTKT không có tác động tiêu cực thì dù có thỏa mãn ngưỡng thông báo thì vẫn không cần thiết phải kiểm soát. Một nguyên nhân cho những bất cập của PL hiện hành là sự thiếu sót và vắng bóng của Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia. Về thị phần kết hợp, thị phần của các doanh nghiệp nên được xác định dựa trên thị phần của doanh nghiệp đó tại VN nhằm phục vụ mục đích kiểm soát các GDTTKT có tác động tới thị trường VN. Hiện nay, cách thức kiểm soát TTKT của VN đang quá "chật chội" nhằm mục đích không để lọt lưới tất cả giao dịch. PLVN phải xây dựng chính sách kiểm soát TTKT hướng đến nâng đỡ thị trường, tập trung vào các giao dịch lớn, có tác động tiêu cực mà thôi.

PGS.TS. Nguyễn Văn Vân và PGS. TS. Nguyễn Thị Thủy đề xuất: khi xây dựng các quy định về kiểm soát TTKT, nhất là đối với các GD ngoài lãnh thổ, các cơ quan lập pháp cần xác định rõ khách thể cần bảo vệ (bảo vệ ai? cái gì? vì mục đích gì?) để có thể xây dựng các quy định hợp lý.

PGS.TS. Nguyễn Văn Vân đề xuất phương hướng xây dựng quy định pháp lý phù hợp

PGS. TS. Nguyễn Thị Thủy đặt vấn đề đối với việc xác định rõ khách thể trước khi tiến hành thiết lập cơ chế điều chỉnh

LS. Nguyễn Anh Tuấn trình bày thêm: thực chất Luật cạnh tranh hiện nay đã tiến bộ hơn rất nhiều so với trong quá khứ. Bất cập không nằm nhiều ở các quy định mà ở cơ quan thực thi. VN cần nhanh chóng thành lập cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia trong khi LCT 2018 đã được áp dụng 3 năm nay.

Toàn thể khách mời và sinh viên tham dự cùng chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Bế mạc Hội thảo, PGS.TS Hà Thị Thanh Bình cảm ơn các đóng góp và ý kiến của các diễn giả cũng như các khách mời và khẳng định đây là những đóng góp rất có ý nghĩa cho nhóm nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ. Nhóm nghiên cứu sẽ cân nhắc các gợi ý và góp ý này, nghiên cứu và hoàn thiện thêm để đưa vào đề tài. Hội thảo kết thúc lúc 11:00 sáng cùng ngày.

Nội dung: ThS. Nguyễn Thị Phương Hà

Hình ảnh: Phương Trinh

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top