Tổng thuật Hội nghị khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Luật TP.HCM đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế”

Với mục đích trao đổi, thảo luận để xác định rõ hơn chiến lược phát triển của Nhà trường trong giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn cho những năm tiếp theo, vào sáng ngày 29/03/2021 tại Hội trường A.1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành, trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội nghị khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Luật TP.HCM đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế” trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng kỷ niệm 45 năm truyền thống và 25 năm ngày mang tên trường Đại học Luật TP.HCM.

Hội nghị khoa học thu hút sự tham gia của nhiều đại diện lãnh đạo Ban ngành, chuyên gia, cán bộ, giảng viên trong và ngoài trường

Hội nghị trân trọng đón tiếp sự tham gia của TS. Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội Việt Nam; TS. Lê Thị Kim Thanh – Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; TS. Nguyễn Viết Lộc – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Mai Thị Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Nguyễn Đỗ Kiên – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp, cùng lãnh đạo của Đoàn Luật sư TP.HCM và Hội Luật gia TP.HCM; Đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM và Tòa án Nhân dân TP.HCM, Đại diện lãnh đạo Viện Kiểm sát cấp cao tại TP.HCM và Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM, cùng đại diện lãnh đạo Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC). Ngoài ra, Hội nghị hân hạnh đón tiếp đại diện các cơ sở đào tạo Luật lớn của Việt Nam như: Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM), lãnh đạo Khoa Luật của các cơ sở giáo dục ở khu vực phía Nam… và lãnh đạo các đơn vị sử dụng lao động, các hãng Luật lớn cùng đại diện cựu sinh viên các hệ đào tạo, bậc đào tạo của Nhà trường.

Về phía trường Đại học Luật TP.HCM, chủ trì Hội nghị gồm có PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Trần Hoàng Hải - Quyền Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Bùi Xuân Hải - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Lê Trường Sơn - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, và hơn 200 cán bộ, giảng viên là lãnh đạo các Khoa, Phòng, Trung tâm của Nhà trường cùng tham dự Hội nghị.


PGS.TS. Trần Hoàng Hải – Quyền Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Trần Hoàng Hải - Quyền Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM - gửi lời cảm ơn chân thành đến các vị khách mời đã quan tâm, đóng góp ý kiến đối với chiến lược phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Nhà trường. Bên cạnh việc bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hơn nữa chương trình đào tạo các thế hệ sinh viên cho phù hợp với nhu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế, PGS.TS. Trần Hoàng Hải cũng quan tâm đến việc Hội nghị có thể đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm khắc phục một số khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng trong công tác thực hiện định hướng chiến lược đào tạo của Nhà trường.

TS. Nguyễn Viết Lộc – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu về các vấn đề trọng tâm trong việc đào tạo nguồn nhân lực

Đồng phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Viết Lộc - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết trường Đại học Luật TP.HCM nói riêng cùng các cơ sở đào tạo luật trên cả nước nói chung đang bước vào giai đoạn mà toàn cầu hóa và sự đổi mới trong các quy định pháp luật liên quan đang là xu thế phát triển chung. Từ đó, TS. Nguyễn Viết Lộc đưa ra một số vấn đề trọng tâm mà trường Đại học Luật TP.HCM cần lưu ý trong công tác đào tạo nguồn nhân lực Chất lượng cao như kỹ năng mềm, văn hóa và phản biện chính sách.  

Thông qua Hội nghị, Nhà trường kỳ vọng giải quyết được các vấn đề sau đây:

- Định hướng chiến lược phát triển của trường Đại học Luật TP.HCM trong giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn cho những năm tiếp theo;

-  Định hướng phát triển công tác đào tạo cho các hệ đào tạo trong giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn cho những năm tiếp theo;

- Định hướng phát triển công tác nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và sinh viên trong giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn cho những năm tiếp theo;

- Định hướng phát triển hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế trong giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn cho những năm tiếp theo;

- Định hướng phát triển cơ sở vật chất của nhà trường trong giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn cho những năm tiếp theo.

Các vị đại biểu, khách mời chăm chú lắng nghe phần trình bày của diễn giả trong phiên thảo luận

Với sự chủ trì của PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm; PGS.TS. Trần Hoàng Hải; PSG.TS. Bùi Xuân Hải và TS. Lê Trường Sơn, Hội nghị được chia làm 02 phiên với nhiều bài tham luận của các chuyên gia, giảng viên trong và ngoài trường. Phiên thảo luận thứ nhất gồm 02 tham luận được trình bày, đó là:

- Tham luận “Tổ chức bộ máy của Trường Đại học Luật TP.HCM và định hướng đổi mới giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn trong những năm tiếp theo” do PGS.TS Vũ Văn Nhiêm trình bày;

- Tham luận “Đầu tư cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng yêu cầu xây dựng Trường Đại học Luật TP.HCM thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật” do TS. Lê Trường Sơn trình bày.

Từ việc trao đổi về khung pháp lý điều chỉnh việc tổ chức bộ máy Nhà trường và căn cứ vào tình hình thực tế, PGS.TS Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường đề xuất thành lập Phòng tổ chức – Cán bộ trên cơ sở nghiên cứu bộ máy tổ chức của các cơ sở đào tạo luật khác trên phạm vi cả nước. Ngoài ra, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm cho rằng Nhà trường nên cân nhắc việc thành lập các Viện, Trung tâm nghiên cứu cấp Trường hoặc cấp Khoa nhằm phục vụ cho việc xây dựng Trường Đại học Luật TP.HCM thành một trường đại học theo định hướng nghiên cứu.

PGS.TS Vũ Văn Nhiêm trình bày về định hướng phát triển tổ chức bộ máy nhà trường

Đối với vấn đề đầu tư cơ sở vật chất tại trường, TS. Lê Trường Sơn - Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã làm rõ thực trạng cơ sở vật chất tại 02 cơ sở đào tạo, bao gồm cơ sở Nguyễn Tất Thành (Quận 4) và cơ sở Bình Triệu (thành phố Thủ Đức), cùng tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở III tại phường Long Phước (thành phố Thủ Đức). TS. Lê Trường Sơn cho biết một trong những khó khăn lớn nhất trong vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng hiện nay là nguồn vốn đầu tư. Thực tế cho thấy, Nhà trường đang thực hiện tự chủ tài chính trong các lĩnh vực chi thường xuyên cùng chi đầu tư theo Quyết định số 521/QĐ-TTg, và nguồn thu chủ yếu của Nhà trường hiện nay là từ học phí. Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh từ các cơ sở đào tạo luật khác, năng lực đào tạo của Nhà trường… là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Một số giải pháp mang tính định hướng đã được TS. Lê Trường Sơn đưa ra, bao gồm việc xây dựng lại chính sách học phí mới, đẩy mạnh việc đầu tư nâng cấp máy chủ và phần mềm quản lý đào tạo theo tinh thần đồng bộ với xu hướng chính phủ điện tử hiện nay…   

TS. Lê Trường Sơn trình bày về định hướng phát triển cơ sở vật chất của trường

Phiên thảo luận thứ hai được diễn ra với 03 bài tham luận:

- Tham luận “Định hướng phát triển hoạt động đào tạo của Trường Đại học Luật TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn những năm tiếp theo” do PGS.TS. Bùi Xuân Hải trình bày;

- Tham luận “Hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên tại Trường Đại học Luật TP.HCM” do TS. Lê Thị Thúy Hương trình bày;

- Tham luận “Định hướng mở rộng và phát triển hợp tác với các cơ quan, tổ chức và cơ sở giáo dục trong nước” do PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa trình bày.

PGS.TS Bùi Xuân Hải trình bày về định hướng phát triển của hoạt động đào tạo

Mở đầu phiên thảo luận thứ hai, PGS.TS. Bùi Xuân Hải - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường khái quát một số định hướng chiến lược chung về công tác đào tạo đến giai đoạn năm 2030, như tiếp tục mở thêm ngành đào tạo mới, quốc tế hóa chương trình đào tạo, thay đổi phương pháp giảng dạy trên cơ sở học tập kinh nghiệm từ trường Luật tại nước ngoài,… Từ đó, PGS.TS. Bùi Xuân Hải đưa ra đề xuất liên quan đến phát triển đào tạo Chất lượng cao, hình thức và hoạt động giảng dạy cho các hệ đào tạo khác nhau nhằm thực thi một cách hiệu quả những định hướng nêu trên.

Trong phần trình bày về tình hình triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM, TS. Lê Thị Thúy Hương – Trưởng phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM cho biết giảng viên của trường trong những năm gần đây đã tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học với nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên chủ yếu nằm trong khuôn khổ đề tài cấp trường, các công bố cũng chủ yếu được đăng tải trên các tạp chí trong nước; vì vậy, số lượng đề tài ở cấp Bộ, cấp Nhà nước cũng như lượng bài viết được công bố tại các tạp chí quốc tế uy tín của cán bộ, giảng viên Nhà trường còn rất khiêm tốn, chưa phản ánh hết được tiềm lực nghiên cứu của giảng viên trong trường và chưa thể hiện được vị thế của một trường trọng điểm…

TS. Lê Thị Thuý Hương trình bày về định hướng phát triển hoạt động NCKH của giảng viên và sinh viên

Cũng trong phiên thảo luận này, nhiều quý học giả, chuyên gia, cán bộ, giảng viên trong và ngoài trường đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến về cơ cấu và quyền hạn của Hội đồng trường dựa trên kinh nghiệm từ mô hình Hội đồng trường nước ngoài, yêu cầu rà soát lại Đề án cho phù hợp với Nghị định 120/2020/NĐ-CP, các ý kiến liên quan đến hoạt động đào tạo sau đại học của trường, v.v…

Sau 02 phiên thảo luận cùng với sự đóng góp của 17 bài tham luận đến từ học giả, chuyên gia, cán bộ, giảng viên trong và ngoài trường, Hội nghị khoa học đã kết thúc thành công, tốt đẹp với việc đặt ra các vấn đề chung về công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong xu thế hiện nay, cũng như các khuyến nghị, đề xuất đáng quan tâm nhằm khắc phục những bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển của trường Đại học Luật TP.HCM.

Hội nghị khoa học kết thúc thành công, tốt đẹp vào lúc 13g cùng ngày

Nội dung: Thu Hương, Minh Hoàng

Hình ảnh: Vân Anh, Ngọc Thắng

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top