Khoa Luật Quốc tế tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện khung pháp lý kinh tế số trong kinh doanh thương mại"

Trong kỷ nguyên của nền kinh tế số, công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng, là chìa khoá cho sự phát triển vượt bậc của mọi lĩnh vực, theo đó  hiện nay hoạt động kinh tế đã và đang hiện diện nhiều loại hình kinh doanh thương mại mới như kinh tế chia sẻ/kinh tế nền tảng số, cho vay ngang hàng (P2P lending) hay ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà công nghệ đang mang lại thì những vấn đề pháp lý liên quan đến vấn đề này cũng đặt ra nhiều câu hỏi mà cả thế giới quan tâm. Trên cơ sở đó, vào lúc 8h00-12h00 ngày 10/08/2021, Khoa Luật Quốc tế, trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến với chủ đề “Hoàn thiện khung pháp lý kinh tế số trong kinh doanh thương mại”, nhằm tạo ra diễn đàn nghiên cứu chuyên sâu, bình luận và đánh giá tác động của những vấn đề này. Hội thảo được tổ chức thông qua phòng họp trực tuyến Zoom, livestream Facebook tại Fanpage “Trường Đại học Luật TP.HCM” và Fanpage “Khoa Luật Quốc tế”.

Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Trần Việt Dũng – Trưởng Khoa Luật Quốc tế; TS. Phan Hoài Nam – Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế; TS. Trần Hoàng Nga – Giám đốc Trung tâm thư viện; LS. Nguyễn Việt Hà – LS điều hành công ty luật Lexcomm; ThS. Đinh Thị Chiến – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật thường xuyên Đại học Luật TP.HCM và các giảng viên của Khoa Luật quốc tế; cùng với sự tham gia của các giảng viên, học viên cao học và sinh viên Trường Đại học Luật TP. HCM, Trường Đại học Luật Hà Nội; Trường Đại học Kinh tế - Luật; Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Luật – Đại học Huế, Đại học Trà Vinh,...

 

Hội thảo thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia, diễn giả

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Trần Việt Dũng cho biết việc tổ chức bằng hình thức trực tuyến thông qua ứng dụng Zoom đã góp phần tạo cơ hội mang Hội thảo khoa học “Hoàn thiện khung pháp lý kinh tế số trong kinh doanh thương mại”, đến gần hơn với mọi người, khi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của hơn 300 khách mời đến từ khắp nơi trên cả nước. Từ rất nhiều các bài tham luận gửi tới Hội thảo, Ban tổ chức đã chọn ra 08 bài tham luận xoay quanh các vấn đề pháp lý nóng và quan trọng của kinh tế số.

 

PGS.TS Trần Việt Dũng – Trưởng khoa Luật Quốc tế chia sẻ mục đích, nội dung của buổi hội thảo

Hội thảo với 13 bài tham luận và trình bày 08 đề tài nhằm tìm hiểu và phân tích chuyên sâu bốn chủ đề chính về những vấn đề pháp lý trong nền kinh tế số.

Mở đầu phiên tham luận thứ nhất, ThS. Ngô Đình Thiện - Giảng viên khoa Luật Quốc tế đã chia sẻ khung pháp lý điều chỉnh mô hình cho vay ngang hàng (P2P lending) trên thế giới và đưa ra những định hướng cho Việt Nam về Cơ chế quản lý thử nghiệm và Cơ chế trung tâm thử nghiệm. Trong vấn đề về mô hình vận tải thông qua nền tảng số, ThS.NCS. Đinh Thị Chiến đã phân tích các vấn đề pháp lý trongquan hệ giữa doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên nền tảng công nghệ với tài xế từ góc độ pháp luật lao động và cho rằng pháp luật cần quy định đó là quan hệ lao động. Trong khi đó, LS. Nguyễn Việt Hà và LS. Trần Thanh Sơn, lại đưa ra góc nhìn về vấn đề này của doanh nghiệp công nghệ; nhấn mạnh tới những cơ hội kinh doanh và tính chất tự chủ chủ người vận chuyển, coi đó những rào cản về lý luận có thể áp dụng một cách trực tiếp các quy định của luật lao động để điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể này. Mặt khác, LS. Nguyễn Việt Hà cũng nêu vai trò của các doanh nghiệp công nghệ và trách nhiệm tuân thủ pháp luật của họ trong kinh doanh với ví dụ của Uber tại thị trường Việt Nam trước đây.

 

ThS.NCS. Đinh Thị Chiến – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật thường xuyên Đại học Luật TP.HCM trình bày nội dung bài tham luận

Tại phiên thứ hai, các đề tài tham luận về tiền ảo và hợp đồng thông minh của LS. Hoàng Lê Quân và ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy đã thu hút nhiều ý kiến trao đổi trong phiên thảo luận, đặc biệt là các vấn đề về: căn cứ pháp lý của tiền ảo hiện nay cũng như ứng dụng công nghệ blockchain trong hợp đồng thông minh (những hợp đồng được soạn thảo bởi các ứng dụng công nghệ).

 

LS. Hoàng Lê Quân - đại diện công ty luật Lexcomm VietNam LLC giải đáp những thắc mắc của các chuyên gia, diễn giả

Tại phiên thứ ba, LS. Lê Thu Minh - đại diện Công ty luật Baker Mckenzie Việt Nam, đã trình bày tham luận về vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trong nền kinh tế số; tập trung phân tích, đánh giá hệ thống các văn bản pháp luật phức tạp và chồng chéo của Việt Nam và những khó khăn trong việc thực thi pháp luật, một số điểm cần lưu ý đối với việc cá nhân phải tự bảo vệ mình trong thực tiễn cung cấp thông tin trên mạng internet hiện nay.

 

LS. Lê Thu Minh - đại diện công ty luật Baker Mckenzie Việt Nam chia sẻ phần tham luận về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Phiên cuối của hội thảo, bao gồm các vấn đề mang tính thời sự, đó là tư cách pháp lý của các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) và trách nhiệm dân dự của nhà cung cấp xe tự hành. Theo ThS. Nguyễn Đào Phương Thuý, ứng dụng AI đã và đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực nhưng hiện nay Việt Nam chưa xác định tư cách pháp lý của AI và đa số các quốc gia tập trung điều chỉnh AI với tư cách là tài sản, công cụ của trí tuệ. Bên cạnh đó, ThS. Lê Trần Quốc Công đã phân tích vấn đề xác định trách nhiệm pháp lý dân sự của xe tự hành theo 2 mô hình điển hình tại Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ.

 

ThS. Lê Trần Quốc Công - GV Khoa Luật Quốc tế, trường Đại học Luật TP.HCM tổng kết nội dung phần tham luận của mình

Trong suốt gần 04 tiếng diễn ra vô cùng sôi nổi, Hội thảo khoa học trực tuyến  đã mang đến nhiều thông tin hữu ích, thiết thực và đầy mới mẻ về những vấn đề pháp lý liên quan đến nền kinh tế số thu hút sự quan tâm của đông đảo khách mời, sinh viên và học viên.

Kết thúc Hội thảo, PGS.TS Trần Việt Dũng đã tổng kết các vấn đề được trình bày và tranh luận tại hội thảo và thay mặt ban tổ chức gửi lời cảm ơn đến hơn toàn thể khách mời, đại biểu tham dự hội thảo, cũng như các tác giả đóng góp bài tham luận cho Hội thảo, đồng thời khẳng định những ý kiến trao đổi, kiến nghị sẽ được tổng hợp và gửi tới cơ quan có thẩm quyền, góp phần xây dựng pháp lý Việt Nam về kinh doanh thương mại phù hợp hơn với thực tiễn phát triển của nền kinh tế số.  

Nội dung: Khoa Luật Quốc tế, Lê Duyên

Hình ảnh: Vân Anh

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top