Hội thảo khoa học “Mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố: triển vọng và thách thức đối với thành phố Hồ Chí Minh”

Nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu trao đổi, làm rõ ý tưởng, cơ hội, triển vọng phát triển bên cạnh những khó khăn, thách thức về chính trị, pháp lý mà chính quyền TP.HCM phải đối mặt khi xây dựng, vận hành thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Vào sáng ngày 09/12/2020, tại Hội trường A1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành Trường Đại học Luật TP.HCM, Hội thảo khoa học “Mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố: triển vọng và thách thức đối với TP. Hồ Chí Minh” đã được diễn ra.

Tham dự Hội thảo lần này, về phía khách mời, có Ông Huỳnh Khắc Điệp – Chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM; ThS. Phan Thị Bình Thuận – Đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM; ThS. Nguyễn Thị Đào – Phó Chánh Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương; Ông Nguyễn Đức Thịnh – Trưởng Phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ TP.HCM; ThS. Nguyễn Văn Kiên -  Chủ tịch UBND phường Thủ Thiêm, Quận 2; ThS. Ngô Văn Hoàng – Phó Chủ tịch UBND phường Tăng Nhơn Phú A, Quận 9; Chuyên gia Diệp Văn Sơn – Chuyên viên cao cấp, Nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hành chính học Việt Nam; PGS. TS. Bùi Anh Thủy – Trưởng Khoa Luật, Trường Đai học Văn Lang; PGS. TS. Phan Quang Thịnh – Trưởng Bộ môn Luật Hiến pháp – Hành chính, Đại học Văn Lang; LS. Lê Trung Phát – Giám đốc hãng luật Lê Trung Phát và các học giả đến từ Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM; Khoa Luật Trường Đại học Mở TP.HCM; Đại diện Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Phúc Khang.

Về phía Nhà trường, có sự tham gia của PGS. TS. Vũ Văn Nhiêm – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS. TS. Nguyễn Cảnh Hợp – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Đào tạo Trường, Nguyên Trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước cùng với các giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và sinh viên có quan tâm.

 

Toàn cảnh buổi Hội thảo khoa học “Mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố: triển vọng và thách thức đối với TP. Hồ Chí Minh”

Hội thảo khoa học “Mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố: triển vọng và thách thức đối với TP. Hồ Chí Minh” được chia làm hai phiên thảo luận xoay quanh hai vấn đề lớn: Lý luận chung về mô hình thành phố trực thuộc thành phố và Tổ chức chính quyền thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM: Triển vọng và thách thức.

 

Ban chủ tọa phiên thứ nhất (từ trái sang phải): PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường; PGS. TS. Vũ Văn Nhiêm – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật TP.HCM; PGS. TS. Đỗ Minh Khôi – Phụ trách công tác Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo sau đại học Khoa Luật Hành chính – Nhà nước; PGS. TS. Nguyễn Cửu Việt – Nguyên trưởng Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên giảng viên trường Đại học Luật TP.HCM

 

Ban chủ tọa phiên thứ hai (từ trái qua phải): PGS.TS. Nguyễn Cảnh Hợp – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo trường; PGS. TS. Vũ Văn Nhiêm – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật TP.HCM; ThS. Phan Thị Bình Thuận – Đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM; Chuyên gia Diệp Văn Sơn – Chuyên viên cao cấp, Nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hành chính học Việt Nam

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Vũ Văn Nhiêm – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật TP.HCM đã nêu lên vị trí, tầm quan trọng của TP.HCM – đô thị bậc nhất của phía Nam, nơi đóng góp không chỉ về mặt kinh tế mà còn sẵn sàng “thí nghiệm” những chủ trương, chính sách mới của Nhà nước. Tuy nhiên, sự thành lập mô hình thành phố thuộc thành phố ở TP.HCM vẫn còn nhiều băng khoăn, trăn trở cũng như các thách thức hiện nay. PGS. TS. Vũ Văn Nhiêm đánh giá rất cao về tầm quan trọng, ý nghĩa và giá trị cao về mặt khoa học lẫn thực tiễn của Hội thảo lần này.

 

PGS. TS. Vũ Văn Nhiêm – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật TP.HCM đánh giá rất cao về tầm quan trọng, ý nghĩa và giá trị cao về mặt khoa học lẫn thực tiễn của Hội thảo lần này

Mở đầu phiên thứ nhất, ThS. Nguyễn Thị Thiện Trí – Giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TP.HCM trình bày bài tham luận với chủ đề “Cơ sở khoa học của mô hình tổ chức chính quyền thành phố thuộc thành phố và vấn đề vận dụng ở Việt Nam” đã phân tích về đô thị hóa mạnh mẽ trên toàn thế giới và các thành phố lớn ở Việt Nam, đặt ra nhu cầu bức thiết về việc giải phóng đô thị và quy hoạch phát triển đô thị. Từ đó, đưa ra những cơ sở khoa học mang tính phổ quát về chính quyền thành phố thuộc thành phố và những đánh giá về tính khoa học của mô hình thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM.

 

ThS. Nguyễn Thị Thiện Trí – Giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TP.HCM đã đưa ra các vấn đề thành lập và tổ chức chính quyền thành phố thuộc thành phố mới nói chung và Thủ Đức nói riêng

Tiếp nối phần tham luận của ThS. Nguyễn Thị Thiện Trí, PGS. TS. Đỗ Minh Khôi – Phụ trách công tác Nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trưởng Bộ môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật, Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Đại Học Luật TP.HCM trình bày bài tham luận về “Quản trị nhà nước và quản trị đô thị hiện đại và gợi ý cho Việt Nam”. Tác giả đã phân tích về vai trò của đô thị, trong đó, tình hình đô thị hiện đại đang đứng trước những thách thức rất lớn của quá trình toàn cầu hóa về kinh tế, xã hội và môi trường, từ đó, khiến cho việc quản trị đô thị phải thay đổi và thích ứng. Bằng các kinh nghiệm thực tiễn, PGS. TS. Đỗ Minh Khôi đã đưa ra các gợi ý về việc quản trị đô thị ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là thay đổi nhận thức, cách thức tiếp cận về quản trị đô thị.

 

PGS.TS. Đỗ Minh Khôi – Phụ trách công tác Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo sau đại học Khoa luật Hành chính - Nhà nước trình bày tham luận về “Quản trị nhà nước và quản trị đô thị hiện đại và gợi ý cho Việt Nam”

Bài tham luận của PGS. TS. Vũ Văn Nhiêm – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật TP.HCM trình bày về chủ đề “Thành phố Thủ Đức – thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh” đã xoay quanh về 4 vấn đề: (1) Ý tưởng và hiện thực hóa mô hình thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; (2) TP. Thủ Đức – Thành phố thuộc TP.HCM: cơ hội phát triển; (3) TP. Thủ Đức – Thành phố thuộc TP.HCM: những thách thức trong việc phát triển và những vấn đề đặt ra cần giải quyết; (4) Nếu xây dựng “thành phố thuộc thành phố” thứ 2 tại Tp. HCM sau TP. Thủ Đức: chọn nơi đâu là phương án hợp lý?. Thông qua bài tham luận của mình, PGS. TS. Vũ Văn Nhiêm đã phân tích rất rõ các vấn đề, đồng thời, đây cũng là chủ đề mà các chuyên gia, học giả vô cùng quan tâm và trao đổi với những ý kiến trái ngược nhau.

 

Ông Huỳnh Khắc Điệp – Chánh Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã trình bày về sự cần thiết đề xuất Trung ương thành lập thành phố thuộc thành phố

Tại phiên thứ 2 gồm có các bài tham luận của Chuyên viên Diệp Văn Sơn – Chuyên viên cao cấp, Nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ, Uỷ viên ban chấp hành Hội hành chính học Việt Nam đã trình bày tham luận về “Thành phố Thủ Đức cơ hội nhiều nhưng thách thức không ít”; bài tham luận với chủ đề “Những yêu cầu đặt ra đối với Hội đồng Nhân dân TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM” do NCS. ThS. Trần Thị Thu Hà – Phó trưởng Bộ môn phụ trách Bộ môn Luật Hiến pháp, Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật TP.HCM trình bày; bài tham luận về “Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và những yêu cầu đối với cơ quan hành chính nhà nước trong chính quyền thành phố thuộc thành phố” qua sự trình bày của ThS. Trần Thị Thu Hà và bài thảo luận có chủ đề “Thách thức trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo khi xây dựng thành phố Thủ Đức và kiến nghị nhằm tháo gỡ, giải quyết” do ThS. Võ Tấn Đào trình bày.

 

Chuyên viên Diệp Văn Sơn – Chuyên viên cao cấp, Nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ, Uỷ viên ban chấp hành Hội hành chính học Việt Nam đã trình bày tham luận về “Thành phố Thủ Đức cơ hội nhiều nhưng thách thức không ít”

 

NCS. ThS. Trần Thị Thu Hà – Phó trưởng Bộ môn phụ trách Bộ môn Luật Hiến pháp, Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật TP.HCM trình bày về các thực trạng quy định pháp luật về cơ quan đại diện của chính quyền thành phố thuộc thành phố

 

ThS. Trần Thị Thu Hà trình bày bài tham luận: “Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và những yêu cầu đối với cơ quan hành chính nhà nước trong chính quyền thành phố thuộc thành phố”

Các học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đưa ra các ý kiến về các cơ hội và thách thức khi thành lập TP. Thủ Đức. Về ý kiến của ông Ngô Văn Hoàng – Phó Chủ tịch UBND Phường Tân Phú A, Quận 9, TP.HCM thì ông cho rằng việc tách hay nhập thành phố nhằm tận dụng các lợi thế của khu vực, từ đó, áp dụng các công nghệ quản lý sẽ khắc phục được những bất cập đặt ra, đồng thời, việc thành lập TP. Thủ Đức sẽ tạo điều kiện cho việc phối hợp khi xử lý vi pham, đồng bộ trong quy hoạch hạ tầng. ThS. Lưu Đức Quang – Giảng viên Trường Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM đưa ra một câu hỏi lớn cho vấn đề điều chỉnh lại đơn vị hành chính hiện nay: Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ thuộc sự quản lý của Quận Thủ Đức, TP.HCM và TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương, vậy sao không điều chỉnh lại đơn vị hành chính của vùng đất này, hiện nay, vì đơn vị hành chính bị chia cắt nên không đảm bảo an ninh?

 

Bà Phan Thị Bình Thuận – Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra những vấn đề cần giải quyết về đất đai, khiếu kiện khi thành lập thành phố Thủ Đức

Thông qua 06 bài tham luận và gần 20 ý kiến từ các học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu, thì chủ yếu các học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu ủng hộ đề án thành lập TP. Thủ Đức, tuy nhiên, cần phải đưa ra các giải pháp kịp thời cho những thách thức, khó khăn của việc lập TP. Thủ Đức. Hội thảo lần này đã gợi mở rất nhiều nội dung nhưng chỉ là bước tiền đề cho các Hội thảo khác tiếp tục phát triển, khai thác để thúc đẩy TP.HCM nói chung và TP. Thủ Đức nói riêng ngày một phát triển hơn trong thời buổi hội nhập hiện nay.

 

Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp

Nội dung: Hương Quỳnh, Kiều My, Duyên Lê

Hình ảnh: Lệ Huyền, Tân Hưng, Lê Tiến

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top